Thư gửi đồng loại

Minh họa: Bình Minh.
Minh họa: Bình Minh.
TP - Hắn trở về nhà gói ghém vài thứ vào chiếc túi cũ sờn. Mẹ hắn nhìn chứ không hỏi. Cũng không nhiều nhặn gì vài ba cái vướng víu không thuộc về vật chất. Cứ để hắn đi. Ai rồi cũng ra đi, bằng nhiều cách khác nhau. Để sống, để chết hoặc để mình vô thức trên đời. Mẹ nắm tay hắn như ngày mới đẻ hắn ra. Ngày đó chào hắn ở đời thì giờ đây mẹ chào hắn bước đi trên cuộc đời. 

Cũng có thể là một lối đi nào đấy. Khi bước đi, hắn không nhìn trở lại, điều đó đủ biết hắn đã thực sự dứt bỏ nơi đây. Hắn đi và để lại những dấu chân trên khoảnh đất ướt át. Mẹ nhìn dấu chân hắn, lâu rồi mới thấy cái dấu chân khuyết in trên mặt đất. Hồi trước, có một vài dấu chân như thế ở trong hang động gần làng, các nhà khảo cổ gọi đó là thư gửi cho đồng loại. Nghe chỉ có vậy thôi, không biết thêm gì. Giờ hắn đi, dấu chân đó gợi mẹ hắn nhớ về dấu chân trong động. Thực ra hắn gửi gì trong từng dấu chân của hắn? Khi hắn bỏ hết giày dép và bước đi bằng chân không. 

Trên khoảnh đất đó, mẹ hắn lấy lưới khoanh lại và gọi thợ mang ít gạch xây chung quanh, có lợp tôn đàng hoàng. Mẹ hắn làm cái việc lập dị là lưu lại dấu vết của hắn cho đến khi vợ con hắn về, bà sẽ chỉ. Đây này, hắn đi có dấu chân đây, không bốc hơi. Hắn đi theo lối này, tức là về phía núi rừng. Đó là định bụng, chứ thời gian sau mẹ hắn chết khi chưa nói được câu đó. Khu vườn đó được người làng chăm nom khá kỹ. 

Một vài người cố gắng làm cái việc hy hữu, tiếp tục lưu giữ vết chân trên khoảnh đất. Ừ, nó vẫn còn ở đó, khô và nứt nẻ. Rồi mùa xuân đến chỗ dấu chân cỏ mọc li ti, cái bàn chân cỏ này có thể nhìn thấy từ bên ngoài qua một kẽ hở. Năm năm rồi, dấu chân đó còn mặc dù ít người trông nom hơn trước. Cứ sau mỗi mùa xuân, cỏ mọc ở dấu chân ấy lại chết đi, thay vào đó là những cánh rêu mịn và ngắn như chân tóc mọc vòng quanh, lúc này người ta có thể thấy dấu chân rất rõ nét.

Hắn đi vào rừng, đi thật xa. Cứ lầm lũi đi và quên những cơn đói, dần quên những câu chuyện nằm lại phía sau lưng mình. Nơi hắn ở lại vĩnh viễn là một tảng đá. Hắn tựa lưng vào đó nhìn vào tán lá xanh. Bên sau lưng hắn là cả một tấm rêu mịn như nhung. Êm ái và dịu dàng. Cảm giác ấy khiến hắn thật dễ chịu. Người hắn lâng lâng được nhấc khỏi mặt đất. Hắn nhìn xuống thấy một đứa vừa lạ, vừa quen. Ừ, đó là thân thể hắn. Khi người ta phát hiện ra hắn cũng đã mười năm sau. Tán lá rừng rộng và kín mít che bộ xương hắn khỏi nắng, khỏi mưa và khỏi rớt xuống trên thảm mục. 

Người phát hiện ra bộ xương của hắn không phải là nhà khảo cổ, không phải là gã phu trầm, người đốn củi lại càng không mà đó chính là con trai lớn của hắn. Con trai đã không nhận ra bố trong thực thể đó. Với đam mê của mình và máu phiêu lưu, anh ta xếp bộ xương vào chiếc áo của mình, ngay ngắn rồi cài khuy nút lại, lấy thêm dây buộc chặt sau đó đặt vào ba lô. Một vài vật dụng của hắn cũng được mang về. Con trai đặt bộ hài cốt lên đầu giường rồi ngủ say sau một ngày lang thang du hí ở rừng.

