Thôi, đừng so nữa với phim Hàn...

Thôi, đừng so nữa với phim Hàn...
Phim dù dở tới mấy của HQ cũng có những gợi ý tốt cho khán giả, cho người làm phim. Học nhưng học đến cái độ sau đó người làm phim phát ngôn là phim (tôi làm) là phim Việt kiểu Hàn... thì cái sự so sánh đối chiếu đã đi quá xa.
Thôi, đừng so nữa với phim Hàn... ảnh 1
Một cảnh trong phim "Hoa cúc dại".

Hai người đàn ông Hàn Quốc, một là cảnh sát, một là sát thủ cùng yêu một cô gái đồng hương Hàn Quốc của họ trong một mùa thu ở Amsterdam (Hà Lan) - một chuyện tình tay ba éo le chen hình sự gay cấn bắt đầu như một sắp đặt trớ trêu của định mệnh... Đó là nội dung chính của bộ phim "Hoa cúc dại" (KB Kwan Jae-Young, ĐD Lưu Vỹ Cường - người Hồng Kông, đã lập kỷ lục lượt người xem tại HQ trong ba tháng đầu năm 2006), khởi chiếu tại các rạp lớn TPHCM 21.4.

Cũng ngày 21/4, tại TPHCM, Cty liên doanh Diamond Cinema phát hành phim "Hẹn hò" với chàng nhóm máu B với sự tham dự của một trong những ngôi sao đang lên của điện ảnh truyền hình HQ hiện nay là Lee Dong-Gun. Hai bộ phim HQ (chất lượng vừa phải) này là một phần của những bộ phim ngoại sẽ được chiếu nhân dịp lễ 30/4 và 1/5.

Kha khá lâu, khán giả TPHCM mới lại chứng kiến "cuộc đua" giữa hai phim HQ, mặc dù, có thể nói, họ đã bão hoà với phim nhựa HQ. Cũng vậy, với phim truyền hình HQ.

Thời gian gần đây, hiếm phim truyền hình HQ nào hay đủ gây sốt như một vài phim chiếu hai - ba năm trước. Khán giả TPHCM tiếp nhận lặng lẽ, đã đến mức gần như coi phim truyền hình HQ là "một phần tất yếu của cuộc sống": Sáng, trưa, chiều tối, bật tivi lên, thấy phim thì xem, ít bình luận. Các giờ tốt trên ĐTH TPHCM chủ yếu đã thuộc về phim VN hay phim của TFS.

Vậy, trong tình trạng bão hoà như thế, các nhà làm phim ta đã "học thuộc bài" từ phim HQ và chuẩn bị trả bài? Trong buổi giới thiệu phim Hương phù sa, chính ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc TFS - khẳng khái: "Tôi không ngại phim TFS bị báo chí so, hay chê giống phim Hàn. Cái quần cái áo chúng ta mặc đây, chúng ta gọi là đồ tây đó sao. Từ phim Hàn, cái gì hay thì học".

Cty VIFA hợp tác với HQ làm phim "Mùi ngò gai" học được sự kỹ tính khi làm bối cảnh từ việc nhỏ như cái nhà nông dân Nam Bộ nghèo cũng phải đàng hoàng, sơn phết hàng rào cho đẹp đẽ.

Phải nhìn nhận một điều, phim truyền hình hay nhựa dù dở tới mấy của HQ cũng có những gợi ý tốt cho khán giả, cho người làm phim. Học nhưng học đến cái độ sau đó người làm phim phát ngôn là phim (tôi làm) là phim Việt kiểu Hàn, từ nội dung hình thức thể hiện nhưng đậm chất Việt, văn hoá Việt... thì cái sự so sánh đối chiếu đã đi quá xa. Thấy vậy, có người đưa ý tưởng... hoang đường nhưng vui là nếu phim ta thử lồng tiếng Hàn, sau đó lại dịch lại tiếng Việt thì có lẽ có người khen hay. Sao cứ mang phim Hàn ra so sánh đối chiếu hoài, sao cứ lấy phim Hàn làm chuẩn mực?

Một nhà nghiên cứu văn hoá VN, giảng viên ĐH KH-XH-NV TPHCM, có lần nói với người viết bài này: "Khi chúng ta nói tới sự lợi hại của phim Hàn trong việc quảng bá cho sản phẩm tiêu dùng của Hàn, chúng ta quên mất một điều nền văn hoá HQ, HQ trước đó đã làm ra nhiều sản phẩm danh tiếng thế giới. Ta đã có những sản phẩm gì nức tiếng thế giới?".

Phim Hàn đổ bộ vào VN đã gần 10 năm, tạm kể từ bộ phim truyền hình "Mối tình đầu", rồi "Anh em nhà bác sĩ"... "Học chữ xong thì có thể quên sách", có nhiều điều, còn lâu mới học xong được.

Vậy, người làm phim ta, nếu cứ làm phim cật lực, cẩn thận thể hiện tôn trọng khán giả đưa ra một bộ phim bảo đảm chất lượng nghệ thuật, nội dung, mang dấu ấn của riêng mình thì không phải mất tự tin đến độ muốn thu hút khán giả phải nức lên mấy câu đại loại, phim tôi giống phim Hàn; và những bài báo giới thiệu phim trên các báo đến lúc này phải thoát khỏi nỗi ám ảnh so sánh phim ta với phim Hàn.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG