Thanh Lam "miễn dịch" với..."sốc"!

Thanh Lam "miễn dịch" với..."sốc"!
Ngồi ghế hội đồng nghệ thuật Sao Mai - Điểm hẹn, bỗng dưng Thanh Lam cũng trở thành một “Sao Mai đúng hẹn” - chuyện “xưa nay hiếm”. Diva số 1 Việt Nam này luôn... yêu mình và khó đoán.

Làm nghệ thuật đừng để mình căng thẳng quá!

Một người có tiếng là tự tin, thẳng ruột ngựa, vậy mà tại Sao Mai - Điểm hẹn (SM-ĐH), chị lại là “bà hội đồng” có vẻ lười ra lời nhất, nhất là trong đêm thi đầu tiên. Tại sao vậy?

Thực ra thì nếu chỉ cần dựa vào kinh nghiệm làm nghề và sự nhạy cảm, tôi cũng có thể sớm cho ra được những nhận xét mà tôi nghĩ là dễ phải chính xác tới 70-80%. Nhưng một mặt, tôi vẫn muốn có thêm thời gian để những cảm nhận ban đầu của mình được chín chắn hơn. Cho nên, nếu là để cho tôi được tự ý, thì có lẽ tốt nhất là từ đêm thứ 3.

Trong nghề này, cứ ngồi ngoài nhìn vào rồi buông lời chê thì dễ lắm! Hoặc giả có chê thì cũng phải chê làm sao để vẫn khích lệ được người ta. Mà cái đáng giá nhất ở SM-ĐH là nó cho người ta thấy: Để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp không dễ chút nào, nó phải là công sức của cả một ê-kíp, là một nỗ lực bứt phá không ngừng nếu như anh không muốn bị thải loại và do đó, gây cho người ta cảm giác quý giọt mồ hôi của người nghệ sĩ hơn.

Đã đành nghệ thuật là luôn luôn đòi hỏi, nhưng với các SM-ĐH, tôi lại muốn để dành sự đòi hỏi của mình vào lúc các em đã được luyện tập kỹ, được có cơ hội cọ xát nhiều hơn qua các đêm, nghĩa là chạm được nhiều hơn vào cái ngưỡng chuyên nghiệp, thì lúc đó, sự đòi hỏi của mình mới “có tình có lý” và cũng khả thi hơn.

Chị có nghĩ cái uy của diva số 1 khi ngồi ghế hội đồng cũng có thể “át vía” thí sinh? Hay chính chị cũng dễ mắc tâm lý “lấy mình làm chuẩn”?

Lấy mình làm chuẩn thì có mà chết người ta à? Áp đặt, theo tôi, là điều tối kỵ nhất trong nghệ thuật. Làm nghề này, nhiều khi ăn thua ở chỗ: một khi đã bước lên sân khấu là phải biết quên hết, thậm chí, chính cả bản thân mình.

Phải luôn tin rằng chẳng có cái bóng nào đáng giá hơn mình và thế giới của mình, không gian của mình lúc ấy. Sân khấu là nơi anh không được phép căng thẳng.

Không ai có thể ngồi yên mãi một chỗ. Vậy hàng năm, chứng kiến những cuộc thi tìm “sao đổi ngôi”, chị không cảm thấy căng thẳng vì cái ghế “diva số 1” của mình cũng có thể bị lung lay sao?

Những cuộc thi chỉ càng chứng minh cho người ta thấy: đãi cát tìm vàng không dễ và công nghệ lăng -xê dù hoàn hảo đến đâu cũng không thể là một cái lò bánh mì có thể ngay lập tức cho ra lò hàng loạt được. Có thế người ta mới thấy quý người tài.

Sâu thẳm ra thì tôi tự thấy tôi chưa bao giờ để mình bị căng thẳng, choáng váng bởi một danh hiệu hay một mục đích nào mà mọi sự ghi nhận phần lớn đều đến với tôi rất tự nhiên. Làm nghệ thuật mà để mình bị căng thẳng quá mức vì giải thưởng, vì danh hiệu thì thường là hỏng hết.

