Thị thành trôi dạt

Minh họa: Quốc Toàn
Minh họa: Quốc Toàn
TP - Thường bỏ việc ngay sau ngày thứ hai đi làm. Thoát khỏi trạng huống hoang mang tạm thời. Ba mươi nghìn một tin điểm báo chưa đầy hai trăm chữ. Một ngày, ít ỏi cũng có vài ba tin. Cứ nhân với 30k như thế thì thu nhập với một cô gái trẻ thất nghiệp khi tốt nghiệp đại học tới hai năm coi như cũng tươm tất.

Yêu cầu công việc lại cũng không khó khăn quá: Đại gia nọ cặp với chân dài kia rồi bị lừa tiền mà tán gia, bại sản. Phi công trẻ nọ công khai tình tứ, uốn éo bên máy bay bà già. Rồi một gã trai chưa đi hết tuổi đôi mươi vì bị gia đình cấm đoán mà ra tay tàn độc, cướp đi sinh mạng người yêu…

Tổng hợp, viết lại  các tin đó bằng các từ ngữ khác đi. Nguồn "hàng" thì phong phú. Các câu chuyện giật gân được tải nhan nhản trên các trang mạng xã hội. Nhặt nhạnh các tin đó chả nặng nhọc gì. Nhân loại thức trắng đêm để sản sinh ra các tình tiết, tin tức như thế. Để rồi vừa sáng ra, Thường nhặt nhạnh được cả rổ những món trị giá quy đổi 30k. Vậy nhưng Thường quyết định thôi việc một cách chóng vánh khi chưa kịp nhớ mặt đồng nghiệp. Thị thành nơi Thường được sinh ra chật hẹp. Trôi sang thị thành khác, biết đâu lại khá hơn? Thường tới chỗ họ hàng xa và được giúp xin chân phục vụ ở một nhà nghỉ. Thường nhận công việc trong nhà nghỉ như bắt đầu một cách trải nghiệm vẫn sinh ra khi người ta trẻ.

Ngày nào cũng vậy, khi phố lên đèn, mấy cô gái làm việc trong nhà nghỉ kê những chiếc ghế nhựa trước cửa quán. Các cô vừa xơi xong bữa cơm chiều. Thường lụi cụi dọn dẹp bát đĩa. Trời oi bức, ai cũng muốn ăn bát canh cua với cà. Nhưng cua thì đắt, chi phí cho một ngày đi chợ mà chủ nhà đưa để Thường nấu nướng cho các cô không đủ để mua cua. Mọi bận, Thường vẫn thay nó bằng món rau muống luộc có bỏ mấy quả sấu. Thường chọn mua cà nghệ về, tự muối cho họ ăn, chứ mua sẵn thì ăn chưa xong bữa, người nọ đã phải nhìn người kia rồi. Chiều nay Thường đi làm sớm hơn. Tần ngần ở hàng cua. Chưa kịp mua thì mấy người cất buôn đã gom để đem ra chợ chính hết. Bà lão ngồi ở góc chợ có mớ tép đồng bé, mời Thường. Mớ tép này rửa sạch, giã rồi lọc nấu với mùng tơi, ngon không kém gì canh cua. Mấy cô gái trẻ trong nhà nghỉ chắc lâu lắm không được ăn món này. Nghĩ vậy, Thường mua mớ tép của bà lão, về nấu canh. Mấy cô gái làm việc trong nhà nghỉ còn trẻ lắm. Chỉ có một cô trạc tuổi Thường, còn hầu hết là kém hơn. Vừa ăn, họ vừa tấm tắc khen món canh ngon, rồi thi nhau kể chuyện ở quê, vẫn được ăn thế này, thế kia. Sự ríu rít của họ khiến Thường cũng thấy vui vui.

Họ từ đâu trôi dạt tới đây? Giả dụ Thường tổ chức một cuộc tẩu thoát, họ có đi theo? Mà theo rồi, Thường sẽ dắt díu họ tới đâu? Thoáng vui chóng vánh khi thấy những thơ dại hớn hở quanh mâm cơm đạm bạc bị chôn vùi ngay lập tức chỉ với đôi câu hỏi chạy trong đầu.

Chủ nhà nghỉ thuê Thường nấu nướng và dọn dẹp vào buổi chiều. Còn buổi trưa, mấy nữ nhân viên cắt nhau ra mà tự nấu lấy. Thực phẩm thì đã được Thường mua từ hôm trước. Thường biết, chủ nhà thuê cô nấu nướng không phải để các cô gái trẻ được an nhàn. Đơn giản tầm chiều là lúc đông khách, không thể để phí một cô nào. Với lại, việc đi chợ, nấu nướng thế nào chẳng mơ hồ nhen lên trong trái tim đàn bà suy nghĩ về một mái ấm gia đình. Đám con gái này còn măng trẻ, còn vài năm tuổi nghề nữa, không thể có đứa nào bỏ về quê được.

