Thụt chân vào nhà

TP - Thi hào Nga Maiakovski sáng tạo ra lối thơ bậc thang, theo “nhà Maia học” Hoàng Ngọc Hiến, là vì muốn “xây dựng những câu thơ tiết kiệm và cô đọng”.

Thế nhưng lối bậc thang, tam cấp ra vào những ngôi nhà ở ta lại chẳng hề “tiết kiệm” không gian chút nào. Chúng cứ đua nhau duỗi chân ra hè phố, ngáng đường người đi bộ. 

Sau khi vỉa hè bắt đầu thông thoáng trở lại, mấy ngày qua cả Sài Gòn lẫn Hà Nội tập trung vào chiến dịch cào sập các bậc cấp “thò chân” ra ngoài.   

Từ những khách sạn, cao ốc, cho tới nhà dân, hễ bậc thềm nào ló ra hè đường là bị đập bỏ. Cũng hơi chút lăn tăn. Nhà dân với bậc tam cấp tí hin thôi chưa nói, chứ không hiểu với những tòa nhà, khách sạn 5 sao, rạp chiếu bóng có nền nhà cao hơn mặt đường tới 2 mét với “thập lục cấp” bước lên mỏi chân kia, không hiểu khi bị giật mất “chân”, người ta sẽ vào ra, lên xuống kiểu gì?! 

Thế rồi, bà con thị dân tha hồ phát huy tính sáng tạo với vô vàn kiểu  bậc thang vào nhà lạ mắt. Đô thị được dịp thi triển nghệ thuật thị giác, nghệ thuật sắp đặt. Từ chiếc ghế gỗ, thùng bia, chồng gạch, bao tải cát, đến những cây cầu sắt đẩy vào, rút ra được… Ngổn ngang như mới sau trận bom.

Chắc chẳng tạm bợ được lâu. Về lâu về dài lầu to nhà nhỏ gì  cũng phải rủ nhau thụt chân vào nhà thôi. Xây bậc cấp vào hẳn bên trong khuôn viên nhà mình thì có làm sao. Ai đi nước ngoài đều thấy cảnh này. Sau cánh cổng/cửa sắt mới là những bậc cấp, chứ không phải ngược lại.

Âu cũng là dịp học cách bỏ bớt thói quen cái gì cũng muốn chường ra, bao chiếm những thứ của chung. Không phải ai luôn cố tỏ ra kềnh càng sẽ là vĩ đại hơn những người biết thu mình. 

“Ôi em ! Ai xui? Thềm lên chín bậc”… Là thơ Trần Dần. Thi sĩ buổi cách tân ban đầu, cũng làm thơ bậc thang. Trước khi bước sang một thi pháp Trần Dần đích thực. 

MỚI - NÓNG