Thụy Anh và vẻ đẹp hướng thiện

Thụy Anh và vẻ đẹp hướng thiện
TP - Trong số các cây bút mới xuất hiện ở vài năm gần đây, Thụy Anh là người tỏ ra có sức vóc và nội lực.
Thụy Anh và vẻ đẹp hướng thiện ảnh 1
Thụy Anh

Hơn 1 năm viết hơn chục truyện ngắn, in rải rác ở ba bốn báo, văn chương Thụy Anh không phải là thứ mỏng mảnh, dựa vào kĩ xảo để tồn tại trong giới xa lông, thứ văn nhạt hoét, dù được đánh bóng một cách ầm ĩ trên báo chí... Thụy Anh trầm lặng và luôn nụ cười tươi rói trên môi khi gặp bạn bè đồng nghiệp.

Tôi cũng mới làm quen với Thụy Anh hơn một năm nay qua các bài viết ngăn ngắn, tạp văn hay bút kí lẫn lộn và thơ trên Người bạn đường (Website của Hội văn học nghệ thuật người Việt ở Liên bang Nga), trên Thi viện.

Tôi chú ý tới đoản văn, tản bút của Thụy Anh, vì dù ngắn, hoặc rất ngắn, bao giờ cũng “có chuyện“. Với nhiều chi tiết trải nghiệm cảm động, tác giả làm bạn đọc phải ngẫm ngợi. Đoản văn Tình yêu người điên rất gần một văn bản truyện cực ngắn.

Tiếc là, những đoản văn tương tự như thế, tác giả chưa có ý thức, cho cảm xúc lắng xuống, đắp thêm da thịt, biến nó thành một văn bản hoàn thiện hơn, để cùng là một công mài nó sáng lên, xếp vào tầng nấc cao hơn.

Trước tiên xin nói về Vĩnh biệt Lusia (10 truyện ngắn hay năm 2008 do báo Văn Nghệ bình chọn), câu chuyện về con chó nòi Kavkaz sống với một gia đình Việt ở Nga. Một gia đình tha hương, những mảnh đời tan vỡ dính vào nhau.

Cha dượng của Yến - người kể chuyện - mua con chó Lusia về canh trang trại trồng rau, song con cô gái  lại gắn bó, yêu quý nó. Lusia đánh nhau với mafia Việt bênh vực chủ, bị thương nặng, Lusia bị bán đi cho một chủ trại ở vùng quê nào đó.

Cốt chuyện rất đơn giản, không thắt mở nút đột ngột. Với Lusia của Thụy Anh, trước  hết bạn đọc thấy được hiện thực của cuộc kiếm sống lầm than của người Việt ở nước ngoài.

Họ không những chỉ phải chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mà còn phải đối phó với cái ác, từ bản thân mình và hơn nữa từ ngay chính đồng bào của mình. Có văn phong riêng, Lusia còn hấp dẫn bởi nhiều đoạn văn sống động, tả người, tả vật và tả cảnh.

Truyện ngắn Cây cải Tashkent cũng đăng trên Văn nghệ gần đây là truyện ngắn tôi thích nhất. Câu chuyện kể về các nhân vật người bản xứ, một cô gái Ukraina và hai chàng trốn lính, nhân vật chính Andrei cùng cô gái Ukraina, được tác giả cho chạy xoay quanh cái vườn rau của một người Việt, cũng vì mưu sống mà tha hương trong thân phận làm thuê.

Lấy bối cảnh Liên bang Xô Viết tan rã, nước Nga sau biến loạn, cuộc chiến tranh cục bộ vùng Tiểu Á, cây cải Tashkent trở thành kì dị.

Sự quái dạng của cây cải, như một biểu tượng. Truyện này mang tính triết luận sâu sắc, nhưng lại biểu hiện bằng vỏ bọc ngôn ngữ văn học tinh tế, kín đáo nhẹ nhàng, giản dị!

Thụy Anh tránh được lối viết truyện ngắn triết luận bằng vài câu triết lí ngây ngô.

Gió trắng là truyện ngắn thứ ba tôi muốn nói, nó dầy dặn nhất trong số truyện ngắn ở cuộc thi mới tổng kết của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Dù rằng về sau, Thụy Anh được xếp giải C (Cuộc thi không có giải A) vì những truyện khác, mà theo tôi là không bằng Gió trắng.