Lão hẳn đã nghĩ như vậy nên mới bỏ tiền thuê người nấu nướng cho mấy cô vào buổi chiều. Thi thoảng, Thường lại hướng tia nhìn thẳng vào đôi mắt nhỏ, con ngươi đỏ nhờ như mắt cá chầy của lão. Thường bắt đầu hướng vào lão tia nhìn thẳng vừa như không, vừa thoáng vẻ coi thường khi bắt gặp tới hơn ba lần lão trêu ghẹo Mùa - con bé còn ít hơn tuổi con gái lão. Có lẽ, nếu cô Loan- người xin cho Thường không phải là chỗ thân cận thì lão đã đuổi Thường từ lâu rồi. Biết vậy nhưng Thường không hề ngăn mình hướng tia nhìn vào đôi con ngươi màu cá chầy đó.

Đôi con ngươi màu cá chầy chỉ chực ăn tươi, nuốt sống Mùa. Có lẽ, nếu mụ vợ không có máu hoạn thư thì con bé cũng chết với lão rồi. Không yên tâm với đôi mắt hau háu của chồng, nhân khi Mùa ra ngoài mua sắm, mụ thuê đám con nghiện tông xe khiến con bé bị gãy chân.

Đôi con ngươi cá chày có chút lăn tăn, quăng ra một mớ tiền bảo Thường tạm dừng việc tạp vụ ở nhà nghỉ, lo chăm Mùa ở bệnh viện.                                                

*

*    *

Mùa – đứa con gái vùng cao, da trắng, bắp chân, bắp tay tròn lẳn. Sức hút ma mị sinh ra từ tấm thân đó thật khó cưỡng. Chả thế mà đôi con ngươi cá chầy kia chỉ chực lôi lên giường. Bị thương nặng nhưng Mùa tự lò cò vào nhà vệ sinh mỗi khi có nhu cầu chứ không mượn tới Thường phục vụ như hầu hết bệnh nhân trong phòng. Mùa ít lời. Trong khi bệnh nhân và người nhà trò chuyện như pháo rang thì Mùa chỉ giữ yên lặng. Không tỏ ra khó chịu hay hào hứng với những ồn ào xung quanh mình. Xoay lưng lại phía những ồn ào, Mùa lôi mảnh tre già được cất giấu đâu đó ra, lấy vạt áo lau miết. Mảnh tre già có màu nâu bóng của bồ hóng, mồ hôi và của thời gian. Mảnh tre có một đầu được tách ra làm đôi, nhọn hoắt. Ngày trước mẹ Mùa vẫn dùng mảnh tre này làm trâm cài tóc. Giả dụ có ghim mảnh tre đó vào chỗ hiểm, nó hẳn đủ sức lấy đi một sinh mạng. Mùa cứ xoay lưng vào ồn ào xung quanh mình, lau miết mảnh tre như thế.

Thường nấu cơm, bỏ vào cặp lồng rồi quấn ra ngoài một chiếc khăn bông to, giữ ấm. Ngày đầu, Thường ăn ở nhà rồi mang phần vào bệnh viện. Sang ngày thứ hai, Thường mang cả phần của mình tới, ăn cùng Mùa và cô trò chuyện về các món ăn.

Nhà có hai chị em gái. Mẹ mất năm Mùa chưa đầy chín tuổi. Mẹ mất, chị gái Mùa bị cha biến thành nô lệ tình dục. Vì thế, người chị đã nỗ lực mang Mùa tới thị thành. Đưa được em tới thành thị  rồi biệt xứ. Nghe đâu chị lấy chồng để đẻ thuê cho người đàn bà hiếm muộn trong nhà đó. Nhưng, cụ thể là ở đâu và ra sao thì thật mù mờ.

Sau lần tai nạn ấy, Mùa bỏ đi nơi khác. Ngoài Thường ra, không giữ liên lạc với ai. Tuy nhiên, những liên lạc thảng hoặc giữa Mùa và Thường có  chăng là những mẩu đối thoại rời rạc về sức khỏe, về chốc vui, chốc buồn. Mùa đi, mang theo niềm căm giận mà Thường đợi chờ trong tưởng tượng là Mùa sẽ xả ra với cha và đôi con ngươi cá chầy kia.

