Thu Thủy - cộng tác viên 'bí ẩn'

Thu Thủy - cộng tác viên 'bí ẩn'
TP - Đầu những năm 90 thế kỷ trước, có dịp được cộng tác với Tiền Phong, lúc trà dư tửu hậu, tôi rón rén dò hỏi các “sư huynh” Mạnh Việt, Xuân Ba: Thu Thủy là cô nào? Các anh đều cười cười: Mỹ nhân đấy, xinh lắm!

> Tiền Phong - 60 năm trong đội ngũ tiên phong
> Phóng viên 'Tiền Phong' và những điểm nóng miền Nam

Vụ án Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai được cộng tác viên Thu Thủy cập nhật và thông tin chi tiết đến bạn đọc. Ảnh: Xinhua
Vụ án Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai được cộng tác viên Thu Thủy cập nhật và thông tin chi tiết đến bạn đọc. Ảnh: Xinhua.

Khi tôi chập chững vào nghề, tờ Tiền Phong và đặc biệt là Tiền Phong Chủ nhật là ấn phẩm tôi dùng để học nghiệp. Lúc đó, mỗi khi báo sắp ra là háo hức lắm. Đọc từ đầu đến cuối, đọc vắt trang này sang trang khác. Trong tờ báo đầy hấp lực, luôn có những bài rất nóng, rất hay nói về hậu trường chính trị Trung Quốc, đời tư những chính khách kiểu Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lâm Bưu… Rồi những chuyện diễn viên các phim ăn khách- mà nay gọi là “sao”. Bên dưới, ký một cái tên tha thướt: Thu Thủy.

Mãi sau gặp anh, mới biết, Thu Thủy là bút danh (ngoài ra còn có tên Lan Hương). Tên thật của anh rất ít người biết, vì lý do công việc, không bao giờ tiết lộ. Gặp anh để viết bài cho số báo kỷ niệm 60 năm ngày Tiền Phong ra số đầu (anh là người mà Ban biên tập nhấn mạnh, nhất định phải có chân dung), anh ngần ngừ khá lâu. Cuối cùng, anh bảo: Kỷ niệm với báo Tiền Phong thì có rất nhiều, tớ sẽ kể nhé. Còn về bản thân tớ, thì chỉ nên nói: Là một cán bộ đang công tác tại Bộ Quốc phòng thôi!

Trong câu chuyện khá dài giữa chúng tôi, cuối cùng anh cũng tiết lộ thêm vài điều. Anh thuộc lứa sinh viên Đại học Sư phạm Ngoại ngữ tiếng Trung, ra trường là lên ngay biên giới phía Bắc. Lúc này, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, cuộc chiến tranh biên giới đi vào giai đoạn dằng dai, âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt. Thu Thủy vật lộn cùng chiến sỹ, làm công tác khai thác tù binh, địch vận… Đó là cuộc chiến mà anh không thể nào quên với những căn hầm mà chiến sỹ phải chốt bên trong cả ngày lẫn đêm ròng rã nhiều tháng. Là những điểm cao heo hút mà quân cả hai phía ở gần đến mức nghe được tiếng nhau, lâu dần trở thành “quen mặt biết tên”.

“Thu Thủy” bên cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia ở cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh
“Thu Thủy” bên cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia ở cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh.

Trở về từ biên giới, trong lễ trao giải thưởng hàng năm của tạp chí Văn nghệ Quân đội vào tháng 11 năm 1989, Thu Thủy đến nhận giải hạng mục dịch giả văn học nước ngoài (chỉ với một giải thưởng duy nhất). “Cũng là duyên - anh bồi hồi kể - cuộc đó tớ tình cờ ngồi ngay cạnh nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Đấy chính là cuộc gặp khiến tớ bước vào công việc làm báo. Cũng là cái duyên để trong đời có một người bạn, người anh là Nguyễn Hoàng Sơn”.

Không chỉ có Thu Thủy, thời đó còn có một Trương Nhuận viết mục “Đời sống văn nghệ”, một Thái Bá Tân dịch tin bài tiếng Anh, một Trần Hòa Bình phụ trách gỡ rối tơ lòng, các anh Duy Nam, Lê Thế Mẫu dịch tiếng Nga, Anh Tuấn (Nguyệt Anh) dịch tiếng Pháp… Nhờ vậy, mỗi số báo Tiền Phong và đặc biệt là Tiền Phong Chủ nhật luôn gây ra cảnh các đại lý xếp hàng từ tờ mờ sáng ở ngay nhà in để lấy báo.

