Thủ lĩnh ban nhạc Ngọt: Hay cả thèm chóng chán

Vũ Đình Trọng Thắng.
Vũ Đình Trọng Thắng.
TP - Sau khi được người hâm mộ cấp vốn để ra album đầu tay, Ngọt đang chuẩn bị ra mắt album thứ hai kèm liveshow đầu tiên vào 23/9 tại Hà Nội. Chỉ trong 2 ngày, họ bán hết 3.000 vé. Vũ Đình Trọng Thắng ca sĩ kiêm viết nhạc của ban năm ngoái còn xác định âm nhạc là sự nghiệp thứ hai nhưng gần đây lại đang rất tập trung cho nhạc.

Bạn định toàn tâm toàn ý cho âm nhạc… cho đến khi ra trường chăng?

Vũ Đình Trọng Thắng: Tôi sẽ rất tận tụy với âm nhạc, nhưng bao giờ chán quá sẽ chuyển sang việc khác. Đến lúc chán âm nhạc rồi mà vẫn lấy danh nghệ sĩ viết nhạc tiếp thì xem ra không tôn trọng bản thân mình lắm. Cảm giác như thế nó xúc phạm chính âm nhạc mình viết ra. Chán rồi thì (nên) bỏ luôn.

Tôi hay bị cả thèm chóng chán, tôi thử mấy thứ dễ nghiện như chơi điện tử đều không ăn thua. Cũng cố thử làm một số công việc về thiết kế, phiên dịch… mà tôi nghĩ sẽ không làm mình chóng chán, nhưng có lẽ nghề nhạc khó chán hơn cả vì tôi là sếp của chính tôi. Để đỡ chán một cái gì đó, mình phải giải lao rất nhiều.

Album tới của Ngọt chủ yếu tập hợp những bài đã công diễn. Thắng tự đánh giá bài nào được khán giả yêu thích nhất?

Lúc lên sân khấu tôi không được phép để ý khán giả mấy vì phải tập trung vào vừa đánh đàn vừa hát để không bị “chân tay miệng” đã khổ lắm rồi. Nhưng lúc nhìn khán giả tôi thấy họ hát theo hầu hết các bài. Tôi nghĩ mỗi người đều có một bài nhạc Ngọt yêu thích khác nhau. Cho dù bài Em dạo này hầu hết mọi người đều thích.

Tác giả có bất ngờ về tính phổ cập của Em dạo này?

Tôi khá bất ngờ vì mọi người hưởng ứng nó nhiều đến mức đấy. Cộng đồng nhạc pop cũng thích bài đấy (bài hát được một số nghệ sĩ nổi tiếng hát lại - PV). Nó là bài đưa tôi ra khỏi phạm vi của một nghệ sĩ chơi indie. Tôi chưa bao giờ viết nhạc tình yêu hay thất tình kiểu như thế. Khi có những khoảnh khắc yếu lòng mà mình thực sự sến thì mới đúc kết được một bài tình ca. Nên khi viết tôi cũng cố gắng chăm chút và nó trở thành bài nổi nhất trong số bài tôi viết, tôi không ngạc nhiên. Vì nhạc pop hầu hết toàn các bài thất tình kiểu đấy thì nó mới phổ cập.

Thủ lĩnh ban nhạc Ngọt: Hay cả thèm chóng chán ảnh 1 Ngọt trong chuyến lưu diễn Paris tháng 4/2017 theo lời mời của Hội Sinh viên Việt Nam 
tại Pháp. Ảnh: Kim Lân.

Thắng hiện đủ sống với tiền kiếm được từ âm nhạc hay… mẹ vẫn phải cho?

Mẹ không phải cho, nhưng thích cho… thì tôi nhận. Tôi cố gắng tự trả học phí, tự sống qua ngày. Cho đến album 2 này bọn tôi khánh kiệt rồi. Nhưng từ khoảng đầu năm cho đến đây là bọn tôi vẫn sống tốt. Thực ra không tiêu pha quá đà thì tôi cũng khá giàu. Từ âm nhạc, tôi kiếm được đủ để sống. Nhưng tôi không tiết kiệm được, có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Bác cắt tóc bảo thế. Hôm nọ đi cắt tóc bác đọc tướng của tôi, bảo cậu này mà không có vợ thì chả có gì, dù làm việc gì cũng giỏi, cũng thành công.

Album tới của Ngọt nói về điều gì?

Album tên Người bình thường nói về những mối quan hệ của con người: tình bạn, tình yêu, tình thù… Trong đó nêu câu hỏi, sống để làm gì và chết như thế nào. Có những bài viết từ trước album 1 nhưng thuộc về album này. Bài đầu Xin cho tôi kể về một người cảm thấy mình đang sắp chết còn bài cuối cùng Một ngày không mưa lại mang thông điệp kiểu: Đừng chết vội…

Có bài nào hài hước kiểu Không làm gì?

Chắc tôi qua thời viết nhạc cố tỏ ra hài hước rồi. Giờ thích viết hay hát lời làm cho mình sướng miệng, cảm giác mình đang chơi cái lưỡi mình như nhạc cụ. Tôi cũng mất đi sự vui tính rồi. Vì vui tính đi kèm với sự hận đời nhất định. Hồi đấy cuộc sống của tôi không hạnh phúc như bây giờ. Giờ tôi quá hạnh phúc không thể nào viết nhạc trào phúng kiểu như Quan điểm hay Không làm gì được nữa

Ngày đó, tôi nhìn cuộc sống như một trò đùa, một quả bi hài kịch. Giờ tôi thấy sống vui mà, nên tôi viết theo kiểu cuộc sống tươi đẹp. Mọi người có thể thấy nhạc của tôi bây giờ “lởm” đi rồi vì tôi không bất hạnh nữa, nhưng chẳng lẽ đánh đổi hạnh phúc của mình… Vẫn có những cách khác để viết nhạc hay mà. Tôi vẫn nhìn vào những góc tối nhưng không đứng trong đấy nữa.

Viết nhạc vì nhạc

Tôi nghĩ, nói chung nghệ sĩ ở Việt Nam hầu hết là indie- tự tay làm mọi việc. Sự khác biệt ở tinh thần viết nhạc: Viết để phục vụ ai, để làm gì… Tôi nghĩ nếu đã có quá nhiều người viết nhạc để phục vụ thị trường và khán giả thì phải có đối trọng là các nghệ sĩ viết nhạc vì nhạc, vì bản thân họ. Một thứ âm nhạc vị kỷ hoàn toàn. Đấy là vẻ đẹp. Đó không phải đối trọng giữa indie và pop mà là giữa 2 tinh thần khác nhau. Hai tinh thần không tên. 

MỚI - NÓNG