“Thưa Mẹ, Trái tim” chuyện bây giờ mới kể

“Thưa Mẹ, Trái tim” chuyện bây giờ mới kể
TP - Mới 25 tuổi, Trần Quang Long đã có bài thơ “Thưa Mẹ, Trái tim” nổi tiếng, nổ vang như súng trận.
“Thưa Mẹ, Trái tim” chuyện bây giờ mới kể ảnh 1
Nhà thơ Trần Quang Long năm 1968

Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc...
… Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện trọn đời
Dùng chính quả tim làm trái phá
Sống chết một lần thôi!

Ông bà Trần Quang Minh quê ở Bát Tràng, Hà Nội vào định cư làm ăn và sinh Trần Quang Long ở Huế ngày 6/2/1941.

Trần Quang Long làm thơ từ năm học lớp đệ nhất (lớp 12) Trường Quốc học Huế. Khi yêu Quỳnh Như, anh dạy học ở Cần Thơ, chị ở Sài Gòn, tuần nào cũng thăm nhau, thế mà hình như tuần nào Long cũng viết thư cho Ngọc (tên ở nhà của Quỳnh Như).

Đến nay gia đình còn lưu giữ hơn 50 bức thư của Long, có bức dài đến năm sáu trang giấy A4, với nét chữ bay bướm…

5 năm (1963 - 1968) mới thật sự là giai đoạn dấn thân quyết liệt của Long. 5 năm  ngắn ngủi, nhưng là thời gian rực sáng trên vòm trời tuổi trẻ miền Nam “xuống đường” của “ngôi sao” Trần Quang Long! Anh làm thơ, đấu tranh, diễn thuyết, ra sách báo, bị bắt tù, thả ra lại đấu tranh!

Đêm Phật đản 1963, Long theo Tin Lành, nhưng cũng dắt bạn gái xuống bờ sông Hương xem thả đèn mừng Phật. Đến cầu Trường Tiền, chứng kiến cảnh lính Ngô Đình Diệm đàn áp dã man tín đồ Phật giáo, thế là Long cùng lực lượng sinh viên Phật Tử chống Diệm từ đó!

Anh là Trưởng ban Báo chí của Tổng Hội sinh viên Huế, chủ trương ra tạp chí “Đất mới”, sáng lập ra “Nhóm thanh niên chống xa hoa phóng đãng” và “Quán bạn”. Đây là các tổ chức đấu tranh của sinh viên. Tháng 8/1963, Trần Quang Long bị địch bắt.

Bọn chúng cho một mục sư đến nhà giam bảo anh ký vào tờ cam đoan để được bảo lãnh về với gia đình. Nhìn tờ cam đoan có câu “… chúng tôi trẻ người non dạ, bị Việt Cộng lợi dụng…”, Long từ chối ký tên! Đến cuối năm Diệm bị giết anh mới được tha. Ra tù, anh tiếp tục ra các tờ báo và biên tập các tập thơ “Sinh viên Huế”, “Đất mới”, “Dân” (1964).

Anh Nguyễn Hữu Ngô kể, có đợt ra Quảng Trị, Long đã đến đầu cầu Hiền Lương, đăm đắm nhìn lá cờ Tổ quốc to lớn bay trên đỉnh cột cờ bờ Bắc. Anh vội bảo anh Ngô và Hoàng Phủ Ngọc Tường chụp cho tấm ảnh mình đang đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng ở bên kia giới tuyến!

…Cuối năm 1965, tốt nghiệp đại học, Trần Quang Long vào dạy học tại Trường Trung học Cường Để, Quy Nhơn. Tại đây, anh vừa dạy học vừa thảo truyền đơn, viết biểu ngữ chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình.

Tổ chức cho cả ngàn sinh viên học sinh đi biểu tình và thành lập “Lực lượng bảo vệ Dân tộc Bình Định” do anh làm chủ tịch. Cuộc đấu tranh của tuổi trẻ Quy Nhơn bị đàn áp dã man…. Trần Quang Long bị chúng dùng báng súng đánh gãy chân.

Đêm đó, 119 thầy giáo và học sinh Quy Nhơn bị bắt. Trước khi vào tù, một học sinh trường Bồ Đề đã cởi chiếc áo trắng đầy máu me đang mặc trên người đưa cho thầy Long đề bài thơ bốn câu ca ngợi tinh thần đấu tranh của học sinh.

Chiếc áo có bài thơ đẫm máu chuyền tay nhau, tất cả đều ký tên xung quanh. Trần Quang Long bị đầy đi lên nhốt tại Quân y viện Pleiku. Đây là lần thứ tư Long bị địch bắt.

Khi Long lành chân, gia đình lại một lần nữa bỏ tiền “chạy” cho Long ra tù và được đi dạy ở Cần Thơ. Đó mùa đông năm 1966. Có lẽ bọn địch muốn đưa Long vào Cần Thơ để cách ly anh với phong trào tranh đấu của tuổi trẻ Huế, Quy Nhơn.

