Thị quán mùa xuân

Minh họa: Huỳnh Ty.
Minh họa: Huỳnh Ty.
TP - Những ngày giáp Tết, cửa ngõ thành phố nơi nào cũng đông nghẹt xe cộ, người người chen chúc giành đường, vội vã về quê. Thành phố được trả lại sự bình yên, đường sá thoáng đãng, yên ắng hơn. Người ta ra sức điểm tô thành phố bằng những lá hoa màu mè. Tất cả những thứ đó như những phụ kiện rối mắt được đính bằng bàn tay của người thợ vụng về lên tấm áo phố phường đã cũ…

Thị quán, ở ban công Thị ngồi đung đưa trên chiếc xích đu tổ chim, tay cầm hững hờ cuốn sách. Những chậu treo dạ yến thảo lộng lẫy hoa. Ở Thị, người ta thấy cái gì cũng vừa đủ và dễ chịu. Đứa con trai duy nhất vừa vào cấp hai đã đi du học tận trời Tây theo chương trình trao đổi học sinh của một trường quốc tế, Tết của mình đâu phải là dịp nghỉ ngơi xứ họ. Thị thèm nghe tiếng cơm sôi, tiếng lách tách chuẩn bị bát đũa cho bữa cơm sum họp, cha mẹ đâu còn để trở về phụng dưỡng và tranh thủ làm nũng…

Thường ngày, khách đến quán uống cà phê buổi sáng, dùng cơm trưa, đêm chung chiêng trong hầm rượu. Quán đầy ăm ắp những nụ hôn nhẹ, những cái ôm đủ chặt. Khách buồn, Thị đến ngồi cùng chỉ để lắng nghe. Trên đôi môi xinh đẹp lúc nào cũng sẵn một nụ cười…

Khách Thị quán đông nhưng không ồn ã, nơi phức tạp nhất có lẽ là trong hầm rượu, nhưng Thị quản lý nhẹ tênh. Khách có cao hứng bàn chuyện thị phi chính trị rồi hiềm khích nhau, Thị ôm tay khách mà nói: “Xin anh, để có chỗ em còn bán buôn”. Khách chung chiêng rượu lả lơi, Thị cũng có cách nghiêm cẩn mà không mất lòng.

Khoảnh sân trước quán, bàn ghế được nhân viên xếp chồng lên nhau, lá trúc rụng dọc lối đi, Thị bảo không cần quét tước. Nhân viên về quê nghỉ hết, chỉ còn mấy em hoàn cảnh khó khăn đi lại xa xôi nên không về. Thị cho các em đi chơi. Tết mà!

Rồi Thị cũng cảm thấy mình ngồi trên xích đu đủ lâu, Thị xuống bếp và qua cái nắp vung kính Thị quan sát món khâu nhục đang được hấp cách thủy. Lâm sẽ đến.

Lâm là mối tình đầu của Thị, họ không làm đám cưới, có vô vàn lý do để khiến một tình yêu dang dở, có những lý do ngớ ngẩn đến mức đôi khi chỉ vì lỗi của một thỏi son hay một chiếc váy hoa. Rồi Thị theo chồng khi nhan sắc bước vào mùa lộng lẫy, Thị cũng vội vã bước ra khỏi cuộc hôn nhân.

Lý do ư?

Chiều muộn một ngày cũ, Thị tắm cho mẹ chồng, Thị nhìn thấy những mảng da vỡ của bà trôi theo dòng nước ấm. Trong không gian chật hẹp của phòng tắm, Thị cảm nhận rõ nhất mùi của người già. Thị với tay lấy chai dầu tắm và đột nhiên thấy mắt tối sầm lại. Thị ngã trên nền nước, như có bàn tay khổng lồ vừa bỏ Thị vào máy trộn bê tông, mọi thứ quay cuồng. Thị hoàn toàn mất khả năng thăng bằng. Cơ thể già nua, lõng bõng mỡ và da của mẹ chồng bước qua người Thị, từng giọt nước trên người bà tong tong rơi xuống. Thị nhắm mắt lại đưa tay vuốt mặt, trí óc vẫn hoàn toàn tỉnh táo, Thị nghiêng đầu về một bên cho chất nôn trào ra.

Bác sĩ gia đình đến tiêm thuốc và phân tích tỉ mỉ cho Thị về hội chứng rối loạn tiền đình, ông nhấn mạnh nó có thể trở lại bất cứ lúc nào vì nhiều lý do khác nhau. Ngày hai mũi tiêm, đến ngày thứ năm Thị vịn giường đứng dậy và men theo cầu thang xuống dưới nhà, những bậc cầu thang nhám chân, bồn rửa bát đầy tú ụ chưa được cọ rửa, mở nắp nồi cơm điện thấy mốc vàng mốc xanh. Thị đã chuẩn bị cho chuyến rời khỏi nhà chồng ngay hôm ấy.

