Thực dụng, gia trưởng…

Thực dụng, gia trưởng…
TP - Người Việt chúng ta đã có hàng ngàn năm lịch sử, tổ tiên ta đã chống lại mọi hiểm họa diệt vong: Thủy, hỏa, đạo, tặc, bệnh tật dẫn đến đói nghèo truyền kiếp. Tuy vậy, cho đến thế kỷ này Việt Nam vẫn chưa vượt qua đói nghèo, mà đang ở mức “nước đang phát triển” như hiện nay.

Có những lý do khách quan lịch sử như chúng ta đã biết, nhưng cũng có những tập tính chủ quan đã hạn chế bước phát triển của dân tộc. Về mặt chủ quan, có thể quy vào những đặc điểm sau đây:

Trước hết là tập tính thực dụng sinh tồn và cố kết cộng đồng làng, xã. Phải nói rằng, tâm lý thực dụng không phải là xấu, vì thực dụng có hai loại: thực dụng để sinh tồn và thực dụng để phát triển. Không thực dụng, con người khó lòng tồn tại và duy trì nòi giống. Nhưng do hoàn cảnh khách quan quá khắc nghiệt, người Việt đã nghiêng về phía thực dụng sinh tồn.

Nói đến sinh tồn, trước hết phải nói đến ăn và ở. Hãy xem cái ăn của người Việt ta trước đây thì rõ. Có thể nói không trừ một loại gì, miễn là đừng chết người.

Vì xem cái ăn quan trọng bậc nhất trong sinh tồn, cho nên dùng từ ăn để chỉ mọi sinh hoạt: ăn ở, ăn mặc, ăn ngủ, ăn uống, ăn đong, ăn vay, ăn mày, ăn trộm, ăn cắp, ăn xin, ăn cướp… cho đến cả ăn nằm và ăn bám, ăn thuốc…

Còn ở thì không cần tiện nghi, chỉ lều tranh vách đất, miễn sao yên ổn, không bị quấy rầy là được. Cho nên, tên gọi các địa phương, làng xã phổ biến là chữ an, yên (không bị quấy phá); tĩnh (lặng); ninh (yên ổn); bình (yên), thuận (vâng theo), hòa (không gây sự)… Không mấy tỉnh thành, phủ huyện làng xã mà không có những chữ đó.

Tâm lý thực dụng sinh tồn khiến một số không ít có tính tham lam vặt, dối trá, ích kỷ, luôn đối phó với mọi sự đe dọa, làm việc gì thì không có kế hoạch lâu dài, mà chỉ đối phó, chắp vá “lúc đó hãy hay”. Từng cá nhân một thì tác hại không lớn, nhưng cả một địa phương thì rất lớn.

Như ta thấy, quy hoạch Thủ đô thường thay đổi luôn, kết quả: Nhà xây trước, đường mở sau, làm đường trước, cống đào sau… gây lãng phí lớn làm nghèo đất nước.

Nhưng cũng do thực dụng sinh tồn, do nhận thức cá nhân tách khỏi cộng đồng thì không thể tồn tại, nên nảy sinh ý thức cố kết cộng đồng trên mảnh đất của mình: Gia đình, huyết tộc, làng xã và cuối cùng là dân tộc.

Cố kết cộng đồng là nét truyền thống cơ bản của Việt Nam. Chính nhờ truyền thống đó, dân tộc ta đã tồn tại và phát triển vững chắc trước những tai họa khủng khiếp.

Chúng ta đã chứng tỏ cho thế giới biết sức mạnh đoàn kết của cộng đồng. Điều này không cần nói, ai cũng biết cả, nhưng cần chú ý là chỉ thực sự cố kết trên mảnh đất làng xã, đất nước. Ra khỏi đất nước, tâm lý này dễ bị phai nhạt.

Từ truyền thống tốt đẹp đó lại nảy sinh những ưu khuyết điểm khác. Do tâm lý cố kết cộng đồng trên mảnh đất làng xã nên nảy sinh tập tính ỷ lại vào cộng đồng: “Nước nổi thì bèo cũng nổi, “Dại đàn hơn khôn độc”, “Một người làm quan cả họ được cậy”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”…

Sự ỷ lại vào cộng đồng khiến cá nhân không có vai trò gì rõ rệt. Cá nhân chỉ có ý nghĩa khi nó là đại diện, tiêu biểu cho gia tộc làng xã hoặc một tập thể cơ quan.

Ngoài ra thì “chẳng là cái thá gì, tư cách gì”, từ đó nảy sinh tâm lý tự ti, an phận, không muốn phấn đấu vượt khó khăn: “Nghèo an phận nghèo”, “Làm quan có mả, kẻ cả có dòng”, “Chạy trời không khỏi nắng”… Một cộng đồng làng xã hay một tập thể cơ quan mà chỉ toàn là những người quen “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” thì không nói cũng biết tập thể đó như thế nào rồi!

Trái ngược với tâm lý tự ti, ỷ lại là tâm lý gia trưởng. Dường như hai mặt đó mâu thuẫn với nhau nhưng lại rất thống nhất trong một người. Đó là trường hợp bị câu thúc, o ép mình quá, người ta cũng thích được một dịp đề cao, có vai trò nào đó trong cộng đồng.

Ở trong nhà thì thích là gia trưởng, bề trên để “dễ bề ăn nói”, “làm quan tại gia”. Ở ngoài làng nước thì thích chức sắc (đại diện cho làng xã). Kết quả là sinh tâm lý “háo danh” của một số thành viên mà hiện nay đang có nguy cơ lan tràn trong xã hội. “Bệnh thành tích”, “bệnh bằng cấp”… phải chăng là những biến tướng của tâm lý này?

Tóm lại, những mặt tốt và mặt xấu kể ra trên đây tuy chưa đầy đủ nhưng rõ ràng là chân dung “một người nhà quê” trong mỗi chúng ta. Đáng chú ý là những thói hư tật xấu nói trên khi gặp hoàn cảnh khó khăn, vận nước lâm nguy, thì những phẩm chất tốt đẹp tiềm tàng của người Việt vụt trỗi dậy, xóa đi hết sạch hoặc bị hạn chế tới mức thấp nhất. Cho nên nói về người Việt ở mặt tốt cũng như mặt xấu đều đúng là như vậy.

Hiện tại, xã hội chúng ta đang chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Cơ chế bao cấp dựa trên tính nguyên tắc của cộng đồng trong khi cơ chế thị trường đòi hỏi phát huy mạnh mẽ tính độc lập, sáng tạo của mỗi cá nhân.

Mỗi cơ chế đều có mặt mạnh và mặt yếu của nó. Khắc phục mặt yếu, những tập tính ăn sâu vào tiềm thức chúng ta không chỉ là để hoàn thiện phẩm chất mà là để gạt bỏ những trở lực trong bước tiến của dân tộc.

Những trở lực đó là những định kiến cố hữu, những tập tính ăn sâu vào tiềm thức trong xã hội cũ còn rơi rớt lại mà nếu không gạt bỏ được thì sẽ rơi vào cái vòng xoáy nghèo đói, lạc hậu, mãi mãi không tiến kịp các nước văn minh.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.