Anh Thu Thủy được mời đến văn phòng báo Tiền Phong Chủ nhật, được mời cộng tác dịch thuật các truyện ngắn Trung Quốc, đặc biệt là các truyện mini; các tư liệu “thâm cung bí sử”, viết bài về tình hình xã hội, đời sống văn nghệ của Trung Quốc… Thời đó, sau cuộc Cách mạng văn hóa “mười năm động loạn”, Trung Quốc đang có một làn sóng đổi mới. Đấy cũng là một thời nở rộ của “văn học vết thương”, nở rộ những nghiên cứu, xem xét lại quá khứ. Thu Thủy say mê dịch, những tư liệu dài kỳ hấp dẫn nối tiếp từng số báo khiến độc giả phải háo hức đón chờ: Chuyện gia đình, những người vợ, những người con của Mao Trạch Đông; Giang Thanh - từ cô gái nông thôn trở thành “bà hoàng” siêu quyền lực; Cuộc đời và cái chết của Lưu Thiếu Kỳ; Lâm Bưu - con đường từ chiến hữu của lãnh tụ đến kẻ phản loạn; các âm mưu ám sát Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai…

Sau đó, hai nước bình thường hóa quan hệ, một số phim truyền hình dài tập cũng như phim điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc bắt đầu được chiếu trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Đó là những “Tây Du ký”, “Hồng Lâu Mộng”, “Hoàn Châu cách cách”, “Cao lương đỏ”, “Người Bắc Kinh ở New York”, “Khát vọng”… Rất nhạy bén, Thu Thủy khai thác ngay mảng tư liệu về hậu trường làm phim, về đời sống diễn viên. Bạn đọc của Tiền Phong Chủ nhật lại sôi lên đón chờ từng số báo ra để được đọc bài trong chuyên mục “Giúp vui bạn xem truyền hình”. Thời đó, Tiền Phong còn đi trước trong làng nghề với việc in quảng cáo một số cái tít cho số báo sắp ra mấy ngày sau (lúc đó, báo ra cách ngày, còn Tiền Phong Chủ nhật một tuần mới có một số). Thậm chí, báo còn quảng cáo hộ cho phim dài tập, úp mở rằng tập sau nội dung đại thể là như thế, như thế…

Có được những thông tin như vậy, theo anh Thu Thủy, là ở sự nhạy bén của Ban biên tập Tiền Phong. Có thể nói, Tiền Phong là tờ báo đầu tiên trả tiền đều đặn cho cộng tác viên mua tư liệu từ những năm 1990. Thu Thủy cho biết, lúc đó hầu như không có sách báo “nóng” của Trung Quốc hay Hong Kong theo đường chính thống. Anh phải gửi những người đi công tác qua bên đó mua hộ. Anh bắt được “mối” với người công tác ở sân bay, cứ cuối ngày, những tờ báo, nhiều khi không còn nguyên số, nguyên trang bằng tiếng Hoa lại được chuyển tới tay anh. Chúng sẽ trở thành rác sau các chuyến bay của Cathay Pacific, China Airline nếu không có Thu Thủy đặt hàng, và chúng trở thành vàng khi thành tin, bài xuất hiện trên Tiền Phong.

Nhớ lại thời làm báo Tiền Phong Chủ nhật cách đây 20 năm, Thu Thủy kể: Thời đó, cứ hết giờ làm việc ở cơ quan là anh đến chỗ anh Hoàng Sơn, trao đổi về những thông tin mới. Những hôm trước khi đưa báo đi nhà in, anh em đều làm rất muộn, có thông tin mới là làm, rồi bóc bài, cắt bài ngay. Lúc đó, làm báo không thấy mệt nhọc mà chỉ thấy tưng bừng, hào hứng. Không chỉ có Thu Thủy, thời đó còn có một Trương Nhuận viết mục “Đời sống văn nghệ”, một Thái Bá Tân dịch tin bài tiếng Anh, một Trần Hòa Bình phụ trách gỡ rối tơ lòng, các anh Duy Nam, Lê Thế Mẫu dịch tiếng Nga, Anh Tuấn (Nguyệt Anh) dịch tiếng Pháp… Nhờ vậy, mỗi số báo Tiền Phong và đặc biệt là Tiền Phong Chủ nhật luôn gây ra cảnh các đại lý xếp hàng từ tờ mờ sáng ở ngay nhà in để lấy báo.

Từ đó đến nay, Thu Thủy cũng như nhiều cộng tác viên cựu trào, đã coi Tiền Phong là ngôi nhà thứ hai của mình. Thực tế, các anh không khác gì cán bộ công nhân viên của báo, không chỉ ra vào tòa soạn với công việc chung, mà còn luôn có mặt trong các kỳ thi hoa hậu, các trận bóng đá siêu cúp do Tiền Phong tổ chức, và cả các kỳ nghỉ du lịch, picnic.

Giờ đây, Thu Thủy vẫn còn rất nhanh nhẹn, tráng kiện so với tuổi ngoài 50. Anh vẫn đi công tác khắp nơi nhưng không bao giờ quên gửi bài cho Tiền Phong Chủ nhật. Nhờ anh, bạn đọc tiếp tục được biết đến những câu chuyện về quan tham, dâm quan Trung Quốc, chuyện ít biết quanh những vụ án kiểu Bạc Hy Lai. Anh cũng là người đau đáu và luôn có các tin, bài “nóng” về các diễn biến ở biển Đông…

Có lẽ từ ảnh hưởng của người cha, hai con gái anh đều theo nghiệp báo chí và đều giỏi ngoại ngữ. Con gái lớn của anh nay phụ trách một ban của một tờ báo dành cho tuổi học trò. Cô thứ hai đang làm biên tập viên truyền hình. Anh nói, với các con, mình luôn căn dặn: làm báo đầu tiên phải trung thực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG