Thức quê ngày khó

Thức quê ngày khó
TP - Quái, thời ấy lúc nào cũng nghĩ đến cái ăn.

> Xuân Ba viết về... Xuân Ba
> Bí mật căn hầm dưới trụ sở báo Tiền Phong thời B.52

Thò lò mũi xanh ngồi trong căn nhà lá trống hoác nghe cô giảng bài có từ cơm từ thịt cá thấy bụng óc ách cồn cào. Quê tôi, xứ trung du bán sơn địa tỉnh Thanh, chả hiểu sao đói triền miên.

Chết cái nữa là trên giao cho chỉ tiêu phải trồng cây thuốc lá để làm nguyên liệu cho nhà máy. Làm chi có chuyện thuận mua vừa bán mà quy tất tật ra công điểm. Trăm điểm được mấy lạng thóc. Cái giống thuốc lá, phải sấp mặt từ khi lật đất.

Lòng gan bàn chân rát bỏng trên những luống cày dối cày ẩu. Còng lưng quảy gánh nước từ đồng chiêm xa tưới cây thuốc lá. Những gáo nước hiếm hoi dội trên nền đất rắn cứng nghe cứ xèo xèo. Liên tằng vài tháng bữa nào cũng phải tắm tưới.

Cây thuốc sống đứng được thì cấp tập những bắt sâu làm cỏ tỉa nhánh. Mùa nắng rát mặt cũng là thời điểm thu hoạch. Hái, buộc tàu thuốc vào sào tre. Từ tinh mơ đến nửa đêm mắt lúc nào cùng cay xè. Những cái lò sấy thuốc loại 4x6m, xây bằng gạch phá từ đình từ chùa sau những chiến dịch bài trừ mê tín dị đoan. Những lò sấy ngốn củi khiếp lắm.

Củi thì lấy trên đồi, xa hơn gần 10 km lên rừng Thạch Thành chặt hạ cây bằng bắp chân. Cả một vùng dần dà sạch bách, đồi rồi rừng non rừng già trụi lủi vì nạn liên miên nhiều năm trồng cây thuốc lá. Trời ơi, đất ấy cho dân trồng màu, trồng đỗ lạc sắn khoai thì đỡ biết mấy. Nhưng cái thời ấy nó thế.

Nhà bảy tám miệng ăn, trông vào hạt thóc công điểm, sau Tết đã không còn gì bỏ vào nồi. Những bờ rau dại như rau sam rau má trẻ con nạo trụi thùi lũi.

Những buổi trưa vắng lạnh và đói rảo qua nhà thằng Ngọc. Nhớ lâu nhớ khiếp đến bây giờ là cái nồi đồng to tướng mẹ Ngọc hấp sắn cùng củ dong riếng lẫn rau má mà nhoáng cái đã sạch bách. Cả nhà đứng lên mà cái nồi khốn khổ ấy còn bốc khói! (Sau này Ngọc vào bộ đội.

Cái thư hắn viết cho tôi khoe là vào bộ đội sướng lắm. Sướng gì? Là được ăn no! Tội nghiệp Ngọc, hình như từ bé đến khi đi bộ đội chưa bữa nào được no? Bảy tháng sau, Ngọc hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên).

Tháng ba ngày tám. Đó là cách nói văn chương. Tháng ba tháng tám là cữ đói nhất. Tôi nhớ đất năm phần trăm (5%) của mỗi hộ đều trồng khoai lang.

Trông mong vào củ thì xa ngái mà người ta chăm chắm vào cái lá khoai, cái đọt khoai. Nhưng lá lẫn đọt mọc chậm mà cái đói thì nhanh thì gấp. Nạn hái trộm lá khoai hoành hành. Bọn trẻ con kiêm thêm nhiệm vụ coi giữ đất 5%. Nhiều vụ đánh nhau toác đầu.

Cậu bé Huy Trụ người làng đen đủi quắt queo ngày ấy sau này thành nhà thơ nổi danh từng viết cái bài thơ mà tôi quên mất đại ý rằng thôi mẹ già, mẹ ốm mẹ chết thì cũng đành nhưng mẹ đừng mất vào cái hồi tháng ba đói vàng mắt!

Cây khế chua sau vườn nhà tôi trở thành điểm tụ hội mỗi trưa đi học về. Hội tụ là do đói. Đói mà dằn bụng bằng khế chua thì hơi khó? Nhưng bọn tôi đã có cách.

Không biết thằng nào nghĩ ra lấy vôi ăn giầu của bà quệt vào. Ăn chả chua tẹo nào. Vôi trung hòa a xít. Cứ thế, ngày này qua ngày khác rồi mùa khác, không biết đã tọng bao nhiêu là khế cùng vôi để lấp cái dạ dày trống rỗng ấy mà những đứa còn sót lại sau chiến tranh ai cũng bị bệnh dạ dày chả nặng thì nhẹ?

Tháng tám đồng nước trắng băng. Người lớn bó gối thườn thượt thở dài ngó ra. Nhưng chúng tôi hơi bị vui vì đã nghĩ ra cái ăn. Tất nhiên ngoài cua cá tép đánh dậm với đặt lờ. Nhưng có thứ còn chất lượng hơn. Mỗi đứa lăm lăm một cái nỏ nhỏ với bó tên tre.

Dân đất trung du pha rừng đều thạo món nỏ. Nước lụt dâng chỉ đóng lưng chừng các gò đống. Trong đám cây khẳng khiu lúc lỉu những chuột tránh lụt. Cứ tách một phát là tõm rơi một chú chuột đồng béo ngậy. Tên ấy lại quay vòng tiếp.

Hết lượt một bó tên là một giỏ chuột nặng chịch. Đôi khi vớ được vài con rắn. Mà đâu phải rắn nước. Hổ mang hẳn hoi. Chả biết sợ là gì. Nhưng hạ được rắn phải là những thằng thiện xạ. Chuột ấy mang về thui rơm.

Không rửa nước. Sẽ tanh. Mỡ đâu mà quay mà rán? Đem hông lên như đồ xôi. Lấy hai thớt rải lá chanh ở giữa rồi ép chống lên. Đánh món chuột đồ ép lá chanh chấm muối, người cứ gọi là lâng lâng.

Gần làng tôi có một cái làng rất lạ. Làng của các cụ miền Nam tập kết. Sau này lớn mới biết, tập kết ra Bắc đâu chỉ tuyền thanh thiếu nhi? Cỡ hơn 60 hoặc hơn cũng nhiều. Hai năm đợi Tổng tuyển cử bỗng chốc thành thăm thẳm.

Trước mắt việc đi mãi/trên đầu già tới rồi. Phần việc nước nặng nhọc phần của trai tráng của trung niên. Các cụ chả biết đi đâu đành về cái xó trung du này lập làng. Làng toàn những người già với đàn ông thì buồn lắm! Đám bọn tôi thi thoảng ghé làng các cụ.

Ám lâu hơn là cái cảnh tuềnh toàng tạm bợ ăn xó mó niêu của những người già độc thân. Nhưng trại của các cụ hấp dẫn bọn tôi lắm. Đầu tiên là cái ăn! Có bao nhiêu là cách để lấp cái dạ dày của lũ trai thau tháu luôn háu đói?

Không phải các cụ cho ăn mà nói theo thời thượng bây giờ là không cho cá mà cho cái cần câu. Các cụ bày cho cách ăn.

Bây giờ hơi bàng hoàng cái nỗi, những từ như nướng trui nướng mọi là mãi sau này chường mặt lẫn chai mặt việc ăn nhậu Phương Nam mới hay mới nhiễm. Nhưng từ những năm xa những năm đương còn là hai miền chia cắt, bọn tôi đã tường đã rành.

Cái con cóc là cậu ông Giời ai mà dám ăn? Thoạt tiên hãi lắm khi thấy một cụ móc đất sét phủ kín con cóc còn sống rồi ném nó vào đống than. Không phải một mà mấy chục con như cụ biểu là nướng mọi. Sợ chạy mất. Nhưng dần dà mùi thơm khủng khiếp của thứ nướng mọi đó lập tức triệu hồi các dạ dày lại.

Bọn tôi châu tuần quanh mấy tàu lá chuối tươi. Một cụ đập nhẹ những mảnh đất sét bọc ngoài giờ đã sắt lại như sành cho tã ra. Động thái đập nó cẩn trọng lắm. Bảo phải nhẹ phải cẩn thận vì cái gan cóc vỡ ra ăn phải thì có mà trời cứu.

Cóc chỉ lấy lai cái đùi chấm muối. Ngon không thể tả. Ngoài cóc, có thứ nướng trui nướng mọi là thằn lằn. Chao ôi những con thằn lằn màu xanh đen ở quê tôi thuở ấy sao lắm thế?

Nhưng khó bắt. Các cụ lấy cho cái lồng đan bằng nứa cột mấy con châu chấu vào trong. Để qua đêm sáng ra lồng trĩu vài con béo lẳn. Sau này tôi không thể kiếm đâu ra cái món thằn lằn bọc đất sét nướng trui ấy!

Một dạo vùng tôi không hiểu sao phát sinh ra lắm ốc sên. Sáng ra thấy lển nghển đầy sân, vườn. Dân làng bắt bỏ vao vại nước giải cho thối dùng tưới rau.

Lại cũng các cụ bày cho lấy nước vôi loãng bỏ ốc sên vào cho nhả bớt nhớt. Luộc chỉ lấy miệng ốc. Lại bóp nước vôi loãng và lá bứa cho cho sạch nhớt. Tốn công một tý nhưng xào với khế đụng miệng hơi khó dừng!

Và nhái. Thuở ấy mùa mưa ếch hơi khó kiếm nhưng nhái có mà ràn rạt. Một lần qua trại thấy các cụ làm chả nhái. Lột da. Băm nhỏ với rau thơm với ớt. Viên bằng quả mận đem rán.

Không chỉ thơm suông mà còn đậm miệng vô cùng. Rồi cái quả ổi xanh? Làm chi? Làm chả. Ổi xanh phải chịu khó gọt vỏ giã cho nhuyễn. Không có thịt thì thay bằng ếch nhái băm nhỏ trộn đều. Có tí bột mỳ thì tuyệt. Đem rán lên. Điếc mũi xóm giềng.

Bây giờ môi sinh bị tàn phá cấm có thấy cái con niềng niễng. Cuối thu đầu đông, khu đồng chiêm mênh mông chia khoảng phân vùng cho những ai đơm trúm đó để lấy tép. (Những vò tép gạo - nhỉnh hơn tép riu - xứ Thanh muối nhuyễn từng là đồ tiến cho vua chúa nhà Nguyễn- Sử nhà Nguyễn, Sách Đại Nam thực lục có chép kỹ).

Tép thì ít nhưng có lắm lắm niềng niễng. Tả ra thì khó. Nhỉnh hơn ngón tay cái. Đen bóng. Béo mầm. Hình như nó cùng loài với cà cuống giờ đâm tiệt chủng? Những rổ niễng đem nướng hoặc rang thơm xa hàng cây số. Bùi và đậm miệng. Sáng kiến xơi niễng lại cũng lại các cụ bày.

Mùa bọ vừng là cả một sự hân hoan. Khoảng cuối tháng 4 âm lịch, vừng sắp thu hoạch thì ở đâu cơ man nào là giống bọ vừng nần nẫn nhỉnh hơn đầu đũa túa về bám đen đặc.

Đêm ra lấy tay tuốt cứ là hàng vốc. Đem rang cái thứ trời cho ấy lên. Ai đã từng nếm hẳn giờ lại than bao giờ cho đến ngày xưa? Mà lạ giống ấy giờ cùng bặt hẳn?

Một thứ nữa cùng tiệt nòi là cái con đam mồi. Đam mồi tiếng vùng tôi chỉ cái giống cua nhỏ hơn cua biển, to gấp đôi gấp ba cua đồng màu trắng hoặc đỏ cứ mùa mưa lại thấy lấp ló ở các cống rãnh.

Người vùng tôi kỵ bảo bẩn không ăn. Nhưng thấy các cụ ở làng miền Nam tập kết nướng hoặc hấp (đồ) lên ngó rất bổ béo bắt mắt thì nhiều người cũng bắt chước.

Về quê thi thoảng lại tạt qua chỗ làng các cụ miền Nam tập kết. Đã bình địa từ lâu ngôi làng trơ trọi khuất ở mé đồi. Những ngôi mộ của người bất đắc dĩ phải gửi nắm xương tàn nơi đất Bắc cũng đã được di dời đâu đó, chắc về quê? Ngày ấy tôi đâu có biết nghĩ rằng các cụ cũng... đói như mình!

Tuổi già, những nỗi đêm Nam ngày Bắc vò võ gửi thân nơi xó núi này thương mến đám con nít đói lạnh vêu vao thì nghĩ ra thứ chi đó cho chúng vui mà mình cũng khuây khỏa?

Thuở ấy người lớn mắng lũ chúng tôi những là đồ ăn tro bọ trấu. Rằng đói cho sạch rách cho thơm. Nào là đói thì ăn rau mưng ra má. Đừng ăn vất vả hư thân.

Đã khuất núi hết rồi, chắc các đấng chả thể nghĩ một ngày nào đó như thời nay, vào trật tuổi lũ chúng tôi hồi ấy, có một lớp hậu sinh (trong đó có rất nhiều em chã) chưa bao giờ bị đói bị nhịn bữa nào?

Và nhiều thứ trong thức quê thời khó ấy nay lại trở thành đặc sản? Rằng nướng trui nướng mọi là phương cách chế biến để tăng hương vị cùng dinh dưỡng của đồ ăn?

Quanh cái câu của người xưa dân dĩ thực vi thiên (dân coi cái ăn như Giời) có lắm cái cứ lộn đảo...

Cuối năm lạnh

Hết lượt một bó tên là một giỏ chuột nặng chịch. Đôi khi vớ được vài con rắn. Mà đâu phải rắn nước. Hổ mang hẳn hoi.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG