Thi sỹ Du Tử Lê: Hồi hộp ngày trở về

Trang bìa cuốn thơ sắp xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Triết Trần
Trang bìa cuốn thơ sắp xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Triết Trần
TP - Cuối cùng sau nhiều năm lặng thầm, những “đứa con tinh thần” của thi sỹ Du Tử Lê đã được đón nhận tại Việt Nam bằng sự ra mắt của tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn”.

90 bài thơ tình với nhiều cung bậc cảm xúc của nhà thơ hải ngoại lần đầu tiên được giới thiệu với độc giả trong nước. Tiền Phong Chủ Nhật đã có cuộc trò chuyện với thi sỹ.

“Giỏ hoa thời mới lớn” khá truân chuyên trong khâu xin giấy phép xuất bản. Hiện tại những “đứa con tinh thần” của ông đã được tái sinh, cảm xúc của thi sỹ thế nào?

Ghi nhận của bạn khá tinh tế. Tôi vẫn nghĩ, nếu không có nhiệt tình văn học đủ lớn của các anh chị: Vũ Phương Liên, Trung Trung Đỉnh, Tạ Duy Anh, Lê Thiết Cương, Phan Thanh Phong, Nguyễn Thanh Sơn, Hà Quang Minh và nhiều người khác nữa thì “Giỏ hoa thời mới lớn” của tôi hôm nay đã là giỏ hoa… héo rồi.

Tên tập thơ rất lành, bởi thi sỹ muốn đứa con tinh thần của mình được “yên thân” hay vì sau nhiều năm nhìn lại, ông thấy thơ mình quả là… hiền? Cũng có thể Du Tử Lê “âm mưu” chinh phục độc giả mới lớn trong nước?

“Tác phẩm của Du Tử Lê xứng đáng được ra ngoài “ánh sáng” sau bao nhiêu năm nổi tiếng âm thầm.”

Nhà văn Trung Trung Đỉnh

Không hẳn vậy. Bản chất văn chương của tôi nói chung, từ hồi nào tới giờ, vốn rất ít “gai góc”. Nói như một cô cháu viết văn của tôi, Trang Ng. ở Sài Gòn thì, tôi muốn được “ra mắt” hay “tái sinh” (chữ dùng của bạn) người đọc tôi ở quê nhà, bằng một “lẵng hoa”. Một lẵng hoa không chỉ dành cho tuổi mới lớn mà còn dành cho cả những ai không quên rằng, mình cũng từng có một thời mới lớn.

Ngay cả thời mới lớn kia, có phần không ưng ý. Như trường hợp của chính tôi, chẳng hạn: Lại nữa, khi chọn tập thơ nhan đề “Giỏ hoa…” tôi còn ngụ ý mong mỏi, mơ ước, mỗi bạn đọc góp vào cái giỏ hoa đó, một hay nhiều bông hoa tâm cảm. Để “Giỏ hoa thời mới lớn” thực sự trở thành… giỏ hoa thời mới lớn của nhiều người trong chúng ta.

Du Tử Lê viết khá nhiều thơ tình, bài nào cũng dài và lai láng, kiểu như “Ai nhớ ngàn năm một ngón tay”…Ở tuổi này, ông có còn giữ nét si tình, u uẩn trong sáng tác? Nhiều người đánh giá thơ tình của ông xứng đáng có vị trí cao trên thi đàn hiện đại. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Tôi nghĩ không ai muốn giữ hoài hủy nỗi buồn và những mối tình…si trong đời thường, cũng như trong văn chương! Người không muốn “giữ” thứ nhất, là tôi đấy! Nhưng, hình như tôi được sinh ra, để gánh vác những điều không ai muốn gách vác. Thí dụ: “Buồn u uẩn và tình si…” Nói khác đi, phải chăng, đó là chiếc bóng chọn ở… “chung thủy” một đời với tôi?

Từ rất lâu, tôi đã quan niệm, một tác phẩm khi đã được công bố, nó không còn thuộc về tôi. Nó sống/chết tùy thuộc nơi định mệnh của riêng nó. Là một người đứng ngoài, tôi chỉ có thể buồn/vui theo nó. Như trường hợp thơ của tôi, theo ghi nhận của bạn thì, điều duy nhất tôi có thể làm (hân hoan làm), là gửi nó một lời… “chúc mừng”.

Thi sỹ Du Tử Lê: Hồi hộp ngày trở về ảnh 1

Trang bìa cuốn thơ sắp xuất bản ở Việt Nam.

Ông chuẩn bị gì cho cuộc trở về đất mẹ vào tháng 5 tới? Nghe nói, ông dự định sẽ tổ chức giới thiệu tập “Giỏ hoa thời mới lớn” rầm rộ khắp hai miền Nam- Bắc?

Chuẩn bị những gì ư? – Không. Tôi không chuẩn bị điều gì, ngoài cảm nhận…hồi hộp. Tôi có nói với Hà Quang Minh điều ấy… Còn việc dự định giới thiệu ở quê nhà thì hoàn toàn không. Nếu không muốn nói là ngược lại.

Thứ nhất là, sau bao nhiêu năm sống xa quê hương, tôi đâu biết gì về môi trường sinh hoạt văn nghệ ở miền Bắc cũng như miền Nam. Hơn thế nữa, tôi đã từng xin những bằng hữu có lòng nghĩ tới tôi, ngưng hoặc hủy bỏ ý định một số buổi tổ chức giới thiệu “Giỏ hoa thời mới lớn” ở chỗ này hay chỗ kia. Hai buổi giới thiệu nếu có ở Hà Nội và Sài Gòn là do Công Ty Liên Việt tổ chức, chứ không phải tôi đâu.

Chưa kể, bản tính tôi vốn nhút nhát, nếu không muốn nhận là có phần hơi… yếu đuối. Thực ra là một người đàn ông, lại già cái đầu như tôi rồi, mà tự nhận mình rụt rè, yếu đuối thì cũng đáng…cười chê thật! Nhưng đó là sự thật! Nếu độc giả biết rằng, tôi có một tuổi thơ hiu quạnh, khép kín, thì sẽ hiểu ngay thôi.

Cuộc sống hiện tại của ông ở nước ngoài ra sao?

Đó là những ngày tháng bình lặng. Cả bốn thành viên trong gia đình tôi, không một ai có khả năng giao tế, tiếp xúc tốt với xã hội bên ngoài, vì …vụng về. Bởi thế, ngoài công việc mưu sinh thường nhật, tất cả phần còn lại của sinh hoạt chúng tôi, gói gọn trong phạm vi gia đình.

Thi sỹ Du Tử Lê: Hồi hộp ngày trở về ảnh 2 Ảnh: Triết Trần

Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ XX có thơ được chọn in trong “Tuyển tập thi ca Thế Giới- Từ thời Thượng Cổ đến Hiện Tại” (Do nhà W.W. Norton, New York tái bản 1998). Không ít tác phẩm của ông đã được chọn để giảng dạy tại một số trường đại học ở Hoa Kỳ và Châu Âu từ năm 1981. Hiện nhà thơ cùng gia đình sinh sống tại miền nam California (Mỹ).

MỚI - NÓNG