Thêm một giáo phường ca trù mang tên Thăng Long

Thêm một giáo phường ca trù mang tên Thăng Long
TP - Sau khi qua báo chí biết Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long sắp ra mắt, ngày 27/3, đào nương Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long (trực thuộc Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) làm đơn gửi Ban Giám đốc của Trung tâm và các cơ quan chức năng đề nghị Trung tâm đổi tên để tránh nhầm lẫn trong công việc.
Thêm một giáo phường ca trù mang tên Thăng Long ảnh 1

Đào đàn Phạm Thị Huệ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cùng CLB Ca trù Thăng Long biểu diễn tại đình Cống Vị, Hà Nội, tối 7/3  Ảnh: N.M.Hà

Cảm xúc của chị khi biết Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long ra đời?

Điều làm tôi buồn nhất là trùng tên. Trong một gia đình, không ai lại đặt hai đứa con tên giống hệt nhau. Làm sao mà phân biệt?

Tôi cũng không muốn làm to chuyện vì ảnh hưởng đến việc chung nhưng lại không thể không nói ra. Dù sao tôi cũng muốn đến dự buổi khai trương của trung tâm để chúc mừng.

Từ 25/4 đến 12/5, đào nương kiêm đào đàn Phạm Thị Huệ cùng học sinh là đào đàn Nguyễn Thu Thủy sang Úc dự hội thảo Những môn nghệ thuật có nguy cơ thất truyền ở châu Á.

Chủ trì hội thảo- ông Viện trưởng Viện Âm nhạc ĐHTH Queensland ngỏ ý muốn gây quỹ để CLB Ca trù Thăng Long bảo tồn ca trù.

CLB Ca trù Thăng Long còn là trường hợp đặc biệt hai lần được Quỹ Ford tài trợ (thường quỹ này chỉ tài trợ một lần cho một hồ sơ) trong hai năm đầu mới thành lập với tổng số tiền 125 triệu đồng.

Hiện CLB hoạt động phi lợi nhuận với sự hỗ trợ của các cá nhân yêu mến nghệ thuật ca trù, như anh Hoàng Minh Châu (TPHCM) vừa trao 30 triệu đồng để hỗ trợ hoạt động của CLB trong nửa năm. 

Chị cho rằng việc trùng tên giữa hai đơn vị cùng hoạt động trong một lĩnh vực sẽ gây rắc rối?

Trung tâm văn hóa thì nhiều nhưng đã là ca trù thì rất dễ nhầm. Chẳng hạn mới đây ảnh của CLB Ca trù Thăng Long lại được dùng để minh họa cho một bài báo về Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long. Sau này đi vào lịch sử chẳng hạn, con cháu của chúng ta cũng sẽ chả hiểu chuyện gì...

Việc nhập nhằng về tên gọi cũng có thể trở thành tiền lệ không tốt trong hoạt động của những thế hệ tiếp nối. Chỉ còn cách một trong hai đơn vị phải đổi tên.

Nếu Trung tâm Văn hóa Ca trù không đổi tên, chị tính sao?

Tôi khẳng định không bao giờ đổi tên CLB Ca trù Thăng Long. Bên ấy có đổi tên hay không thì cũng phải làm rõ…

Chị có ý định gặp luật sư?

Trong trường hợp bên kia vẫn giữ tên, tôi cũng muốn hỏi đầu đuôi ra làm sao.

Chị giải thích thế nào khi hai người thầy của CLB Ca trù Thăng Long xuất hiện trong vai trò cố vấn của Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long?

Cả hai người thầy của tôi là nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đều không biết mình được vào vai trò này.

Qua bốn năm hoạt động, đang dạy nghề cho hàng chục đào nương, nếu gặp được nhà đầu tư với hình thức tương tự, liệu CLB Ca trù Thăng Long cũng sẽ tổ chức kinh doanh?

Tôi chưa muốn kinh doanh ca trù. Mục đích chính của tôi là bảo tồn. Đầu tư thế nào để nghiên cứu sâu về nó, thu nhiều băng đĩa của nghệ nhân còn sót lại… là những việc tôi quan tâm nhiều hơn.

Chị có thể cho biết thêm về kế hoạch thành lập giáo phường Ca trù Thăng Long? Có gì khác so với CLB?

Sớm thì giáo phường sẽ ra mắt vào sinh nhật lần thứ ba của CLB, vào tháng Tám năm nay. Hiện các em đang cố gắng. Nếu các em chưa đủ độ chín về nghề thì sẽ dịch sang năm hoặc ai đạt yêu cầu thì cho ra nghề trước.

Tôi mong muốn gây dựng lại giáo phường giống ngày xưa. Hoạt động chính là hát cửa đình phục vụ lễ hội, dựng lại nét đẹp truyền thống; và hát chơi theo các đơn đặt hàng của các gia đình, cơ quan đoàn thể.

Đào nương của CLB Ca trù Thăng Long còn giỏi về mảng nhạc đàn - cũng là thuận lợi để thành lập giáo phường. Vì dàn nhạc là thành phần không thể thiếu trong chương trình của một giáo phường ca trù trong các đại lễ.

Giáo phường gắn liền các lễ nghi, theo các nguyên tắc ghi trong sách cổ. Chẳng hạn thu nhập mỗi buổi diễn một phần để phụng dưỡng nghệ nhân già, một phần để đào tạo các thế hệ tiếp nối cũng như nâng cao tay nghề cho các đào nương.

Mong muốn của tôi là làng ca trù sẽ chuẩn mực lại các luật lệ, cũng như các phong tục ngày xưa. Ca nương trước khi ra nghề sẽ qua cuộc thi sát hạch, mỗi giai đoạn sẽ được nâng cao. Ví dụ hiện nay không thể đòi hỏi các em phải biết tất cả các lề lối. Nhưng dù đã ra nghề, nắm vững các lề lối chính rồi, các em vẫn phải tu luyện. Năm năm sau chẳng hạn, sẽ phải nắm bắt được tất cả các lề lối. Nếu tất cả các giáo phường, CLB cùng nhau rèn luyện và tiến bộ thì chất lượng của các cuộc thi sẽ rất cao.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Lan Hương - Giám đốc Nhà hát Ca trù Thăng Long, hay còn gọi là Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long - cho biết, buổi diễn ra mắt nhà hát sẽ hoãn lại tới 8 giờ 30 sáng 3/4, tại 25 Tông Đản, Hà Nội. Lý do, lãnh đạo thành phố bận không thể tham dự vào tối 31/3.

Liên quan đơn thư của CLB Ca trù Thăng Long do đào nương Phạm Thị Huệ phụ trách, bà Lan Hương khẳng định: "Cái tên Thăng Long không phải của riêng chị Huệ, mà ở Hà Nội còn có Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long… Đây là sự hiểu lầm. Phía chúng tôi cũng nhận được đơn thư, và đã soạn công văn trả lời các đơn vị chức năng".

Đ.T.T

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.