Thợ sửa máy bay “chế” diều cho 1.000 năm Thăng Long

Thợ sửa máy bay “chế” diều cho 1.000 năm Thăng Long
TP - “Nghề sửa máy bay đã giúp nhiều cho cánh diều của tôi” - Anh Nguyễn Xuân Năm- thợ sửa máy bay tại sân bay Nội Bài - Tổng Cty Hàng không Việt Nam, Chủ tịch câu lạc bộ sáo diều Đình Cúc (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nói.

Ngôi nhà nhỏ của anh nhìn đâu cũng thấy diều. Từ mái, sân, hiên, cả phòng ngủ và nhất là những người bạn vong niên mê diều hơn cả thuốc lào.

Trước khi bắt tay vào làm chiếc diều khổng lồ dự kiến sẽ bay trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long ven sông Hồng, các thành viên câu lạc bộ Đình Cúc như bác Đặng Kim Đức, Nguyễn Viết Hùng, Trần Quốc Bình, Nguyễn Văn Duyệt và anh Năm bàn nát nước về những nguyên lý khí động học và cơ học.

Sau khi đi khắp mọi miền tìm hiểu diều Huế, diều Nam Định, diều Cẩm Khê- Phú Thọ, Hoài Đức- Hà Nội, anh Năm đưa ra những cải tiến cho cánh diều truyền thống: miệng (lỗ) sáo chuyển từ miệng môi miệng mè sang lỗ hàm én vì hàm én kêu hay nhất.

Ông thợ máy bay cũng bỏ luôn lưới chắn trên lá diều vì đã có ni-lông Nhật bền chắc, dễ co giãn, nhẹ, và không sợ gió giật tung. Khớp nối giữa hai cốt tre không buộc chặt giúp diều dễ cụp vào khi va chạm mạnh.

Diều kỷ lục làm hoàn toàn bằng tay, hoàn thành từ ngày 1/5 vừa rồi, nhờ sự phối hợp của nhiều thành viên CLB Đình Cúc. “Riêng việc khâu diều đã tốn 20 ngày” - Anh Năm cho biết.

Bốn cây tre được chọn lựa kỹ càng từ Văn Luông- Thanh Sơn - Phú Thọ, có đốt ngắn, được chặt từ tháng 10 âm lịch- thời điểm tre kiệt (khô) nhất. Chọn xong thì chặt về luộc nước muối và dùng keo Pháp tẩm vào. Tre làm sáo ngược với tre làm diều: nhất thiết là tre già chết róc nổi gốc.

Diều kỷ lục là tổng hợp nguyên liệu “đa quốc gia”: keo Pháp, ni-lông Nhật, băng keo Mỹ và dây dù đến từ những người còn lưu giữ kỷ vật kháng chiến.

Diều có độ dài 8,7m, cao 2,7m, trọng lượng sáo: 2,4 kg, trọng lượng diều: 3,6 kg, trong đó dàn sáo gồm 3 chiếc trong đó chiếc sáo lớn nhất làm từ 64 mảnh nan tre ghép lại, đường kính 20cm.

Điểm phân biệt diều Đình Cúc với các làng diều khác chính là sáo. Sáo to, miệng sáo làm bằng gỗ mít, trang trí đẹp, những sợi mây vừa giữ sáo không bị gió đập tan vừa làm dáng cho nó.

Chiếc diều khổng lồ trên ngốn của anh Năm cả chục triệu đồng hiện đang chiếm cả trần mái hiên nhà anh. Mỗi khi dỡ ra cho khách xem lại phải gọi tới 4-5 người giúp.  Dự kiến, khi bay trong đại lễ 1.000 năm Thăng Long, CLB sẽ thoả thuận với hai tiểu đội bộ binh để cầm dây và tung diều.

Anh Năm nói: “Từ hồi tháng 5 đến giờ, cả làng đang chờ gió to - gió cấp 3 trở lên để thả diều, nhưng “muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió đông”.

Trong phòng ngủ của anh Năm hiện có 2 chiếc diều kích cỡ chiều dài 5m và 4m, cũng to nhất làng và từng lôi chủ nhân đu đưa trên không trung từ mảnh ruộng này sang mảnh ruộng khác, nhưng hiện phải nhường chỗ cho “gã khổng lồ” gần 9m kia.

Bác Đặng Kim Đức cho biết, làng Lai Sơn chơi diều từ đầu thế kỷ 19. Người chơi diều đều biết truyền thuyết về tiếng sáo diều réo rắt giữa không gian thôn quê những buổi trời trong hẩy gió.

Đó là chuyện về hai mẹ con người hành khất một đêm mưa đói rét không chỗ trú chân, nhìn thấy cánh diều lớn liền vào tìm chỗ ngủ. Sáng ra, người con tỉnh dậy thấy mẹ đã mất.

Người con cứ đi quanh diều mà gọi: “U ơi, u ơi...”. Rồi người con cũng ngã xuống. Từ đó, tiếng diều cứ “u ơi, u ơi” trên cao xanh, nhất là tháng ba âm lịch. Bậc cao niên làng Lai Sơn khẳng định, ở đâu có tiếng diều ở đó thanh bình, tiếng diều làm trẻ con vui vẻ, hay ăn chóng lớn.

Ông thợ sửa máy bay Nguyễn Xuân Năm cho biết, cả đời anh gắn bó với máy bay, bố anh lại mê diều nên anh rất hiểu diều. “Muốn tận dụng sức gió, diều phải cân tuyệt đối. Gió quật gió lay diều vẫn vững, mưa dập mưa sa sáo vẫn kêu” - Anh bảo.

Chủ tịch CLB diều Đình Cúc dự kiến giao lưu diều với các địa phương, và tổ chức thi diều trong lễ hội với điều luật nghiêm ngặt. Khi làm diều, thí sinh phải lên đình làng thực hiện, đến bữa vợ con bê cơm nước từ nhà lên phục vụ.

Diều được di chuyển trong khoảng nhất định, nếu nghiêng lệch khỏi khoảng không đó sẽ bị một chiếc câu liêm cắt đứt dây, dĩ nhiên thí sinh mất diều.

MỚI - NÓNG