Thảng thốt trước một Tất Vinh thơ...

Thảng thốt trước một Tất Vinh thơ...
Những năm cuối thế kỷ trước, bạn đọc thường chỉ biết đến những chuyện dài kỳ và hơn nữa là một số tiểu thuyết của nhà báo Hồng Dương.

Nhưng đầu năm 2005, một ấn phẩm mới tinh của NXB Thanh niên "Thơ Tất Vinh" khổ 20x21cm được in trang trọng đã ra mắt bạn đọc...

Thực ra việc chuẩn bị xuất bản Thơ Tất Vinh được hoàn tất từ cuối năm ngoái. Nhà thơ dịch giả Dương Tường, người cùng nhà văn Mạc Lân sưu tầm tập hợp tuyển chọn đã nhờ tôi cầm cuốn bản thảo kèm lời tựa đến nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nơi Tất Vinh tòng sự từ năm 1955 - 1982. Tôi không rõ việc trao đổi của hai vị diễn ra như thế nào nhưng cũng mừng là sách ra chóng với lại  từ nay bạn đọc biết đến một Tất Vinh tài hoa, ngoài tiểu thuyết truyện ngắn, kịch bản phim ra còn có một Tất Vinh thơ nữa!

Người kêu điện thoại cho tôi báo cái tin sách ra ấy là Mạc Lân. Trong những bộn bề tật bệnh với đau ốm ấy ông vẫn có một cái ngăn riêng ấm áp về người bạn cùng trung đoàn 66 cùng về báo Tiền phong năm 1955 một đợt với mình tài hoa, nhưng lận đận lẫn yểu mệnh: Tất Vinh! Số là Mạc Lân thường dẫn Tất Vinh về nhà mình chơi. Nhà Lê Văn Trương khi đó tản cư hết mạn Chợ Bến rồi Lò Than của Nho Quan. Đơn vị của Mạc Lân may lại đóng gần đó...

Đó là những năm cuối bốn đầu năm mươi. Sinh hoạt của những anh vệ túm cho dù ít phải đi chiến trận như Tất Vinh, Mạc Lân chuyên làm tờ tin của trung đoàn nhưng thường xuyên thiếu thốn nhiều khi lâm cả đói rét. Đời sống dân tản cư cũng chả khá hơn nhưng nhà Lê Văn Trương có hai anh con trai, em ruột Mạc Lân, sức vóc cũng khá lại tháo vát chuyên buôn muối từ vùng giáp ranh vào vùng tự do nên đời sống cũng tàm tạm.

Những lần Mạc Lân dẫn bạn ghé qua những Tất Vinh, Trần Dần, Yên Thao, Tạ Phương Hiển... thì  cũng có tí ti cải thiện ấm chân răng. Sản thì dư dật gì đâu nhưng mà hằng, cả nhà Lê Văn Trương luôn hằng tâm. Lửa trại thì không, nhưng những đêm bên bếp lửa chuyện thơ phú mà chủ soái là nhà văn Lê Văn Trương có khi kéo mãi ra tận sáng bạch.

Có vẻ như trong số đám bạn viết lách của con giai, Lê Văn Trương quý Tất Vinh hơn cả. Quý gì chả biết? Nhưng khi ấy, như hồi ức của Dương Tường thì Đêm liên hoan của Hoàng Cầm, lính văn nghệ hầu như ai cũng thuộc hoặc cả bài hoặc dăm ba đoạn, còn Lòng hậu phương của nhà thơ quân đội 23 tuổi Tất Vinh cũng được nhiều người biết đến.

Thơ Tất Vinh hồi ấy được các anh bộ đội các học sinh kháng chiến, các cô thôn nữ vùng tự do cũng như vùng địch hậu chép trong sổ tay, truyền tay nhau học thuộc lòng. Tất Vinh đã viết hàng trăm bài thơ như thế... Trong số những thành viên nghe Tất Vinh đọc thơ bên bếp như thế có hai người trong gia đình của Lê Văn Trương, em trai và em gái Mạc Lân, Lê Văn Bổng và Lê Giáng Vân.

Chàng trai Lê Văn Bổng bây giờ đã là ông lão tuổi 74. Cô bé Giáng Vân xinh xẻo luôn có cảm mến đặc biệt với nhà thơ Tất Vinh nay thiếu hai tuổi nữa cũng vừa chẵn bảy chục! Tuổi trẻ sức nhớ bền hay ấn tượng cảm mến chi chi, chả biết, nhưng hồi ấy họ thuộc họ nhớ thơ của Tất Vinh và cái thuộc cái nhớ ấy nó bền nó bám đến tận bây giờ!