Nhưng vào Cần Thơ, lập tức Long nối đường dây với “phong trào”. Anh trở thành Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Anh tuyển chọn thơ sinh viên “Tiếng hát những người đi tới” để cổ vũ đấu tranh.

Đây là thời kỳ sáng tác của Trần Quang Long nở rộ nhất. Anh viết với nhiều bút hiệu khác nhau như Trần Quang Long, Cao Trần Vũ, Chánh Sử, Thảo Nguyên, Trần Hoàng Phong. Hình như linh cảm thấy thời gian của mình đang ngắn dần phía trước, nên anh muốn trút tâm hồn, trí lực của mình  trên từng trang viết.

Anh viết ngày viết đêm, trong hơn  một năm mà hàng trăm bài thơ ra đời, trong đó có những bài nổi tiếng như “Thưa Mẹ, Trái tim”. “Lớn lên không ngừng”, “Nụ cười chiến thắng”.v.v…

Chính hình ảnh “Nụ cười chiến thắng” của chị Võ Thị Thắng trước tòa án địch đã trở thành hình tượng nổi tiếng của tuổi trẻ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vang vọng cho đến ngày nay.

Có rất nhiều con đường đi vào lịch sử
Như muôn ngàn dòng máu chảy về tim
Rất tự nhiên người con gái đó
Đã đem nụ cười vào lịch sử ngàn năm…

… Các tập thơ “Vực thẳm và hy vọng”; kịch thơ “Tiếng gọi Lam Sơn” ba hồi với hơn 1.000 câu thơ, rồi tập truyện ngắn “Bông cúc vàng” liên tục được Nhà xuất bản ấn hành năm 1967 đã được bạn đọc tuổi trẻ Sài Gòn đón nhận.

Thời kỳ này, Trần Quang Long kết hôn với Tôn Nữ Quỳnh Như, con của Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trần Quang Long dạy học ở Cần Thơ, Quỳnh Như thì ở Sài Gòn.

Xa vợ, lá thư nào của Long cũng thấm đẫm yêu thương và trách nhiệm. Giữa những năm 1967, Quỳnh Như có thai. Trần Quang Long mừng lắm. Viết thư cho vợ, anh dặn nếu sinh con trai thì đặt tên là Xuân Thắng, con gái tên Ngọc Chân…

Mùa Xuân 1968, cuộc tổng tiến công Mậu Thân, Mặt trận Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam ra đời. Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, bố vợ của Long, là Tổng thư ký.

Còn Trần Quang Long là Ủy viên Mặt trận Liên minh Dân tộc Dân chủ Sài Gòn. Anh xông xáo cùng nhiều bạn bè tổ chức lực lượng đấu tranh. Địch phản công, chúng bắt Quỳnh Như đang mang thai vào tù!

Thoát về Cần Thơ, rồi vào chiến khu, Trần Quang Long viết lá thư cuối cùng cho vợ vào ngày 26/2/1968: “Em Ngọc...… Anh ra đi giữa lúc này, giữa lúc em đang sắp tới ngày sinh nở, lại ở trong tù, anh thật chua xót vô cùng.… Tình trạng khổ cực của chúng mình là tình trạng chung, nếu đem so sánh với sự hy sinh anh dũng của bao nhiêu người khác, thật chưa đáng vào đâu.… Anh tin tưởng “Xuân Thắng” sẽ về một ngày rất gần…”.

Ở chiến khu, anh làm thơ nhớ vợ đang ở tù: Có đêm nào không nhớ/Có ngày nào không thương… /Ngày hai lần cơm hẩm/Chắc em chừ xanh xao

Trần Quang Long làm rất nhiều thơ gửi ra miền Bắc. Năm 1974, Nhà xuất bản Giải phóng mới in tập thơ “Thưa Mẹ, Trái tim” của anh do bố vợ đề tựa!

Tài năng đang độ sung mãn, thì Trần Quang Long hy sinh tại rừng Tây Ninh ngày 11/10/1968 do một trận bom B52 của giặc Mỹ rơi trúng miệng hầm! Như thế là Trần Quang Long ra đi khi chưa biết vợ mình đã sinh con trai ngay trong tù, đặt tên là Trần Xuân Thắng, đúng như ước vọng của anh.

Gia đình phải “chạy” tiền, mẹ con mới được tha. Quỳnh Như một năm sau mới hay tin chồng hy sinh. Chị đã khóc, đề sau một tập thơ của anh: “Một năm sau em mới biết mình đã mất. Em không hiểu một năm vừa qua em sống bằng nguồn năng lượng nào?!”.

Anh cũng chưa hề biết chị Quỳnh Như ở vậy nuôi con cho đến năm 1978, tức 10 năm sau, chị mất vì bệnh gan. Con trai Trần Xuân Thắng của anh năm nay 36 tuổi, có vợ và hai con gái, đang ở trong ngôi nhà mà anh đã mua năm xưa ở Sài Gòn…

Nhà thơ Ngô Minh

MỚI - NÓNG