Cốt chuyện Gió trắng cũng đơn giản. Nhân vật tôi, một cô gái dẫn chuyện, kể về cuộc gặp gỡ của cô với một người đàn ông Việt ở Nga.

Cô gái là sinh viên, đã có người yêu tên Dương nay ở vai trò hướng dẫn viên du lịch cho người đàn ông tên Phong. Cuộc du lịch của họ trở thành cuộc quay về dĩ vãng. Nói đúng hơn, là tìm về một vẻ đẹp trong sáng, mối tình xưa của người đàn ông với  cô gái Nga Tania nào đó.

Cũng như những câu chuyện lãng mạn thoáng chốc, tác giả cho nhân vật gặp gỡ rồi tan biến ngay, nó sẽ chẳng tạo nên dư vị gì, nếu cô gái trân trọng vẻ đẹp ấy không tìm lại người đàn ông này, khi quay lại Việt Nam và, cô gái thất vọng! Cái kết không vui và chẳng buồn, nhưng để lại dấu hỏi cho người đọc.

Thực ra vấn đề ở Gió trắng không mới. Cuộc sống bề bộn, và sự thúc ép của nó làm người ta biết là nhàm chán, đơn điệu, song vẫn phải sống chung không thoát ra khỏi hoàn cảnh.

Các nhân vật nam và nữ đều là những nhân vật bình thường, một kiểu sống trôi xuôi, không quyết liệt.Câu chuyện như tiếng thở dài bất lực. Có lẽ truyện ngắn hiện đại chỉ cần tới thế, nó không cần nhà văn phải tỏ ra minh triết, để có thể ứng giải tức thời với đời sống vốn phức tạp.

Nói chung văn xuôi Thụy Anh không có nhân vật xấu để người đọc căm ghét. Dù ở bất cứ trạng thái sống nào, các nhân vật dẫu có dị tật bản năng hay dị tật sinh ra từ hoàn cảnh sống đều đáng thương, thậm chí có cả nét đáng yêu.

Các câu chuyện ở văn xuôi Thụy Anh, từ đoản văn tới các sáng tác dầy dặn ở cấp độ cao hơn, dầy công hơn, đều cố gắng đánh thức tính thiện của con người.

Đọc Thụy Anh xong, dù có man mác buồn, người đọc vẫn thấy không quá bi quan. Dường như ở đâu đó, quanh ta tâm hồn con người, kể cả người bình thường nhất, vẫn lấp láy vẻ đẹp còn có thể sinh sôi, nảy nở.

Nói như thế, không phải văn Thụy Anh là hoàn hảo.

Khảo sát một loạt truyện ngắn của chị trên Văn nghệ và Văn nghệ quân đội gần đây, thấy tác giả còn đôi khi tham lam, thiếu kiềm chế cảm xúc, để cho các chi tiết còn lan man. Thậm chí có chỗ câu văn thừa thãi, vì trước nó, những hình ảnh được tác giả tạo nên đã có nội dung của câu văn mà tác giả cố thêm vào.

Thứ hai, về tiết tấu, hầu như các truyện Thụy Anh đều đều, không thay đổi. Khi không thay đổi về tốc độ, không tạo thêm sự hấp lực làm mới, tạo không khí truyện, phù hợp với đời sống hiện đại.

Cuộc sống không đều đều như vậy. Văn chương không phải là sự chụp hình đời sống, song văn chương phải mang hồn cốt của tinh thần thời đại.

Thứ ba, hơi văn Thụy Anh ít thay đổi. Điều này có thể tạo nên một sắc thái Thụy Anh, song lại bất cập ở những trạng huống khác nhau, trong cấu trúc và xây dựng nhân vật, đòi hỏi bắt buộc thay đổi giọng điệu.

Ta hãy quan sát, khi giọng cô gái ở Lusia chẳng khác gì với giọng cậu trai ở Cây cải Tashkent là một điều nhà văn phải ý thức hơn để hết sức tránh. Nó làm cho văn chương thiếu đi sự giàu có của sắc điệu.

Song dù có vậy, Thụy Anh rất đáng chú ý để hy vọng, khi chỉ hơn một năm, chị đã nhanh chóng tự khắc họa một khuôn mặt văn chương không lẫn vào ai.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.