Thoát hiểm nhờ bác Tô Hoài

Thoát hiểm nhờ bác Tô Hoài
TP - Nhờ một động tác rất nhỏ nhưng tinh tế, cao tay và đầy hiệu quả của nhà văn Tô Hoài, một việc có nguy cơ trở thành vụ án văn chương đã được giải quyết thấu tình đạt lý...
Thoát hiểm nhờ bác Tô Hoài ảnh 1
Nhà văn Tô Hoài, Lê Hoài Nam chụp tháng 12-2009

Sáng sớm, tôi gọi về số máy gia đình Tô Hoài, cứ ngỡ rét buốt thế này sẽ có một người nhà thưa máy, nhưng không, đích thân nhà văn cầm máy a lô, giọng vẫn tròn và trong, chưa có từ nào bị méo như thường thấy ở những bậc cao niên như ông.

Khi nghe nhà văn đáp từ trên điện thoại tôi mới biết, ông đã rời ngôi nhà 21B Đoàn Nhữ Hài về ở căn hộ số 108, khu nhà tầng C3 Nghĩa Tân từ nhiều năm nay. Từ nhà tôi (ngõ Lò Rèn, xóm 16A, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm) đến đây chỉ khoảng 3 cây số, đi xe máy mà không gặp tắc đường, mất 10 phút là nhiều.

Như đã hẹn, đúng 8 giờ 30 phút, ông rời căn buồng đậm đặc mùi thuốc xoa bóp giảm đau bước ra phòng khách tiếp tôi.

Phòng khách kê bộ salon bọc vải dạ màu sữa đã cũ nhưng sạch sẽ, trang nhã. Trên tường treo hai bức tranh phỏng theo tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký do Nhà xuất bản Kim Đồng và Công ty Đồ họa Việt Nam gửi tặng.

Một giá sách nhỏ, nhìn thoáng cũng thấy phần lớn là sách của bạn bè, đồng nghiệp; không thấy những ông Ốp, ông Ép, những giải Nô-ben, giải Gông-cua... mà những bậc cây đa cây đề trong làng văn như ông thường bày biện, trang trí cho phòng khách.

Khi tôi hỏi thăm về sức khỏe, ông bảo, hiện nay trong cái thân già chín mươi xuân của ông mang vác ba căn bệnh: huyết áp, tiểu đường, gút. Riêng bệnh gút, ông dính phải nó đã hơn bốn mươi năm, ông nói giọng hài hước: có lẽ là người bị gút sớm nhất Việt Nam, thế mà vẫn “sống vui sống khỏe” được với nó.

Tôi hỏi, nhà văn có bí quyết gì mà cho đến nay vẫn chưa bị ba tên giặc bệnh quật ngã không? Ông bảo, chẳng có bí quyết gì cả, ông cứ sống theo những gì ông thấy là đúng, là thích, thế là khỏe người thôi.

Ông nhắc lại, được viết theo những gì mình thích thì người mới khỏe. Hiện nay, mỗi ngày phải ba bốn lần uống thuốc, với đủ mọi loại thuốc tây thuốc bắc thuốc nam, hai lần xoa bóp thuốc giảm đau, nhưng ông vẫn chưa chịu buông bút.

Nhất là viết những bài cho báo tết bao giờ cũng tạo cho ông một niềm cảm hứng rất lạ lùng, bồng bột và khát khao y như thủa thiếu thời ông cùng lũ trẻ con cùng xóm chộn rộn đón tết!

Chả thế mà đã hơn sáu mươi mùa đông ông say sưa với công việc viết báo tết. Nói cách khác, viết báo tết như đã thành “nghề” của Tô Hoài, ông tự thú như thế.

Mỗi khi nhìn thấy bài của mình in trên một tờ báo tết, dù tờ báo đó không nổi đình đám cho lắm, ông vẫn bồi hồi xúc động. Tôi hỏi tết năm Canh Dần này bác viết được bao nhiêu bài? Ông nói, có kém năm ngoái chút đỉnh.

