Thu Phương có lý do để khóc

TP - Mùa thu của Phương tối 11/11 có thể nói là liveshow giàu cảm xúc và thú vị nhất của Thu Phương kể từ khi trở về biểu diễn trong nước. Góp phần quan trọng làm nên hiệu quả này là địa điểm biểu diễn: Nhà hát Tuổi trẻ - nơi cô sống, học tập từ khi 14 tuổi.

Thu Phương nổi tiếng mau nước mắt, như Quang Linh nói nếu show diễn dài hai tiếng thì Phương sẽ chỉ hát một tiếng, thời gian còn lại để khóc. Như thường lệ, trong Mùa thu của Phương lần này (dự định của Phương và ê-kip là hằng năm tổ chức đêm diễn cùng tên vào mùa thu), mắt Phương không ít lần long lanh khi có người khóc cùng, đó là bố, là em gái, là người chị cùng phòng khi cô chuyển đến sống tại nhà hát, cùng nhiều đồng nghiệp khác. Hai lần Thu Phương quỳ xuống và cúi đầu chạm sàn diễn như một cách bày tỏ sự biết ơn đến tận cùng.

Có đôi màn khóc lóc hoàn toàn thật nhưng vẫn khiến người xem bật cười (vì cảm động). Chẳng hạn nhạc sĩ Tường Văn khi được gọi thì bước lên sân khấu mặt mũi nhăn nhó khổ sở. Thu Phương hỏi vì sao khóc, Văn: “Vì em thương chị”. Anh cho biết thêm trong đời chỉ hai lần khóc, cưới vợ và lần này. Thu Phương cũng rớm nước mắt nhưng chỉ nói: “Thương chị thì đệm đàn cho chị đi”. 

Thu Phương có lý do để khóc ảnh 1

Ca sĩ Thu Phương.

Thu Phương khá hoạt ngôn trước đám đông nhưng không phải lúc nào cũng khéo léo. Trước khi hát cùng Hoài Phương (cựu thành viên nhóm Đồng hồ Báo thức), Thu Phương hồi tưởng: “Hồi đó em cứ nghĩ sao trên đời lại có người giọng chua thế…”. Làm Hoài Phương có tí bào chữa: “Giọng chị bây giờ ấm lắm, có khi còn trầm hơn em...”. Đến lượt Đinh Lan Hương chưa lên sân khấu khán giả đã biết 18 tuổi Hương đã có người yêu và hay ngủ đêm ở ngoài khiến Thu Phương (khi đó 14 tuổi) không có chìa khóa vào phòng nên phải ngủ ngoài đường. Tất nhiên chỉ là cách nói vui vì Thu Phương không thể nằm ngoài đường mà ngủ được. Nhưng, Hương phải mất công phân bua: “18 tuổi chị đã đi diễn rồi, chị đứng trên sân khấu trước em…”.

Những tiết mục của Thu Phương với các chị em cùng nhà hát thực sự ấm áp. Những đàn anh như Chí Trung, Hồng Kỳ dành cho cô những lời đầy tình cảm và cả ngưỡng mộ. Đêm nhạc kết thúc lúc gần 12h đêm, nhiều gương mặt gạo cội của nhà hát vẫn ở lại vây quanh Thu Phương, cùng khán giả hát Đêm nằm mơ phố. Thu Phương thành công ở đâu không biết nhưng ở Nhà hát Tuổi trẻ cô đã gặt hái tuyệt đối về mặt tình cảm.

Khá đông diễn viên trẻ của nhà hát đứng dọc theo lối đi để cổ vũ cho Phương. Trong nhiều trường hợp họ chính là những người mồi cho khán giả vỗ tay. Nhưng vài nhân vật cũng khiến không ít khán giả phiền lòng khi hú hét vô tội vạ, thậm chí vẫn nói chuyện khi âm nhạc vang lên. Được biết ban đầu Mùa thu của Phương có lịch diễn tại Nhà hát Lớn, nhưng trục trặc vào phút chót.

Thu Phương hát vẫn thế thôi, đầy bản năng, nhưng lần này chị như được tiếp thêm sức mạnh để hát gần 40 bài trong một liveshow 3 tiếng rưỡi vẫn nguyên phong độ. Nhiều bài không thuộc sở trường nhưng chị vẫn vượt qua khá tốt. Thu Phương là mình nhất trong phần trình diễn những sáng tác của Việt Anh cùng tác giả. Giọng Phương sinh ra để hát những bài giàu chất tự sự như thế. Kể cả chị có làm một đêm nhạc toàn bài kiểu như vậy cũng vẫn ăn. Nhưng như phần đông các ca sĩ theo trường phái diva của Việt Nam, Phương cũng muốn thử sức trong nhiều dòng nhạc, từ tiền chiến đến quê hương. Chị làm khán giả ngạc nhiên khi lần này hát cả xẩm, sau nửa năm học nghệ sĩ Quang Long từ xa.

Đêm nhạc có thể nói thành công tốt đẹp, âm thanh ánh sáng chuẩn, múa may vừa phải, tuy nhiên quá dài. Giá có thể làm gọn hơn các màn giao lưu, chiếu tư liệu… Nhưng các màn này cũng có ý đồ cả. Như việc bố Thu Phương lên sân khấu kể chuyện phải đưa Phương lên Hà Nội khám tim khi 18 tháng tuổi, suýt phải thông tim “may mắn sau này cháu trở thành cô gái mạnh khỏe, phục vụ đồng bào trong nước cũng như ngoài nước…”. Thu Phương nhanh nhảu tiếp lời: “Con không hề khỏe...”. Vâng, tim yếu mà hát hàng tiếng vẫn sang sảng.

Trò chuyện với Hoài Phương, Thu Phương cũng kể: “Ngày xưa em ước đánh guitar được như chị nhưng không học được vì em bị bệnh tim”. Chả là dịp này Thu Phương đang bán đĩa và quyên tiền giúp các em nhỏ bị tim bẩm sinh. Hoài Phương đáp: “Còn chị thì ước gì giọng bớt chua đi để được như em”. “Thấy cỏ nhà người khác bao giờ cũng xanh hơn nhà mình”. Liền sau đó cả hai bắt vào câu hát: “Quê hương ơi ta mến yêu người, yêu từng nhành hoa, từng bông lúa vàng tươi…”. Thế đấy, cỏ ở đâu có thể xanh hơn nhưng cỏ quê mình vẫn “êm” nhất.

Nghệ sĩ tốt nhất là phát ngôn bằng nghệ thuật. Thu Phương vô tình hay hữu ý đã thể hiện tình cảm đáng trân trọng khi tham gia hát Việt Nam quê hương tôi trong tà áo dài màu quốc kỳ. Trong chương trình Mùa thu của Phương, việc chị hát Chiều trên bến cảng với những lời ca: “Ôi đất nước ta yêu/ Mảnh đất những con người dũng cảm/ Đã chiến đấu cho ngày nay/ Đã hy sinh cho ngày mai/ Vì nhân dân và lẽ sống…”, cũng là một cách mở lời để bắt đầu một hành trình mới trên đất mẹ. 

MỚI - NÓNG