Thành đạt nhờ nước mắm, làm thơ nhờ Phạm Tiến Duật

Thành đạt nhờ nước mắm, làm thơ nhờ Phạm Tiến Duật
TP - Phan Bích Thiện là Giám đốc khách sạn Frield, chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam (tại Hungary) và cũng là một nhà thơ “thường vừa lái xe vừa làm thơ”. Gặp chị dạo này, mọi người cười: “Chào áo đỏ!”, vì chị là nhân vật trong bài thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

>> Nữ doanh nhân trả thơ cho Phạm Tiến Duật

Thành đạt nhờ nước mắm, làm thơ nhờ Phạm Tiến Duật ảnh 1
Chị Phan Bích Thiện

Chị sang Hungary từ bao giờ, và thành doanh nhân như thế nào?

Thực ra so với người Việt ở Hungary, tôi thuộc diện “lính mới”. Tôi sang Hung đã tròn 10 năm. Tôi tốt nghiệp đại học ở Nga. Lúc đó không hề tưởng tượng là sẽ gắn bó với nước Hung, nhưng cũng là duyên số vì tôi gặp chồng tôi cùng khóa đại học và anh ấy là người Hung.

Thời gian đầu hoàn toàn không dễ dàng vì tôi chưa biết tiếng Hung (hai vợ chồng nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga) nên không giao thiệp nhiều được. Bạn bè Việt Nam cũng không có.

Nhiều lúc tôi khóc thầm vì cảm thấy bất lực. Tôi quyết định học tiếng Hung, phải hòa nhập được với xã hội Hung. Vừa học vừa có thêm bạn bè, lại có lợi thế biết tiếng Nga và nước Nga nên tôi quyết định mở Cty xuất khẩu thực phẩm từ Hung sang Nga.

Chị có thể kể vài kỷ niệm ở nước Nga?

Bài thơ đầu tiên tôi viết ở nước Nga. Đám cưới của  vợ chồng tôi cũng tổ chức ở Nga, nhà hàng Praha đối diện với điện Kremli. Thực ra là chúng tôi gặp may, chứ sinh viên vừa tốt nghiệp làm gì có tiền mà tổ chức đám cưới tại nhà hàng sang trọng.

Chẳng qua là đúng lúc đó đang siêu lạm phát ở Liên Xô, đồng rúp trượt giá hàng giờ mà nhà hàng chưa kịp tăng giá nên chỉ với 300 đô la, bọn mình tổ chức được đám cưới cho gần 100 khách ở một nhà hàng có tiếng.

Thành đạt nhờ nước mắm, làm thơ nhờ Phạm Tiến Duật ảnh 2
Khách sạn Frield của Phan Bích Thiện

Còn khởi sự doanh nghiệp của tôi là sự kết hợp của Hung, Nga và Việt Nam. Hồi đó ở Nga không hề có đồ thực phẩm châu Á. Tôi sang Hung chơi lần đầu tiên thấy ở đó bán nước mắm thì thích quá.

Khi về Nga tôi chở chục thùng nước mắm. Nếu tôi nói là đã bán được với lãi suất bao nhiêu thì chắc những công ty lớn bây giờ cũng kinh ngạc. Thế là những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được là do “buôn nước mắm”. (cười)

Bài thơ "Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng" của nhà thơ Phạm Tiến Duật được đón nhận như thế nào ở Hungary và Nga?

Tôi bắt đầu viết là nhờ ơn anh Phạm Tiến Duật. Dù học chuyên toán nhưng tôi rất thích thơ. Đặc biệt là sang Nga, thiên nhiên nước Nga rất tuyệt vời, mùa đông ra mùa đông, mùa thu ra mùa thu nên tạo nhiều cảm xúc.

Chính bài thơ của anh Duật đã khuyến khích tôi viết. Từ hôm báo Tiền phong đăng bài của tôi về kỷ niệm với bài thơ này, tôi nhận được rất nhiều thư của bạn bè, gặp mặt mọi người chào là “Chào áo đỏ”. Sắp tới ở bên này tôi dự định sẽ tổ chức một đêm thơ tưởng nhớ anh Phạm Tiến Duật.

Là Chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại Hungary, chị quan tâm điều gì nhất của chị em tha hương?

