Thanh Loan tâm đắc với vai ni cô Huyền Trang

Thanh Loan tâm đắc với vai ni cô Huyền Trang
Diễn viên điện ảnh Thanh Loan đã để lại nhiều ấn tượng với bộ phim "Biệt động Sài Gòn". Khán giả ít khi gọi chị bằng tên thật mà thường gọi là ni cô Huyền Trang.
Thanh Loan tâm đắc với vai ni cô Huyền Trang ảnh 1

Đó cũng là vai diễn ấn tượng nhất trong cuộc đời diễn viên của NSƯT Thanh Loan. Huyền Trang là nữ chiến sĩ biệt động thành phải khoác áo tu hành để dễ bề hoạt động, đồng thời cũng là người phụ nữ đa cảm yếu đuối khi ngỡ chồng - cũng là chiến sĩ biệt động thành (Hoàng Sơn) phụ bạc, theo cô gái đài các, sang trọng.

Với đôi mắt nhung, vẻ đẹp thánh thiện, đằm thắm, Thanh Loan được đạo diễn Long Vân chấm vai. Hồi ấy, chị đang là phát thanh viên của Truyền hình Công an nhân dân.

Là con gái Hàng Da, yêu thích sân khấu từ nhỏ do hồi bé hay vào rạp Hồng Hà xem, theo học tại trường Nghệ thuật quân đội, Thanh Loan trở thành diễn viên đoàn văn công quân đội. Ít ai ngờ cô thiếu nữ thị thành thùy mị ấy từng phục vụ văn nghệ tại tuyến lửa khu 4, đường 9 Nam Lào... Trước Biệt động Sài Gòn, chị đã góp mặt trong các phim Người về đồng cói, Bài ca ra trận…

“Huyền Trang là vai tôi tâm đắc nhất và được khán giả nhớ nhiều nhất. Hồi ấy làm phim công phu lắm, nghiêm túc lắm” - Thanh Loan xúc động kể. Vào vai này, chị phải cắt phăng mái tóc dài óng mượt, vào chùa một thời gian học các nhà sư về cách đi đứng, nói năng, khấn vái, bưng tráp đi khất thực để ra đúng chất con nhà Phật. L

úc đóng cảnh đi khất thực, trời Sài Gòn nắng chang chang, dưới là đường nhựa nóng hầm hập, chị phải đi chân trần, mà lại rất thong dong, chậm rãi. Cảnh Huyền Trang đi trong mưa, đạo diễn phải xin chặn xe cả một khúc phố, điều 4 xe cứu hỏa tạo mưa.

Biệt động Sài Gòn quay 3-4 năm mới xong, diễn viên ngoài Bắc vào ngoài Thanh Loan, còn Quang Thái (vai Tư Chung - Hoàng Sơn), Bùi Cường (vai K9) đều mang con cái theo để dễ bề cai quản. Mùa hè cả khu đồn đất (cơ sở 2 của Hãng phim truyện Việt Nam) như một nhà trẻ. Thời gian ấy, hình ảnh Thanh Loan cũng xuất hiện liên tiếp trên lịch, bìa báo trong Nam ngoài Bắc.

Thanh Loan tâm đắc với vai ni cô Huyền Trang ảnh 2
Thanh Loan (phải) trong vai trò đạo diễn

Sau Biệt động Sài Gòn, Thanh Loan tham gia một số phim như: Phương án ba bông hồng, Nơi tình yêu đã chết… nhưng không có vai nào vượt qua được Huyền Trang. Chị cũng cho rằng mình không quen và không thích làm phim truyền hình vì tốc độ nhanh quá. “Nhưng quan trọng là không có đất diễn cho diễn viên phát huy”.

Vì vắng mặt quá lâu trên màn ảnh, nên nhiều lần chị bị đồn là bị đánh ghen, tạt axít. Không những thế, còn mấy lần có tin đồn là chị... đã chết. Sự thực thì sau khi theo học nghề đạo diễn, chị không đóng phim nữa.

Hiện Thanh Loan là Phó giám đốc Điện ảnh công an nhân dân, đeo lon cấp tá. Chị cũng là một trong những thành viên xây dựng chương trình An toàn giao thông từ năm 1992-1993 trên đài truyền hình Việt Nam. Chị đi sâu về mảng phim tài liệu, nhất là phim về cuộc đời, sự nghiệp của chiến sĩ công an nhân dân trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và trong cuộc sống hôm nay.

"Ni cô" lại cùng đồng đội lặn lội từ Nghệ An, Thanh Hóa đến địa đầu Móng Cái thực hiện những thước phim về công an: Cảnh sát mặc thường phục (nói về cảnh sát Interpol Việt Nam), Nơi dòng sông chảy ngược (nói về cảnh sát Lạng Sơn), Dấu vết cháy (được dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường cảnh sát, an ninh)... Bộ trưởng của chúng tôi (nói về Bộ trưởng Công an đầu tiên Trần Quốc Hoàn) là tác phẩm mới nhất của chị.

Ngoài 50 tuổi, lên chức bà rồi, nhưng Thanh Loan vẫn còn đẹp. “Dẫu có tuổi, nhưng người phụ nữ nên dành thời gian tập luyện thể dục, thể thao, đơn giản như: đi bộ, chơi cầu lông, bơi… để giữ sức khỏe tốt, tiếp tục hoàn thành công việc của mình”. Chiều chiều, “ni cô” lại sắp xếp thời gian để lên sàn nhảy, không chỉ dìu dặt với vũ điệu cổ điển mà còn quyến rũ với những vũ điệu hiện đại.

MỚI - NÓNG