Tháng Tư, nhớ bạn bè yêu dấu

Tháng Tư, nhớ bạn bè yêu dấu
TPCN - Sài Gòn những ngày tháng Tư hay gợi cho những người đứng tuổi như chúng tôi những hồi ức bề bộn. Nắng khiến người ta nhớ cả một mùa hè đỏ lửa 1975, gió khiến người ta bồn chồn thời khắc chiến tranh kết thúc.
Tháng Tư, nhớ bạn bè yêu dấu ảnh 1
Nhà văn Mường Mán và nhà báo Lê Đình Bì

Sải bước dọc khu trung tâm  quanh bến Bạch Đằng, thấy lại gần như trọn vẹn thời Sài Gòn phong độ nhất. Ba mươi năm hơn, con đường hậu chiến quá dài nhưng nó đã thật sự xong chưa hay vẫn còn trải ra, gập ghềnh, nước mắt?

Ông bạn Lê Đình Bì rủ: “Quán Ruốc của Mường Mán dời xuống Phú Nhuận rồi, gần trung tâm hơn rồi, mình tới chúc mừng đi!”.

Chiếc xe máy xoàng, chúng tôi đã từng là bên này và bên kia nhưng xem ra rất giống nhau ở chỗ không xem của cải là trọng, những con người thong dong yêu đời, yêu chữ nghĩa.

Những con phố bát ngát đèn màu, quán bar, vũ trường, Restaurant, tụ điểm cà phê, nhạc Trịnh Công Sơn và... và nạn tắc đường do ô tô nhiều lên không khống chế nổi.

Duy có Bì là không thay đổi, vẫn không già, vẫn như hồi chúng tôi còn lọm cọm với Cần Thơ tỉnh lẻ, vẫn sự tận tuỵ vô điều kiện với bạn bè, vẫn không có vẻ “Việt kiều” một tí nào.

Chuyện về những quãng trúc trắc của Bì chắc phải là một quyển tiểu thuyết nhiều chương nhưng trước khi đi Mỹ vì hoàn cảnh gia đình, anh là thư ký toà soạn kiêm trưởng ban Quốc tế của một tờ báo lớn, đang về lại Việt Nam in mấy đầu sách tiếng Anh ứng dụng phục vụ cho chương trình làm tiến sĩ của mình.

Còn trước đó, như đã nói, Bì cũng lặn ngụp như Mường Mán và nhiều người bạn trong nhóm của họ, trước khi đặt chân lên Sài Gòn để có một vị trí nào đó.

Muốn vào Quán Ruốc của Mường Mán phải đi vào một cái hẻm rộng rồi vài cua quẹo nữa. Thị hiếu của dân sành ăn Sài Gòn bây giờ, quán phải khuân khuất, yên tĩnh và nhiều món độc chiêu.

Chủ ngôi biệt thự đích thị là dân mới được sở hữu sau này, những vị chủ trước chắc chắn đã chạy ra nước ngoài, trong ngày 30 tháng 4 hay sau đó, bởi không khí hậu chiến không suôn sẻ.

Vợ chồng Mường Mán chạy ra đón chúng tôi, tay bắt mặt mừng, một người từ Mỹ về, một kẻ từ Hà Nội vô, thế là được ngồi lại với nhau, rưng rưng nhiều nỗi.

Mường Mán, Lê Đình Bì và tôi hầu như rời Cần Thơ cùng một lúc, những năm đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, cái việc không đừng được, như tôi đã có lần viết, chúng tôi là những ngư phủ phải đánh bắt xa bờ với hy vọng biển cả sẽ cho chúng tôi những mẻ lưới lớn.

Nhưng có chắc như vậy không, sinh kế đã trần ai lại còn viết lách và học hành khi được khi mất, biết sao mà lường? Chỉ biết là vẫn còn có thể gặp nhau, ngồi lại bên nhau, khề khà chuyện cũ người cũ, phút giây này có thể coi là hạnh phúc.

Dạo đó là năm 1985, mười năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Sĩ quan cộng hòa hạng “tép riu” như Mường Mán, Lê Đình Bì, Nguyễn Bích Như, Đạm Thạch, Viễn Duy... đều đã ra trại cải tạo, túm tụm thành một nhóm văn chương sách báo ở Cần Thơ, thủ phủ cuối cùng dành cho những người trôi dạt hoặc tá túc quê vợ chờ thời.

Cán bộ cũng hạng “tép mòng” như tôi dù có việc công sở và gạo mốc phân phối thì cũng thanh thản gì đâu, vẫn cứ một câu hỏi đau đáu: Công cuộc hòa giải hòa hợp vậy là đã tốt tươi, hay vẫn phân chia, nghi kỵ, thậm chí ruồng bỏ?

Có lẽ vì chúng tôi là thứ “nhân văn mơ màng”, cái thói “chông chênh lập trường” nên nhóm bên này gồm Nguyễn Bá, Lê Chí, tôi và một số người nữa đã tìm thấy nhóm của Mường Mán trong thời điểm nhạc Trịnh sống lại, lên ngôi, bởi những đúc kết mới: Lại gần với nhau, ngồi gần bên nhau, đừng bỏ tôi đi, hai mươi năm rồi. Còn gì cho tôi, còn gì cho anh, còn gì cho em? Không còn gì, còn lại trái tim.

