Theo trái phong du níu gió...

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn
TP - Nguyễn Bắc Sơn là một người bạn già, vừa thầy vừa bạn, người mà tôi luôn thấy mình bé nhỏ trước anh. Anh đã ra đi, như bông phong du...

Có nhiều kỷ niệm nơi này, mỗi khi cùng dạo với anh, cùng bứt những bông phong du tung lên, tôi để ý thấy khuôn mặt anh rạng ngời, nói cười khinh khoát, hào sảng lắm. Tôi nghĩ anh cũng có mệnh nghiệp đó.

Anh thường đọc cho tôi nghe bài thơ anh viết vào những năm bảy mươi: “…Ôi hạnh phúc/ Bao giờ ta biến thành ngươi?” Đó là câu hỏi của anh, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn - thi sĩ chứng nhân một thời chiến cuộc. Chỉ là câu hỏi! Thời gian sẽ trả lời bằng đôi mắt ưu tư như muôn đời vốn thế. “Trong hạt mưa có khuôn mặt trẻ con”. Anh đã hạ bút như thế và tôi cũng nghĩ giá trị cuộc đời thi nhân của anh cô đọng trong khuôn mặt trong sáng, ưu tư đến vô ưu, chân thành đến lúng túng, thật đến không thể thật hơn. Một khuôn mặt nghệ sĩ thực thụ đã ngời lên nơi vùng biển “có tình” này trong thời hiện đại. Tuy nhiên ba đào của trần thế có cách “đùa trêu” của mình, thi nhân và thử thách, ấy là một, ấy là khúc đoạn trường, ấy cũng là tiếng khóc bi hùng:

“Đời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính

Bắt lê la mang một chiếc mai rùa

Nên tâm hồn ta là cánh đồng úng thủy

Và nỗi buồn như nước những đêm mưa”

(Cười lên đi, tiếng khóc bi hùng - NBS)

Trong một lần trò chuyện ở Hà Nội, nhà thơ - đại tá Anh Ngọc có dự báo với tôi: “Ở vùng biển của ông, trong những người viết đương đại, thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn sẽ đọng lại”. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đi bộ từ Bắc vô Nam, ghé nhà tôi liền nói: “Phan Thiết có một nhà thơ, biết chưa?” Tôi tự hào: “Thầy tôi! Tác giả Chiến tranh Việt Nam và tôi”. Tôi đọc thuộc lòng cho anh nghe một đoạn nhận xét của Đỗ Văn Quản về tập thơ này: “Tập thơ hát lên tiếng hát lồng lộng bi tráng của một người tham dự chiến tranh Việt Nam, một thiền sư bụi đời, một gã du đãng trầm mặc. Những bài thơ xa như tiền chiến, xưa như Đường thi, nhưng kỳ lạ thay, mới tinh và gần gũi như sáng nay”. Anh Nguyễn Lương Ngọc chấp tay lim dim mắt nghe, xong anh xin phép cầm cái điếu lên, tay run run vén mồi thuốc và rít một hơi thật mạnh. Khi cái bầu khói của anh còn mờ mịt căn phòng, anh nói như hét lên: Sướng! Đọc đi! Và tôi nhớ mình đã đọc “hầu” nhà thơ xuyên Việt thật nhiều thơ Nguyễn Bắc Sơn mà anh cho rằng đó là bữa tiệc thơ sang trọng nhất, “no nê” nhất trong những ngày dọc đường gió bụi của mình. Tôi nhớ lúc đó mình đã đọc:

…Một ngày chủ nhật phơi giày trận

Ta bỗng tìm ra một vết thương

Vết thương bàng bạc như là khói

Ngưng đọng nhà ai ở cuối đường…

(Căn bệnh thời chiến - NBS)

Cứ mỗi lần chạm tới sức nén của ngôn từ trong đoạn thơ này, người tôi cứ nổi hết gai ốc. Cả cái tài thơ và cái tình thơ đều chinh phục tôi. Là con dân miền Nam lớn lên trong thời chiến tranh, tôi hiểu những vết thương đó. Với anh Nguyễn Bắc Sơn còn bi kịch hơn, trong chập chờn những chiếc mũ tai bèo lấp ló trước đầu ruồi kia, anh chẳng biết đâu là người cha sinh thành ra anh. Mỗi lần buộc phải bóp cò súng anh trở thành người mất hồn, cứ nghĩ mình vừa giết cha mình, cứ nghĩ mình vừa phạm tội bất hiếu tày đình… Vậy đó mà người lính bất đắc dĩ cứ đau! Vậy đó mà người thơ Nguyễn Bắc Sơn cứ mãi dằn vặt, cứ mãi “đốt cháy” chính mình! Nỗi đau thời cuộc và nỗi đau thi nhân đã hòa thành một!

