'Then không cần bảo tồn!'

Ứng dụng then vào nghệ thuật trình diễn tại Lễ khai mạc Liên hoan hát then - đàn tính tại Tuyên Quang 25/9. Ảnh: N.M.Hà.
Ứng dụng then vào nghệ thuật trình diễn tại Lễ khai mạc Liên hoan hát then - đàn tính tại Tuyên Quang 25/9. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Xây dựng Hồ sơ Then Tày, Nùng, Thái đệ trình UNESCO công nhận Di sản Đại diện Nhân loại là dịp để thêm một lần nhìn nhận giá trị văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của then và những nguy cơ then đang phải đối mặt. 

Cuộc trao đổi với nhạc sĩ Đặng Hoàng Loan- thành viên xây dựng hồ sơ Then - tại hội thảo quốc tế Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam tại Tuyên Quang giúp sáng tỏ một số vấn đề về hiện trạng của then.

Trong quá trình đi điền dã làm hồ sơ then trình UNESCO, ông cảm nhận thế nào về thực trạng của loại hình này?

Trong nghi lễ then, điệu then được một ông then, đôi khi hai-ba ông hát. Còn hát then mà chúng ta hay xem trên sân khấu có thể bao gồm cả một tốp đông người là hình thức nghệ thuật giải trí cộng đồng dựa vào các làn điệu then chứ không phải then.

Nghệ sĩ nói chung đàn hát rất hay nếu so với một số thầy then hiện nay. Thế hệ thầy then hiện nay so với cách đây ba bốn chục năm trình độ nghệ thuật văn chương cũng rất khác nhau. Tôi đánh giá cao việc đưa các làn điệu then vào cuộc đời. Mỗi năm con người hiện đại bổ sung cho nó những chi tiết hay hơn.

Có hiện tượng nghệ sĩ hát then trở về làm thầy then không, thưa ông?

Có. Trong cuộc khảo sát vừa rồi, tôi đã gặp một số thầy then 30 - 35 tuổi. Họ rất nhiều lần tham gia các cuộc liên hoan then, rồi một ngày họ nhập đồng, họ có căn, họ theo ông tổ hoặc ông nội của họ hành nghề then. Nếu đạo Phật có sư nhập thế thì then cũng đang nhập thế. Cách hát, cách đàn, cách diễn, quan niệm về then của một số thầy trẻ cũng khác xưa. Cho nên mình bảo hát là họ hát ngay.

Khác với ông then bà then xưa chỉ hát trong lễ?

Chính xác. Khi đi làm then muốn người ta biểu diễn phải có khói hương để người ta trình báo với tổ then, với ngọc hoàng rằng người ta làm then để làm gì. Vừa rồi tôi đến, ông thầy then 54 tuổi bảo: “Ông phải cúng vía của ông thì tôi mới hát cho ông nghe được chứ”. Mình tưởng phải bỏ tiền ra. Thì ông ấy bảo: “Không, ông phải cởi áo để tôi lấy áo ông làm áo vía”. Thế là mình cởi áo ra và ông ấy hát cho mình nghe. Phải có cái cớ nhất định để trình với tổ then.

Cũng như khi tôi đến bà then Lình ở Lạng Sơn, tôi bỏ tiền vào đấy và thắp hương. Sau đó bà ấy mới đánh đàn xin: “Hôm nay đoàn của Bộ Văn hóa về, tôi xin với mường Trời, xin Ngọc Hoàng thượng đế cho tôi được hát những câu then Trên đường”.

Then là những câu chuyện mang lễ then lên các cửa thánh trên mường trời. Quá trình mang cái lễ ấy là văn học then. Có 20 - 30 chặng then tùy vào khả năng của thầy then. Họ đi từ nhà qua cửa thổ công, qua cửa thành hoàng, qua cửa mó nước (đầu nguồn nước) lên mường trời vào cửa tổ đẳm (tổ tiên) từ đó mới đi được đến các cửa thánh khác. Mỗi một chặng đường đi như vậy họ mô tả cho chúng ta bằng văn học những khó khăn, vất vả, những câu chuyện khi đến mường của người điếc, hay mường của những kẻ lười biếng, ngu dốt. Hay chuyện tình của ông then với tiên, những câu chuyện chia tay của các quân s’luông (quân chèo đò). Tất cả quân then là âm binh. Thầy then có quyền sai âm binh. Người có cấp bậc then càng cao thì càng nhiều quân. Tướng càng to âm binh càng nhiều. Có người có hàng vạn âm binh.

Như vậy cái chúng ta trình UNESCO là tín ngưỡng then chứ không phải nghệ thuật giải trí như đang thấy trên sân khấu?

Chính xác là tín ngưỡng then. Đương nhiên trong hồ sơ phải có sự diễn tả việc ứng dụng then trong đời sống. Đấy là hiện tượng văn hóa có tác dụng lớn đưa then vào cộng đồng. Mình không đưa được tín ngưỡng thì đưa âm nhạc then vào. Cái đấy giúp bảo tồn âm nhạc then. Bảo tồn âm nhạc then và bảo tồn hành nghề/tín ngưỡng then hai phạm trù khác nhau. Tín ngưỡng then tự nó sống, không cần bảo tồn!

Từ góc độ quản lý, nghiên cứu, theo ông nên có biện pháp gì để bảo tồn phát huy then?

Hát then đàn tính đã được đào tạo trong trường nghệ thuật của các dân tộc ít người từ những năm 1960. Các nghệ sĩ tập hợp các câu then từ các ông then, biên soạn thành giáo trình. Về tín ngưỡng không cần. Mình chỉ có hai động thái. Một, tôn trọng họ. Hai là hỗ trợ văn bản lời then cho họ. Hội Văn nghệ Dân gian xuất bản được 6 đầu sách lời then, mỗi cuốn có đến trên 4 vạn câu thơ. Đời này sang đời khác có một cái khung để hành nghề mà thầy then nào cũng phải nhớ, nhưng thầy then nào kiến thức càng cao, thuộc càng nhiều lời then thì chuyện càng hay. Có nhược điểm hiện nay các thầy then làm tín ngưỡng thì được nhưng chuyện không hay. Do thời gian đứt đoạn bốn chục năm, thầy then không thuộc nhiều lời ca như sách xuất bản. Hiện chỉ có khoảng 10 nghệ nhân tuổi 80 còn nhớ tương đối nguyên vẹn.

Cũng có những thầy then có sách cha ông truyền lại bằng Nôm Tày nhưng họ không biết chữ. Một nửa số thầy then có văn bản tổ tiên để lại. Mình đang thống kê lại. Mình giúp dịch ra cho họ tức là cho mình. Đấy là biện pháp hữu hiệu nhất.

GS Tô Ngọc Thanh cho rằng nên đưa then vào hạng mục Di sản đang có nguy cơ biến mất. Quan điểm của ông?

Tôi vẫn cứ tán thành với Bộ nó là Di sản đại diện nhân loại. Vì then không mất, vẫn đang sôi nổi lắm. Khi chúng tôi hỏi một ông then rỗi lúc nào để đến làm hồ sơ thì cụ ấy nói: “Tôi phải sau tháng Tư cơ, gần cuối năm athì đừng đến vì lịch kín rồi”. Họ sinh hoạt như thế thì không thể nói là mất được. Các thầy then bây giờ giàu phết. Lạng Sơn tuyệt đại đa số các thầy then nhà lớn, chỉ một số nghèo thôi. Người nào có giọng hát hay, tay đàn giỏi và câu chuyện then “mộng mị” cho người ngồi nghe tin thì càng hấp dẫn.

MỚI - NÓNG