Thừa và thiếu

Thừa và thiếu
TP - Có ý kiến cho rằng tên của nghị định chưa đủ trong khi nội dung đề cập cả hoạt động thi người đẹp, trình diễn thời trang và phát hành sản phẩm nghe nhìn. Dự thảo Nghị định về hoạt động Biểu diễn Nghệ thuật vừa được mang ra phân tích, góp ý trong một hội nghị quy mô toàn quốc.

Dự thảo Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật:

Thừa và thiếu

Người đẹp và đạo đức

Trong dự thảo, hoạt động thi người đẹp được định nghĩa “nhằm tuyển chọn người phụ nữ có đạo đức tốt, có hiểu biết về văn hóa, xã hội, có hình thể cân đối và có khuôn mặt đẹp tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam”. Một số ý kiến cho rằng đã thi người đẹp thì tiêu chuẩn đẹp phải đưa lên hàng đầu, rằng đạo đức, hiểu biết đều là những tiêu chuẩn khó định lượng.

Một vị quản lý của ngành văn hóa tỏ ra ngạc nhiên khi dự thảo nghị định cấm tổ chức người đẹp tại di tích lịch sử văn hóa. “Hai hoạt động này không mâu thuẫn nhau. Thậm chí hoạt động tôn vinh cái đẹp còn có tác dụng quảng bá cho các di tích. Đã từng có cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng gây ấn tượng tốt”. Tuy nhiên những cuộc như Hoa hậu Đền Hùng khó có cơ hội tái diễn vì nghị định đang xem xét cấm thi người đẹp tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Dự thảo quy định thi sắc đẹp quy mô toàn quốc được gọi là Hoa hậu, mỗi năm tổ chức không quá 2 lần. Ông Thanh Long, giám đốc một công ty người mẫu, từng đưa người đẹp Việt Nam tới các cuộc thi quốc tế cho rằng một năm chỉ có 2 cuộc là chưa thỏa mãn nhu cầu xã hội. Vì như thế tính ra chỉ có 6 người đẹp đoạt giải đủ khả năng đi thi quốc tế, mà trong số đó không phải ai cũng muốn thi quốc tế dẫn đến nhiều khi thiếu người để đưa đi thi.

Dự thảo quy định đối với các cuộc thi người đẹp vùng, miền, ngành, đoàn thể trung ương- mỗi năm chỉ được tổ chức không qua 3 lần. Như thế mỗi vùng, mỗi ngành chỉ được tổ chức tối đa 3 lần/năm, hay khi vùng này, ngành này tổ chức đủ chỉ tiêu rồi thì những đơn vị khác nhịn?

Kẽ hở cho vi phạm tác quyền?

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam, dự thảo nghị định đã gợi ý, tạo điều kiện cho hành vi phạm luật về bản quyền, khi trong thủ tục cấp giấy phép công diễn không yêu cầu chứng nhận “đã thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả”. Nhạc sĩ khẳng định: “Chương trình phát sóng (phát thanh, truyền hình) không cần xin phép trước nhưng phải trả tiền, còn lại tất cả lĩnh vực khác đều phải xin phép trước khi công diễn”. Ông Phương cũng cho hay Trung tâm của ông hầu như không thu được tiền tác quyền từ các chương trình biểu diễn. Năm 2010, trung tâm chỉ thu được 2% từ nguồn này. Do đó, ông “khẩn thiết đề nghị nghị định ra đời quan tâm đến quyền tác giả”.

Tuy nhiên, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại lưu ý “đặc điểm nền văn hóa của ta”: Không phải chương trình nào cũng thu tiền. Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng nói: “Đòi hỏi cấp phép trước gây phiền phức, đặc biệt với những chương trình đi diễn giao lưu ở nước ngoài, hay phục vụ bà con vùng sâu vùng xa. Giống như ai lái xe không có bằng thì cứ phạt chứ không có chuyện phải có bằng mới được mua xe”.

Hơn một ý kiến cho rằng nghị định còn thiếu phần chế tài thưởng phạt. Ông Thanh Long nói: “Giờ chương trình biểu diễn không xin phép nhiều lắm. Nhiều nơi cho người mẫu trình diễn bikini vô tội vạ. Phải xử lý mạnh tay, làm gương. Nếu cơ quan quản lý thả lỏng sẽ dẫn tới tình trạng không kiểm soát được”. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng thời hạn 7 ngày sau khi đăng ký, nếu đơn vị quản lý không có ý kiến phản đối thì chương trình mới được phép diễn ra là quá dài, không phù hợp với nhịp độ tổ chức biểu diễn nghệ thuật hiện nay.

Với các nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự thảo quy định vào Việt Nam biểu diễn “phải thông qua tổ chức có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật Việt Nam làm thủ tục hồ sơ đề nghị cấp phép.” NSƯT Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng nên cấp phép trực tiếp cho nghệ sĩ, tránh tình trạng bầu sô tranh giành ca sĩ như đã xảy ra với một số gương mặt hải ngoại ăn khách.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nghị định còn thiếu điều khoản cấm hát nhép. Thực tế lĩnh vực hát nhép khá nhạy cảm. Có ban nhạc nổi tiếng quốc tế sang Việt Nam biểu diễn vẫn hát nhép. Và hát nhép vẫn được mặc nhiên công nhận với các chương trình truyền hình trực tiếp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG