Thị trường nghệ thuật London lao đao vì khủng hoảng tài chính

Thị trường nghệ thuật London lao đao vì khủng hoảng tài chính
TP- Các lô hàng ế ẩm, nhiều đồ vật, tác phẩm bán với giá thấp hơn dự kiến: Các nhà đấu giá lớn ở London từ trước vẫn nghĩ mình miễn dịch trước cuộc khủng hoảng tài chính, nay đã "dính dịch”.
Thị trường nghệ thuật London lao đao vì khủng hoảng tài chính ảnh 1
Bức chân dung Francis Bacon đạt 5,4 triệu bảng Anh

Tối 20/10, nhà đấu giá Sotheby’s gây ấn tượng mạnh với lượt đấu giá các tác phẩm của nghệ sĩ Anh nổi tiếng Damien Hirst-đợt đấu giá lớn mùa thu diễn ra 17-20/10- đạt doanh thu 44 triệu bảng Anh, thấp hơn nhiều so với dự đoán ban đầu là 55 triệu bảng Anh. 

Phiên đấu giá tối 17/10, Sotheby’s chỉ thu về khoảng một nửa doanh thu so với dự tính, sêri tác phẩm nổi tiếng của Skulls của Andy Warhol chỉ thu về 4,3 triệu bảng thay vì 12 triệu như dự tính. Một đợt đấu giá lớn nhất mùa thu này ở nhà đấu giá Christie’s tối 19/10 cũng không thể may mắn hơn khi chỉ có 26 trong số 47 tác phẩm tìm được chủ nhân.

Một trong những điểm mấu chốt đợt bán đấu giá này là bức chân dung hiếm chưa hoàn thành vẽ danh họa Francis Bacon do họa sĩ Lucian Freud thể hiện đạt 5,4 triệu bảng Anh, thấp hơn dự đoán (5-7 triệu bảng Anh).

Tuy vậy các nhà đấu giá Anh nhất định không chịu thừa nhận thị trường nghệ thuật đang mất giá. Cheyenne Westphal chủ tịch nghệ thuật đương đại của nhà đấu giá Sotheby’s châu Âu giải thích doanh thu thấp như vậy do sự xê xích giữa tình thế hiện nay và các tác phẩm được định giá trước tình hình khủng hoảng tài chính.

 “Hoàn cảnh đợt đấu giá mùa thu này khác xa với những gì dự đoán trước đó, nên chúng tôi hài lòng về kết quả thu được”. Trong khi đó giám đốc điều hành Christie’s, Ed Dolman cho hay kết quả thu được từ phiên đấu giá 17/10 không bằng năm ngoái: “Chúng tôi nhận thấy kết quả không được như ý nhưng vẫn còn đủ tiền quay vòng” - Ed khẳng định với Guardian.

Ông nói thêm: “Khủng hoảng tài chính không ảnh hưởng tới chúng tôi cũng như các lĩnh vực khác, chúng tôi vui mừng tìm được các nhà sưu tập mới, giàu có đến từ Nga và Qatar. 

Giới quan sát và báo chí đề cập nhiều thị trường nghệ thuật chao đảo trước khủng hoảng tài chính. Các hàng tít trên các báo có vẻ kém mềm mỏng: Sotheby’s nạn nhân mới nhất của khủng hoảng tài chính (Daily Telegraph); còn Guardian khẳng định: Thị trường nghệ thuật đương đại lên giá đột ngột nhưng chậm về đích.

Tờ báo này còn nhấn mạnh thêm tại phiên đấu giá 20/10 có tới 15 trong số 62 lô hàng không có người mua, hai trong số đó được rút xuống trước khi phiên đấu giá bắt đầu. “Kết quả năm nay trái ngược với thành công rực rỡ năm 2007, khi các kỷ lục mới thay phiên nhau xuất hiện” - Guardian viết.

Tờ The Arts Newspaper cũng khẳng định doanh thu các đợt đấu giá giảm đáng kể: “Nhịp độ bán đấu giá chậm hẳn, các nhà sưu tập giữ tiền của họ và tránh mua các tác phẩm giá quá ngất ngưởng, đặc biệt đợt này vắng bóng các nhà sưu tập lớn đến từ Mỹ”.

Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, liệu nhu cầu phô trương khi mua các tác phẩm nghệ thuật đã chấm dứt?

 Hương Liên
Theo Reuters

MỚI - NÓNG