Thăm thẳm bóng người

Thăm thẳm bóng người
TP - Tùy bút “Thăm thẳm bóng người” đã được trích đăng dài kỳ trên Tiền phong Cuối tuần và được bạn đọc hào hứng đón nhận. Sau một thời gian ngắn nghỉ “giải lao”, nhà văn Đỗ Chu lại tiếp tục những trang viết mới.

Loạt bài dưới đây ông có nhã ý dành riêng cho độc giả Tiền phong Cuối tuần, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thăm thẳm bóng người ảnh 1
Nhà thơ Phạm Tiến Duật  Ảnh: N.Đ.T

Cây sáo ở vị trí solo

Đọc anh Duật (nhà thơ Phạm Tiến Duật) thấy nói nhiều đến lửa, chỗ nào cũng lửa, lửa trong từng câu, trong từng bài và ở ngoài bìa những tập thơ.

Lửa đèn, Vầng trăng quầng lửa, Đường dài và những đốm lửa. Về sau này còn có Tiếng bom và tiếng chuông chùa viết vào những ngày hòa bình mà vẫn cứ bập bùng ánh lửa.

Lửa với anh Duật là những kỷ niệm không phai nhạt, là một biểu tượng sống, một phẩm chất làm nên cốt cách của anh. Trong anh Duật có một ngọn lửa vẫy gọi và nâng bước.

Nhiều trang ở tập văn xuôi Kim cương bất hoại còn đang dở dang và tập Vừa làm vừa nghĩ in năm trước anh đã dành nhiều đoạn mang trí tuệ cao để luận về lửa. Lửa nóng và lửa lạnh, vĩnh hằng biến ảo, sắc sắc không không, lửa trong đống nhấm bên đường của người đi gửi lại cho người đến, lửa chuyện trò cùng bạn bè và lũ con trẻ mai này. Dễ hiểu thôi vì Phạm Tiến Duật là người sống trong lửa, bước vào lửa và từ lửa lại bước ra.

Thăm thẳm bóng người ảnh 2

Trường Sơn đông Trường Sơn tây

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.
Trường Sơn tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi em có lấy măng không?
Em thương anh bên tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư.
Đông sang tây không phải đường thư
Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Đông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.
Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn.

Đầu tháng tám năm 1964 nổ ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, tàu khu trục Ma-đốc của Hải quân Mỹ xâm phạm hải phận ta, tảng sáng có đánh nhau, các vạn chài không ra khơi, được lệnh ẩn nấp. Trên trời những tốp phản lực Mỹ vượt vĩ tuyến 17 oanh tạc dọc duyên hải từ Vĩnh Linh tới Hòn Gai.

Pháo phòng không đồng loạt bắn trả. Đấy là sự khởi đầu cho một cuộc chiến tranh leo thang khốc liệt kéo dài suốt tám năm. Bom đã rơi trước cổng nhà, nay mai sẽ là Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng và sau hết sẽ tới Hà Nội phải gánh chịu những tổn thất không mấy nhẹ nhõm. Hà Nội mất ngủ, Hà Nội thức với những cuộc chuyển quân dàn trận, sẵn sàng đón nhận mọi thách thức.

Một hôm đồng chí Phạm Văn Đồng tới nói chuyện với tập thể thầy trò trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lúc sắp ra về đã hỏi, những ai ở đây tình nguyện đi chiến đấu? Hàng nghìn cánh tay con trai con gái lập tức đưa lên, mái gồi hội trường lớn lay động trong tiếng hô Lên đường, Lên đường!

Ông Thủ tướng tóc hoa râm từ trên bục nhìn xuống đám đông rừng rực, miệng thì cười mà đôi mắt lại rơm rớm muốn khóc. Rồi ông cụ nắm chặt hai tay mình mà đưa lên cao.

Tháng mười, sân trường diễn ra những cuộc chia tay kẻ ở người đi. Càng về sau càng nhiều gay gắt, càng gay gắt thì càng lắm lên đường, mỗi năm mấy bận có lệnh tuyển quân, nhiều trường có sáng kiến nhập mấy lớp vào làm một để giảng đường đỡ trống vắng.