Con người ta sinh ra đâu chỉ để nói năng, đi đứng, thỏa mãn những nhu cầu dục tính của cơ thể? Trạng thái đó chả có ở mọi động vật hay sao? Những câu hỏi bất giác thoáng qua trong ý nghĩ. Cả Thường và Mùa đều bám vào giấc mơ thành thị. Giấc mơ đó là gì? Là công việc mang lại thu nhập cao. Thu nhập cao trước hết là để đáp ứng nhu cầu của thân xác. Còn đời sống tinh thần? Cái đời sống rất đỗi quan trọng đó lại viễn du và lang thang từ thành thị này qua thành thị khác. Không! Chỉ một mình Thường thôi. Tốt nghiệp phổ thông là vào đại học. Rồi theo guồng chung đó mà thất nghiệp vì không có tiền xin việc. Sinh ra ở thành thị, bám lấy thành thị, chết đi rồi thành những linh hồn chấp chới dưới các lùm cây, dọc theo những con đường nơi thành thị? Hình dung đó, Thường tự vạch ra cho mình.

Còn Mùa thì khác. Tội lỗi của bậc cha  chú đẩy Mùa về thành thị. Chuyển từ ngột ngạt, nhỏ nhen, bệnh hoạn này sang ngột ngạt, nhỏ nhen, bệnh hoạn khác. Sự biến mất của Mùa không gây ra một xáo trộn nào. Khách hàng - các viên chức đương nhiệm vẫn lui tới sau mỗi cuộc nhậu nhẹt, tiệc tùng, chiêu đãi. Đôi con ngươi cá chầy để tuột mất con mồi béo bở. Có tiếc không nhỉ? Thi thoảng, Thường vẫn nhìn chằm chằm vào mặt lão, hòng tìm câu trả lời. Đám nhân viên trong nhà nghỉ kháo nhau chuyện trước đây, vợ của đôi con ngươi cá chầy từng là một giáo viên. Rồi do bê bối với nam học sinh, bị kỉ luật, theo đó mà bỏ việc. Vậy thì mụ ghen tuông gì với Mùa cơ chứ? Đôi con ngươi cá chầy kia chiều một mình mụ  cũng đã bở hơi tai rồi. Sức mấy nạp thêm được ai?

Hàng ngày, Thường vẫn đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp. Trong hữu hạn thời gian còn ở đây Thường cũng muốn thu xếp để với khoản tiền đôi con ngươi cá chầy đưa, những cô gái măng trẻ đáng tuổi em mình kia có bữa cơm cho ra hồn. Xui các cô bỏ việc, tìm về cuộc sống khác? Nhiều lúc, Thường đã toan làm như vậy. Nhưng, cứ định mở miệng là nghẹn chát. Ở hoàn cảnh hiện tại, Thường còn đang sống bám vào các cô. Không ai có quyền dạy người khác phải sống thế nào. Cuộc sống vận động và loại bỏ trên đường đi của nó những sinh vật không thể thích nghi. Trải nghiệm dựa vào tuổi trẻ có vẻ không ổn lắm. Thường thu xếp trở về thị thành chật hẹp nơi mình được sinh ra.

*       *

*

Mưa đêm. Ngồi gõ bàn phím bên dưới trần bê tông hấp nóng chả có gì dễ chịu. Cần phải bước ra ngoài hiên, ngồi xuống chiếc bàn ở đó.  Mưa đấy, lạch tạch trên mặt sân. Ở giữa là hiện tại, bên trái là quá khứ, bên phải là tương lai. Đi theo luồng mưa đó từ trái qua phải sẽ mất bao nhiêu thời gian nhỉ? Với mỗi người, thời gian ngắn nhất để đi hết ba điểm đó hoàn toàn khác nhau. Có thể là một thế kỉ, một thập kỉ, một năm, một ngày hay chỉ là một lời nói ? Òa! Tiếng nứt vỡ sinh ra từ nó lại cũng sẽ được nghe thấy hoàn toàn khác nhau.

Băn khoăn, ủ ấp điều gì? Dù là gì đi nữa thì mở đầu như vậy là quá to tát, ngay cả trong cuộc trò chuyện với chính mình. Nhưng, đó bao giờ cũng là lỗi mà Thường mắc phải khi diễn đạt suy nghĩ của mình. Rốt cuộc là Thường sẽ nói cho chính mình nghe. Nói mãi, cho tới khi chẳng còn nhận ra âm thanh của mình nữa. Có thể là như vậy. Rồi Thường hóa điên? Cơ sự trở nên đầy xúc động! Chất truyền dẫn cảm hứng tới đó ngả theo chiều hướng bi lụy. Chao ôi, ngay cả khi vẽ chân dung một người điên cho chính mình, Thường cũng còn cảm thấy non tay. Tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Đang làm gì? Chờ đợi gì? Mong đợi gì? Bấy nhiêu câu hỏi có khiến tôi hóa điên được?

Mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn. Có thể là Thường đã hóa điên thật. Thị thành trôi dạt, Thường trôi dạt. Điểm tựa của  cuộc sống không vững chắc. Thường sẽ bám vào đâu?

