Thời của gameshow?

TP - Việc một cô gái tham gia chương trình “Ai là triệu phú” không biết canh cua nấu với rau đay, El Nino là hiện tượng thời tiết, khiến cô bị “ném đá” làm người ta giật mình về sức mạnh của gameshow. 

“Ai là triệu phú” là phiên bản tiếng Việt của trò chơi truyền hình nổi tiếng của Anh “Who wants to be a millionaire”, bắt đầu được phát sóng ngày 4/1/2005. Như vậy “Ai là triệu phú” đã sắp tròn 12 tuổi ở Việt Nam, một trong những gameshow có tuổi thọ cao nhất hiện nay. Tuy tuổi cao nhưng “Ai là triệu phú” vẫn chưa tìm ra người chiến thắng, có lẽ vì vậy nên khán giả vẫn theo dõi miệt mài? Khi người ta ném đá cô gái nọ, dò tìm “tung tích” của cô ấy, để chứng minh ngoài đời cô không dở như khi bước chân đi tìm “Ai là triệu phú” càng chứng tỏ trò chơi này vẫn còn “nóng”, có khả năng thọ thêm một số năm nữa.

Trò chơi truyền hình (gameshow) đơn giản là một dạng hoạt động văn hóa, giải trí được hình thành sau khi truyền hình trở thành một phương tiện truyền thông đại chúng. Vậy mà bây giờ không ít người dùng nó để làm thước đo trí tuệ, trình độ của người tham gia. Chỉ cần không biết canh cua thường được nấu với rau đay đã bị quy chụp có vấn đề về đầu óc, trong khi kẻ “có vấn đề”  lại là một kỹ sư có năng lực ở ngoài đời. Sự “sỉ nhục online” từng bị cảnh báo như một tội ác vì nguy cơ tổn hại sâu sắc tới đối tượng bị sỉ nhục.

Ngoài những gameshow đụng đến hiểu biết, kiến thức, những gameshow thiên về ca hát, nhảy múa cũng đang gặp thời “bung lụa”. Bao nhiêu chàng trai, cô gái trẻ đã gửi gắm giấc mơ đổi đời thông qua việc tham gia gameshow. Từ Vietnam’s Got Talent, The Voice, Vietnam Idol… không ít chàng trai, cô gái vô danh nghiễm nhiên trở thành ngôi sao của làng giải trí. Sự đăng quang chóng vánh của các chàng, các nàng khiến những người được đào tạo bài bản để trở thành nghệ sỹ đích thực ít nhiều ngậm ngùi còn khán giả Việt tự dưng cõng thêm một số “thần tượng” bất đắc dĩ… Thật khó để tìm những gương mặt bước ra từ gameshow làm rạng rỡ cho nghệ thuật Việt. Người ta cứ lo lắng và hô hào: Nghệ thuật Việt càng ngày càng vắng tinh hoa. Nếu như còn xem trọng thành tích từ gameshow như hiện tại thì còn khuya tinh hoa mới xuất hiện. 

Tại sao gameshow lên ngôi dễ dàng vậy ở ta? Chưa có lời giải đáp đầy đủ. Nhưng khi lượng người hâm mộ gameshow mỗi năm một tăng thì văn hóa đọc nhiều năm trở lại đây luôn ở tình trạng kêu cứu. Nhà đài mừng rỡ, hẳn nhiên. Còn “thượng đế” mải chạy theo giải trí ào ào nên không biết chính mình là người bị thiệt. Trong một lần trò chuyện với nhà văn Bảo Ninh, ông bảo: Thời đại này chính là thời của văn xuôi, tiểu thuyết, chỉ tiếc là thế hệ ông đã qua , còn “măng” lại chưa thấy mọc?  Lại đợi chờ “măng” mọc lên từ gameshow nào đó chăng?

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.