Thật và giả

Thật và giả
TP - Tết vừa qua tôi đến chơi nhà một người bạn, nhìn giò phong lan treo bên cửa sổ rất khó nhận ra thật hay giả. Người ta  tạo ra những bông hoa giống như hoa giả và làm ra nhiều thứ hoa giả giống như hoa thật.

Công nghệ trồng hoa và làm hoa giả đã xích lại gần nhau; thật như giả, giả như thật; đó là nghệ thuật làm cho cuộc sống đẹp hơn, phong phú, đa dạng hơn. Nhưng có một loại thật- giả có nguy cơ lẫn lộn rất nguy hiểm, đó là phẩm chất, năng lực của con người.

Một thanh niên dùng bằng giả vẫn được tuyển dụng làm giáo viên và giảng dạy bình thường. Một người chưa tốt nghiệp phổ thông vẫn thi đỗ và học một lúc hai trường đại học. Một quan chức  chưa có bằng THCS nhưng đã học và có bằng thạc sỹ….

Việc dùng bằng giả để học lên cao, vào biên chế, làm cán bộ chỉ bị phát hiện vì một lý do “vớ vẩn” nào đó chứ không phải vì kém năng lực. Thời chiến tranh, kẻ địch thường tung bọn gián điệp, biệt kích vào nội bộ ta.

Để che giấu tung tích, bọn chúng được huấn luyện kỹ lưỡng từ văn hóa, nghiệp vụ đến giao tiếp, ứng xử… sao cho giống như “cán bộ” thật. Thế nhưng, vì sự khác nhau về bản chất, bọn chúng đều bị sa lưới.

Vậy, tại sao hiện nay thật - giả lại lẫn lộn dễ  như vậy? Theo tôi, ngoài những nguyên nhân chủ quan, cố ý như móc ngoặc, hối lộ, ê kíp… còn do những nguyên nhân khách quan sau đây:

1/ Do cơ chế tuyển chọn chỉ chú ý bằng cấp mà không coi trọng năng lực thực chất. Khi đã vào được cơ quan nhà nước rồi thì mọi chuyện coi như xong, thật - giả bị đánh đồng, vàng thau lẫn lộn, không có cơ sở, tiêu chí để phân biệt (trừ khi bị tố cáo).

2/ Do “tầm thường hóa” công việc, chức trách: có  những công việc  vô thưởng, vô phạt. Có chị ở cơ quan tôi, nhà cách cơ quan trên 15 km, chị ta không biết đi xe máy nên hằng ngày chồng phải đưa đón. L

úc đầu mọi người tưởng chồng chị ấy không làm gì nhưng thực ra là “chuyên viên chính” của một cơ quan quyền lực cấp tỉnh. Công việc quá nhàn rỗi nên dư thời gian để đưa đón vợ bất cứ lúc nào. Tôi cứ nghĩ giá cơ quan kia không có anh “chuyên viên chính” ấy chắc cũng không ảnh hưởng gì ?

3/ Cơ quan nào cũng kêu thiếu người, cũng đòi được tăng biên chế. Cơ chế cấp ngân sách là khoán chi theo biên chế, do đó biên chế càng tăng thì kinh phí càng lớn.

Chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng cái gọi là “duyệt” cũng theo cảm tính, công việc đó năm người làm cũng được mà hai người làm cũng xong. Chính vì thế hiện nay đa số cơ quan hành chính cán bộ ngồi chơi nhiều hơn làm.

Thế nhưng, giải quyết công việc rất chậm trễ  (đóng một con dấu mất 10 ngày). Họ cố tình làm cho công việc của mình quan trọng, khó khăn vất vả, chỉ tội cho người dân dở khóc dở cười vì cái “quan trọng” của những cán bộ kiểu này.

Để phân biệt thật giả không cần phải dựa vào tố cáo, thẩm tra bằng cấp mất nhiều thời gian, tốn kém tiền của mà chính bằng năng lực thực tế của cán bộ, công chức thì biện pháp hữu hiệu nhất là xây dựng định mức công việc thật cụ thể, khoa học, phù hợp với  năng lực trình độ (tránh kiểu tuyển nhân viên bán hàng tạp hóa cũng đòi hỏi bằng đại học) thì tình trạng học giả, bằng giả, làm giả sẽ không tồn tại.

Tại sao nhiều người “nợ” bằng vẫn cơ cấu, bố trí công việc ngon lành? Phải chăng công việc đó  không cần trình độ, năng lực vẫn làm được nên họ mới chạy cái bằng giả lót vào cho đủ thủ tục? Bằng cấp là thể hiện trình độ, năng lực sao lại có chuyện “nợ nần” như mớ rau, con cá?

Chúng ta hô hào sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế nhưng kết quả hầu như chỉ tách ra rồi lại nhập vào, nhập vào rồi lại tách ra, biên chế ngày càng phình to. 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).