Bà Lê Giáng Vân đã từng viết thế này: Trọn đời kiếp sống long đong/Mà không khuây được những dòng thơ anh trong bài Năm mươi năm vẫn nhớ anh Tất Vinh. Chính vì thế khi nghe khi thấy ông anh Mạc Lân vật vã vì tật bệnh thì ít mà vì bạn, vì kỷ niệm thì nhiều tại sao thơ Tất Vinh lại không hề có mặt trong bất cứ một tuyển tập thơ Việt Nam? Bây giừ, một cuốn thơ Tất Vinh, tại sao không?... Thì trí nhớ của hai ông già bà lão ấy đã khiến Mạc Lân như vơi vợi bớt những dằn vặt băn khoăn.

Mạc Lân gọi điện cho Dương Tường. Nhà dịch giả đã vượt thoát ra khỏi cái tình em rể để chỉn chu nghiêm cẩn như bao năm nay vẫn cày xới địa hạt tuyển dịch đã bắt tay cùng với Mạc Lân hoàn thành cuốn thơ của ông anh vợ. Cuốn sách có lẽ hơi bị độc đáo là xuất bản, nhưng không có di cảo bằng văn bản, tóm lại là chưa hề có bản thảo!

Nhiều bạn bè đã xúm tay cùng hai ông... Dăm ba anh em chụm đầu lục lọi trong trí nhớ, người một đoạn kẻ vài câu.  Chính vì vậy mà trang đầu của tập thơ 32 bài của Tất Vinh, có những dòng như thế này: Gia đình cố thi sĩ Tất Vinh xin chân thành cảm ơn ông Lê Văn Bổng, bà Lê Thị Giáng Vân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, nhà thơ Tạ Phương Hiển đã dốc tâm lực gom lại từ sổ tay và bằng trí nhớ những bài trong tập thơ này .

Vâng bây giờ bạn đọc đâu đó đang có trong tay cuốn Thơ Tất Vinh mà   nói khiêm tốn như nhà thơ Dương Tường, đây không phải là một tuyển tập mà chỉ là một tiêu mẫu của thơ Tất Vinh! Đằm thắm. Trữ tình. Vương chút u ấn, đượm chất Đường thi. Lục bát đậm đà phong vị ca dao. Mộc mạc ngọt ngào, cảm động...

Có quá lên không khi Dương Tường có một tổ hợp từ như thế về một tiêu mẫu thơ này? Nhưng tôi chắc Dương Tường vốn rất kiệm lời như thế không thể dễ dãi, xuề xoà được? Nhưng có lẽ găm vào trí nhớ và chả dễ chuội đi những câu như thế này: Em đã từng phen tìm giọng tìm người/không gặp/ bàn tay đưa võng; hoặc không trách/ bàn tay/ đẩy thuyền quá vội/ trách dòng sông/ hẹp/ mà thôi; hay Xây cánh hoa đời trên miệng súng/ Dài mùa tan vỡ ngắn thời son. Và nữa, có một Tất Vinh hơn 50 năm trước đã cách tân đã hiện đại cả về cấu tứ, lời chữ lẫn chất nhạc tiết tấu Đại đội trưởng/lầm lì/ đôi mắt/ rọi lửa/ trên sơ đồ trại giặc/ ngoài trời/ mưa lắc thắc/ áo tơi liên lạc/ đi/ về/ sèn sẹt/ mài lưỡi mác/ giọng anh xung kích/ thèm đi như khát một ngụm chè...

Tất Vinh ngừng làm thơ từ bao giờ? Sáu năm ở cùng cơ quan với Tất Vinh, không ít lần cùng vô ra có lúc cùng hãm mình lâu lâu ở quán nước bà Sinh hay có khi thấy ông đắc ý nhấp nhấp chén rượu mậu dịch ở nhà ông Minh Tiến, chúng tôi cấm có thấy ông đọc thơ mình và thơ người khác chứ đừng nói  chuyện làm thơ? Tưởng rằng khó có dịp đọc lại một cách tương đối hệ thống thơ Tất Vinh thì đây, bạn đọc được cầm trên tay ấn phẩm thơ của ông hình như vẫn vẹn nguyên như ngày nào…

Tháng 3/2005

Theo Viết
MỚI - NÓNG