Và tôi cũng nhớ hôm ấy mình đã đọc thật nhiều thơ tình Nguyễn Bắc Sơn:

…Bầu trời quá cao phải chăng vì lòng mình quá thấp
  Chiều mù sương vì tình yêu mù sương
  Ai xui ngôi nhà em cất ở ngã tư đường
  Khiến đời anh cứ ngập ngừng ba ngả
  Con phố thân quen bất ngờ con phố lạ
  Nơi hàng cây rụng tiếng tắc kè kêu
  Nơi lầu cao khung cửa sổ đìu hiu
  Soi thấp thoáng ngọn đèn hoa thiếu nữ
  Những sợi tóc rụng trên chồng sách cũ
  Vì thanh xuân theo nước lũ trường giang
  Những chuyến xe đò đêm đêm băng ngang

  Rớt tiếng động khơi nỗi sầu viễn xứ

  Bầy chim én đã bắt đầu tư lự
  Ngủ âm thầm trên những đường dây cao
  Đi ngang qua, đi ngang qua, đi ngang qua

  Đi ngang qua không dừng trong đời nhau

   Hẹn gặp nhau ở nhất nguyên thế giới.
(Mùa thu đi ngang cây phong du-NBS)

Nghe tin anh chuyển viện cấp cứu ở Sài Gòn, tôi vội điện báo cho bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và những anh em ở thành phố rồi tức tốc đón xe vào. Anh run run nắm tay tôi: Chắc kì này mình ò í e rồi! Anh bị chứng “lớn tim”, theo nghĩa gì thì tôi cũng thấy đó là mệnh nghiệp. Rất may, những vị bác sĩ ở bệnh viện năm sao này, những người bị anh mắng té tát vào mặt mà vẫn cười ấy đã ra sức cứu sống được thi nhân. Sau, tôi đến thăm, anh vẫn đang ngồi vẽ trong căn lều tre, cạnh ngôi nhà nhỏ nhắn xinh đẹp gần chùa Bảy Đầu Rồng. Rồi gần đây, tôi đến thăm anh mấy lần nữa, có lần nối điện thoại cho anh nói chuyện với nhà thơ Anh Ngọc ở tận Hà Nội, có lần anh nhìn sâu trong mắt tôi và dặn dò nhiều điều. Anh chợt vui rồi lại chợt buồn, buồn đến thẫn thờ. Tôi nhìn đôi mắt buồn mênh mông ấy và xúc động liên tưởng đến câu thơ của anh: “Trong lòng anh cũng nở một bông hoa/ đóa hoa chỉ một mình em ngó thấy”.

Rồi nhớ sang cả bài Bỏ xứ của anh mà xót ứ trong lòng:

 “Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
  Theo trái phong du níu gió lên trời
  Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang   không thiết lộ
  Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi”.

Nhiều lúc, đứng trên đồi Bà Nài, nơi ngôi đền tháp Po Xah Inư như một giọt mật lóng lánh rơi xuống từ trời xanh, tôi ngó ra một vùng mênh mông nước, mênh mông xóm làng, phố sá. Chỉ quanh quanh trăm mẫu đất giáp biển này và cái thành phố nhỏ có hai dòng sông chảy qua kia mà đã bao nhiêu chuyện về những con người mang hạt giống thi nhân, những con người tài hoa thật sự. Tôi nghĩ thế đất cũng rất quan trọng trong việc tạo ra con người tài giỏi. Địa linh sinh nhân kiệt, nhân kiệt tạo địa linh là vậy!

 Sáng, lúc gần 9 giờ, thứ ba, ngày 4/8/ 2015, tôi chính thức nghe tin báo anh đã đi xa. Lòng tôi tê tái, lặng đi. Tôi chợt nhớ lại câu hỏi của anh: “Ôi, hạnh phúc! Bao giờ ta hóa thành ngươi?”. Anh Sơn ơi! Giờ anh đã trở thành hiện thân của Hạnh phúc rồi đó!

Chợt cơn gió phong du mang đầy những sợi tơ trắng muốt vừa tung lên phiêu hốt, rối bời trong cái sắc đầu thu vừa ánh lên vàng mật. “Ôi! Trái phong du níu gió lên trời!”. Vĩnh biệt anh, thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn hào sảng, chịu chơi bậc nhất Phan thành! Vĩnh biệt anh, người thầy tận tụy, người anh cả tài hoa và thương mến của tôi! 

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn sinh năm 1943 tại Phan Thiết. Nổi tiếng trước 1975 với tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi. Tác phẩm in sau 1975: Ở đời như một nhà thơ Đông phương.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.