Theo chân “thợ” săn chiêng cổ Tây Nguyên

Theo chân “thợ” săn chiêng cổ Tây Nguyên
Giới săn đồ cổ ráo riết vơ vét chiêng cổ Tây Nguyên, rồi chúng "lần lượt đội nón ra đi" theo các tay buôn đồ cổ, liệu có còn chúng để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới?

Để có được chuyến đi cùng Trần V (một đại ca trong giới săn lùng mua, bán đồ cổ) đến vùng đất Ayun Pa (Gia Lai) - xứ sở của những Pơtaupui (Vua lửa), tôi đã phải cậy đến anh Hoàng Hữu, một người chuyên nghiên cứu về văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây nguyên sống ở TP Pleiku giới thiệu. Trần V đồng ý, nhưng với một điều kiện: Tôi không được tiết lộ tên thật của anh...

Từ thị trấn Ayun Pa, Trần V, tôi và một đàn em thân tín của anh ta thuê bốn xe ôm : Ba chiếc chở người, chiếc còn lại chở hàng với lỉnh kỉnh những thứ như dao, rựa, ché, mỳ tôm, bột ngọt, thuốc lá... Ngoài cái ti vi cũ hiệu Sam Sung mua từ TP Pleiku xuống là có giá, còn lại hàng hóa rặt những thứ mới mua vội ở chợ thị trấn mà giá trị của cả lô hàng chỉ đáng vài trăm ngàn đồng. Tôi hỏi: “Những thứ này thì đổi chác được những gì?”. Trần V cười: “Được đấy, nhiều nữa là đằng khác. Nhưng hôm nay không đổi mà chỉ tặng hàng thôi...”

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, V lý giải: Số hàng hôm nay mang theo chỉ để tặng “cơ sở”. “Các chiến hữu của anh có mặt ở Tây Nguyên nhiều không?” - tôi hỏi Trần V. “ Tây Bắc gần như đã cạn hàng nên hầu hết các nhóm Hùng râu, Thành Hà Nội, Bảy cao... đều đã dạt vào Tây Nguyên. Hơn nữa đồng bào thiểu số ở đây hiểu biết còn hạn chế, rất thật thà... nên cũng dễ “làm ăn” hơn...”.

Đệ tử của Trần V, chàng cựu sinh viên tốt nghiệp Đại học Văn hóa tình cờ được V thu nhận trong một chuyến “đánh hàng” qua biên giới Việt - Trung kể: “ Cách đây 3 năm, em theo đại ca V đi dự lễ chôn cất ông Siu Luých - Vua lửa đời thứ 17 ở làng Ơi xã Chư Athai, huyện Ayun Pa mới thấy chiêng, ché, giáo, mác... mà đồng bào sử dụng trong buổi lễ cúng Vua lửa toàn những đồ cổ có giá trị. Lần ấy, đại ca V đã “tăm” và mua được một bộ chiêng đủ 6 chiếc với một ngọn giáo... nghe đâu nó được mua từ bên Lào về từ thời Vua lửa đời thứ 14”.

Quá trưa, chúng tôi cũng đã có mặt tại làng Ơi -“ kinh đô” của những ông “ Vua lửa” thuộc tộc người Jơrai vùng Ayun Pa. Người mà Trần V viếng thăm đầu tiên là nhà của già làng Ma Soan. Dáng người tầm thước nhưng chắc đậm, nước da rám nắng, tóc bạc trắng...nhìn già Ma Soan quắc thước hệt như một tù trưởng  trong các cuộc chiến tranh sắc tộc thời xa xưa. Trần V rỉ vào tai tôi “Cái tẩu thuốc trên tay già làng là của quý đấy. Nó được làm bằng sừng tê giác cách đây cũng được vài ba trăm năm. Đã gạ đổi, mua nhiều lần nhưng ông già nhất định không chịu”...

Săn lùng cổ vật

Theo chân “thợ” săn chiêng cổ Tây Nguyên ảnh 1

Làng Ơi có trên năm mươi nóc nhà, nhưng chẳng nhà nào Trần V bỏ sót. Sau khi tặng một ít hàng mang theo cho hai gia đình “cơ sở”, đổi lại Trần V nhận được những thông tin mà theo lời đệ tử của anh ta thì đáng giá “tiền đô”. Tôi lếch thếch theo chân V. Đến nhà nào, gặp bất cứ ai anh ta cũng móc gói thuốc lá ERA (loại 2000 đồng/gói) xởi lởi mời mọc. Đôi mắt thì nhìn xoi mói mọi ngóc ngách, xó xỉnh - từ góc bếp nhà sàn, lên trần nhà, xuống gầm cầu thang...thỉnh thoảng lại khen: Cái gùi này đẹp, lúc lại chê cái cánh nỏ này quá cũ và yếu...