Trong muôn người khoác ba lô ra đi quả thật lác đác vẫn có đôi người lùi lại. Xuất hiện bệnh đau đầu chóng mặt, xuất hiện những xanh xao thiếu máu trên những khuôn mặt tẻ lạnh và đã có hiện tượng xin tạm về nghỉ dưỡng bệnh ở quê nhà vì chương trình học tập nặng quá. Anh Duật cùng hàng trăm anh em khác đã thành người lính trong cuộc lên đường có ý nghĩa mở đầu của sinh viên thủ đô. Họ là sinh viên năm thứ tư Khoa Văn, vừa đi dạy thực nghiệm về.

Giờ đây ngồi điểm lại, thấy nhiều anh trở thành cán bộ có cương vị trong nhiều khu vực xã hội. Và cùng với anh Duật, có cả chục người sau này đã trở thành nhà văn, cống hiến không ít cho sự nghiệp chung. Một Ma Văn Kháng vạm vỡ, một Nguyễn Khoa Điềm nghĩ ngợi, một Nguyễn Đình Ảnh ung dung, một Tô Hoàng trầm tĩnh, một Nghiêm Đa Văn ào ạt, một Lâm Quang Ngọc thong thả, một Trần Quốc Anh lên trận địa cao xạ Linh Cảm làm thơ, đọc thơ và ngã xuống ở đó như một nhà thơ.

Các anh đều thấy vui mừng vì trong đội ngũ chung đã có một Phạm Tiến Duật, và các anh đều hiểu cái giá của một câu thơ bạn mình đã viết Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Hiểu nó bằng chính những gian lao mà mình đã nếm trải. Và chỉ những người như các anh mới thấy đằng sau câu thơ tưởng như không có gì ấy lại là có rất nhiều và cũng không ít ghê gớm.

Trong lần cho tái bản tập Thơ một chặng đường anh Duật đã phải chua một lời bình dưới bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Có một dòng không đúng sự thật, hết rau rồi em có hái măng không. Cả măng và rau chỉ có vào mùa mưa, hết rau thì cũng hết măng. Ở phía Tây Trường Sơn vào mùa khô bộ đội phải ăn cả củ măng ngựa, một loại củ còn chát hơn cả củ nâu. Nhưng chẳng nhẽ lại viết, hết rau rồi em có đào củ măng ngựa hay không? Đôi khi thơ chỉ cần gợi mà không cần thực vậy.

Về bài thơ này có lần một nhà thơ cùng lứa với tôi, lại là người bình văn rất chăm chỉ, đã chê câu Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Xem ý tứ anh ta nghĩ ngược lại. Với tôi, đây là câu thơ tả thực. Ai đã từng ra trận trong những ngày ấy hẳn rõ. Dù đổi mới đến đâu cũng không nên nói ngược.

Đấy là một lời nhắn nhủ buồn buồn hàm ý chê trách nhẹ thì phải. Nhân đây cũng xin được kể một chuyện để cùng hiểu thêm về anh.

Có một đêm vui bạn vui bè anh Duật đã uống nhiều rượu, nằm vật trên chiếc ghế bọc da trong phòng làm việc, tay chân nguềnh ngoàng cái co cái duỗi, nghe có tiếng tôi gọi anh vội choàng dậy, ngơ ngơ ngác ngác mắt nhắm mắt mở, vậy mà chỉ một thoáng lại tỉnh táo như thường, lại đã như một kẻ khác.

Anh cho biết suốt ngày chạy như cờ lông công để lo làm thủ tục lập Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi, rồi lại còn phải làm cuộc vận động để nâng tờ Tạp chí không ai đọc lên một tờ báo lớn xứng tầm là tiếng nói của mười Hội. Tôi ngồi vừa nghe vừa nhòm vào khuôn mặt hốc hác của anh, thấy cái mũi khoằm đang mỗi ngày một dài ra mà lấy làm sốt ruột. Tôi nói, người ta xếp anh vào ngồi ở chỗ này là muốn anh hãy cứ yên ổn cho chúng tôi nhờ, là gọi anh vào xó bếp bàn chuyện thiên hạ, vậy thì cựa quậy mà làm gì.

Anh Duật gườm gườm nhìn tôi rồi lắc đầu chán nản, bàn chuyện với thằng lười thật phí lời, toàn bàn lùi, thế là hết lửa mất rồi, thế là sống cũng như chết. Nói rồi anh vơ vội cây bút trên bàn, tiện có tờ báo đang trải rộng trước mặt anh vạch liền mấy nét ngang dọc, rồi sau đó vẽ thêm một hình vuông có bốn cửa mở.