Người nghệ sĩ thường yếu ở chỗ đấy: nếu căng thẳng quá sẽ không làm được gì hết, không có gì...Danh hiệu chỉ có ý nghĩa khi mình xứng đáng với nó và chỉ bền khi được làm nên bởi sự thúc bách từ chính mình.

Đó có phải là lý do khiến chị thường nhắm mắt khi hát? Không nhìn thấy khán giả cũng là để bớt đi căng thẳng?

Chỉ đơn giản là để dễ tập trung hơn thôi.

Thanh Lam "miễn dịch" với..."sốc"! ảnh 1

Diva số 1 thì không được quyền có nhược điểm

Chị nói không thích áp đặt, vậy tại sao chị vẫn đưa ra khá nhiều lời khuyên với các thí sinh? Chẳng hạn như khuyên Hoàng Yến cần chọn những bài hát vừa vặn hơn với lứa tuổi của mình vậy, và Sao Mai này đã ít nhiều có phản ứng với chị?

Yến còn trẻ quá, tính ra còn chưa bằng tuổi con gái đầu của tôi. Thế nên có thể còn chưa đủ bản lĩnh và cả sự hiểu biết để nhận chân ngay được giá trị của những lời nói thật. Đừng nên xem lời khuyên là sự áp đặt, mà chỉ là những gợi ý của người đi trước, và phần nhiều, là tốt hơn cho mình.

Chẳng phải lúc quyết định buông cây đàn tì bà để chuyển sang thanh nhạc, chị cũng đã từng được chính cô giáo thanh nhạc khuyến cáo là ... không có giọng như chị thì không nên đi theo con đường ca hát đấy thôi?

Tôi nghĩ không so sánh thế được. Vào thời điểm đấy, nước mình hầu như chưa có khái niệm thế nào là nhạc nhẹ, cũng chưa xuất hiện một giọng nữ trầm khàn nào.

Và vì vậy, trong tai nghe của nhiều người, kể cả giới chuyên môn thì một giọng nữ cao mới được coi là đáng giá và ngược lại, những ai không may (!) sở hữu một chất giọng trầm khàn như tôi dễ bị coi là không có giọng.

Sự bảo thủ đến cỡ nào thì đủ sức thắng một lời khuyên gây sốc? Đủ để đi từ một người bị cho là “không có giọng” thành diva số 1?

Thực ra thì tôi gần như chưa bao giờ để mình bị sốc chỉ vì những lời chê. Một người thông minh tự bản thân họ sẽ luôn nhìn rõ được bản thân mình, từng ưu, nhược điểm. Và đôi khi phải có đủ cả những vết lồi, lõm như thế (thay vì tròn vành vạnh) thì con người ta mới là đáng yêu, mới còn có chỗ để hoàn thiện mình...

Thế chị tự thấy diva số 1 Việt Nam có nhược điểm gì khi cầm mic?

Đến lúc này thì không được quyền nói chuyện nhược điểm. Bởi bản thân cái danh hiệu đấy không tự dưng mà nó đến được với mình. Và bản thân mình một khi đã được đẩy lên đến đấy cũng đã phải cố hết sức mà hoàn thiện mình rồi chứ, nếu không muốn bị xấu mặt.

Hãy thử tưởng tưởng những bước khởi đầu của chị mà có một bệ phóng như SM-ĐH? Chị có nghĩ đó là một thua thiệt của thế hệ mình?

Quay ngược kim đồng hồ là điều tôi không khoái, cũng như không thích đặt ra các giả thiết cho những cái đã qua. Tuy nhiên, tôi nghĩ, mỗi người, mỗi thời đều có những cái đáng yêu riêng của nó.

Thời đấy, không biết gì đến khái niệm công nghệ lăng-xê, chúng tôi vất vả hơn nhưng bù lại, lại được làm nghề hồn nhiên hơn, không bị “ban căng” như các em sau này. Cũng là thời dễ nhận dạng các chân giá trị: ai được coi là giỏi thì đúng là thực sự giỏi...

Thanh Lam "miễn dịch" với..."sốc"! ảnh 2

Sự trống rỗng có cái thi vị riêng của nó

Chị nhận lời ngồi ghế hội đồng SM-ĐH suốt hơn hai tháng có nghĩa là chị đang rảnh?

