Thơ về vợ

Thơ về vợ
TP - Nhà thơ nọ thích làm những bài thơ về những cô gái đẹp. Trong thơ anh người ta thấy lúc nào cũng vang lên những hình ảnh “cặp môi hồng”, “đôi mắt huyền”, rồi là “dáng em xinh như dáng liễu bên hồ”, “tóc em như mây xuống phố”.
Thơ về vợ ảnh 1

Vợ nhà thơ dĩ nhiên không vui vẻ gì, nhất là khi bên cạnh những dòng tả đầy hình ảnh kia nhà thơ còn đệm vào những câu như “anh lặng đi”, “anh ngơ ngẩn” đầy biểu cảm.

Điều còn có thể tha thứ là thực ra nhà thơ chẳng có đối tượng cụ thể nào cả. Tuy nhiên, với vợ anh thì đó cũng vẫn là một nguy cơ tiềm tàng. Và lẽ ra chàng nhà thơ của chúng ta phải biết nể vợ, tức là phải biết giấu thơ tình của mình đi.

Nhưng chàng lại thuộc loại nhà thơ hay thích đọc, thích bình thơ... mình. Mà không phải lúc nào cũng có khán thính giả. Vậy là nhà thơ lúc cao hứng đành phải đọc cho vợ nghe vậy.

Một bữa cơm, sau khi làm mấy chén rượu, nhà thơ lại “phổ biến sáng tác mới”. Nhưng vợ nhà thơ, thay cho im lặng hoặc cười nhạt thì lần này lại “vùng lên”.

- Anh toàn làm thơ về những ai chứ đâu phải tôi. Thử hỏi những cái đứa mắt thắm môi hồng tóc dài trong gió có nuôi được anh ngày nào không?

Biết thế yếu của mình, nhà thơ sợ quá đành phải chống chế.

- Đâu… anh cũng có làm thơ tặng em đấy chứ.

Vợ chàng truy kích tới cùng, buộc phải đọc ngay thơ tặng mình. Nhà thơ lúng túng, mắt – môi – tóc thì vợ không chấp nhận rồi. Thôi thì làm thơ về giọng nói của vợ vậy. Nhưng vốn chẳng có bài nào, anh bèn đọc một đoạn trong bài “Sau xe” của Xuân Diệu:

Giọng nói sao mà nghe mến thương
Anh như suối mát đến soi gương
Dù ai tốt tiếng như ca hát
Cũng chẳng bằng em giọng nói thường.

Vợ nở mũi, ra chiều chờ đợi những câu tiếp sau. Cuống quá, và cũng vì không nhớ đúng nguyên tác, chàng bắt đầu đọc bậy:

Giọng nói nhiều khi như gió bay
Không cần... chữ nghĩa, vẫn nghe hay

Vợ chàng tắt lịm nụ cười:

- A, thì ra anh giễu tôi, vâng tôi ngu dốt, không biết chữ nghĩa. Những lời tôi nói chỉ như… gió bay với anh thôi.

Đang vui bỗng thành chuyện to tiếng giữa hai vợ chồng. Vợ nhà thơ vốn nhiều bực bội đã lâu, giờ được dịp xả ra. Nhà thơ lúc đầu còn nhịn, chỉ ngồi im uống rượu. Sau không nhịn nổi, lại có rượu vào, anh ta bèn đọc:

Em ngồi ríu rít ở... bên mâm

Nghe vậy chị vợ có vẻ yên yên vì hình ảnh trong thơ cũng đẹp. Nhà thơ đọc tiếp:

Thỉnh thoảng tiếng bát xoong lại điểm
Đọc thơ vợ nghe là... một sai lầm!

MỚI - NÓNG