Anh hất đầu hỏi tôi, có biết đây là đâu không? Tôi lắc đầu, chỉ thấy bài thơ Dàn khoan nhìn từ thềm Bạch Hổ của anh vừa in trong tờ báo đó đang bị dìm ngập dưới những gì mà anh đang vẽ. Anh nói đấy là thành Quảng Trị mùa hạ 1972.

Mỗi ngày ngã xuống đúng một đại đội đủ, một đại đội đủ là từ một trăm tám đến hai trăm người. Tám mươi mốt ngày ở đây là tám mươi mốt đại đội đủ ra đi. Chỗ này là chỗ vượt sông, đây là nơi có hỏa lực chốt chết, chỗ này là bãi giấu thương binh, còn chỗ này là nơi đã có những trận giáp lá cà.

Tôi ngờ nghệch như chú liên lạc đang ngồi nghe ông tướng dặn dò trước lúc mang lệnh lao vào chốn trận mạc. Và tôi chợt hỏi mình, người thế này mà tổ chức không xếp nổi cho một cương vị xứng đáng thì lạ thật, chỉ để anh làm thơ là lãng phí mất một nửa tài năng.

Chả trách ngày còn sống ông Tố Hữu thường dặn đi dặn lại, mình là nhà cách mạng làm thơ chứ không phải là nhà thơ làm cách mạng, nghe thế phải hiểu nhà cách mạng làm thơ ở một đẳng cấp, mà nhà thơ làm cách mạng lại ở một đẳng cấp, có khác nhau đấy.

Đầu những năm bảy mươi thế kỷ trước anh Duật chỉ suýt nữa là được bổ sung vào Ban lãnh đạo Trung ương Đoàn, lúc đó là ông Nguyễn Lam và ông Vũ Quang phụ trách. Nếu không gặp cái hạn bị nhắc nhở bởi bài thơ vớ vẩn Vòng trắng thì giờ khéo đã ngồi ở đâu chứ chả phải là ở xó buồng này. Rồi nhiều năm cánh bộ đội chúng tôi đã vịn vào những câu thơ của anh để ra trận, những câu thơ có lửa.

Nhớ lại những năm ấy mà thấy vui. Xuân Quỳnh gặp tôi ở đầu đường Bà Triệu mặt tươi như hoa, quần đen áo trắng phanh kít xe đạp hỏi dồn hỏi dập, đã thấy ông Duật mò ra chưa? Tôi gắt, bà này lạ nhỉ đang là mùa khô, mùa khô trong ấy là chỉ có đi vào, ai cho bà hỏi thế! Quỳnh xuê xoa cười, biết rồi, nhưng vì mong quá mới phải hỏi.

Chùm Lửa đèn của ông ấy sắp in, in cả năm bài kín hai trang báo. Tôi làm thường trực cuộc thi, xin nói nhỏ với ông cuộc thi đến cuối năm mới kết thúc nhưng đã có thể xem như tìm được thủ khoa rồi. Phen này thì ông Duật đúng là đai đen lên võ đài, tất cả mời dãn ra hết.

Đến ngày báo Văn nghệ tổ chức trao giải, có làm công văn đề nghị Tổng cục Chính trị gọi Duật ra cho mọi người được thấy mặt vị tân khoa, nhưng ông Chính Hữu đã gọi Ngô Văn Phú lúc đó vừa từ chỗ Duật về mà bảo, cậu sang bên Văn nghệ nhận giải nhất cuộc thi thay cho Phạm Tiến Duật vì lí do ở xa không về kịp. Đây là vinh dự của Duật mà cũng là của toàn quân, nếu phải đứng ra phát biểu thì cứ thế mà nói.

Lúc đứng lên tổng kết cuộc thi ông Chế Lan Viên lẫm liệt như vừa được uống thần dược, ông nói, đây là một sự kiện lớn trong đời sống văn học, rất nhiều năm sau sẽ khó có thể thấy, bởi vì từ hôm nay chúng ta đã có một Phạm Tiến Duật.

Sự xuất hiện của anh trên văn đàn là sự xuất hiện của một bút pháp, có sức đột phá, có sức khai mở một thi pháp. Ông Hoài Thanh vừa chân ướt chân ráo từ Viện Văn sang làm Chủ nhiệm báo đến bên Ngô Văn Phú mà hỏi ân cần, Duật còn ở ngoài này bao lâu, tòa soạn muốn làm một cuộc gặp gỡ riêng với anh.

