Thấy gì ở Từ điển Văn học bộ mới ?

Thấy gì ở Từ điển Văn học bộ mới ?
Sau hai tập Từ điển Văn học (1983 – 1984) được NXB Khoa học xã hội ấn hành, đầu Xuân 2005, sau hơn 20 năm, Từ điển Văn học bộ mới đã ra mắt độc giả.

Về quy cách biên soạn, Từ điển Văn học bộ mới đã có những cải tiến khoa học, tạo sự dễ dàng, thuận lợi cho người đọc trong khi tra cứu.

Sau phần nội dung chính, ở cuối sách có thêm 10 bảng phụ lục: 2 bảng tra cứu tác gia, tác phẩm theo tiếng Việt (có chú nguyên văn); 2 bảng tra cứu tác gia, tác phẩm theo khối chữ La tinh; 2 bảng tra cứu tác gia tác phẩm theo tiếng Nga; 2 bảng tra cứu tác gia tác phẩm theo tiếng Hán và 2 bảng tra cứu thuật ngữ bao gồm cả tổ chức, hoạt động văn học, trào lưu, phương pháp và thuật ngữ văn học.

Từ điển còn cung cấp gần 200 trang ảnh về các nhân vật và sự kiện văn học trong nước và thế giới. Có thể nói, bộ Từ điển  mới đã được thực hiện với những tiêu chí mới và chuẩn mực khoa học cao nhất từ trước đến nay. Nhưng người làm nghề đã có một bộ sách công cụ chuyên ngành phong phú, đáng trân  trọng. Bạn đọc đã có một sản phẩm tinh thần đáng quý.

Về nội dung, như đã nói trên, ở từng bộ phận, ở nhiều mục từ đã có sự bổ sung, nâng cấp, phù hợp với hoàn cảnh đổi mới của đất nước, phù hợp với xu thế giao lưu, hội nhập với thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người đọc.

Phần Văn học nước ngoài, bên cạnh những nền văn học lớn như Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh… Từ điển Văn học bộ mới đã cố gắng giới thiệu với người đọc những tác giả và tác phẩm của các nền văn học còn ít được biết đến trên thế giới và trong khu vực như Phần Lan, Đan Mạch, Kênya, Bờ biển Ngà, Xênêgan, Thái Lan, Cămpuchia, Inđônêxia… Người đọc có được những hiểu biết cơ bản nhất về những gương mặt văn chương lớn của nhân loại qua các giai đoạn của lịch sử văn học thế giới, đồng  thời cũng được làm quen với những gương mặt còn được ít giới thiệu ở Việt Nam.

Mảng Văn học Việt Nam đã được bổ sung thêm khá nhiều tác giả, có cả phần Cổ cận và Hiện đại. Đặc biệt các tác giả xuất hiện trong giai đoạn văn học giao thời 1900- 1930 như: Bửu Đình, Biến Ngũ Nhi, Đạm Phương, Huỳnh Thị Bảo Hoà… Cách đánh giá ở các mục từ nhìn chung là khách quan, khoa học, chủ yếu dựa vào  những tiêu chí của văn chương để bình giá và nhận xét đối tượng. Những kiến thức liên ngành khoa học xã hội cũng đã bước đầu được áp dụng và sử dụng có hiệu quả.Những người thực hiện bộ sách vừa tuân thủ theo những nguyên tắc đã được xác định từ trước lại vừa có sự năng động, cập nhật với đời sống văn học sôi động đang không ngừng vận động và phát triển.

Chúng ta có thể thấy những tác phẩm đầu tiên của nền văn xuôi Quốc ngữ như Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký, Truyện thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản… Cho đến những tác phẩm có tiếng vang trong giới văn học nghệ thuật cũng như trong dư luận xã hội vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX như Cát bụi chân ai (1992), Chiều chiều (1999) của Tô Hoài. Tất nhiên là hai tác phẩm sau mới chỉ được nên lên như một mục từ, chứ chưa được trình bày kỹ như hai tác phẩm đầu.

Chúng tôi tán thành với quan điểm của những người biên soạn từ điển khi cho rằng một hiện tượng văn học khi đã được coi là sự kiện tất đã phải có một độ lùi thời gian để có thể được định giá, lưu dấu ấn ở bạn đọc, trong  đời sống văn học và trong dư luận xã hội.

Trên cơ sở đó mà việc lựa chọn danh mục của từ điển cũng đã là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức, nhất là khi phải bao quát một đối tượng rộng lớn và phức tạp là nền văn học của hàng trăm dân tộc, thuộc các ngôn ngữ và nền văn minh, văn hoá khác nhau.

Như chúng ta đã biết, đây không phải là bộ Từ điển Văn học lần đầu tiên ra đời. Những người sinh ra nó cũng đã định danh một cách rõ ràng là Từ điển Văn học bộ mới. Nói một cách chính  xác hơn là bộ sách đã được “tái sinh” với rất nhiều sự “bồi đắp da thịt” trên tất cả các khu vực.

Chỉ riêng khu vực văn học Việt Nam hiện đại – Văn học Quốc ngữ thế kỷ XX  thì sự bổ sung này đã đem lại một diện mạo mới, phong phú hơn hẳn so với cuốn cũ. Những tên tuổi của văn học miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngu Ý, Toan Ánh… cả những cây bút hoạt động ở giai đoạn 1954 – 1975 như Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến… Nhiều tác giả ở miền Bắc trước đây bị né tránh Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng…; hoặc các tác giả có tác phẩm bị xem là lệch lạc như Nguyễn Dậu… đã có mặt trong từ điển. Đó là một cách trả lại sự công bằng, khách quan cho lịch sử.

Nhưng ở đây cũng cần có sự chừng mực hơn. Trong số này, có người được viết quá dài, có những tác phẩm chưa từng được xuất bản mà mới chỉ là di cảo, điều này vừa không đúng với quy luật tiếp nhận của văn chương, vừa không sát với nguyên tắc đã được xác định của từ điển (như trường hợp Trần Dần, Hoàng Công Khanh…); có tác giả sự nghiệp viết thật ra chưa lớn (Nguyễn Dậu)...

Ở lời nói đầu, Từ điển có xác định giới hạn thời gian để chọn đưa vào sách, đó là: “Trong  số những tác giả  đã có mặt trên văn đàn từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX trở về trước, còn những tác giả sau đó sẽ là đối tượng của các bộ từ điển văn học sau này”.

Tôi có băn khoăn về tiêu chí thời gian. Vì sao là  đầu 60, mà không sớm hơn hoặc muộn hơn cho khớp với một mốc lịch sử nào đó. Đối với lịch sử và lịch sử văn học dân tộc thì lựa chọn như vậy đã có phần mơ hồ, còn đối với lịch sử và lịch sử văn học thế giới thì mốc thời gian này càng gây khó hiểu hơn. Nếu dựa vào mốc giáp ranh đầu những năm 60 thế kỷ XX, thì cùng với Đào Vũ đã có trong Từ điển còn phải kể đến Nguyễn Địch Dũng, Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường… Việc chọn và sắp xếp theo thế hệ – nếu đã có Trần Lê Văn sao lại thiếu Quang Dũng; nếu đã có Trần Hữu Thung, Phạm Hổ, Đào Xuân Quý, thì  sao lại thiếu Trinh Đường, Xuân Hoàng.. và còn một số trường hợp khác nữa…

Đây là khu vực mà tôi nghĩ là việc điều chỉnh, thêm bớt, sửa chữa nên được xem xét thêm... 

Tháng 2/2005

MỚI - NÓNG