Khi nói sang chuyện viết lách của tôi, ông bảo ông đã đọc khá nhiều truyện ngắn và bài viết của tôi in trên báo, kể cả những bài tôi “đánh đấm” với một đám nào đó nữa.

Cứ ngỡ một bậc cao niên trưởng thượng như ông sẽ không bao giờ thèm ngó ngàng tới những bài vở kiểu đó, hóa ra ông đọc hết! Điều này khiến tôi rất xúc động.

Thoát hiểm nhờ bác Tô Hoài ảnh 2

Tranh phỏng theo tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký, do Nhà Xuất bản Kim Đồng và Cty Đồ họa Việt Nam gửi tặng bác Tô Hoài

Niềm xúc động đã tạo “đà” cho tôi nói vào việc chính. Tôi hỏi: bác còn nhớ cách đây mười sáu năm, bác đã cứu cháu thoát hiểm một vố không? Ông cười vẻ ý nhị, lắc đầu. Tôi kể rõ hơn sự tình cái vụ đó, rồi xin phép ông được viết bài đăng lên báo. Ông bảo, anh cứ viết, chuyện ấy bây giờ viết được ấy mà!

Đó là vào năm 1993, tôi đương nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Hà, kiêm Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ của Hội, gọi là tạp chí Văn Nhân.

Một hôm tác giả Kim Sa Trung mang đến cho tôi một bản thảo truyện ngắn mới viết, có tiêu đề Con đường An Lạc. Chuyện mô tả việc người ta làm một con đường tên là An Lạc. Nhưng trong quá trình thi công người ta gặp khá nhiều chướng ngại, những nghịch cảnh, những phi lý...

Tôi rất thích truyện ngắn này nên đã ký duyệt in trong tạp chí Văn Nhân, mặc dù trong thâm tâm linh cảm sẽ có một cuộc tranh luận diễn ra sau đó. Nếu như thế sẽ hữu ích hơn là di hại. Tôi quan niệm thế. Nó sẽ làm cho văn chương hàng tỉnh vốn dĩ trì đọng, tù túng trở nên sôi động, đánh thức những tiềm năng văn học còn đang ngủ vùi.

Tôi linh cảm đã không sai. Một vụ ồn ào đã diễn ra xung quanh Con đường An Lạc khi nó vừa được in ra. Chỉ tiếc nó không mang cái không khí tranh luận lành mạnh, sòng phẳng như tôi nghĩ. Thậm chí một số người đã mượn cái cớ này hành động nhằm một mục đích khác.

Ngay khi số tạp chí Văn Nhân ấy ra mắt được ít ngày thì tờ tập san chuyên ngành của tỉnh đã cho in nối nhau ba bài liền “đánh” tơi bời truyện ngắn này. Mỗi bài có một kiểu viết nhưng đều đi đến một quy kết: Con đường An Lạc là tác phẩm mang tư tưởng phản động, cần phải nghiêm trị tác giả và Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân!

Những ngày ấy, tôi như một con mồi bị lọt vào một trận đồ bát quái. Thành phố Nam Định vốn nhỏ, tin truyền đi rất nhanh, chỗ nào cũng nghe được những tiếng thì thào to nhỏ về “vụ Con đường An Lạc”.

Người ta nhìn tôi và Kim Sa Trung như những tên tội phạm nguy hiểm! Đã có những cuộc hội ý kín bàn chuyện xử lý chúng tôi như thế nào.

Có ông còn được phân công làm một cái hòm phiếu bằng bìa các-tông. Cái hộp này khi gấp lại có thể nhét vào cặp được. Nhưng khi mở ra thì nó là cái hòm phiếu có bồi giấy màu đỏ, trông rất choáng, nó thể hiện một uy lực khi những lá phiếu bỏ vào đó nhằm định đoạt cho số phận chúng tôi. Rồi cái hội nghị xử lý chúng tôi đã được ấn định.

Kim Sa Trung vốn là người đa kế tựu kế, rất nhậy cảm trước những vấn đề thế sự. Trung gặp tôi, nói: “Chẳng lẽ lại chết vì cái truyện ngắn này? Chết như thế nó vô  lý, oan khiên lắm! Anh thử nghĩ xem có ai giúp mình thoát hiểm được không?”.

Nghe Kim Sa Trung nói, bỗng như có một đấng siêu nhiên mách bảo, tôi nhớ đến nhà văn Tô Hoài.

Thực ra, tác phẩm của Tô Hoài thì tôi đọc nhiều, nhưng gặp ông thì chỉ mới duy nhất một lần, tính đến thời điểm đó. Và cuộc gặp ấy cũng diễn ra rất chóng vánh, mang tính xã giao bên lề Đại hội Liên hiệp VHNT Hà Nội. Nhưng trong cơn hoạn nạn, tôi vẫn nhớ đến bậc trưởng thượng này.

Ngày ấy, việc liên lạc bằng điện thoại chưa thông dụng như bây giờ. Tôi liền viết một bức thư kể về cái tai nạn tôi đang mắc phải và ngỏ ý muốn ông giúp đỡ. Tôi kẹp bức thư vào cuốn tạp chí Văn Nhân có in truyện ngắn Con đường An Lạc, ra bưu điện đóng phong bì gửi lên cho ông ở 19 - Hàng Buồm - Hà Nội.

Hồi ấy, nhà văn Tô Hoài đang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Anh Biên biên tập văn xuôi. Kim Sa Trung bàn với tôi: Để cho Ban biên tập Người Hà Nội ủng hộ cao, Trung sẽ nhờ nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (hôm ấy Nguyễn Việt Chiến về Nam Định công cán) mang về tặng nhà văn Nguyễn Anh Biên một cuốn tạp chí Văn Nhân “đang có vấn đề” ấy.

Năm ngày, rồi mười ngày trôi đi, không thấy có tin tức gì từ Hà Nội, mà cuộc họp đưa tôi và Kim Sa Trung “lên đoạn đầu đài” thì sắp diễn ra. Kim Sa Trung đã có phần hơi bi quan.

Chỉ còn hai ngày nữa cái cuộc họp xử lý tôi và Kim Sa Trung diễn ra, phép màu đã đến. Người nhân viên bưu điện đưa đến cho tôi một cái phong bì to, bên trong đựng tờ báo Người Hà Nội.

Mở tờ báo ra thấy bên trong in truyện ngắn Con đường An Lạc với hàng tít trang trọng. Tôi và Kim Sa Trung đối chiếu với bản in ở tạp chí Văn Nhân thì hầu như không sửa chữa, thêm bớt gì, chỉ khác ở chỗ thể loại: tạp chí Văn Nhân in là truyện ngắn, còn Người Hà Nội in là truyện vui.

Hôm cuộc họp xử lý chúng tôi diễn ra, không khí trong hội trường rất nghiêm trọng. Có bàn chủ tọa, bàn thư ký, khăn trải bàn, hoa tươi, micro, máy tăng âm... 

Ông chủ tọa hội nghị đứng lên phát biểu khai mạc bằng những lời lẽ vừa mơn trớn vừa thắt buộc, vẻ mặt ông bộc lộ vẻ nghiêm cẩn, khó đăm đăm, y như vận mệnh nước nhà đang bị cái truyện ngắn Con đường An Lạc đe dọa, tàn hại. Tôi cùng ngồi bàn chủ tọa với ông. Thỉnh thoảng ông lại ngoái sang nhìn tôi như con mèo già nhìn con chuột nhắt.

Sau lời “đề dẫn” của ông chủ tọa, mọi người nhao nhao giơ tay xin phát biểu. Truyện ngắn “Con đường An Lạc”, tác giả Kim Sa Trung và tôi xác xơ trong những lời giông bão.

Khi các ý kiến xem ra đã có vẻ đủ thì ông chủ tọa nháy mắt ra hiệu cho một ông mở chiếc cặp giả da to đùng, lôi ra cái tập bìa các tông bồi giấy đỏ. Ông đặt tập bìa ấy lên bàn, dùng hai tay kéo một cái, nó hóa thành một cái hòm phiếu.

