Thăm người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ

Thăm người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ
TP - Hẹn mãi, cuối cùng chuyến đi Ninh Bình thăm cụ Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ trước, chúng tôi cũng thực hiện được. Mấy tuần trước qua điện thoại cô con gái cho biết dạo này cụ không được khỏe.
Thăm người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ ảnh 1
 Nghệ nhân Hà Thị Cầu và các nghệ sĩ trẻ

Nhà hôm nay đông, chăng miếng bạt xanh lấp đầy khoảng không của cái sân hơn 20 mét. Chị Mận - con gái cụ Hà Thị Cầu- chạy ra đón.

Thấy chúng tôi, cụ gượng ngồi dậy, chỉ vào Mai Tuyết Hoa: “Đây là con Hoa, đây là Thao Giang”, nhìn sang Khương Cường và tôi: “Còn hai đứa này tao không nhớ”.

Hoa cho cụ biết chúng tôi đều là những người tham gia hoạt động khôi phục nghệ thuật hát xẩm, bây giờ Hà Nội rất nhiều nghệ sĩ trẻ muốn hát xẩm.

Chị Mận kể: Từ Tết ra cụ mệt, nửa tháng nay nặng hơn, hầu như chỉ nằm, thi thoảng chỗ đau lại nổi cục to bằng nắm đấm, từ bên phải chạy qua bên trái rồi đau ê ẩm cả người.

Gia đình đưa cụ lên huyện, tỉnh khám tới 3 lần đều bảo có u ác tính ở núm ruột thừa. Chị Mận cũng tính đưa cụ lên Hà Nội điều trị, ngặt nỗi kinh tế eo hẹp.

Từ Tết ra hầu như cụ chẳng đi hát, thỉnh thoảng trời mưa, thèm đàn, ôm cây nhị kéo mấy giai điệu bài Lưu Thủy. Bài nhạc vẫn thường sử dụng trong đám ma, lại kéo lúc trời mưa càng buồn, hàng xóm chạy sang bảo chơi bài vui hơn. Cụ lại cất cây đàn.

“Thôi cụ mệt vừa nằm vừa nói chuyện cũng được, toàn con cháu mà”. Cụ lẩm nhẩm: “Con cháu thì con cháu, phải có lề luật, kỷ cương”. “Thế dạo này cụ còn uống giời (cách cụ Cầu gọi rượu) không?”, “Có, nhưng ít hơn”. “Chị Mận đừng cho cụ uống rượu nữa, uống nhiều không hát được” -  Hoa nói với ra sân.

Cụ chau mày: “Cha tiên sư mày. Tao uống tao hát càng hay”. Hoa bảo cụ tính dí dỏm lắm “đặc chất xẩm”, cụ phải yêu quý mới mắng như vậy. Nhớ lại năm ngoái khi tham gia Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc vùng Đồng bằng Bắc bộ (VTV tổ chức ở Nam Định) lúc cụ hát cả Hoa, Văn Ty, Thao Giang cùng đệm nhạc.

Cụ không quen mặc mấy cái áo rườm rà, Hoa chỉnh lại cho cụ, giữa chương trình truyền hình trực tiếp mà cụ cao giọng: “Cha mày”. Thật may cụ nói nhỏ chỉ mấy người nghe thấy. Cả nhóm cười ngất ngây.

“Hôm nay về đúng ngày nhà có việc, các anh ở lại ăn cơm cùng gia đình” - Cụ nói. Thì ra ngày mai chị Mận đi lấy chồng. Cụ sinh được 7 người con giờ còn 3. Anh con cả Nguyễn Văn Cầu (cụ lấy tên Cầu kể từ khi cụ ông mất) làm công nhân ở Tam Điệp, hai người con gái ở quê, chị Mận (46 tuổi) ở cùng mẹ.

Mấy chục năm hai mẹ con đùm bọc nhau. Chị Mận làm đủ thứ việc từ buôn gạo rồi bán rau chẳng kiếm được bao nhiêu, lắm khi cụ còn hỗ trợ thêm bằng tiền đi hát. Trong lòng cụ chưa bao giờ an tâm khi chị ngày càng nhiều tuổi vẫn chưa chịu lấy chồng.

Cụ quê ở Nam Định, lên 10 tuổi đã đi hát xẩm cùng bố mẹ, lang thang kiếm sống ở các vùng quê Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. 16 tuổi cha mất, sau một thời gian gặp ông Chánh chương Mậu (trùm hát). Phục tài ông ấy chơi  đàn bầu, nhị và hát rất hay, thấy hợp tình hợp lý thế là đi theo.

Suốt thời gian dài cùng với bà cả chơi trống, cụ chơi hồ, nhóm hát xẩm của cụ lừng tiếng xa gần. Miền Nam giải phóng được một thời gian, cụ bỗng cảm kích, sáng tác bài Theo Đảng trọn đời rồi hát theo điệu Thập ân.

Đến quãng 1981 - 1982 được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình nghệ thuật Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, Nhạc viện HN mời cụ tham gia. Nhạc sĩ Thao Giang nhớ lại: “Một chương trình trang trọng như thế mà cụ khăng khăng các anh phải chuẩn bị cho tôi một cái chiếu, như thế mới là hát xẩm”.

“...Nhật Pháp dày xéo quê hương/Bà con chết đói ngập đầy đường sông... Giờ đây theo Đảng con đi/Giết giặc giữ nước yên thì biên cương... Vững tâm theo Đảng nghe con/Đạp bằng sóng gió, sắt son lời nguyền”.

Theo Đảng trọn đời  là một bài xẩm tràn đầy tình quê hương, lòng yêu nước. Sau chương trình, các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng đều hỏi han, khen ngợi. Cụ kể: “Bác Chinh hỏi về mức trợ cấp mỗi tháng, tôi bảo chẳng có đồng nào.

Bác Chinh lại bảo: “Lạ nhỉ”. Cụ nói tiếp: “Tôi trình bày với bác Chinh chỉ muốn được Nhà nước trợ cấp cho mỗi tháng một khoản để an tâm ca hát và sáng tác”. NSND Xuân Khải lúc ấy tới bên NS Thao Giang vui vẻ: “Thật mừng cho nghệ nhân Hà Thị Cầu”.

Bẵng đi hơn 20 năm, dù đã không ít lần được làm việc cùng cụ nhưng tới tận chuyến đi này NS Thao Giang mới giật mình biết ước nguyện của cụ vẫn chưa thành. Nguồn thu chủ yếu của cụ hiện nay là từ những người khách xẩm, nhưng từ vài tháng nay cụ mệt, hầu như không hát.

Mai Tuyết Hoa đề nghị để mấy hôm cụ đỡ hơn sẽ đưa ra Hà Nội đi chẩn đoán lại khối u độc ác kia có đúng không. Nhưng việc điều trị cho cụ sẽ mất một nguồn kinh phí vượt qua khả năng của chúng tôi, những người vẫn tự bỏ tiền túi đi sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc dân gian.

Tôi đang nghĩ sẽ đề đạt với BGĐ Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc VN và đơn vị đồng tổ chức phát động một chương trình ủng hộ nghệ nhân Hà Thị Cầu ngay tại sân khấu xẩm “Hà Nội 36 phố phường”. Mong sau đây cụ sẽ có một quyển sổ tiết kiệm nhỏ.

MỚI - NÓNG