Thấy tôi cứ tủm tỉm cười, anh ta quay sang lý luận: Nhiều khi những đồ vật quý hiếm có niên đại vài trăm năm, hàng nghìn năm của người Ba Na, Xơ Đăng, Jơrai... vẫn bắt gặp nằm sờ sờ nơi góc bếp, xó nhà của đồng bào và những lần như thế, kể như trúng quả. Bởi với đồng bào nó đã quá cũ kỹ, coi như đồ bỏ, nên việc mua, đổi rất dễ dàng, thậm chí đồng bào cho không!. Như để khảo chứng vốn kinh nghiệm của V, khi đến nhà Siu Dzer, đảo khắp một lượt mọi xó xỉnh của ngôi nhà, dừng lại ở chân cột dưới nhà sàn, Trần V lôi cái bẫy thú bằng kim loại đã hoen rỉ mà theo Siu Dzer thì không biết nó có từ bao giờ nhưng đến đời Ama (bố anh) đã không còn sử dụng được nữa.

Tưởng Siu Dzer không đổi vì đấy là vật kỷ niệm của ông cha để lại, thế nhưng khi  V đưa ra con rựa phát rẫy còn ánh nước thép  gạ gẫm “mình thấy nó là lạ nên muốn đổi mang về giới thiệu với bạn bè cùng xem thôi...”. Siu Dzer đổi ngay, lại còn vui vẻ tặng thêm cho Trần V trái bầu đựng nước làm kỷ niệm...

Đệ tử của Trần V thật thà: Một cái ná, bộ bẫy thú, cánh nỏ... có tuổi đời từ 200 năm trở lên có thể bán được từ một trăm đến vài trăm đô la. Nếu là một bộ chiêng, ché cổ có niên đại vài trăm năm trở lên, gặp mối có khi bán được cả chục nghìn đô... Tôi hỏi “Hàng mua về thường các anh đưa đi tiêu thụ những đâu? Có dễ bán không?”. “Chỉ sợ không có hàng, chứ riêng TP Hồ Chí Minh đã là một thị trường lớn. Thế nhưng muốn bán được giá, phải “đánh hàng” ra Hà Nội, bởi thị trường biên giới Việt - Trung rất chuộng hàng của người thiểu số Tây Nguyên...”

Cho đến gần cuối buổi chiều, Trần V mới đến nhà Siu Plur, mà theo anh ta thì nhà Siu Plur mới là “cái đích” trong chuyến đi này. Sau một hồi nói chuyện trao đổi dưới chân cầu thang, khi Trần V ngỏ ý muốn được xem “hàng”, lúc này Siu Plur mới đưa chúng tôi lên nhà sàn, rồi lôi cái bao tải từ trên trần nhà xuống, cẩn thận tháo dây cột...một cái chiêng lớn!

Siu Plur nói: “Bộ chiêng có 6 chiếc, nhưng 4 cái chiêng con đã bị trộm mất, năm ngoái mình đã bán một cái, giờ chỉ còn lại chiếc chiêng cái (chiêng mẹ)  này thôi”. Theo lời ông Plur thì chiêng này có từ thời “Vua lửa thứ 15” (cách nay gần 300 năm). “Tháng trước thằng Ksor Huết ngoài thị trấn Ayun Pa vào trả năm triệu nhưng mình không bán...”. (Nghe đâu ngày xưa, để có bộ chiêng này, đồng bào đã phải đổi cả trăm con trâu...). Thế nhưng với biệt tài “thuyết giáo” trời cho, cuối cùng  V cũng mua được cái chiêng với giá 5 triệu đồng khi bất ngờ hào phóng tặng thêm cái ti vi cũ hiệu Sam Sung mang theo từ khi vào đây vẫn để dưới cầu thang.

Vĩ Thanh

Trước sự uyên thâm của Trần V, chúng tôi chỉ còn nước im lặng và thán phục. Một kẻ “ngoại đạo” như tôi thì biết ... nói gì . Có chăng ấy chỉ là cái cảm giác đến bất chợt, tắc nghẹn, nhói đau, bởi thực tình tôi không thể hình dung được cả cái khoảng không gian bao la của đất rừng Tây Nguyên đến một ngày nào đó sẽ vắng bặt âm thanh trầm hùng của cồng chiêng và thay vào đó là nỗi buồn khôn nguôi nơi bản vắng!

Mới đây, một cán bộ làm công tác văn hóa của tỉnh Gia Lai cho chúng tôi hay: Hiện toàn tỉnh còn khoảng 6.000 bộ cồng chiêng. Nhưng liệu loại cổ quý bây giờ còn được bao nhiêu bộ?... Một chuyện nữa kể ra đây chắc ít ai tin, nhưng đó là sự thật. ấy là làng Khối Zét xã Ia Tiêm (Gia Lai) được nhiều người biết đến vì có rất nhiều chiêng và có những đội cồng chiêng từng đoạt Giải bạc tại các cuộc liên hoan cồng chiêng toàn tỉnh. Nhưng cách đây hơn một năm, khi chúng tôi đến tìm hiểu thì làng chẳng còn bộ chiêng nào. Thôn trưởng Siu Zin bảo: “làng mình bây giờ là làng không có cồng chiêng, vì người trong làng đã bán mất hết rồi.”

Những kẻ săn lùng mua bán cổ vật đang gây “chảy máu văn hóa” ở Tây Nguyên. Sự mất mát này, không chỉ là nỗi đau của thế hệ hôm nay, mà sẽ còn là nỗi đau dai dẳng cho nhiều thế hệ kế tiếp nếu các cơ quan chức năng không sớm có biện pháp cấp bách bảo vệ những sản vật cổ truyền trước những tay săn lùng cổ vật. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.