Thói quen đi tắt

Thói quen đi tắt
TP - Nhà nông Việt Nam nhà ở kề nhau dẫu biết “thương nhau rào dậu cho kín” thì thỉnh thoảng lại phá rào đi tắt. Có khi phải chui, chui qua rào còn phải len theo luống rau, vồng khoai chẳng đàng hoàng chút nào nhưng vẫn thích đi vậy.

Quần xà lỏn sau bữa cày có thể thông cảm, lúc cưới hỏi, giỗ chạp khăn áo chỉnh tề cũng “đi tắt cho nhanh”, thản nhiên như đi ngõ chính.

Nghề nông làm theo kinh nghiệm, thiếu kế hoạch, phụ thuộc thời tiết nên sinh tác phong tùy tiện. Đi tắt có nguyên nhân từ đó. Bây giờ vào thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, “thói quen đi tắt” là một cản trở của phát triển.

Bởi sản xuất hàng hóa đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ quy trình khoa học chặt chẽ, đi tắt, làm tắt là hỏng sản phẩm và hỏng cả loạt chứ không phải một vài cái.

Đây là hạn chế lớn nhất của người Việt Nam ta khi tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, ở trong nước cũng như ra nước ngoài, trên mọi lĩnh vực kinh tế, dịch vụ, học tập, nghiên cứu.

“Thói quen đi tắt” còn có gốc rễ sâu xa hơn: Tâm lý đối phó. Nghìn xưa, dân Việt sinh sống phải đối phó từ anh trương tuần, lính lệ, lý trưởng, chánh tổng đến vua.

Một loại chuyện dân gian nổi tiếng của nước ta là “chuyện trạng” bộc lộ rất rõ tâm lý này. Điển hình có chuyện Trạng Quỳnh, luôn tìm cách đối phó lại ý chỉ của vua bằng các cách chơi khăm.

Rồi trăm năm dưới ách thực dân, người Việt cũng phải tìm cách đối phó để tồn tại. Mấy chục năm đấu tranh giải phóng dân tộc, càng nêu cao tinh thần đối phó, sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù.

Đến thời bao cấp, tư tưởng đối phó phát triển phong phú dưới các hình thức luồn lách, “thói quen đi tắt” được nâng lên thành nghệ thuật, được coi là “khôn ngoan”.

Quá khứ theo ta vào hiện tại! Nổi tiếng cho “thói quen đi tắt” hiện nay, đang nóng hổi công luận là một ông cựu bộ trưởng, một ông đang bộ trưởng đã “đi tắt”, để xin Thủ tướng...

Những việc ấy, theo quy trình hành chính minh bạch thì phải trình qua vài cấp trung gian có trách nhiệm rồi mới tới Thủ tướng Chính phủ (nếu cần Thủ tướng quyết định). Hai ông đi tắt tới xin luôn...

Chưa nói mục đích cá nhân, nếu vì mục đích chung mà hai ông đi tắt như thế cũng không hay. Bởi nêu gương xấu cho cấp dưới và đẩy hệ thống hành chính vào giải quyết sự vụ, bị động, thiếu kế hoạch.

Vả lại, cán bộ càng cao càng phải nghiêm túc tuân thủ quy trình thủ tục hành chính bởi bản thân đã góp phần xây dựng nên và quan trọng hơn để hiểu rõ mà hoàn thiện thêm. Đi tắt thì không hiểu con đường dân đi, đó cũng là một biểu hiện xa dân.

“Thói quen đi tắt” quả là không của riêng ai.

MỚI - NÓNG