Thế là xong cuộc đi hoang dằng dặc

Thế là xong cuộc đi hoang dằng dặc
TP - “Tôi không bao giờ ngờ sau 60 năm lại trở về Nhà hát Lớn để hát. Tôi luôn bình thường hóa mọi việc, không coi cái gì là thiêng liêng, thì nay thấy điều gì đó thiêng liêng”- Trước đêm nhạc Ngày trở về, Phạm Duy bộc bạch.

Còn đêm 27/3, ông nói: “Tôi đã tiên liệu sẽ được chào đón niềm nở như vậy”.

Thế là xong cuộc đi hoang dằng dặc ảnh 1
MC trong đêm nhạc của chính mình - Ảnh: Phạm Yên

Phạm Duy nói:

Khán giả thật lịch sự. Khán giả trong Nam quen với tôi từ xưa và nồng nhiệt từ lâu nhưng Hà Nội là nơi tôi ra đi, chia tay được 60 năm rồi. Thế là chấm dứt một cuộc đi hoang dài dằng dặc.

Hẳn ông gọi ngày trở về của mình là “thà muộn còn hơn không bao giờ”? Cảm giác của ông lúc này?

Trong đầu tôi luôn có ý nghĩ phải về, chỉ không biết là thời điểm nào mà thôi. Những điều trước nay tôi làm và tôi linh cảm đều đúng hết. Tôi sẽ về và tôi phải về.

Thế hệ cha mẹ chúng tôi say sưa hát “Ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê, đến bên lũy tre nắng vàng hoe vườn rau trước hè cười đón người về” và gọi đó là nhạc vàng- thứ cấm kỵ thời bấy giờ. Còn hôm nay, ông nghĩ thế hệ trẻ có thẩm thấu được những Tình ca, Nương chiều, Con đường tình ta đi, Nghìn trùng xa cách, Ngày xưa Hoàng Thị… vì người ta gọi nhạc Phạm Duy là âm nhạc của một trời kỷ niệm?

Kể ra cũng khó nói. Ngày xưa nghe nhạc của tôi người ta khóc. Bây giờ thì tôi không rõ. Nhưng đêm nay tôi thấy khán giả đâu chỉ có cao niên.

Ca sĩ trẻ hát đều tốt và hiểu bài hát. Chỉ hơi tiếc một hai người bị sai lời.

Ngày xưa Hoàng Thị được làm mới với giọng Khánh Linh- hơi mỏng. Còn trong quá khứ, khi Thái Thanh hát bài này, có được đón nhận ngay không?

Thái Thanh chỉ cần cất giọng là người ta đã mê bất kể bài nào.

“Cuối năm 1953 đất nước bước vào giai đoạn giành được độc lập. Tôi nhận thấy người Việt Nam mình khác với người Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan từ tiếng nói, cảnh vật, con người. Tôi muốn xưng tụng ba bản sắc ấy nên viết bài Tình ca: Tôi yêu tiếng nước tôi, tôi yêu đất nước tôi, tôi yêu người nước tôi - Phạm Duy bộc bạch với khán giả trong đêm 27/3 ở Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Riêng câu "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời" của Phạm Duy cách đây ít lâu được một doanh nhân mua bản quyền 100 triệu đồng dùng làm nhạc hiệu cho công ty của mình.

“Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu” - hồi ký Phạm Duy viết: Người Con Gái Việt Nam Da Vàng ngày xưa sướng thật vì được lứa nhạc sĩ mầm non chúng tôi ca tụng qua những bài như Cô hái mơ, Cô lái đò, Cô láng giềng…...” Còn nhạc tình ngày nay, ông đánh giá cao ai (lứa tuổi 60 trở lại đây)? Ông nhận xét âm nhạc của giới trẻ kém sang trọng, thiếu sự cuốn hút, rung động. Theo ông nhạc sĩ hiện nay kém gì nhất?

