Thơ “bắt nguồn” nhiều từ rung động trước phụ nữ

Thơ “bắt nguồn” nhiều từ rung động trước phụ nữ
TPO- “Là thi sĩ, tôi dễ xúc động trước hình ảnh những người phụ nữ mà tôi đã gặp….”- nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bộc bạch tâm sự vào một chiều tháng 3, khi mà ngày quốc tế phụ nữ đang gần kề.

Nhà thơ có thể tiết lộ về người phụ nữ đầu tiên đi qua trong đời ông?

Mẹ là người phụ nữ đầu tiên tôi dành tình cảm sâu sắc và chân thành. Mẹ là người phụ nữ duy nhất mà suốt đời tôi làm khổ.

Ngoài ra, cũng không phải không có người phụ nữ làm cho tôi phải khổ.

Nhưng tôi là một nhà thơ, sẽ khổ hơn nếu không có những nỗi khổ ấy. (cười)

Khi là một thanh niên, tình cảm trong tôi bắt đầu thay đổi, đã biết “phản bội” mẹ để dành tình yêu thương cho thêm một người phụ nữ khác.

Một người con trai sẽ hạnh phúc xiết bao, nếu gặp được một người phụ nữ khác yêu thương mình và biết thốt lên rằng: “Cảm ơn mẹ! Mẹ sinh anh và bây giờ để dành cho em”.

Với tôi, niềm hạnh phúc đó không đến ngay, phải qua “hành trình ba bể”, và cuối cùng cũng may mắn gặp được một người như thế. Người đó là vợ tôi bây giờ.

Cảm xúc với những người phụ nữ... phải chăng là nguồn cảm hứng sáng tác chính của nhà thơ?

Tâm hồn của tôi đan xen nhiều nỗi xúc động thi sĩ lắm. Có thể nói, cảm hứng thơ Hoàng Nhuận Cầm “bắt nguồn” nhiều từ rung động trước những người phụ nữ, là mẹ, là vợ, là đồng đội, bạn bè…vv…

Chút tình cảm lãng mạn trẻ con và đơn phương ban đầu với một người bạn khác giới của tôi có từ năm lớp 9, lớp 10.

Một người bạn tóc dài, xinh xinh, mắt mơ màng như “nàng thơ” đã tạo cảm hứng để tôi viết bài thơ Chiếc lá đầu tiên: “Em thấy không tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời  gian rất khẽ/  Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/ Hoa súng tím vàng trong mắt đắm mê say”...

Những rung động trước hình ảnh “phái đẹp” của tôi ngày xưa trong trẻo và hồn nhiên vô cùng. Trong trẻo đến mức, khi tôi bước chân lên tàu đi bộ đội, 18 tuổi, được một bạn nữ học cùng đại học Tổng hợp đề nghị… hôn mà còn sợ đến đánh rơi cả mũ sắt (cười).

Thế còn một sự rung động gọi là tình yêu đôi lứa đúng nghĩa của nhà thơ thì sao?

Tuổi thanh xuân của tôi và bạn bè đồng trang lứa gửi lại hết nơi cánh rừng Trường Sơn. Khi trở về, mới sực nhớ, khoảng thời gian long lanh nhất, yêu say đắm nhất của đời người đã qua rồi.

Những mối tình tuổi 20 cũng gửi lại hết nơi chiến trường, với những người con gái thanh niên xung phong cùng ngồi ăn gạo rang, lương khô.

Dù thời gian gặp gỡ không đủ để nên duyên, nhưng nguồn cảm xúc đến rất nhiều…: “Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi/ Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới/ Người con gái cõng mình qua đạn xối/ Tình yêu thầm- kín lại mối giao duyên”. 

Dường như, hình ảnh những người phụ nữ đi qua trong đời nhà thơ đều gắn với hình ảnh của đất nước? Còn những người phụ nữ cụ thể thì sao?

Tôi rất hạnh phúc và biết ơn người mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng tôi. Tôi cũng rất quý trọng người mẹ nuôi của tôi - mẹ Thu (vợ của nhà văn Hữu Mai, mẹ của nhà thơ - nhà báo Hữu Việt).

Mẹ nhận tôi làm con nuôi năm 1992, có lẽ cũng bởi thấy tôi thích thơ ca nghệ sĩ như anh Việt - con ruột mẹ. Thậm chí, mẹ còn chiều chuộng tôi hơn cả anh Hữu Việt.

Là vợ một nhà văn, mẹ hiểu được nỗi cơ cực của người cầm bút nên chăm sóc tôi rất chu đáo, giã ruốc cho tôi rắc lên cháo ăn khi mệt mỏi…

Còn với vợ, tôi cảm nhận đuợc một sự hy sinh lớn để giữ ngọn lửa ấm gia đình. Người đàn ông giữ lửa biết đâu lại gây hỏa hoạn (cười), còn người phụ nữ giữ lửa thì ấm áp xiết bao.

Tôi có bốn câu thơ dán ở bếp để tặng vợ, đời thường và dung dị, nhưng chân thành: “Anh nhóm bếp, anh thổi cơm, anh đi chợ/ Anh mặc cả từng hào như em đã từng mua/ Ôi khốn khổ khi thi nhân vắng vợ/ Bếp núc là một cái gì hơn hẳn những bài thơ.”

Ngày 8/3 đã đến gần, nhà thơ có lời chúc nào dành tặng những người phụ nữ mình yêu quý và những người phụ nữ Việt Nam nói chung?

Tôi muốn gửi một lời chúc từ đáy lòng mình: Chúc cho phụ nữ mãi mãi đẹp, cái đẹp từ bên trong tỏa ra bên ngoài - cái đẹp sẽ cứu chuộng thế gian.

        Linh Nga
(thực hiện)

MỚI - NÓNG