Ít ra là không quá bận. Thời điểm này chỉ định hoàn thiện cái DVD live show Lam xưa và cần một độ lùi thời gian để tìm một ý tưởng thật lãng mạn cho CD tiếp theo.

Lúc này không tính đến cái mới, mà tính đến một cái gì thuận tai với người nghe hơn. Đầu tháng 8 tới tôi sẽ hát vài bài trong live show của Lê Minh Sơn. Còn live show riêng cho mình thì đang tính là có thể làm vào dịp cuối năm.

So với 2007, năm nay có vẻ là một năm “tĩnh” đối với chị?

Đời nghệ sĩ đôi khi thú vị nhất ở những khúc quanh, những quãng lặng ấy. Sự trống rỗng tự nó hàm chứa cái thi vị riêng của nó để không đơn thuần là sự rỗng. Và có lẽ cũng đã đến tuổi không còn thích nghi với sự cuồng nhiệt nữa, không buồn nôn nóng nữa...

“Nhiệt độ sôi” trong sự nghiệp của chị có tỷ lệ thuận với “nhiệt độ sôi” trong đời sống tình cảm? Chị thường điều chỉnh mình theo cách nào khi phải đứng trong một hoàn cảnh không thuận lợi?

Điều tốt nhất tôi có thể làm cho mình là không để mình bị hoảng loạn. Thậm chí đến tuổi này, có thể nói là hầu như tôi đã được “miễn dịch” hoàn toàn với “sốc”. Khi còn trẻ, người ta thường dễ bị “nhát ma” nhưng khi đã chạm đến độ chín của sự trưởng thành, lắm khi người ta lại có cái gan “cưỡi lên lưng cọp”, nhưng không phải để làm chủ... “cọp” mà là làm chủ chính mình.

Thử kiểm kê xem sau 20 năm ca hát, Thanh Lam còn lại những gì? Sức bền nào là đáng giá hơn với chị: một giọng hát đẳng cấp hay vẻ “bầu bĩnh chết người” ở “gái ba con”?

Ở vào tầm tuổi tôi, bạn bè tôi nhiều người cuống quýt lo cho tuổi già đang mon men đến. Tôi lại không hề có cảm giác đó, không phải vì may mắn được trời phú cho cái vẻ ngoài dễ thương mà tôi tin vào những giá trị sống của mình, những giá trị tinh thần.

Rằng, qua bao lên xuống thăng trầm, tôi trước sau vẫn là một người chưa bao giờ chịu “sống vỏ”. Chỉ có thể giữ lại giọng hát, tuổi trẻ... bằng sự thanh thản trong tâm hồn, trên khía cạnh: đừng để nó bị nung trong lò lửa của sự bon chen - tôi nghĩ thế.

Dĩ nhiên, nếu bảo làm nghề này mà trong người tuyệt nhiên không có chút máu bon chen nào thì không hẳn. Nhưng thực sự là nó không có nhiều lắm ở tôi, không thường trực và đến mức ám ảnh...

Đâu phải ngẫu nhiên mà người ta đã đúc rút ra rằng phụ nữ đạt đến độ hấp dẫn nhất khi ở vào tuổi 35 - 45 và tôi cho là mình may mắn khi đang được “nương mình” trong độ tuổi ấy.

Thanh Lam "miễn dịch" với..."sốc"! ảnh 3

Điên mà bớt được?

Nhạc sĩ Phú Quang cách đây không lâu có kể trên báo: Trước khi mời chị tham gia live show, nhạc sĩ đã “ra điều kiện” là Thanh Lam phải “bớt điên” thì mới hát được nhạc Phú Quang. Và chị đã chấp nhận “bớt điên”?

Chú Quang thích nói vui cho sướng miệng thì cứ để chú ấy nói. “Điên” mà bớt được? Nghề này không “điên” không theo được đâu. Nếu ít “điên” thì đi làm nghề khác.