Nhóm kia 5 người, như một bàn tay, nhóm này cũng khoảng chừng ấy nếu kể thêm vợ của nhà thơ Lê Chí, người hát nhạc tiền chiến nức nở hay, em gái của nhà thơ Trần Kiêu Bạt nổi lên cùng thời với Mường Mán.

Hai nhóm như hai bàn tay trên một cơ thể, làm lụng, viết lách, bù khú, vui buồn, không có gì khác nhau cả. Mãi sau này Mường Mán mới rời được chân công nhân nông trường về Hội Văn nghệ thành phố Cần Thơ - nhờ anh nổi danh đã lâu, một tài năng trẻ của văn chương Sài Gòn trước năm 1975.

Nguyễn Bích Như tạm qua ngày bằng dịch văn học từ Pháp ngữ cung cấp bản thảo cho những “đầu nậu” chui lủi với thứ sách in trên giấy tái chế vàng khè.

Viễn Duy và vợ có ki-ốt báo lay lắt qua ngày có báo đọc mà khỏi mất tiền mua, Đạm Thạch lúc nào cũng nhàn nhàn như một ông giáo và anh là ông giáo bổ túc văn hoá ban đêm thật.

Lê Đình Bì thì xem chừng gian nan hơn, cũng hì hục đủ nghề kiếm tiền vượt biển mấy lần, không thành, đi làm thợ sửa đồng hồ, rồi buôn bán đồng hồ ở bến Ninh Kiều, sau đó mới chạy được lên Sài Gòn thỏa nguyện làm báo.

Những ngày tháng vừa chật vật vừa thong thả. Cuộc sống nghèo khó đã thu xếp hai nhóm một tâm trạng ì ạch chung : cơm áo gạo tiền là chính, viết lách vừa vừa, hứng lên thì hai người một xe máy sang Vĩnh Long với nhóm của Song Hảo - Phạm Trung Khâu hay xuống Sóc Trăng với nhóm Quốc Bình - Ngọc Phượng tán gẫu chơi.

Cuộc sống quá đơn giản nhưng yên bình, như đám con nhà nghèo còn có thể tụ tập bên nhau vì chưa thấy có yếu tố gì để các thành viên bứt ra cả. Rồi Viễn Duy và Đạm Thạch lên đường theo diện HO, Nguyễn Bích Như gác bút vì không đua nổi với không khí “dịch sô” của dân tay chân nhanh mà mồm miệng cũng nhanh, Mường Mán, Đình Bì bồng chống vợ con lên Sài Gòn, thực sự bắt đầu gánh nặng sinh kế trong thời kinh tế mở.

Nhóm chúng tôi thì Nguyễn Bá gặp một sự cố mất hộ tịch, vợ Lê Chí vướng bệnh nan y suốt ngày hai vợ chồng phải đưa nhau đi gặp thầy lang khắp nước, tôi thì phải rời đất Cần Thơ “đoàn tụ gia đình” duy không phải diện HO mà thôi.

Cái gì xa thì đã xa, cái gì không thể thì cứ là không thể, tôi thường nghĩ về bạn bè yêu dấu một thuở của mình như nghĩ về một công trình mà cả hai bên cùng kiến tạo, không có ai chủ trương, không từ một “dự án” nào, càng không phải vì ý thức chính trị tiềm tàng thường có ở những người được coi là chiến thắng.

Tại sao chúng tôi có tình anh em, có tình bạn, có tình đồng nghiệp mà lại dễ dàng tri kỷ nhau, như giữa hai bên không có chiến tuyến nào?

Thậm chí, bộc bạch với Mường Mán, với Đình Bì, với Bích Như còn thấy dễ dàng hơn với những người cùng chiến hào đi ra - những người hoặc bây giờ quen tư duy bổng lộc đất đai, hoặc là chỉ thấy có hậm  hực, tối đen và đơn từ kiện cáo.

Có lẽ, sau bao nhiêu biến động biển dâu, chiếc sàng thời gian đã làm cái việc chọn lựa giúp chúng tôi, cái khiến chúng tôi tìm lại với nhau là văn hóa và tình thương, “thương người như thể thương thân” vậy.

Mường Mán có vẻ già nhanh vì làm việc nhiều, viết được nhiều, lo cho vợ con cũng được nhiều hơn. Nguyễn Bích Như an vị tuổi già, thong dong nhờ con cái có hiếu.

Xem ra Đình Bì tự do hơn cả, trong cách thiết kế cuộc đời theo ý mình và là chiếc cầu nối tự nguyện với những bạn bè tử tế trong nước cho những người cũng tử tế không kém ở bên kia.

Buổi tối tháng Tư nhiều gió, ba mươi năm sau 1975, giữa chúng tôi là hai mươi năm bè bạn, con số ấy nhiều hay ít, nó nói lên điều gì, thiết nghĩ, chắc chắn nó là một thứ hương vị mà không phải ai cũng có được nếu không biết tìm đến và chung thủy với nó bằng văn hóa và tình thương.  

MỚI - NÓNG