Anh Phú lúng túng nói, Duật bận nên vắng mặt, tôi là người được ủy nhiệm thay mặt anh ấy đến nhận giải thưởng. Ông Hoài Thanh buông đúng một câu “vậy hả” rồi lảng liền. Giải nhất cuộc thi thơ là chiếc Orionton được lấy ra từ một thùng quà viện trợ, anh Phú vừa ôm nó chưa ấm tay thì đã có người thì thầm bên tai, chiếc đài còn có chỗ trục trặc, xin đồng chí tạm cho mang về để sửa tiếp, đã là quà của Trung ương Đoàn tặng là phải đại tu thật cẩn thận.

Ngày ấy đời sống quá nghèo, một cái đài xách tay như thế được xem là một gia tài.  Một chiếc xe đạp cũng là một gia tài. Tất nhiên với anh Duật thì đó hình như cũng chưa phải là cái gì quá lớn.

Anh là người đã quen chẳng nhìn thấy gì là lớn. Trước khi trở thành lính Trường Sơn anh đã có mấy năm là lính Cục Vận tải. Bộ phận các anh dọn ra ở nhờ mấy căn buồng trong sân báo Độc lập, một ngôi nhà đẹp trên phố Lý Thường Kiệt, nhòm sang một cái chợ gọi là chợ Âm Phủ.

Gần đó, bước mấy bước qua đường Dã Tượng lại là một ngôi nhà hai tầng khác quét sơn trắng xóa cũng rất đẹp, đó nguyên là nhà bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, tháng 12 năm 1946 bố con ông bị kẹt lại trong thành, sáng ra tây trắng, tây đen lố nhố bổ vây quanh nhà, thế là một cuộc chiến không cân sức nổ ra, một trận đánh quyết tử, hai cha con ông bác sĩ yêu nước đã nằm lên nhau mà chết, trong tay mỗi người vẫn đang có một khẩu súng lục cũ kỹ.

Anh Duật nói rồi sẽ có ngày chúng mình phải làm trường ca, phải làm tiểu thuyết về những ngôi nhà Hà Nội. Dưới gầm giường anh nằm là mấy cái thùng cát tông lớn, đó là những chiếc thùng đựng đầy máy thu thanh Trung Quốc mới toanh, có hai loại, lớn gọi là Xiong Mao, nhỏ gọi là Mu Tan. Mu Tan tức là mẫu đơn, Xiong Mao tức là hùng mão, con gấu mèo.

Anh Duật được giao nhiệm vụ giữ đống đồ quý giá ấy để phân phát dần dần cho các đơn vị xe ở xa. Vậy mà có một hôm anh bảo Chu có thích thì cứ cầm lấy một cái mang về mà nghe tin tức và âm nhạc. Tôi nói tôi chỉ thích nghe đài khi họ đọc bài của tôi thôi, chứ tôi không có nhu cầu đeo đài, anh cho tôi hôm trước, hôm sau tôi lại phải cho ai đó.

Một lần nọ khi anh Duật đã vào Trường Sơn được mấy năm rồi vẫn có một nhà chị tìm tôi để hỏi thăm về anh. Chị xin ý kiến tôi, hồi chị đi lấy chồng anh Duật có mang cho mượn hai chiếc đèn măng xông, giờ chị đã có con mà cứ phải giữ mấy cái đèn ấy, đi sơ tán cũng phải tha theo, vậy phải làm sao bây giờ.

Tôi cho ý kiến xem có ai mua thì bán, bán rẻ khắc có người mua, không có ai mua thì mang cho, ông Duật ông ấy quên rồi, đơn vị có đèn cũng đã giải tán đi vào sâu rồi. Chị là một nhà ngôn ngữ học đang công tác ở Viện Ngôn ngữ, bạn cùng một lớp với anh Duật hồi còn đại học.

Chị là người yêu văn học và hiểu văn học, cho nên lần ấy chị đã nói với tôi, bài Vòng trắng của Duật viết thế thì có gì đâu mà lôi anh ấy ra đánh, tôi đang lo hay là tại hai chiếc đèn măng xông tôi còn đang giữ. Anh Duật bị đánh được mấy ngày lại thấy đánh lây sang cả anh Ngô Văn Phú, anh Phú chưa kịp hiểu bài thơ Cái sẹo đất của mình có tội tình gì thì lại đến Vũ Thị Thường bị lôi ra phê phán bởi một cái truyện ngắn chẳng thấy có gì gọi là ẩn ý.