 Đứa con lớn này của hắn thích khám phá những khu rừng, thích đến quên ăn, quên ngủ và bỏ luôn công việc của mình ở thành phố và phiêu bạt về làng quê. Đứa con chui vào ngôi nhà của hắn. Đứa con không thể nhớ mình từng sống ở đây đến năm lên tám tuổi. Khi thấy đứa con ở đó, người làng có dặn ở phải ngăn nắp, nhà đó người chết hết rồi, chỉ có vết chân là còn trên khoảnh đất. Chỉ một lát sau, với tính tò mò đứa con ra vén tấm tôn hoen gỉ và chui vào trong, anh ta ướm lên vết chân đó. Vết chân vừa vặn với bàn chân mình. Quả là thú vị, anh quay trở vào nhà trong và tiếp tục ngủ. Giấc mơ có một người giống anh như hai giọt nước nhìn anh cười. Đấy là ai? Người đối diện với anh trong giấc mơ?

 Có phải chăng chính đấy là mình từ kiếp trước, hoặc giả ai đó thân quen với mình. Có một chút suy tư ở người con khi nhìn thấy hình ảnh bố trở về. Anh điện thoại về nhà rồi rời chốn này vào buổi chiều. Hành trang vẫn là bộ hài cốt trong chiếc ba lô. Thành phố hiện ra trước mắt anh, mẹ mang xe ô tô đến đón anh ở bến xe rồi chạy tuốt về khu biệt thự ở cạnh con sông, phía trước nhà anh có quảng trường rất rộng. Mẹ anh nói.

- Con đã thu lượm được gì từ chuyến đi? Mẹ anh sờ vào chiếc ba lô của anh, anh không phản ứng gì nhưng mẹ đã không mở chiếc ba lô. Mẹ tôn trọng quyền riêng tư của anh. Không có gì cả! Một chút thần giao cách cảm cũng không.

- Khá thú vị mẹ ạ, lần tới con sẽ đi về một miền quê, nó cũng ở cạnh rừng.

- Địa điểm hôm trước con báo cho mẹ?

- Đúng thế.

- Con không nên về đó, mẹ không thích con về những miền heo hút.

- Rừng còn heo hút hơn.

- Nhưng mẹ không muốn điều đấy.

- Con xin lỗi!

Đứa con sắp xếp công việc của mình. Trong một ngày, anh liên hệ người bạn làm giám định ADN rồi mang bộ hài cốt đến chỗ ấy khi đã vãn người.

- Xem nào, có thể đấy là một bức thư gửi đồng loại. Anh nói với người bạn.

- Cậu muốn làm gì với bộ xương?

- Giám định ADN.

- Để làm gì?

- Xem người này có quan hệ gì với tớ không?

- Kỳ quặc! Cậu không thừa tiền đấy chứ?

- Không đâu, tớ mơ thấy có một người rất giống tớ.

- Và đi giải mã giấc mơ bằng một bộ xương.

- Được rồi.

Kết quả: ADN bộ xương và đứa con trùng khớp nhau. Tất nhiên, họ là bố con mà. Đứa con trai mang bộ hài cốt về nhà, anh sắp ngay ngắn bộ xương và bao bọc bên ngoài một ít bông gòn. Xong rồi đấy, chiếc gối này rất êm, nó lại ấm nữa. Bố sẽ không bị lạnh nữa đâu, đứa con nói. Có chút xót xa nhưng anh xua đi và mỉm cười. Con đã tìm được bố trong sự may mắn ngỡ không bao giờ xảy ra. 

Đó âu là cái duyên của tình cha con. Sáng, anh ngủ dậy vươn vai khoan khoái rồi hôn lên chiếc gối. Anh chạy ra đường tập thể dục, anh chạy gần hết con đường mười cây số. Lúc trở về nắng đã lên cao. Từ trên ban công, mẹ anh đứng nhìn lạ lẫm. Đứa con trai này chưa bao giờ dậy thể dục vào buổi sáng, chỉ có đứa con trai thứ hai và con trai út mới đam mê thể thao và chăm rèn luyện sức khỏe.

- Có gì đó đúng không? Mẹ hỏi con trai, anh cười.

- Con tìm thấy bố rồi.

- Ở đâu, ông ta còn sống ư?

- Mẹ muốn như thế nào?

Người mẹ lặng im, anh nhảy vài bước lên cao rồi ngoái đầu lại.

- Không, ông ta đã chết.