Trả lời câu này dễ đụng chạm người này người nọ, tôi không muốn. Tình cảm, tình yêu bây giờ khác xưa nên âm nhạc cũng khác. Đời sống duy vật chất quá, nên âm nhạc cũng tầm thường theo.

Trước kia ông nói, người Việt Nam vẫn chưa nghe nhạc như những người bình thường-nghĩa là với một tâm thế ung dung tĩnh tại. Ông còn giữ quan điểm này?

Còn.

Nghệ sĩ vốn là loại người khó sống, bất bình thường. Nghệ sĩ Việt Nam, con người Việt Nam càng khó sống, không bình thường. Ông Huy Cận ru "Ngủ đi em! Mộng bình thường" vì muốn lấy lại cái bình thường, đời sống bình thường của con người.

"Ngậm ngùi" phổ nhạc thành công hơn "Lá diêu bông" (Hoàng Cầm). Ông nói Huy Cận hài lòng?

Năm 2002 ông ấy gặp và nói với tôi như thế.

Thế là xong cuộc đi hoang dằng dặc ảnh 2
Nhóm Năm dòng kẻ hát trong “Ngày trở về”  - Ảnh: Phạm Yên

Và ông nói mình là chứng nhân của lịch sử, đất nước. Theo nghĩa nào?

Tôi là ca nhân “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” (lời bài Tình ca).

Ngay từ khi bắt đầu soạn nhạc, tôi đã biết mình phải làm ba loại: Nhạc tình cảm, nhạc xã hội, nhạc tâm linh. Về nhạc xã hội, kể cả viết về thời kỳ kháng chiến, tôi không chỉ nói về vinh quang mà cả những mất mát buồn đau.

Như khúc bi tráng ca Áo anh sứt chỉ đường tà phổ thơ Hữu Loan: Nhưng không chết người trai chiến sĩ/Mà chết người gái nhỏ miền xuôi (nguyên văn bài Màu tím hoa sim: "Nhưng không chết người trai khói lửa/Mà chết người gái nhỏ hậu phương"  - NV)

“Tôi đếm trong ba cuốn hồi ký đầu của Phạm Duy được bốn chục mối tình. Và tình yêu của Phạm Duy không phải là tình yêu áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, không phải là yêu mà chẳng nói, có nói cũng không cùng.

Phạm Duy nói ngay, cầm tay, trao đổi nụ hôn, những nụ hôn dịu dàng rồi những nụ hôn bốc lửa, lửa của những ổ rơm to, lửa của dọc đường gió bụi, của căn phòng hò hẹn.

Mỗi chặng dừng chân dọc đường đi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, một chặng dừng chân dọc những con đường đất nước của những liên khu một, hai, ba, bốn, là một kỷ niệm trùng trùng, một cuộc tình bốc lửa”.

(Nguyên Sa - “Phạm Duy, đại lực sĩ”)

Phạm Duy được đánh giá là nhạc sĩ kỳ tài, tác phẩm nhiều và thậm chí đa dạng hơn Trịnh Công Sơn nhưng sức lan tỏa thì không thể bằng?

Trịnh Công Sơn tài đấy. Từ năm 1975 đến năm 2000 ở trong nước không ai hơn được. Sơn nói được phần nào nỗi đau của dân chúng, thân phận con người, nhưng Sơn không đa dạng như tôi.

Anh ấy cũng có cái thiệt thòi là tuổi trẻ được học không nhiều. Còn tôi ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, mẹ và cha. Cha tôi là nhà văn Phạm Duy Tốn, anh tôi cũng là nhà văn. Cho đến giờ tôi vẫn không ngừng học hỏi.

Làm thế nào mà ở tuổi  80 (nhạc sĩ Phạm Duy sinh 1921) ông vẫn còn phong độ, sắc sảo bén nhạy?