Có điều, người có văn hóa thì cái “điên” ở họ ẩn hơn, người ngoài khó mà nhìn thấy được. Có thể lúc đầu chỉ cần đến cái “điên” bản năng nhưng cái “điên” cao nhất cần có ở người nghệ sĩ lại phải là cái “điên” được ràng níu trên một nền móng tốt, bao gồm “phông” văn hóa và đời sống tinh thần.

Có thế mới dễ “thống trị” được nó. Chứ nếu chỉ bằng cái “điên” bản năng thì trước sau anh cũng chỉ là một kẻ khùng mà thôi - cái kém nhất ở người nghệ sĩ.

Các con của chị, nghe nói, đều được cho học đàn. Chị muốn con theo nghề?

Đúng thế nhưng lựa chọn nghề nghiệp sau này là tự nó. Con gái đầu của tôi vừa thi vào ĐH Ngoại thương. Còn nếu là để khuyên ai theo nghề thì đúng là tôi không nỡ.

Làm nghệ thuật khắc nghiệt ở chỗ: Nếu muốn “đã”, ít nhất cũng phải lọt được vào top 3 người giỏi nhất, không thì cũng phải top 5. Còn nếu như không được thế, thà làm một người bình thường còn sướng hơn. Tôi thấy thế.

Chị từng cầm đến bút vẽ, những lúc không cầm mic? Giờ sở thích đấy có còn?

Bỏ lâu rồi. Dù rằng những sở thích của tôi ít khi chịu thay đổi lắm. Trông tôi hiện đại thế thôi, chứ thực ra tôi thường thích những cái gì đã thành kinh điển, xưa cũ...

Chị từng nói trên báo chị tự hào mình là người phụ nữ văn minh? Văn minh mà đi chối từ cái mới?

Sống văn minh là đừng để mình lạc hậu so với cái mới nhưng không có nghĩa là phải quay lưng lại với cái cũ. Cái gọi là “văn minh” ở tôi trong đời sống thường nhật đôi khi đơn giản chỉ là có một địa chỉ email để thi thoảng nhận thư, có một cái nick để chat với bạn bè những lúc đi xa, hay một ngôi nhà có đủ tiện nghi để tôi có thể làm một người nội trợ tháo vát và không vì một không gian sống không được như ý mà giảm đi cảm hứng làm nghề...

Nhưng đó là một ngôi nhà đi thuê sau bao năm ngồi trên hào quang của sự nổi tiếng - điều mà bố chị - nhạc sĩ Thuận Yến - từng tỏ ra lo thay cho chị?

Tâm lý người già bao giờ chẳng thích lo xa. Tôi đã ra riêng từ lâu và suốt một thời gian dài không sống gần bố mẹ cũng khiến bố mẹ tôi ít có điều kiện để hiểu con hơn. Còn tự tôi, tôi thấy không nhất thiết phải sống vỏ.

Làm nghề này, một phần đời sống của mình đã bị phơi trên sân khấu rồi, nên khi về lại đời thường, tôi không có nhu cầu phơi bày thêm về con tôi, nhà tôi, tôi giàu hay nghèo, tôi sướng hay khổ...

Tôi việc gì phải đi chứng minh một điều mà bất kỳ ai cũng có thể đoán ra được. Rằng, một người phụ nữ xinh đẹp, văn minh và lại có tài nữa thì lẽ đương nhiên là không thể chấp nhận sống trong một căn nhà ổ chuột được rồi, không thể có một cuộc sống lạc hậu được.

Nếu cất giọng hát đi, Thanh Lam còn nhiều lý do để yêu mình?

Cất giọng hát đi Thanh Lam vẫn ăn điểm như thường ở sự tháo vát nhé! Một ngày bình thường của tôi với các “hạng mục thi công”: Cơm nước, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cắm hoa..., nếu tự tôi và bạn bè tôi cho điểm thì dễ cũng phải đến 8/10 chứ chẳng ít hơn được.

Cứ quan sát mà xem, thường một người đã giỏi trong một lĩnh vực nào đấy rồi thì các lĩnh vực khác, người ta cũng khó mà chấp nhận để mình kém cỏi lắm. Có thêm nhiều lý do để yêu mình, dại gì không!

Theo Thư Quỳnh
Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.