Mẹ bước vào phòng tắm xả nước. Chẳng biết bà ta làm gì ở trong ấy. Lát sau mẹ trở ra với cặp mắt đỏ hoe. Có thể mẹ đã khóc, cũng có thể mắt mẹ bị nước xà phòng vướng vào. Mắt mẹ rất nhạy cảm. Chỉ có thế, chỉ có thế thôi! Đứa con đứng ở ban công nhìn thành phố nhưng thực chất ngắm khoảnh rừng xa mờ. Một vài lần sau anh có quay lại ngôi nhà cũ. Anh hỏi người làng một vài chuyện rồi anh cho lợp lại mái tôn để bảo vệ dấu chân của bố anh. Có khá nhiều người nghi ngờ anh chính là con trai của dấu chân đó, anh chỉ cười rồi quay trở về thành phố.

- Họ chôn ông ấy ở đâu?

- Mẹ hỏi để làm gì? Đâu cứ phải ai chết cũng được chôn cả.

- Con đã nghe được điều gì đó?

- Mẹ đã mang chúng con rời xa bố.

- Mẹ không thể tiếp tục sống cùng ông ta.

- Bố hành hạ mẹ ư?

- Không, ông ta quá nghèo nàn cả về mơ ước. Đàn ông không biết cách làm giàu thì quẳng đi.

Anh lặng im. Bát cơm vẫn được anh ăn kỳ hết.

- Mộ ông ta ở đấy?

- Không, chỉ còn lại một vài dấu chân.

- Cái gì?

- Đấy là dấu chân của bố.

- Sau chừng ấy thời gian?

- Phải, người làng gìn giữ đợi đến ngày chúng ta về.

- Để làm gì?

- Để biết bố đi về phương đó.

- Ở đâu?

- Rừng.

- Ông ta vốn dĩ thích rừng.

- Tên con cũng có nghĩa là rừng.

- Còn chuyện bắt gặp ông ta?

- Đấy chỉ là một giấc mơ, con không nghĩ là mình giống bố thế. Thật đáng tự hào và hạnh phúc!

Anh bỏ bát cơm đang ăn nửa chừng rồi gói ghém đồ đạc và ôm chiếc gối đi. Mẹ anh ngồi lặng im không nói gì. Chuyện ấy đã xảy ra thường lệ. Đứa con này đã không nghe lời mẹ, không thích cuộc sống xa hoa, chỉ thích có mỗi núi rừng và lang thang như hoang thú. Cứ để nó đi. Cuộc đời có bao nhiêu mà bó buộc, cứ để nó đi...

Rồi đứa con chết. Chiếc gối có hài cốt cha được anh ôm trọn vào lòng. Người ta phát hiện xác anh bên một con suối, đấy là một khoảnh đất phù sa có ghi vài ba bước chân khuyết trên đấy, bước chân lê dài. Có thể qua một dặm đường dài anh đã kiệt sức và chết trong khi cạn sinh lực. Khi nghe tin này, mẹ anh đã đứng yên một lúc. Lúc sau, mẹ anh cho người mang con về. Đứa em nói:

- Mẹ, hãy để xác anh trai con ở đây. Anh muốn không chôn liệm anh, cứ để trên phù sa đất bồi.

- Cái quái quỷ gì đấy nữa? Con có ý nghĩ này từ đâu?

- Anh viết thư cho con lúc con đang ở nước ngoài.

- Vậy là con biết trước chuyện này.

- Anh có kể chuyện tìm thấy bố trong rừng, anh có kể chuyện anh lấy xương cốt của bố làm gối để bố đỡ lạnh. Con cứ nghĩ đấy là chuyện trong cổ tích.

- Bức thư ấy đâu?

- Con đốt theo ý nguyện của anh rồi.

Người đàn bà giận dữ.

- Chúng mày giống hệt ông ta.

Người con trai lặng im nhìn mẹ quay lưng đi. Anh đến bên xác anh trai gỡ chiếc gối ra khỏi vòng tay ấy.

- Con chào bố! Con nhớ một vài chuyện giữa chúng ta. Con sẽ ở lại đây đến lúc nào chúng ta có thể hóa thành sương khói.

Đứa con trai thứ nằm xuống lặng lẽ bên anh trai và bố. Trời có gió, có mây, có nắng, có mưa, có ánh sáng và có cả sự tối tăm. Người em trai mỉm cười khi nhớ những lời nói này từ anh trai. Sẽ chẳng cần phải làm gì hết, sẽ chẳng cần phải đi đâu, hãy trở về với rừng. Nơi ấy chúng ta sẽ gặp bố.

