Thỏa mãn và minh bạch

Thỏa mãn và minh bạch
TP - Gần đây ở Huế xuất hiện nhiều cuộc triển lãm cổ vật, gốm sứ…Những cuộc như vậy thường gắn với các sự kiện như festival Huế, festival nghề truyền thống, Phật đản.

Người đến tham quan khá đông. Ngắm nhìn món này món khác. Với nhiều người, bước đầu chỉ là để mãn nhãn và thỏa sự háo hức, khỏi bỏ qua cơ hội tận mắt thấy món đồ có khi là vô giá. Còn cảm nhận được cái quý, cái đẹp của món đồ cổ ấy thì chưa chắc.

Điều ấy cũng là tất nhiên. Ngay cả giới chuyên môn, lòng đam mê có thừa, am hiểu về cổ vật không ít, vậy mà có khi còn phải tra cứu, cày cục mãi mới giải mã được một món đồ.

Vô tri bất mộ. Không biết thì không thấy yêu, thấy quý. Đó là câu nói có tính tổng kết của người xưa. Với cổ vật cũng vậy. Nếu không biết, đôi khi đối diện với một kho báu trước mặt, ta lại bỏ qua.

Thế nhưng, với đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, hay có người gọi là đồ sứ men lam Huế, đồ sứ Blue de Hue thì hình như lại khác. Không biết có chủ quan không, nhưng tôi để ý, mười người vào xem thì chín người thấy khoái.

Dù có thể không hề hiểu cái đĩa ấy, cái bình, cái chậu ấy được làm lúc nào; những dòng chữ, những bức họa trên món đồ ấy nói về cái gì. Song cũng như tôi, ngay từ cái nhìn đầu tiên, có lẽ họ đã bị hớp hồn bởi dáng vẻ tao nhã và hai màu xanh trắng thanh thoát hòa quyện đến tuyệt hảo của dòng đồ sứ này.

Thế nên, ngay tại cuộc triển lãm dịp Phật đản PL.2553 vừa rồi, lão thi sỹ Nguyễn Tất Phan đã tìm gặp cho được nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn để đề đạt một cách hết sức dễ thương: “Có cách chi chế tác lại để bà con bề tui có thể mua được một vài món trưng bày cho đã ghiền. Chỉ mong đồ chế tác lại thôi, mỗi món vài trăm ngàn may ra mới có cơ hội mà chơi”.

Ý tưởng phục chế đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn như gợi ý của ông Phan thật ra được ông Trần Quốc Thái, một chủ cửa hàng cổ vật tại quận 1, TP Hồ Chí Minh suy nghĩ và thực hiện từ những năm đầu 1990, sau đó hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, góp phần phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo di tích.

Trần Quốc Thái lấy mẫu từ các hiện vật gốc, sang đặt làm tại Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc); hoặc lựa chọn những dáng kiểu và họa tiết đặc sắc để đặt phỏng chế. Dòng đồ sứ này được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn gọi là đồ Thái Blue, còn Trần Quốc Thái gọi là đồ sứ Tân ký kiểu. Ý tưởng, cách làm ấy là rất hay và trong chừng mực nào đó thỏa mãn mong mỏi của những người yêu quý đồ sứ cổ.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, đồ tân ký kiểu cần có sự minh bạch về thời đại khai sinh. Nếu không, vài chục năm sau sẽ không tránh được vàng thau lẫn lộn. Và biết đâu lại không có kẻ nhân đó mà đục nước béo cò, trục lợi bất chính.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.