Thức cùng phiên chợ sắc màu

Thức cùng phiên chợ sắc màu
TP - Như lời một ca khúc từng viết về phố cổ: “Con đường cong một cánh cung đầy...”, Phố đèn lồng Hội An nằm trên cung đường Châu Thượng Văn vòng qua Bạch Đằng - đã chính thức trở thành phố của muôn sắc màu lung linh, huyền ảo.
Thức cùng phiên chợ sắc màu ảnh 1
Du khách nước ngoài trên phố đèn lồng Hội An

Từ Hội quán Quảng Triệu của cộng đồng cư dân Quảng Đông - Trung Quốc, du khách thả bộ xuống bến sông xưa, không gian thường được tái hiện quang cảnh “trên bến dưới thuyền” của một thời thương cảng Faifo sầm uất.

Bên kia là công viên vườn tượng Nguyễn Phúc Chu. Ở bên này, chỉ cần bước qua bóng liễu, du khách đã tận thấy Chùa Cầu - biểu tượng hào hoa của  “những giá trị không trùng lặp”  về một vùng văn hóa ẩn tàng nhiều màu sắc của giao lưu, tiếp biến Đông -  Tây trong mấy trăm năm.

Bà Ghema Regine - du khách đến từ Brazil cho biết: “Tôi đến đây cũng vừa lúc khai trương phố đèn lồng. Tôi mua ngay một chiếc mang về Brazil. Thật ấn tượng! Nếu ở trên cao nhìn xuống, ánh sáng của những chiếc đèn lồng thật gợi cảm. Tôi thật sự có thiện cảm với nơi này”.

Phố đèn lồng – một “phiên chợ sắc màu” chỉ dài chừng 100 mét, nhưng đi là có thể bị ... lạc. Du khách từng biết về Hội An những “Đêm phố cổ” , hẳn sẽ ngạc nhiên hơn nữa khi về với phố trong những tối thứ Tư, thứ Bảy, Chủ nhật và 14 âm lịch hằng tháng. Đó là những đêm phố... thức với đèn lồng.

Từ lâu, đèn lồng phố Hội đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, riêng có của phố cổ. Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng đèn lồng Hội An có nguồn gốc từ Trung Hoa, nhưng đó chỉ là yếu tố gốc khi vào đến Hội An, đèn lồng đã phát triển.

Để có chiếc đèn lồng thắp sáng và xếp gọn với nhiều mẫu mã từ hình củ tỏi, kim cương, tròn, quả bí cho đến trên 30 kiểu dáng như hiện nay, những nghệ nhân Hội An đã dày công sáng tạo, cải tiến.

Thêm vào đó, từ những công trình nghệ thuật như “Đêm phố cổ”, “Phố không có tiếng động cơ” ... được thực hiện từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đèn lồng mới có không - gian - sáng thực sự và là một sản phẩm du lịch vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Giờ đây, du khách đến Hội An, trong hành trang trở về đều có một vài chiếc đèn lồng. Thi sĩ Bùi Giáng từng viết ý rằng: Mỗi ánh đèn báo hiệu sự hiện diện của mỗi tâm hồn, có lẽ vì thế mà đèn lồng Hội An không chỉ thắp sáng phố phường mà còn khơi dậy nhiều những cảm xúc trong lòng những ai từng hiện diện trên những “con đường cong một cánh cung đầy...”. 

Đã 5 năm, ý tưởng xây dựng những phiên chợ đèn lồng từng được người Hội An đề cập. Tuy nhiên, chỉ sau khi Hội An thành lập Hiệp hội sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với 34 cơ sở sản xuất đèn lồng đăng ký tham gia, “Đèn lồng Hội An” chính thức được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể thì Phố đèn lồng  mới hội đủ điều kiện để ra đời.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Để tiếp tục quảng bá thương hiệu “Đèn lồng Hội An”, bảo vệ uy tín chất lượng sản phẩm và tạo điều kiện cho một nghề thủ công mang đậm bản sắc văn hóa này phát triển, Hội An tổ chức Phố đèn lồng. Phố còn hướng đến việc tạo nên một không gian đẹp, một điểm tham quan lý thú và mua sắm thuận lợi cho du khách ngay trong lòng phố cổ”.                                                        

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.