*

*      *

Đó là câu chuyện của người làng tôi kể nhằm giải thích những vết chân còn ghi lại trên những bãi phù sa nay đã hóa đá. Câu chuyện rất cổ, nhưng sao trong tâm trí tôi nó lại như vừa xảy ra. Nên trí óc tôi tự động thêm vào những tình tiết của thời hiện đại. Nơi có những vết chân ấy giờ được xây một ngôi miếu nhỏ với cây đơn đỏ mọc xung quanh. Đấy cũng là chuyện mà họ hàng tôi nói về ngôi nhà hương hỏa nơi tôi đang ở. Đây là chốn quê yên bình nằm cạnh núi sông. Tôi đi trên đồng, trên những lớp phù sa mới bồi đắp. Bàn chân tôi khuyết đến không ngờ. Tôi mang điều này hỏi mẹ, mẹ nhìn lên bàn thờ rồi lấy từ trên ấy xuống ba túi vải đưa tôi xem.

- Mẹ thắp hương xin trên rồi, xem để biết.

Tôi mở từng chiếc túi vải một, có tất cả ba bộ hài cốt xương vàng hoe nằm trong mỗi túi.

- Như vậy đấy là sự thật ư? Còn người đàn bà ấy ở đâu? Còn người con trai út?

- Không biết được, chuyện xưa được mất là thường tình.

- Họ là gì của con? Ba bộ xương ấy?

- Họ là tổ tiên của con.

- Còn mẹ, tổ tiên của mẹ ở đâu?

- Không biết được.

Tôi đứng nhìn mấy cọng nhang thả khói lên trời. Trong đêm, tiếng nước chảy từ sông rì rào, tiếng dế đồng rả rích, tiếng gió khiến lá va vào nhau lao xao. Tôi ngồi viết, những trang kế tiếp chia sẻ cùng mọi người câu chuyện. Hai đứa con trai lớn của tôi đã nằm ngủ say bên bà nội chúng. Đứa con trai út nằm tròn vo trong lòng mẹ nó. Tôi thấy ấm lòng trong những ngày đầu đông. Và cảm giác ấy bị xua tan đi bởi những âm thanh rất lạ. Có lẽ đó là tiếng của đất, những chuyển động rì rầm khiến tôi run rẩy. Gió ở đâu thốc tháo lên từng cơn và mưa bắt đầu phủ xuống trắng cả một vùng. Tôi nằm xuống cạnh chiếc giường ngay đó. Người đàn bà gõ cửa nhìn tôi, mắt buồn nhưng dứt khoát ở câu nói.

- Tôi sẽ mang con đi.

Tôi lặng im một lúc.

- Khi nào? Vì sao?

- Ngày mai. Tôi chán ghét cái cảnh nghèo nàn này.

Lúc đó tôi đang trong cơn ngái ngủ. Và tôi mong đó là giấc mơ, dù ý nghĩ này có hơi hèn mọn. Khi tôi trở mình và vén chăn, tôi nhìn thấy mẹ tôi đứng chỏng chơ ngoài cửa. Quan sát kỹ trong nhà đã vắng bóng người. Tôi ngồi xuống bậc cửa rồi vào phòng mang chiếc túi cũ sờn ra. Cũng không nhiều nhặn gì những thứ thuộc về vật chất. Tôi ném cái túi trở lại cùng đôi giày đi hơn một năm rồi lang thang vào những khu rừng. Trên đám đất mới xới gần nhà, dấu chân khuyết của tôi hằn lên trên đó. Mẹ tôi đứng lặng im, ánh nắng ban mai rớt trên từng cọng cỏ. 

Thư gửi đồng loại ảnh 1Trong một câu chuyện ẩn dụ về hành trình của những người đàn ông và những người đàn bà, Hoàng Hải Lâm đã kể lại cả câu chuyện về rừng núi và thành phố, về phiêu lưu và ước vọng, về đời sống bó kín và sự phù hoa… Có một câu chuyện khác nữa ẩn sâu bên dưới tất cả, là câu chuyện về thời gian. Trong đó, thời gian không phải là tuyến tính, thời gian có thể chỉ tồn tại qua những dấu vết. Mà dấu vết trầm trọng nhất nằm trong ký ức con người.

L.A.H

MỚI - NÓNG