Concours Mùa thu - 2007:

Thành phố Hồ Chí Minh - Tiếng vĩ cầm buồn, vì đâu?

Thành phố Hồ Chí Minh - Tiếng vĩ cầm buồn, vì đâu?
TP - Cuộc thi tài năng âm nhạc trẻ Concours Mùa thu – 2007 (4 – 13/11) cả bảng A và B thi violon không có một thí sinh nào đến từ TPHCM.
Thành phố Hồ Chí Minh - Tiếng vĩ cầm buồn, vì đâu? ảnh 1
GS. NSND Tạ Bôn

Quá bất ngờ bởi hơn chục năm qua TPHCM được coi là điểm sáng trong đào tạo đỉnh cao violon với những tên tuổi: Bùi Công Duy, Hữu Nguyên Khôi Nam, Tạ Tôn, Quốc Trường, Hữu Quốc... 

Kết thúc vòng 1 cuộc thi violon chúng tôi gặp GS.NSND Tạ Bôn- một trong những nhà sư phạm âm nhạc hàng đầu từng đào tạo nhiều nhân tài cho TPHCM và cả nước - trưởng tiểu ban giám khảo violon để trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thưa GS.NSND Tạ Bôn, sau lần 2 tổ chức năm 1993 giờ mới lại có Concours Mùa thu. 14 năm gián đoạn là quá xa cho nên nhiều người đã mơ tới một Concours Mùa thu thường niên?

Tổ chức những cuộc thi như thế này là hết sức cần thiết. Phải tạo một sân chơi để các cháu có hướng phấn đấu, nếu không các cháu phấn đấu chẳng biết để làm gì. Song, thường niên thì khó lắm, ngay trên thế giới cũng phải khoảng 2- 3- 4 năm/lần nếu không thì không đào tạo kịp.

Cho nên trước kia 3 năm/lần là đúng rồi, không may chúng ta bị gián đoạn. Hôm nọ họp chúng tôi có ý kiến vẫn phải duy trì 3 năm/lần- đây cũng là dự kiến của Bộ. 

So sánh với các cuộc thi thế giới, về cơ bản Concours Mùa thu - 2007 được xây dựng trên mô hình như thế, song có một chi tiết khác biệt đó là không có vòng thí với dàn nhạc, vốn thí sinh vẫn “sợ” vòng này nhất?

Đúng vậy. Đương nhiên các cuộc thi thường phải có 2- 3, thậm chí 4 vòng. Vòng cuối cùng bao giờ cũng đánh với dàn nhạc. Ở Concours Mùa thu lần 1 không có nhưng đến lần 2 đã có dàn nhạc. Tuy chỉ là đánh một concerto nhỏ nhưng đây là một bước tiến.

Sau đó đến lần 3 lẽ ra là năm 1997 kế hoạch lớn lắm, định nâng tầm cỡ thành concours khu vực. Như thế càng không thể thiếu phần thi với dàn nhạc, rất tiếc sau đó lại không tổ chức được. Lần này không có thi với dàn nhạc- tôi vẫn nói vui là chúng ta bây giờ thụt lùi, nhưng mà thụt lùi còn hơn là không có.

Thực ra, thời gian chuẩn bị cuộc thi cực kỳ gấp rút cho nên khâu tổ chức chưa tốt lắm thế nhưng chúng tôi ai cũng mừng và thống nhất là phải có cái này để tạo đà cho những lần sau.

Tại sao thí sinh violon TPHCM lại hoàn toàn vắng bóng trong cuộc thi này, thưa GS?

Phần vì gấp quá các cháu chuẩn bị không kịp, nhưng cũng phải nói thẳng là ở trong TPHCM khó khăn hơn HN. Đầu vào hầu như không có mặc dù chúng tôi rất muốn. Khó tưởng tượng rằng giảng viên chủ nhiệm khoa violon của nhạc viện TP dạy không lấy tiền để mà tạo nguồn cho thi vào. Nhưng “vét” ở các tỉnh về rồi các cháu cũng không học.

Bộ môn violon quá ư là khó, mất nhiều công sức, trong khi học violon chính quy cực khổ lại còn chưa biết đâu vào đâu, mà bây giờ thời kinh tế thị trường, lại ở ngay trung tâm TPHCM năng động, đi làm các nghề khác kiếm được nhiều tiền. Dù sao miền Bắc XHCN mấy chục năm rồi nên mặt bằng và cơ sở tốt hơn nhiều so với phía Nam phải sau năm 1975 mới có trường nhạc chuyên nghiệp.

Nhưng hơn chục năm lại đây TPHCM vẫn được xem là nơi đào tạo violon hiệu quả. Nếu Hà Nội  tự hào với những tài năng piano đoạt giải quốc tế thì TPHCM là violon?

Đúng thế! Chính ra thì TP HCM cực kỳ mạnh. Kể từ năm 1991 khi tôi từ Hà Nội chuyển vào trong đó cho đến nay đã có tới hơn 10 em xuất sắc: Hữu Nguyên Khôi Nam, Tạ Tôn, Quốc Trường, Hữu Quốc, Hoàng Tuấn Cương, Hoàng Linh Chi, Quốc Khải... ngay Bùi Công Duy cũng từng theo học tại NV TPHCM.

Có thể tạm nói ở violon hiện nay những gương mặt thực sự tài năng toàn TPHCM cả nhưng đi học nước ngoài hết, sau đó các cháu lại không về. Thế hệ đầu toàn đi Mỹ, Pháp, thế hệ sau cũng chọn được một số cháu khá, sau đó Singapore “nhặt” hết. Có cháu đi Singapore tưởng sẽ về, cháu thì sang Mỹ học tiếp như cháu Trần Đức Minh là tay đàn contrebass (cây đàn cùng nằm trong bộ Dây với violon) duy nhất hiện ở nước ta hiện đánh được tác phẩm của Paganini trên cây đàn này - cũng lại đi Mỹ mất rồi. Còn nhiều cháu nữa học xong, Singapore họ giữ lại.

Thực sự vì quá yêu nghề nên chúng tôi mới “trụ” được, còn lớp trẻ nhiều thứ phân tâm. Ví dụ có một cậu rất giỏi, tốt nghiệp Nhạc viện được giữ lại làm giáo viên, “trụ” được 10 năm rồi cũng phải bỏ ra 7 năm để đi học bác sĩ.

Bây giờ cậu ấy sắm ô tô, đi Bỉ, Singapore... khắp mọi nơi. Nếu vẫn ôm cái violon chắc khó nuôi nổi bản thân. Nhưng cậu này vẫn lưu luyến cây đàn, vẫn đến với chúng tôi để tập dàn nhạc. Giá mà có được 5 - 6 triệu/tháng bọn trẻ sẽ yên tâm  hơn và cha mẹ sẽ cho con em theo học hơn. Thế đấy.

Nguyễn Quang Long

MỚI - NÓNG