Tôi được cái hồn nhiên như cây cỏ, luôn lạc quan mà không phải cố gắng nhiều lắm. Người yêu kẻ ghét, lắm người chửi bới, tôi đều kệ. Tôi theo chủ nghĩa Mac - ke - no. Ngoài ra tôi thuốc lá không, rượu không, không một giọt.

Ông cũng độp lại ra trò những người chỉ trích ông đấy chứ (ví dụ viết bài “Tôi trở về nước tôi, sao có người không vui”).

Đối với những người đó, họ giả tạo đến độ tôi phải lên tiếng. Họ thấy tôi về mà họ không về được thì họ cáu tiết. Thì về đi! Còn tôi làm gì kệ xác tôi chứ.

Trong nhiều bài hát, ông có lối vào đề trực tiếp: “Lên xe tiễn em đi/Chưa bao giờ buồn thế”... “Nghìn trùng xa cách/Người đã đi rồi”... Trong cuộc đời ông cũng luôn thẳng thắn, quyết liệt?

Tôi là một người chân chính. Trần Văn Thủy đi tìm người tử tế. Phùng Quán tìm người thành thực. Còn tôi đi tìm người chân chính và bản thân là một người chân chính. Có người nói tôi ham tiền, ham gái. Nhưng tôi là người yêu vợ yêu con nhất thế giới.

Nguyên Sa đếm trong ba hồi ký đầu của Phạm Duy khoảng bốn chục mối tình. Còn Tạ Tỵ khẳng định Phạm Duy có khoảng 200 người tình. Sự thật ông yêu bao nhiêu người cả thảy?

Bốn chục thì ít quá mà 200 thì nhiều quá. Tạ Tỵ nói bừa thôi.

Tôi là anh nghệ sĩ xuất thân ca sĩ cải lương, được nhiều người yêu và mình yêu cũng nhiều. Nhưng thôi, giờ đã quá già để nói chuyện yêu đương.

Giữa Phạm Duy và Ngọc Bảo, người hát nhạc Phạm Duy (tài tử Ngọc Bảo, đã mất), ai phong tình hơn?

Anh Ngọc Bảo đẹp trai hơn tôi.

Không coi cái gì trên đời là thiêng liêng - quan niệm này có trong ông từ bao giờ?

Cuộc đời phải có điều thiêng liêng, nhưng sự thiêng liêng của tôi khác quan niệm thông thường. Không phải là sự tôn thờ một ai đó hay một việc gì đó. Như sự trở về hát tại Nhà hát Lớn sau 60 năm là thiêng liêng, thiêng liêng một cách không thể cắt nghĩa được.

Nếu ai đó bảo khi cần phải lựa chọn trong đời, ông luôn chọn lối đi bằng phẳng, thuận lợi hơn cả để có một cuộc đời viên mãn, ông nói sao?

Đúng, tôi là người bình thường chứ có phải điên đâu mà chọn lối đi khó. Tôi cứ thế đi thôi.

Thời gian nào trong quá khứ ông cảm thấy khó khăn nhất? Và lúc nào ông thấy hạnh phúc nhất?

Lúc khó khăn nhất luôn là lúc tôi phải nghĩ đến tiền, phải kiếm tiền. Tôi có tới tám con. Nếu có tiền, tôi thuê người làm một cái discotheque để mình và các con diễn, nhảy, hát, thu tiền của thiên hạ.

Nay chim đã bay về tổ, cá lội về nguồn, lá rụng về cội. Nhưng về được đến đây, tôi cũng có nỗi khổ riêng.

Ông còn những dự định gì tiếp theo? Có khi ngay bây giờ ông đã nghĩ đến đêm nhạc thứ hai ở Hà Nội?

Trước mắt tôi vẫn phải chờ. Tôi chưa biết bài sẽ được duyệt tiếp theo là bài nào (có khoảng hơn 50 bài của Phạm Duy được phép phổ biến trong nước - NV).

Chúc mừng “Ngày trở về” muộn màng và mỹ mãn của nhạc sĩ Phạm Duy.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.