Xin đừng nghĩ rằng Thị vụn vặt… Ngay lúc ấy, khi cơ thể còn tròng trành nhưng ý nghĩ thì tỉnh táo. Thị nhận thấy trong căn nhà rộng đẹp này, bên người chồng thành đạt, bà mẹ chồng từng là bậc mệnh phụ phu nhân có tiếng và cả Thị nữa, mọi người đang trở thành những kẻ ăn mày. Những kẻ ăn mày thứ vô cùng xa xỉ - ăn mày tình yêu thương. Khi những người sống cùng một nhà, là người thân mà thiếu thốn thương yêu thì biết lấy gì để vun vén cho gần gụi? Thị đủ khéo léo nhưng Thị sợ rồi đến một ngày Thị sẽ không còn nhận ra mình nữa, khéo léo và giả tạo có biên giới thật mong manh. Thị biết mình đang ở trên chuyến tàu tốc hành mang tên nhan sắc, nhưng Thị không thể chọn cách ngủ thiếp đi đợi đến ga của mình như nhiều người đàn bà khác.

Ngày mai ngày một, từng tế bào trong cơ thể rồi sẽ được thay mới, ý nghĩ cũng sẽ khác đi, cũng một con người ấy thôi, có lúc Thị đã tưởng mình si mê người ta đến mức thiếu người ta thì không sống nổi, Thị giành giật, Thị phô hết sắc hương để độc chiếm… Lúc này ngồi nghĩ lại Thị thấy điều đó thật buồn cười. Duy chỉ có những rung động đầu đời, những xuyến xao vụng dại trong trẻo là khiến Thị cứ nâng niu mãi. Thị xếp những rung động ấy trong một hộp son ký ức, đó là thứ tình cảm xa xỉ mà dẫu có trả giá cao thì cũng không dễ dàng tìm được lần thứ hai ở trong đời.

*     *

*

Cái quán này Thị gầy dựng nên bằng sự hài lòng của người dưng. Người dưng nói dùng bữa ở Thị quán dễ chịu như cơm nhà nhưng không phải chứng kiến một người đàn bà cằn nhằn khi thu dọn. Hầm rượu là nơi lý tưởng cho người dưng giải khuây. Rượu trong hầm không thiếu, nhưng người dưng thoải mái mang rượu đến, uống không hết thì gửi lại để dùng cho lần sau, người dưng cần đặc sản vùng nào cứ gọi cho Thị trước là xong xuôi hết... Người dưng và Thị sòng phẳng với nhau trong sự dễ chịu dịu dàng. Suy cho cùng sòng phẳng cũng là cách khiến người ta đến với nhau bền nhất.

Nhưng Lâm bao giờ cũng khiến Thị thấy mình mắc nợ…

Ngày Thị đưa cho chồng lá đơn ly hôn, anh ta hét vào mặt Thị rằng Thị bị thần kinh khi không đưa ra được lý do rõ ràng nào. Nhiều lần, chồng thuyết phục Thị đi gặp bác sĩ tâm lý, anh cố níu kéo, cố đưa ra những tấm gương, cố cho Thị thấy họ đang sống cuộc sống mà nhiều người ao ước. Những điều đó càng khiến Thị cảm thấy ngột ngạt. Rồi cũng đến lúc chồng Thị chán nản, buông xuôi. Anh ký vào tờ đơn và tự tin rằng Thị sẽ sớm hối hận. Ngày Lâm đến giúp Thị dọn đồ đạc ra khỏi nhà, chồng cười chua chát, nhếch môi, tự cho đã hiểu ra cơ sự. Chồng cũng có lý do để thờ ơ với giọt máu mà Thị mang theo. Lâm độ lượng với thái độ đó.

Ngày Thị vuông tròn, Lâm bồng bế con Thị khi Thị chưa gượng dậy được, Lâm cho thằng bé bú bình, thay bỉm tã khéo léo như một ông bố chỉn chu. Thằng bé vẫn gọi anh là ba, dù nó biết anh không phải là máu mủ.

Một Thị quán nổi tiếng giữa lòng thành phố muốn tồn tại thật khó mà thiếu được sự dàn xếp của bàn tay đàn ông…

Lâm đến, khỏe khoắn và tươi vui, như mùa xuân đang ào vào nhà với gió thơm và nắng mới. Anh khen món khâu nhục, miếng thịt mềm, bùi tan trong miệng mà vẫn chắc, gắp lên miếng nào ra miếng nấy, món dưa góp chua vừa. Cách mà anh tỏ ra tự nhiên lúc nào cũng khiến Thị áy náy. Thị khơi nguồn cho anh nói về những chặng bay dài, về những nơi xa xôi, và Thị tìm cách ngắt ngang khi anh chuẩn bị nhắc những ước ao được đưa Thị đến những vùng đất xa lạ và xinh đẹp. Khi ấy, Thị đứng dậy đi thu dọn và anh thì chỉ biết ngỡ ngàng nhìn theo như trách…

