Thông tin thêm về bài báo Di sản quốc gia bị đe dọa vì mất điện

Thông tin thêm về bài báo Di sản quốc gia bị đe dọa vì mất điện
Báo Tiền phong ngày 13/9/2008 đăng bài báo kể trên, phản ánh sự cố mất điện tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (BTMT) có thể gây ảnh hưởng các di sản được lưu giữ tại đây.

Sau khi báo phát hành, Tòa soạn nhận được ý kiến phản hồi từ Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Trương Quốc Bình, cho rằng một số thông tin trong bài báo chưa chính xác.

Ban biên tập báo Tiền phong đã cử cán bộ đến BTMT Việt Nam làm việc với Giám đốc Trương Quốc Bình và một số cán bộ liên quan của Bảo tàng về sự việc trên.

Được biết năm 2006, BTMT Việt Nam được Bộ Văn hóa Thông tin cho phép đầu tư trạm biến áp 250KVA cho cơ sở 2 của Bảo tàng (95 Ngõ Giếng, Hoàng Cầu, Đống Đa) để đảm bảo điện năng phục vụ việc sử dụng các thiết bị máy móc đã và sẽ được trang bị.

Cuối quý III năm 2007, công trình đã được nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng (với sự phối hợp tư vấn giám sát thi công và tổ chức nghiệm thu của Điện lực Đống Đa ngày 24/8/2007).

Từ khi hoàn tất việc lắp đặt đến nay, việc quản lý trạm do Điện lực Đống Đa thực hiện. Tuy nhiên, rạng sáng 2/9/2008, trạm biến áp đã xảy ra sự cố gây mất điện toàn bộ khu vực cơ quan. BTMT Việt Nam đã lập tức thông báo để Điện lực Đống Đa đến kiểm tra và khắc phục.

Ngày 3/9, sau khi Điện lực Đống Đa tiến hành việc thí nghiệm máy biến áp kết quả là máy bị hỏng, không thể vận hành và đề xuất hướng giải quyết thay mới một máy biến áp tương đương. BTMT Việt Nam đã gửi công văn lên bộ chủ quản xin ý kiến chỉ đạo về hướng khắc phục sửa chữa hoặc thay thế.

Trong khi chờ phê duyệt chủ trương, BTMT Việt Nam đã gửi công văn (ngày 5/9/2008) đề nghị Điện lực Đống Đa cấp tạm nguồn điện khác và BTMT đã có điện trở lại ngày 13/9/2008.

Đích thân Giám đốc Trương Quốc Bình đã trực tiếp chỉ đạo và ký các văn bản gửi các cơ quan chức năng, tích cực giải quyết sự cố mất điện chứ không phải liên tục vắng mặt tại bảo tàng như thông tin nêu trong bài báo.

Việc mất điện là sự cố bất khả kháng (do hỏng máy biến áp chứ không phải máy phát điện). BTMT Việt Nam đã xử lý sự cố này với tinh thần và trách nhiệm cao nhất. Tiền phong đính chính lại thông tin trên và thành thật cáo lỗi với ông Trương Quốc Bình cùng bạn đọc.

MỚI - NÓNG