Thơ - chất trẻ không chịu bàng bạc

Thơ - chất trẻ không chịu bàng bạc
TP - Hôm qua, sáng rằm tháng Giêng “mưa xuân phơi phới bay” nhưng Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) vẫn đông chật người yêu thơ đến dự  Ngày thơ Việt Nam lần thứ IV.
Thơ - chất trẻ không chịu bàng bạc ảnh 1
Bạn đọc trẻ đang khám phá Cây Thơ

Một số cụ già râu tóc bạc phơ dậy từ 4 giờ sáng đi mấy chục cây số từ ngoại thành đến từ lúc sân Văn Miếu còn vắng teo. Nhiều bạn sinh viên gò người trên xe đạp cũng có mặt từ sáng sớm để không lỗi hẹn với ngày hội thơ...

Lễ khai mạc bắt đầu với hồi trống của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh. Tiếp theo là màn thả thơ.

53 quả bóng bay đỏ chở  53 câu thơ được chọn lọc kỹ lưỡng, như: “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” (Khương Hữu Dụng); “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” (Trần Đăng Khoa), “Mùa xuân ở lại Long Biên/Để một mình ta lên Vĩnh Yên” (Vĩnh Mai)…

Nghệ sỹ Quang Hưng dù đã phải chống gậy nhưng giọng vẫn truyền cảm, âm vang khi đọc bài thơ Đất nước (Trích trong trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm). Sau đó, lần đầu tiên tại sân Khuê Văn Các, Hội Nhà văn Việt Nam đã làm lễ kết nạp 40 hội viên mới.

Nếu như sân chơi dành cho các nhà thơ có tuổi vẫn theo lối cũ: giao lưu giữa các nhà thơ, đối thơ, đọc thơ cổ... thì sân chơi dành cho các nhà thơ trẻ ở sân Thái Miếu dễ dàng nhận ra chất trẻ ở sự phá cách. Rõ nhất là các Cây Thơ, nơi thể hiện cái Tôi của nhà thơ.

Vi Thuỳ Linh- Cây Linh, Trần Hoàng Thiên Kim - Cây Chữ, Phan Huyền Thư - Cây Tương Tư. Nhưng không phải ai cũng đón nhận sự phá cách. Chữ “Câi Mù” của Dạ Thảo Phương bị một số ông già “mắng” là sai chính tả.

Dạ Thảo Phương “trần tình”: “Mình làm biên tập ở báo Văn Nghệ 7 năm, mới sang biên tập trang văn nghệ của báo Lao động 2 năm nữa, chẳng lẽ lại không biết viết thế nào cho đúng chính tả. Nhưng đó là chữ sáng tạo của mình, mình thích chữ đó”.

Một bạn đọc nói: “Trong cái sai lại có cái đúng.Có thể Phương tạo ra cái sai, nhưng là sai đúng”. Dạ Thảo Phương đáp: “Anh lại vừa tạo ra một khái niệm mới toanh là “sai đúng”. Một bạn đọc tỏ vẻ thông cảm : “Nếu Cây Thơ cứ bàng bạc chẳng ai thèm nhìn”.

Quả thật, các Cây Thơ của những nhà thơ trẻ chẳng có cây nào chịu bàng bạc cả. Ai cũng mới lạ hoặc cố tỏ ra mới lạ, khác người, những câu thơ rất khác so với những câu thơ đọc ở sân chơi của các nhà thơ có tuổi.

Dưới Câi Mù, Dạ Thảo Phương viết: “Một mèo hoang; Và một mèo hoang (trên mái nhà). Dưới chân ta. Cả thế giới loài người say ngủ”. Đây là câu thơ “nhặt” được ở Cây Linh: “Khi anh yêu em, cả thế giới hóa lỏng”.

Nhà thơ trẻ Trần Nguyễn Anh (phóng viên báo Tiền Phong) cũng có một bài thơ rất lạ được in trên áo phông trắng treo ở Cây Nêu Thơ của mình, mà không phải ai đọc cũng dễ dàng hiểu ngay được. Còn đây là thơ của nhà thơ, họa sỹ Ly Hoàng Ly: “Cạo từng xác người ra khỏi tranh. Thấy mình cũng rơi ra từng mảng”.

Dường như ở thời đại @, các nhà thơ trẻ cũng không đợi “hữu xạ tự nhiên hương” mà đã bắt đầu lôi kéo khán giả bằng cách tiếp thị mình.