*       *

*

Mùa tới thị thành chật hẹp nơi Thường được sinh ra. Con bé gầy hơn, đen hơn nhưng vẫn tỏa ra sức hút ma mị. Rời khỏi nhà nghỉ của đôi con ngươi cá chầy, Mùa cũng đến một thành thị khác. Với số vốn ít ỏi trong tay, Mùa chỉ có khả năng thuê một phòng trọ nhỏ trong khu sinh viên nơi ngoại ô. Phần còn lại Mùa định bụng cố gắng tằn tiện hòng vừa xin phụ việc, vừa học lấy nghề cắt may.

Hôm ấy là chủ nhật. Đám sinh viên về quê chưa lên. Dãy trọ vắng hoe. Trưa nóng, Mùa tính tắm sớm trước khi khu vệ sinh trở lên quá tải. Vừa mới  xối nước. Bỗng, cửa nhà tắm bật tung dù đã được cài lại. Vừa sợ hãi, vừa tức giận, Mùa lấy hết sức bình sinh hét toáng lên. Tiếng thét trong trưa vắng khiến gã sinh viên còn măng trẻ vội bật trở ra. Ngay chiều đó, Mùa trả phòng trọ.

- Thật là may, chị ạ. Vì thế mà em quyết định trở về nhà.

Qua lời Mùa, Thường mường tượng ra con người già lão, ốm yếu là cha Mùa sống trong  nỗi day dứt cùng sự ghẻ lạnh của xóm giềng. Sự công phá của thể xác và tinh thần hút hết sinh lực của con người đó. Để rồi, khi con gái trở về, không còn đủ sức, không còn dám ôm lấy nó nữa.

Vậy là Mùa kịp trở về trước khi cha từ biệt cõi dương. Cúng ma cho cha, lợp lại mái nhà sàn dột nát. Mùa đặt mảnh tre già mẹ vẫn thường cài đầu lên khung thờ. Đầu óc Mùa trống không. Mùa lăn ra làm cỏ nương, lụi cụi trên rẫy. Đám trai bản đứng xa ngó lại vừa khát thèm, vừa nghi ngại. Nương ngô bời bời tốt. Lúc này, Mùa mới nhớ ra đã lâu lắm rồi mình không mở lời, không trò chuyện. Bóng Mùa in trên nương, in vào vách nhà sàn, đổ dài trong cơn mộng mị. Lặng câm!

Đáng lẽ, phải ôm lấy Mùa mà thỏa thuê khóc thì Thường lại úp mặt vào lòng bàn tay mình. Hóa ra, cả Thường và Mùa đều chỉ là những thây ma lặng câm giữa cõi người đang đi đứng, nói năng.

Mùa - đứa con gái vùng cao còn chưa đi hết tuổi hai mươi đã di trú và nếm trải giả tưởng như mình còn chưa chết. Sự thật là  cái chết đã diễn ra vào khoảnh khắc Mùa hiểu ra vì sao người chị gái lại gắng đưa mình đi khỏi nhà rồi để lại Mùa đơn độc ở nơi chốn mà khắp xung quanh là những thây ma chỉ biết đi đứng, nói năng, làm tình.

Nhưng trong vòng nhoáng nhoàng đó, cái thây ma là Mùa bỗng nhìn chằm chằm vào cơn ác mộng. Trong cơn hỗn loạn của cảm xúc, bất chợt nó bừng tỉnh. Cái thây ma đi đứng, nói năng, trôi dạt từ thành thị này sang thành thị khác ấy lại có sức mạnh dời đổi, từng bước nhích dần, vượt lên trên cuộc sống thú tính.

Ngày mai, Mùa sẽ về lại bản làng nơi Mùa được sinh ra. Có thể rồi bóng Mùa sẽ vẫn lặng câm in trên nương, in vào vách nhà sàn. Đám trai bản vẫn sẽ đứng từ xa ngó lại vừa khát thèm, vừa nghi ngại. Nhưng, Mùa không trôi dạt nữa. Còn Thường,  Thường sẽ chết đi rồi hòa vào dòng linh hồn chấp chới dưới các lùm cây, dọc theo những con đường nơi thành thị.

Thị thành trôi dạt ảnh 1

Trong văn chương của Nguyễn Hồng Nhung, những suy tư về cuộc sống, thậm chí suy tư về chính những suy tư, thường được “gửi gắm”. Điều đáng ghi nhận, là người viết làm điều này một cách tự nhiên. Trong truyện ngắn dưới đây, hai thế giới nội tâm tưởng chừng rất khác nhau, đã tìm được điểm giao cắt. Có lẽ, họ đều là người tử tế. Và hơn cả, họ là phụ nữ.

Nguyễn Hồng Nhung sống và làm việc ở Hoà Bình. Chị đang duy trì một “không gian đọc” rất thú vị dành cho trẻ em.

L.A.H

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.