Tôi hiểu rằng đã đến giờ khắc quyết định đã đến liền giơ tay xin phát biểu. Ông chủ tọa toan ngăn lại, không cho tôi nói, nhưng tôi đã đứng lên: “Trước tiên, tôi xin cám ơn ý kiến các quý vị, tôi xin tiếp thu với tinh thần cầu thị. Bây giờ, kỷ luật tôi như thế nào là quyền của các vị.

Nhưng trước khi các vị bỏ lá phiếu quyết định, tôi xin cung cấp một thông tin: tờ báo Người Hà Nội do nhà văn Tô Hoài làm tổng biên tập cũng vừa in truyện ngắn Con đường An Lạc của Kim Sa Trung.

Vậy nếu kỷ luật tôi thì các vị cũng nên có công văn gửi lên thành phố Hà Nội đề nghị kỷ luật nhà văn Tô Hoài, như thế mới công bằng” - Tôi vừa nói tới đó vừa đưa tay vào cặp rút ra tờ Người Hà Nội giơ lên cho mọi người nhìn thấy.

Ông chủ tọa hội nghị vội đứng lên giật lấy tờ báo. Ông ngoắc cặp kính lão lên nhìn săm soi. Mấy ông khác cũng vội đến nhìn cho rõ cái tít truyện ngắn Con đường An Lạc in rất to, đầy ấn tượng.

Họ còn dò xét từng dòng xem bản in này có khác với bản in ở tạp chí Văn Nhân không. Rồi khi biết chắc không có sự khác nhau, họ nháy mắt ra hiệu gì đó với ông chủ tọa. Thế là cuộc họp lại tiếp tục.

Có thêm một vài ý kiến phát biểu nữa. Có ý kiến cho rằng việc báo Người Hà Nội in truyện ngắn Con đường An Lạc sẽ không ảnh hưởng gì lắm đến tinh thần tư tưởng của nhân dân Hà Nội; còn với dân Nam Định thì rất tác hại bởi các địa danh trong trong truyện đều ám chỉ Nam Định!

Lại có ý kiến nói rằng Người Hà Nội in Con đường An Lạc không đề thể loại là truyện ngắn mà đề là truyện vui. Giữa truyện vui và truyện ngắn là hoàn toàn khác nhau, không thể căn cứ vào việc báo Người Hà Nội cũng in truyện này mà xí xóa tội lỗi của tác giả và Tổng Biên tập tạp chí Văn Nhân được...

Nhưng ông chủ tọa hội nghị dường đã nhận ra những ý kiến đang phát biểu là không đủ lý lẽ, không có sức thuyết phục. Là người khá linh hoạt, ông liền lái vấn đề của hội nghị sang một không khí khác hẳn trước đó. Ông giơ tay ra hiệu cho ông đang ôm cái hòm phiếu màu đỏ giấu nó đi.

Rồi ông “kết luận” đại khái, hôm nay hội nghị dù có những ý kiến phát biểu gay gắt thì chẳng qua cũng như những liều thuốc đắng làm cho đồng chí mình dã tật! Cũng vì thương đồng chí mình mà mọi người phải hao tổn chất xám, mất thời gian về dự cuộc họp này.

Viết sai, in sai thì ta sửa sai, ta đóng cửa bảo nhau, rút kinh nghiệm như hôm nay là điều rất hữu ích. Không ai muốn làm to chuyện...

Ông ta khuyên tôi và Kim Sa Trung, sau vụ này cần phải nghiêm khắc với bản thân, phải biết ơn tất cả những người dự hội nghị hôm nay, như thế mới có ý chí xây dựng tạp chí Văn Nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là tờ tạp chí văn chương của quê hương có truyền thống văn hiến lâu đời...

Hội nghị kết thúc ở đó. Tôi bước chân ra khỏi hội trường trút một hơi thở nhẹ nhõm, bụng thầm nói: Mình thoát hiểm nhờ bác Tô Hoài!

Hà Nội, ngày mồng một Tết dương lịch 2010

MỚI - NÓNG