Có một góc thơ khiến người xem không khỏi bùi ngùi. Hình ảnh nhà thơ Đồng Đức Bốn đầu trọc với hai câu thơ phía dưới: “Đừng buông nước mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm”.

Được biết nhà thơ Đồng Đức Bốn bỗng nhiên “xuống tóc” như vậy bởi anh đang bị ung thư phổi giai đoạn cuối, truyền hoá chất nhiều nên tóc rụng hết.

Thơ - chất trẻ không chịu bàng bạc ảnh 2
Nhà thơ trẻ Bình Nguyên Trang đang đọc thơ

Nhà thơ đang chống chọi với tử thần ấy vẫn hiện diện tại Ngày thơ với cuốn sách “Chim mỏ vàng và hoa cỏ - tác  phẩm và dư luận” mà anh hoàn thành trong thời gian trị bệnh. Poster của Đồng Đức Bốn nằm trong sân Thái Miếu, nơi dành cho các nhà thơ trẻ…

Khi các nhà thơ trẻ đọc thơ, trời mưa nặng hạt. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đồng dẫn chương trình với T.S Nguyễn Thị Minh Thái, nói: “Chúng ta hôm nay đọc thơ với tinh thần thơ trẻ. Mưa cứ mưa, người đọc thơ cứ đọc, người nghe cứ nghe”.

Buổi đọc thơ diễn ra đúng theo tinh thần đó. Mười hai nhà thơ trẻ lần lượt đọc thơ mình. Mỗi người một cách thể hiện và đôi khi không khỏi làm cho người đọc “giật mình” như  nhà thơ trẻ Lê Ngân Hằng khi chị tâm sự: “Tôi làm thơ từ lúc 13 tuổi nhưng không ai để ý nên không thành thần đồng thơ. I am sorry(?)” (không hiểu sao Hằng lại “sorry”).

Hỏi về hình thức tổ chức ngày thơ trẻ  năm nay có cái gì vẫn còn chưa ổn? Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đáp: “Vẫn chưa có gì đột phá, vẫn các nhà thơ đứng trên sân khấu đọc. Năm sau có lẽ phải tìm một hình thức mới hơn.

Nhưng mới như thế nào thì còn phải nghĩ. Năm nay, các nhà thơ trẻ được chọn đọc thơ phải gửi những bài thơ mình sẽ đọc cho Ban tổ chức chọn trước. Nên có những bài có thể gây sốc đã bị loại”. “Tại sao không để cho họ tự chọn thơ để đọc?” “Các nhà thơ trẻ cũng thông cảm với ban tổ chức.

 Như tôi đây, khi mời làm MC cũng có người ngại vì ông Nguyên có tính hay nói...Nhưng mà chính các nhà thơ trẻ chọn chúng tôi làm MC”. Hỏi: “Với tư cách một nhà phê bình, anh thấy những bài thơ đọc hôm nay thế nào?”. Đáp:“Những bài thơ đọc hôm nay như trình ra một món hàng. Các nhà thơ trẻ đã có đội ngũ. Họ không còn lẻ loi. Công chúng bắt đầu chấp nhận họ”.

T.S Nguyễn Minh Thái cho biết chị thích một sân khấu thấp hơn và ở vị trí chính giữa chứ không cao và ở xa như hôm nay.

Bên ngoài sân Khuê Văn Các, nhị thập bát tú nhà thư pháp trẻ đang mải mê cho chữ. Được biết, chữ được nhiều người xin nhất là chữ Đăng Khoa. Điều đó cho thấy hầu hết những người xin chữ đang là học sinh, sinh viên, Nhà thơ Trần Nhương treo một tấm biển nghe cũng vần điệu như thơ: “Ký họa chân dung. 2 phút lấy luôn. Tiền trả bao nhiêu cũng quý. Tuỳ ý”.

Một ông đeo tấm biển trước ngực, “kêu gọi”: “Kể tâm tư cho tôi nghe, 90 giây sẽ có thơ tặng bạn”. Ông Trần Quang Vinh – làm thơ “siêu tốc” này là Hội viên Hội Nhà báo. Tính ra, trong buổi sáng qua, ông đã “thở” ra cả nghìn bài thơ tặng những người không quen.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, 12 giờ trưa Văn Miếu đã vắng khách, nhân viên phục vụ đã khua  chổi quét xác pháo giấy còn vương trên sân.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.