Tiếp xúc với nhiều tầng lớp, nhiều con người, Thị có thể nắm bắt được ngay suy nghĩ của đối phương và có thể dễ dàng đoán định được họ sẽ sắp đặt những ý nghĩ ấy bằng lời nói như thế nào. Thị dõi theo điều đó như thể trò chơi cút bắt trong im lặng, khi biết mình chiến thắng Thị cũng không tỏ ra vui hay buồn. Thị hay đoán định tương lai bằng cách vẽ ra thật chi tiết điều đó trong ý nghĩ. Thị từng vẽ ra cảnh Lâm đi lấy vợ rồi tự mình tủi thân, tự thấy mình bé nhỏ chẳng có gì nổi bật giữa những chiếc bàn được trải khăn trắng muốt trong bữa tiệc thành hôn. Cảm giác mình đặc biệt trong mắt Lâm bao giờ cũng khiến Thị thấy dễ chịu và kiêu hãnh. Nhưng để bước vào một cuộc hôn nhân nữa thì Thị chưa sẵn sàng. Có cô bạn thân đã từng nói với Thị rằng đã bỏ chồng thì đừng bao giờ lấy chồng lần nữa, cũng chỉ là lội từ đầm lầy này sang sông rộng khác mà thôi.

Đàn bà thật lạ kỳ, hầu hết ai cũng thích chạy quanh cái vòng tròn luẩn quẩn, họ khoe sự tự do khi nhan sắc vào mùa, qua giai đoạn đó lại khoe người yêu khoe chồng khoe được gắn bó với một người, một hai năm sau khoe con cái rồi phải thật lâu sau đó họ lại tự hào vì mình đã tự do… Có người giật mình khi nhận ra người mà mình đã quen thuộc mùi da mùi tóc suốt mấy mươi năm, tưởng đã hiểu nết ăn nết ở bỗng dưng xa lạ, gần cuối đời lại đưa nhau ra tòa…

Lâm không bao giờ thúc ép, nhưng trong mắt anh lúc nào cũng chờ đợi một câu trả lời.

Ra về Lâm nói:

- Chúc mừng năm mới!

Lời chúc mừng năm mới từ Lâm cũng đặc biệt. Lúc trở lại vào nhà, Thị cười khi bất chợt nghĩ đến những ngày còn nhỏ, được cha mẹ dạy cho những lời chúc thật màu mè… Có vài lần Thị cũng về đón Tết ở quê với gia đình anh cả, trong ngôi nhà cha mẹ để lại, vẫn người anh ruột thịt ấy, ngôi nhà nơi Thị sinh ra khi có thêm chị dâu, thêm các cháu Thị thấy rõ ràng mình trở thành khách, nếp ăn ở của tất cả thành viên trong tổ ấm ấy đều vì Thị mà xộc xệch ít nhiều.

Mấy đứa nhân viên trẻ đi chơi vừa về đến, chúng mang theo cả sự xôn xao của phố phường. Một đứa rủ rỉ, ngày thường tíu tít không ngơi chân tay chỉ ước đến Tết để nghỉ ngơi, thế mà ở không đến ngày thứ hai đã chán. Nó gợi ý nhổ mấy cụm gừng ở góc sân đang rạc lá để sên mứt gừng. Thị đồng ý ngay, mấy khi có dịp chị em bày biện cho chính mình. Lúc cắm cúi ngào đường trên bếp, em nhỏ nói vào tai Thị rằng em đang yêu, má em ửng lên rồi hơi bối rối, em hỏi:

- Chị còn tin vào điều đó không?

- Ồ, có chứ, tất nhiên, chị còn ao ước kia.

Con bé rúc rích cười.

Lúc này, nơi này, giữa mùi gừng rất ấm, Thị bỗng thấy xôn xao. Có một hồi chuông dài, và giọng của cậu con trai thật vui vẻ, cậu bé đã ra dáng là người đàn ông của mẹ. Nghe giọng con là Thị cảm thấy một mùa xuân thật đủ đầy. Lúc đặt điện thoại xuống bàn, bên cạnh chiếc laptop đang gấp Thị nhận thấy một phong thư được kẹp vào giữa màn hình và bàn phím. Lâm đã đặt nó vào đấy lúc Thị đang loay hoay thu dọn. Có lẽ Lâm muốn kết thúc những cuộc nói chuyện lẩn tránh nhau mà cả hai đều đồng lõa. Vài sợi tóc mai sà xuống đôi gò má, và trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy những đường nét trên gương mặt Thị bỗng trở nên sinh động khác thường.

Thị quán mùa xuân ảnh 1Mùa xuân là mùa tình yêu. Tết cũng là dịp lòng người lắng xuống, nhìn lại cuộc sống và rõ hơn lòng mình. Hoàng Hiền đã thể hiện ý tứ ấy trong câu chuyện cô đọng về một người đàn bà phức tạp, với một tình cảm phức hợp… Nhưng cuối cùng, dường như mùa xuân đã mỉm cười.

Nhà văn trẻ Hoàng Hiền hiện sống và làm việc tại TPHCM.

L.A.H

MỚI - NÓNG