Thư pháp hay trạng vẽ giun?

Thư pháp hay trạng vẽ giun?
Đó là những điều dễ thấy ở những ông đồ "diễn tuồng" thư pháp trẻ. Trong truyện cổ tích Việt Nam có kể chuyện ông trạng thi vẽ giun. Chỉ cần mười ngón tay bệt vào mực xòe xuống giấy, ông đã có ngay một đàn giun! Viết thư pháp mà không hiểu ý nghĩa của nó cũng gần như thế!

'Loạn thư pháp Việt':

Thư pháp hay trạng vẽ giun?

 
Thư pháp hay trạng vẽ giun? ảnh 1

Loạn thư pháp Việt (Minh họa)

 “Tôi viết thư pháp khởi đầu cũng chỉ vì mê thơ Bùi Giáng thôi. Những câu “Em về mấy thế kỷ sau/Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?/Ta đi để lại đôi dòng/ Lá rơi có dội vào trong sương mù” hay “Ta cười ta khóc bâng quơ/Người nghe cười khóc có ngờ chi không?” tôi nghĩ nếu viết chữ thảo, bay bướm, buông thả theo cảm xúc nghệ sĩ thì sẽ rất gợi. Và tôi thử viết, được nhiều người thích. Ý tưởng xuống phố viết chữ tặng cho người yêu thơ cũng thỏa nguyện. Chỉ lấy sơ sơ tiền giấy mực…”.

Sự kiện “Bùi Hiến xuống phố” như đánh trúng tâm lý của một lớp người “giả cổ” hay nói cách khác là “đạo mạo thầy đồ”. Cho rằng “cuộc đời đục, mình ta trong” hay kỳ quái, tự phụ kiểu “thiên hạ năm bồ chữ ta đã thuộc hết bốn bồ” sẵn sàng xuống tay “cho chữ”, “bán chữ”. Loại thứ hai là những kẻ đánh hơi rất nhanh nghề “vẽ giun” đang là “mốt”, có thể kiếm ăn được. “Đồ nghề thực ra chỉ mấy cây cọ và mực tàu mua hết trọn bộ 40 ngàn. Giấy thì chọn giấy có hoa văn của Thanh Mai hay Bãi Bằng.

Tính ra chỉ khoảng 500 đồng/tờ. Viết chữ lên bán giá thường từ 40 đến 50 ngàn. Giá cao 200/300 ngàn. Có khi lên đến 500 ngàn/bức. Tùy độ dài hay ngắn của câu mà khách hàng đặt viết...”. Phương, một thầy đồ trẻ, chưa tốt nghiệp trường cao đẳng, chỉ mới tham gia một lớp học ngắn hạn của một nhà văn hóa, tiết lộ “Nếu nhà thư pháp càng có tên tuổi thì giá đẩy lên càng cao hơn”. Như vậy tính sơ một bài toán, viết chữ lãi ròng hay lãi cao. Vốn liếng bỏ ra ít, lại đạo mạo khăn đóng áo dài, ngồi chễm chệ trên chiếu trông oai phong lẫm liệt và thiên hạ sợ khiếp vía.

Chữ tàn trong ngõ hẹp

Thư pháp hay trạng vẽ giun? ảnh 2

Một bạn trẻ phân vân trước biển quảng cáo khó hiểu của thư pháp - Ảnh: Đỗ Vương

Liên tục mấy mùa sau sự kiện Bùi Hiến, người ta bắt đầu thấy nhan nhản khái niệm “quầy thư pháp”, “phố thư pháp”. Mỗi độ xuân về bao nhiêu “chiếu ông đồ” xuống phố như nhà văn hóa Thanh Niên, đường Nguyễn Thông, Trương Định góc cắt Điện Biên Phủ... Nghề này bước đầu có ăn đến nỗi, một nhà thư pháp được trong giới đánh giá là “cao thủ võ lâm” bật mí: “Tôi chỉ chịu khó xuống đường làm một mùa tết là đủ ba mùa còn lại đi chơi”.

Có kẻ nhạy hơn, như Trần Hoàng T. vốn học kiến trúc, sẵn sàng bỏ ngang nhảy ra đầu tư thư pháp. Cũng võ vẽ dăm miếng nét dọc, nét sổ, nét ngang, mực phết đậm nhạt, T. mở luôn lớp dạy nghề. T. kể giai đoạn đầu nghề hút đến nỗi học viên ra vô nườm nượp, không có chỗ ngồi. Tính xa hơn nữa, T. đã vươn vào các siêu thị trương biển hiệu để vẽ thư pháp trên vải, lụa hay cho khách hàng nước ngoài…

Tuy nhiên, theo chúng tôi, về lâu dài loạn thư pháp là tất yếu do tự phát và không có căn bản. Chính những người yêu chữ Việt cũng đã nản lòng, quay lưng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thư pháp chỉ thích hợp với loại chữ tượng hình như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đối với mẫu tự chữ cái, La tinh thì hoàn toàn phản tác dụng.

Người yêu chữ hôm nay, trước hết, vì lẽ yêu tinh thần truyền thống Việt. Văng vẳng trong bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên xưa: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”. Người ta muốn tái hiện lại “mực tàu giấy đỏ” trong cái không khí cổ phong tôn sư trọng đạo. Với cách viết lằng nhằng, mạnh ai nấy… chữ, không có hệ thống đã dẫn tới hệ quả phong trào từ chỗ háo hức “phục suy” thành ra thất vọng, khó chịu vì “loạn ẩu”.

Nhiều bạn bè của Lê K. ngạc nhiên khi thấy một ngày K. xuất hiện trên một đài truyền hình tỉnh với bộ vó người viết bộ thư pháp truyện Kiều dài nhất từ trước đến nay. Trên ti-vi, K. thao thao bất tuyệt về việc “làm việc ròng rã ngày đêm để vẽ viết rồng bay phượng múa hoàn thành tập thơ dài hàng ngàn câu...”.

Và tập thơ thi pháp đó nếu kéo dài phải hàng cây số! Làm sao có thể viết thư pháp với hàng ngàn câu thơ? Mà viết như thế để làm gì? Làm sao thưởng thức? Thơ ca hay chữ nghĩa nếu có, người ta cần hưởng cái tinh túy, hồn vía. Độ thăng hoa, tuyệt bút nếu có cũng chỉ thể hiện trong cách viết phong độ một bài thơ ngắn. Đẩy thơ ra…bã chữ lòe loẹt lấy độ dài “dọa” thiên hạ liệu có phải tinh thần “thượng tôn” thư pháp?

Tôn trọng, đặt cái hay, cái đẹp của chữ nghĩa lên hàng đầu? Liệu đó là chép thơ, “vẽ rắn thêm chân” hay chơi ngông lấy tiếng? Từ những việc làm vô nghĩa, mang tính “mượn cáo dương oai” như thế đã đẩy thư pháp vốn từ chỗ tự phát, không có hệ thống vào chốn bế tắc, không phát triển được, bát nháo, thị phi, chợ trời… Đó cũng là ngày “chữ tàn trong ngõ hẹp” mà những nhà thư pháp nhân danh múa chữ để dẫn đến cái chết của nó...

Theo Cảnh Hưng
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.