Thiền và Internet

Thiền và Internet
TPO - Đặt bút viết dòng này, ngòi bút nhà văn cảm thấy có điều gì khang khác. Bởi nhiều điều. Nhưng có phải trước tiên, nói như người thời nay, bởi sự "phối kết hợp" có phần ngộ nghĩnh giữa Thiền và Internet.
Thiền và Internet ảnh 1
Nói Internet trước và vì sao lại nói về Internet, xin chờ hồi sau sẽ rõ

Mấy mươi năm cầm bút, tưởng mọi điều vinh nhục, buồn vui, được mất... chẳng còn gì ngỡ ngàng. Nhất là với những niềm vui giữa thời bão táp, "cơm áo không đùa với khách thơ".

Thú thực, nhiều lúc cảm ơn cụ Nam Cao ở hai từ "sống mòn". Ngay cả câu "sáng cắp ô đi, tối vác về" vận vào lúc này thấy vừa buồn cười vừa chí lý. Lần nữa mới hiểu văn chương là thế nào?

Nhưng rồi ở cái tuổi mòn bút, tưởng mọi điều vinh nhục, buồn vui, được mất... chẳng còn gì ngỡ ngàng. Nhỏ xíu như nụ hoa cúc mùa thu. Không phải là cái sự giải Nobel, giải văn chương khu vực, hoặc giải hội nhà văn. Vâng nhỏ xíu.

Số là vào dịp có cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt ở Nha Trang, để tôn vinh Thơ và danh hiệu Nhà thơ, tôi viết bài thật ngắn: Nhà thơ và Hoa hậu. Viết xong, được người biên tập mát tay ở báo Văn nghệ, với tốc độ Internet... đưa ngay lên báo.

Báo Văn nghệ đưa xong nhập ngay vào Internet. Nhiều trang web đưa trang trọng bài ngắn này. Có trang như Việt báo còn tổ chức diễn đàn, thảo luận. Số bạn hưởng ứng nhiều và cập nhật bất ngờ.

Tác giả vui nhất ở chỗ này: cùng lúc bạn bè con cháu đang du học và công tác ở Mỹ, Anh, Nhật, Pháp... đều "chat" về... Ở quê, ở vùng sâu, vùng xa cũng "chat" ra. Ngay ở Hà Nội, số người có điều kiện đọc báo không nhiều, mà đọc bài này qua mạng.

Niềm vui nho nhỏ bất ngờ đến từ internet, như nụ hoa cúc vàng nhỏ xíu. Nhà văn ngẫm ngợi: "Số phận chưa đến nỗi nào. May còn được nhìn những gì từ Internet". Vào Google mục tìm kiếm, thấy tên mình, tác phẩm của mình trên mạng, in ra có đến mấy xệp giấy. Thêm một niềm vui cuộc sống, không được như Jack London thì cũng là nụ hoa cúc. Ai vội "bái bai" cuộc sống, ai chịu cảnh "sống mòn" thì thiệt, như là cái sự Internet.

Chợt nhớ buổi sáng mùa thu tựu trường, nắng vàng màu hoa cúc, trên sân trường Đại học Y khoa Hà Nội có đến trăm năm tuổi. Tuổi trẻ khắp vùng đất nước tìm về. Tôi gặp một cô sinh viên cũng ra sân tập buổi sáng như tôi. Quê cô tận miền Trung.

Dáng gầy mảnh, đôi mắt trong veo mở to đầy nghị lực. Quần áo, dép đi, mái tóc... toát lên nét đẹp miền Trung quê tôi mộc mạc, giản dị. Cảm xúc về nụ hoa cúc đầu bài và đi suốt trang viết, đến với tôi từ lúc ấy chăng?

Cô gái ham chuyện nhưng từ tốn. Cô đang vui cất được nỗi lo phần nào của sinh viên nghèo nhập học. Nhà thuộc diện chính sách, điểm thi cao, xếp vào tốp đầu của khóa thi, cô được miễn học phí, được ở ký túc xá...

Niềm vui buổi vào đời chỉ như vậy mà đời cô sinh viên miền Trung đầy bão giông nắng lửa, đã an lòng bao nhiêu. Được đà cô nói rộng ra, khi biết tên tôi, cô ồ lên: "Chú là nhà văn?" và cô đột ngột hỏi: "Các chú nhà văn có Thiền Internet không?".

Thiền và Internet ảnh 2

Đến lượt tôi ngạc nhiên, chưa kịp trả lời, cô gái đã nói ngay rằng, cô ra ngoài này, được học để trở thành bác sĩ là điều vui sướng, riêng cô vui hơn vì có điều kiện nhập vào thế giới vi tính, thế giới internet.

"Miền Trung nghèo, chúng cháu khát vi tính như khát đọc". Câu nói đùa của cô học sinh giỏi mới từ mảnh đất miền Trung bước ra, câu nói của một bác sĩ tương lai, đánh thức điều gì đó thật sâu xa và mới mẻ trong tâm hồn nhà văn!

Còn Thiền ư? Cô gái bắt vào rất tự nhiên, như thể với cô, sau Internet là Thiền. Và ngược lại. Cô nói, như là một phát kiến mới mẻ của sự sống.

Rồi cô gái kể: Năm cuối phổ thông, cháu thấy mình sút kém, khó thở, học thiếu tập trung, vậy là cháu đi vào Thiền. Đêm đêm, sau giờ học, cháu ngồi ở một góc sân lặng lẽ. Chuyện rằng ông nội ngày xưa lâm cảnh ốm yếu, rồi tập Thiền, bệnh tim khỏi, ông học làm thuốc, cứu được bao nhiêu người. Ông bảo: "Cái chính là sự tĩnh tâm".

Bố cháu học giỏi, đi bộ đội, bị thương. Từ ngày về quê, bố cháu cứ cồn cào lo lắng, vì vậy bố đổ bệnh mất sớm. Đấy, Thiền là như vậy. Cháu học từ đời ông, đời bố. Năm cuối cấp, nhờ Thiền mà cháu nâng cao được thể lực, sức nhớ, kết quả tốt qua mấy kỳ thi.

Cô gái hít một hơi thở thật sâu, đôi mắt to trong veo như dịu lại. Tôi đột nhiên hỏi: "Vậy Thiền là gì hở cháu?". Cô gái nói cũng rất giản dị. "Ngồi lặng lẽ, đầu óc không nghĩ đến điều gì. Hít thở sâu, nhẹ nhàng...". Tôi cảm ơn cô bé.

"Các chú nhà văn có Thiền và Internet không?". Cái sự Internet, cái ô cửa kỳ diệu của thế giới, tạm coi là đã rõ. Còn Thiền? Xin cảm ơn cô gái lần nữa, như là cô bác sĩ tương lai bắt ra cái "mạch" và sự linh ứng về công việc nhà văn.

Phải chăng khi lòng "cồn cào lo lắng", bức xúc, bực bội hết điều này đến điều khác thì tâm hồn người ta còn đâu là Chân - Thiện - Mỹ? Phải chăng lòng tôi và các nhà văn chúng ta còn quá "Tham Sân Si" điều ấy, chưa vượt lên được điều ấy, thậm chí là nạn nhân của điều ấy.

Đúng rồi, chỉ có "dòng Thiền" sâu lắng chảy trong tâm hồn thì may ra mới biết được những điều Thiện Tâm!

Các chú nhà văn có Thiền và Internet không?

Xóm Mỗ Phe, 10/2007
Nhà văn Phan Cung Việt

MỚI - NÓNG