Bản thân đã qua những phút rất trống vắng nơi xa xứ, nên tôi muốn tạo cho chị em Việt Nam một nơi trao đổi tâm tình. Mọi người có nhu cầu gặp nhau, trao đổi từ cách nấu ăn món Việt, thăm hỏi giúp đỡ nhau lúc đau ốm, đến công việc cưới xin cho con cái.

NHẮN GỬI PHÚT GIAO THỪA

Tết năm nay anh có bớt vui?

Em ở xa không về thăm anh được

Chẳng cùng nhau dạo chợ hoa

 Hàng Lược

Ngày rằm nhộn nhịp trẩy hội

 chùa Hương

Cách xa nhau hàng ngàn dặm trường

Đêm trừ tịch lặng ngắm nhìn anh nhé

Màn trời đen có ngôi sao nhỏ bé

Lấp lánh soi là ánh mắt em.

Hãy hái giúp em nhành lộc mềm

Lá nhẹ vương là tay em đó

Hương xuân tỏa từ nụ hoa, ngọn cỏ

Thoáng hương thầm mái tóc em bay.

Sáng mồng một nhấp ly rượu cay

Anh ngây ngất bởi ngọt môi em đấy

Gió xuân nhẹ cánh đào đưa đẩy

Màu áo dài em hay mặc ngày xuân.

Giữa người thân, bè bạn quây quần

Nhớ phần em bánh chưng xanh mướt

Đi hội xuân dòng người xuôi ngược

Một phút thôi dành nghĩ về nhau.

Để bên này giữa băng tuyết trời Âu

Em ấm lòng hơn khắc giây đón Tết

Hương quê nhà xua bớt giá rét

Nghẹn ngào nhớ anh đón mùa xuân.

Ngoài ra một việc đặc biệt quan trọng nữa là giáo dục và truyền được cho các cháu thế hệ thứ hai tình yêu với Việt Nam, trong đó vai trò người mẹ rất quan trọng. Hội tổ chức đều đặn đêm thơ, đêm nhạc, có những buổi chị em hát say sưa không muốn về. Sắp tới Hội dự định mời nhà thơ từ Việt Nam sang.

Khách sạn Frield của chị đứng thứ 21 trong 100 khách sạn tốt nhất Hungary, nhưng nó mới khai trương chưa đầy 3 năm. Chị có bất ngờ không?

Rất bất ngờ. Tôi thấy tự hào là mặc dù ở xứ người nhưng mình đã hòa nhập được và khẳng định vị trí của mình. Đây là sự động viên rất lớn cho những cố gắng không chỉ trong 2 năm đầu của khách sạn mà cho cả quá trình 10 năm ở Hung.

Lâu đài Frield hẳn có một lịch sử thú vị. Chị có thể kể về nó?

Lâu đài này là do Frield Imre xây lên. Frield Imre là thế hệ thứ 5 thuộc dòng họ Frield, dòng họ là chủ nhân của nhà máy sản xuất thuộc da lớn nhất trong lãnh thổ đế chế Áo-Hung trước đại chiến thế giới II.

Frield Imre đã tặng lâu đài này cho vợ- bà Margit, nhân kỷ niệm 25 năm ngày cưới. Trong đại chiến thế giới lần thứ II cả gia đình này bị đày đi trại tập trung Auschwit và họ đã ở lại đó vĩnh viễn. Sau chiến tranh nhà nước Hung quốc hữu hóa nhà máy và lâu đài.

Lâu đài được chia thành các căn hộ cho cán bộ công nhân viên, do vậy chỉ còn giữ được vẻ bên ngoài, mặc dù bị thời gian tàn phá nhưng vẫn thấy dáng dấp rất đẹp. Vợ chồng tôi quyết định mua lại và cố gắng khôi phục đường nét kiến trúc vẻ đẹp cũ dựa trên những tấm ảnh thời xưa.

Rất công phu khi đưa thợ Việt Nam ssang thực hiện những chi tiết nội thất, gỗ trong khách sạn. Tại sao chị phải kỳ công như vậy?

Khi bắt đầu việc khôi phục tôi nghĩ rất nhiều phải trang trí nội thất ra sao. Vì là lâu đài cổ nên phải có nội thất phù hợp. Hơn nữa tôi rất thích những đồ gỗ chạm trổ của các nghệ nhân Việt Nam với những đường nét công phu tinh xảo.