Không đừng được ông Nguyễn Khải trước tình thế ấy đã nổi máu uất kêu trời, ông cầm bút viết bài báo Chúng tôi chăm sóc những tài năng! Chị hỏi, tôi tóm tắt tình hình văn học vừa qua như thế liệu có đúng không anh? Tôi gật đầu. Lại chợt nhớ đến một câu chặc lưỡi của ông Kim Lân, ấy cứ lúc nào bí là lại lôi văn nghệ ra đánh túi bụi.

Cả hai lần vào Trường Sơn tôi đều đã tìm đến anh Duật. Một lần ở Đường 20, một lần ở Đường 18B. Từ chỗ tôi đang ở tới Bộ Tư lệnh 559 phải đi bộ cả ngày, đường rừng qua đèo qua suối là lẽ thường, cứ hướng Xê Băng Hiêng chảy mà lần theo.

Các đồng chí bảo vệ Bộ Tư lệnh hỏi tôi đến tìm ai trong cơ quan đầu não ấy, tôi nói tôi vào với anh Phạm Tiến Duật, vậy là anh em vẫy tay cho vào luôn chả cần giấy tờ gì nữa.

Trên mọi nẻo đường Trường Sơn còn có ai không biết đến anh Duật, cho nên khi họ thấy tôi là bạn của anh thì tự dưng cũng được quý theo. Hôm từ chỗ anh Duật về nhỡ độ đường phải tạt vào nghỉ tạm một đêm trong hang đá vùng Lằng Khằng, Khăm Muộn.

Cô đội trưởng thanh niên xung phong chủ của cái động ấy hỏi dò về tôi qua người chiến sĩ dẫn đường, biết tôi làm báo thì cô cũng chỉ vui vầy vậy thôi, khi nghe loáng thoáng thấy trong câu chuyện tôi có nhắc đến anh Duật thì cô đã nhìn tôi bằng một con mắt khác, nói năng đã thấy mặn mà hơn nhiều.

Đến lúc đã có thể xem tôi là khách quý, cô còn muốn thử một lần nữa. Cô lựa lời hỏi thế anh có thuộc câu thơ nào của anh Duật em không? May sao tôi lại nhớ được mấy câu thơ của anh, vậy là tôi đọc to cho cả nhà cùng nghe, đám con gái tung chăn vùng dậy, cười nói râm ran, họ bấm nháy nhau bắt gà thổi cơm.

Đấy là bài Cô bộ đội ấy đã đi rồi, nay xin chép để tặng cho những ai yêu anh Duật, và cũng là để phòng xa ngộ có lúc lại nhỡ độ đường chăng. Em gái đi các anh ở lại/ Biết bao giờ mới gặp được em đây/ Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay/ Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá/ Anh biết rồi bao nhiêu vất vả/ Tháng năm dài cùng nhau đi qua...

Mỗi lần rời nơi ấy ra về, tới cửa rừng tôi đều ngoái lại rất lâu, núi đấy, rừng đấy, anh em đồng chí tất cả vẫn đang còn trong đó. Những con đường đang mở, những bãi bom đang cháy, những cơn sốt rét của miền rừng Xavanakhét, tiếng Lào nghĩa là con quỷ nước.

Mùa khô đến, những bào thai chiến dịch cựa quậy, những đoàn quân vượt qua cái đói mà đi, dũi đất mà đi như những con xuyên sơn dũi núi. Tôi nghĩ tới cái tòa soạn chỉ có dăm bảy anh em của báo Trường Sơn, họ là những người lính làm báo cho lính đọc và do vậy tờ báo đã được đón nhận như thể đón thư gia đình gửi tới.

Tôi thường chạnh một nỗi lo, nhỡ lần sau quay lại Duật không còn nữa, hoàn toàn có thể chứ, những người đang có mặt trong ấy từ tướng lĩnh tới một binh nhì sau một trận bom đều dễ nằm xuống.

Và tôi đã nhìn ra cái lý do chủ yếu để giải thích vì sao những bài thơ của Duật lại sớm được quần chúng trân trọng chào đón. Rất đơn giản, anh là một người lính làm thơ cho lính đọc, anh chưa bao giờ sắm vai người nói hộ, chưa bao giờ yêu hộ, khóc hộ, lo âu hộ. Anh là người một đời cõng lửa, chưa bao giờ vui quá, chưa bao giờ sướng quá, chưa bao giờ được làm một nhân vật quan trọng, nhưng anh vẫn luôn luôn là người biết hát, dám hát, dám sống và viết như chính mình nghĩ thế, cảm thế về những năm tháng mà mình đã đi qua.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG