“Thần tượng” và bệnh phim Việt

“Thần tượng” được nhiều báo ưu ái ngay cả khi chưa ra rạp
“Thần tượng” được nhiều báo ưu ái ngay cả khi chưa ra rạp
TP - Xem những phim kiểu Thần tượng, tôi lại nhớ một người Úc từng phát biểu trên báo, so với thanh niên Úc, thanh niên Việt Nam chín muộn. Muộn ngoài đời nên lên phim ảnh cứ lồ lộ. Vài căn bệnh kinh niên của phim Việt có thể lẩy ra từ phim này.

Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già

Phim kể chuyện giới showbiz, hai doanh nhân trẻ Trí và Minh lập công ty đào tạo ca sĩ. Cố đối lập hai hình ảnh nhưng thực chất cách đào tạo của hai bên giống nhau, mà thực ra chả thấy đào tạo gì. Chỉ có phía Trí hay luận suông về cảm xúc, tâm hồn. Ý nói ca sĩ phải có tâm hồn, cảm xúc thì mới chiến thắng, thành thần tượng âm nhạc được.

“Thần tượng” và bệnh phim Việt ảnh 1

“Thần tượng” được nhiều báo ưu ái ngay cả khi chưa ra rạp

Mỗi công ty duy nhất có một gà - Minh có Minh Tú, Trí có Linh. Hai người này không thấy tập tành chuyên môn ngoài Linh có lần chạy bộ ngoài đường và mặc body nhún nhảy trong nhà; cũng không thấy năng khiếu thiên bẩm nào nhưng cứ thẳng tiến tới địa vị hai ngôi sao ca nhạc mới đang cạnh tranh nhau.

Một bộ phim về giới giải trí cụ thể là sản xuất đào tạo, biểu diễn âm nhạc mà loay quay chỉ có mấy hình ảnh nhóm họp, nhắn tin bình chọn, váy áo tha thướt trên thảm đỏ hào nhoáng. Câu chuyện được kể nhoáng nhoàng, không hé lộ được chuyện kín chuyện hở gì, dưới cả tầm hiểu biết của khán giả ngoài giới showbiz. 

Câu “khôn đâu đến trẻ khỏe đâu đến già” của các cụ vận vào trường hợp này thật hợp. Nếu tuổi trẻ đồng nghĩa non dại ngô nghê, thì Thần tượng trẻ thật. Phim về người trẻ nghĩa là phải chọc cười thường xuyên, nhất là nữ thì phải lý lắc hoặc cong cớn còn nam hậu đậu; trẻ đồng nghĩa nhí nhố.

Đó là bệnh chung của phim Việt kể cả điện ảnh và truyền hình- thiếu chuyên sâu, chuyên biệt, đơn giản, dễ dãi. Ví dụ phim Lập trình trái tim nhiều năm trước, mấy chục tập về giới công nghệ thông tin, ngoài bối cảnh văn phòng nhiều máy tính ra người ta thấy không khí và tình huống công việc, ngôn ngữ của giới này nào có khác gì giới không bao giờ “lập trình”.

Làm quá, nói quá

Nhân vật trong rất nhiều phim Việt bây giờ đã nhạt lại hay thích cường điệu. Cường điệu lời nói, hành động, thành ra giả là khó tránh.

Nghe Linh luận về lý tưởng mà chết cười “Anh có thể không có lý tưởng nhưng anh không được phản bội lý tưởng của mình”. Không có thì phản bội cách gì? Phe của Trí gồm Trí, Linh người yêu Trí, mẹ Trí, nhân viên của Trí rất thích nói về lý tưởng, sợ khán giả không hiểu thông điệp lớn lao, ý nghĩa giáo dục mà bộ phim gửi gắm.

Nhân vật phim Việt cũng rất thích thộp cổ, quát tháo khi chưa có gì đáng quát, không biết làm gì thì phải quát. Màn vừa hát vừa kể vừa khóc của Linh cuối phim (trong buổi biểu diễn mang tính quyết định vị trí của cô), được mô tả là khiến cho nam phụ lão ấu thảy đều khóc theo và chíu chít nhắn tin bình chọn, nếu là tình huống hài hước thì quá khó cười còn nếu nghiêm túc thì lại buồn cười quá!

Thần tượng còn có điểm giống Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ), đó là nhạc ầm ào từ đầu đến cuối phim. Có nhiều quan điểm về nhạc phim và đây là quan điểm của Trần Anh Hùng: “Nhạc nổi lên trong một đoạn phim để nói rằng: Tôi đồng ý với anh, nghĩa là đồng ý với nội dung của đoạn phim đó.Nhưng tôi muốn nói thêm điều này, như thế này (bằng nhạc). Và nhạc là để tỏa sáng nội dung chứ không phải minh họa nội dung”. Còn quan niệm của Quang Huy đạo diễn Thần tượng, đồ rằng: “Có nhạc có hơn”.

Cũ, sáo

Nhân vật phim ta chưa nói đã biết sẽ nói gì, chưa làm đã đoán ra. Ví dụ mẹ của Linh ban đầu sẽ ngăn cản “không có ca sĩ ca siếc gì hết” rồi sau đó bị lung lạc rất nhanh. Nguyễn Hậu được mời đóng vai phụ, một khán giả xem Linh tập, gương mặt đầy tính định hướng ông hỏi cô có hát dân ca không. Linh vừa gọi chú xưng con cất giọng hát vài câu chả lấy gì làm ép-phê ông đã đờ ra hài lòng, gật gật gù gù.

Đạo diễn thích đưa tình huống đối lập, ê-kíp đối lập và cho khán giả biết ngay từ đầu “tôi chọn kíp này”, họ sẽ chiến thắng ở cuối phim đấy nhưng lý do thắng thì vô cùng èo uột, chỉ cần có cảm xúc, đi hát miễn phí cho nhân dân, lên sân khấu trần tình trong nước mắt vì sao hát bài này bài kia.

Có người khen bối cảnh phim đẹp như ngoại. Dù có giở đủ thủ thuật quay nọ dựng kia cũng không cứu nổi một câu chuyện yếu ớt giả tạo, không diễn biến hợp lý, nhân vật không tính cách.

Các diễn viên trẻ từ Hoàng Thùy Linh vai Linh trở đi, khi trả lời phỏng vấn báo chí đều nói hài lòng về bộ phim, về vai của mình, về bạn diễn. Trẻ cũng có nghĩa là dễ hài lòng vậy.

Diễn viên hài Quang Thắng có một vai lạc lõng nhất từ trước đến nay. Hứa Vĩ Văn dù là vai phụ nhưng gương mặt và cử chỉ hợp lý hơn cả, tiếc rằng chả có gì nhiều mà đóng. Phương Mai thì khoe được thân hình sexy ở cảnh trên giường, cô xuất hiện là để sung thêm một mũi luận về cảm xúc, rằng mình bỏ đi vì “anh (Minh- Vĩnh Thụy) không quan tâm cảm xúc của tôi”. Gương mặt, vóc dáng điển trai của Vĩnh Thụy là yếu tố cần cho điện ảnh Việt, anh hoàn toàn xứng đáng có những vai hay nhưng đẹp đấy mà phí đấy nếu gặp phải những ê-kip cứ muốn “trẻ mãi”, có lớn không có khôn.

Người ta đi xem một bộ phim là xem một câu chuyện được kể lớp lang ra sao, số phận nhân vật biến thiên thế nào, không cần quá biết nhân thân của ê kíp. Xem phim này không thể đánh tan cảm giác một mục đích quan trọng của nó là để lăng xê Hoàng Thùy Linh, cho nhân vật trùng tên diễn viên là một trong các bằng chứng. Riêng phần diễn xuất của cô, phản ứng thái quá khi Trí mời mọc về đầu quân, một hai lần đầu còn được chứ đến lần cong cớn thứ ba trở đi, thấy kịch lắm rồi, và mòn. Vẻ lóng ngóng, táy máy của Ngô Kiến Huy cũng vậy. Giọt nước mắt đoàn tụ của Linh với Trí và bố ở cuối phim càng giả hơn.

Một số nhà báo lo lắng cho Thần tượng phim chỉn chu thế mà bất công ở phòng vé. Qua buổi chiếu ở rạp Tháng Tám 13/3 tôi thấy lo lắng này là thừa. Nếu đây là bộ phim ồn ào từ đầu đến cuối, từ âm nhạc trở đi thì khán giả xem miễn phí hôm ấy, đa số là thanh niên, cũng thế. 

Cười rộ suốt chiều dài phim, ra khỏi rạp vô tư bình phẩm “con này (chỉ Hoàng Thùy Linh) đóng được đấy chứ sao có đứa còn chê nhỉ”. Đã bảo thanh niên Việt chín không sớm.

Thần tượng là một trong 13 phim dự giải Cánh Diều, đạo diễn Quang Huy,

diễn viên Harry Lu (Đài Loan), Hoàng Thùy Linh, Phạm Quỳnh Anh…

Lễ trao giải tối nay tại Cung Văn hóa Hữu nghị, phát VTV tối 16/3.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.