Nhà của tôi bên này cũng đều trang trí bằng đồ gỗ chạm trổ Việt Nam. Tôi muốn giới thiệu những sản phẩm tuyệt vời đó với các bạn châu Âu đồng thời tạo được nét riêng cho khách sạn của mình. Tôi phải về tận làng nghề Đồng Kỵ, dạo khắp làng để tìm được nghệ nhân có thể làm những sản phẩm thật tinh xảo, cũng không đơn giản chút nào.

Khách sạn Frield có hai món ngon là “Không Muốn” và “Cái Gì”. Chị có thể nói về hai món Việt này?

Thực đơn phần lớn là các món Âu vì đối tượng khách chính là khách châu Âu, nhưng vì khách sạn mình có chủ là Việt nên tôi muốn đưa một hai món Việt vào. Cũng không dễ vì phải chọn món nào mà khách nào cũng thích vì có người không ăn được nước mắm hoặc tỏi...

Tôi thấy Nem là món chắc chắn ai ăn cũng thích. Và đúng vậy rất nhiều khách đến chỉ thích gọi nem. Tôi giữ nguyên tên Việt là “Nem”. Nhưng tiếng Hung “nem” có nghĩa là “không”. Một kỷ niệm vui, có khách Hà Lan, họ nói tiếng Hung không tốt lắm nhưng lại thích nói.

Cậu phục vụ của chúng tôi hỏi khách muốn ăn gì. Họ trả lời “Không muốn”, hỏi lại họ vẫn nói thế, phải một lúc sau mới vỡ lẽ là khách “Muốn Không”- có nghĩa là “Muốn Nem”. Thế là cả khách lẫn cậu phục vụ cùng cười.

Món Nem rất thành công nên nhiều khách muốn có thêm món ăn Việt Nam, tôi quyết định đưa thêm món Miến và thịt nướng theo kiểu Việt Nam vào thực đơn mới. Nhưng nhân viên tôi đã nói là giám đốc toàn nghĩ ra những món “thú vị” vì tiếng Hung phiên âm “Miien” có nghĩa là “Cái gì”, chắc sẽ có khách đặt món “Muốn cái gì”...

Chồng chị có làm thơ không?

Chồng tôi cũng là doanh nhân, anh là chủ công ty làm về xây dựng và bất động sản. Rất tiếc là anh ấy không làm thơ, nhưng có lẽ cũng có phần hay vì cả hai đều làm thơ thì chắc khó mà cân bằng. (cười) Sau tập thơ Tình yêu không đáy (2004), tôi vẫn tiếp tục viết, chỉ tiếc là không có được nhiều thời gian. Đối với tôi viết không chỉ là đam mê mà còn giúp mình giữ cân bằng để tâm hồn khỏi bị chai sạn trong cuộc sống thương trường.

Bà chủ khách sạn, Chủ tịch Hội Phụ nữ, công việc nhiều vậy, chị còn thời gian đâu dành cho thơ?

Thời gian dành cho thơ là phải “tranh thủ”, bởi bạn quên là tôi còn gia đình, còn hai cô con gái đang đi học nữa. Nói hơi lạ nhưng nhiều ý thơ thường xuất hiện khi tôi đang lái xe. Rồi tối khuya thu xếp mọi công việc xong thì mới viết lại được.

Người đàn bà làm thơ thường có lửa để “ấm một vùng tuyết lạnh xứ xa xôi” như anh Duật viết. Chị có đúng là như vậy không?

Không biết tôi có đủ “lửa” không nhưng biết chắc chắn mình là người không bao giờ chịu ngồi yên và “cứng đầu”, đã làm gì thì muốn làm đến tận cùng. Chính vì vậy nhiều người xung quanh cũng bị “lan cháy” theo.

Chị có nhớ Tết Việt không? Tết năm nay chị có đón Tết tại Việt Nam?

Nhớ chứ, mỗi ngày giao thừa là nhớ cồn cào cái không khí Tết hồi còn trẻ con. Bên này nhà tôi cũng có bàn thờ, mâm cơm cúng đầy đủ nhưng thiếu nhất là không khí tấp nập, ấm cúng. Tết năm nay chắc tôi không về Việt Nam đón Tết được. Nhân đây xin gửi tặng Tiền phong một  lời “Nhắn gửi phút giao thừa”.

Cảm ơn chị.

Trần Thanh (Thực hiện)

MỚI - NÓNG