Thúy Nga - đằng sau tiếng cười là nước mắt

Thúy Nga - đằng sau tiếng cười là nước mắt
NĐVN - Luôn làm người khác bật cười với những vai diễn, nhưng ít ai biết đằng sau tiếng cười của Thúy Nga là tâm hồn đa sầu, nhạy cảm, dễ bị tổn thương khi sống vắng bóng người cha.
Thúy Nga - đằng sau tiếng cười là nước mắt ảnh 1
Diễn viên Thúy Nga

Mỗi lần nhắc đến gia đình, cô cứ nói bằng vẻ tự hào, rằng “tôi có một gia đình hạnh phúc”. Giờ đây, cô muốn vứt bỏ vỏ bọc hào nhoáng bao năm qua.

Tuổi thơ bất hạnh

Cách đây 30 năm, ba tôi là bệnh nhân của mẹ khi ông nằm điều trị tại Hà Nội. Sự tận tình và dịu dàng của người nữ bác sĩ đã cảm phục được ba tôi.

Khi ông rời bệnh viện cũng là lúc tình yêu chớm nở, ba mẹ nhanh chóng làm đám cưới rồi chuyển vào Nha Trang.

Một mái ấm gia đình giữa thành phố biển Nha Trang là niềm ước mơ của nhiều người, như một thời là niềm tự hào của tôi. Nhưng hạnh phúc đã không ở lại, đổ vỡ đã không thể tránh khỏi và mái ấm gia đình là cái gì quá xa vời với chị em tôi.

Khi tôi lên sáu, Hiếu lên ba, cha mẹ trở thành hai chiến tuyến, dù hai ngôi nhà vẫn nằm trên cùng một con phố nhỏ có hàng cây dài giữa lòng thành phố; Hiếu ở với ba, tôi ở với mẹ, ba đào hoa, lại có tài nên được rất nhiều phụ nữ quý mến. Trước cảnh gà trống nuôi con, người phụ nữ thứ hai xuất hiện, và có lẽ đó cũng là định mệnh của đời ba.

Người phụ nữ kém ông 27 tuổi giống như nàng tiên, chăm sóc ba từng bữa cơm, quét dọn nhà cửa gọn gàng. Thấy ba vất vả, lại được một cô Tấm trong quả thị bước ra, chị em tôi mừng lắm, từ nay ba đã có người đỡ đần.

Tôi không ích kỷ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh thường nghĩ là giữ chặt ba cho mẹ. Vẻ bề ngoài của một người phụ nữ trẻ khiến tôi chẳng còn nhớ đến câu tị hiềm: “Mấy đời bánh đúc có xương”. Chị em tôi ra sức ủng hộ ba.

Cuộc đời đã đổi thay

Nhưng, cuộc đời đổi thay, mọi thứ đảo lộn sau đám cưới. Sự có mặt của Hiếu trong gia đình trở nên vô nghĩa. Tôi bị sốc và hụt hẫng, từ nét hồn nhiên của trẻ thơ, tôi nhận ra cuộc đời thật trái ngang phức tạp. Hiếu ít qua thăm mẹ, còn tôi bị cấm cửa.

Cũng từ đây, mỗi khi lén thăm em, tôi về nhà trong nước mắt. Mẹ tôi xót xa khi thấy Hiếu học hành chểnh mảng, người xanh như tàu lá. Thương con, bà đón Hiếu về ở cùng. Từ đó, tôi luôn hứa với lòng, phải yêu thương em nhiều hơn, bù đắp cho em những tháng ngày thơ ấu tủi cực.

Chị em tôi xa ba từ đó.

18 tuổi, tôi vào Sài Gòn học rồi lập nghiệp, càng ít dịp được gần ba khi ông đã thuộc về gia đình mới. Tôi thèm một lời thăm hỏi động viên của ba đến nhường nào. Tại ba phải chăm lo cho gia đình mới? Hay tại mẹ tôi là người phụ nữ quá hoàn hảo: Vừa làm mẹ, vừa làm cha, hy sinh hết tuổi thanh xuân ở vậy nuôi con thành người. Hay có cái gì ngăn cách tình cảm cha con tôi? Bao nhiều câu hỏi đặt ra, tôi không thể tự mình lý giải.

Ba tôi đã mất tự chủ

Ba về hưu, vị trí trong gia đình thay đổi: ba tôi ngày ngày đi chợ nấu cơm và làm những việc lặt vặt trong gia đình. Tôi không trách bởi vì đó là cuộc sống ba đã chọn. Nhưng nỗi khổ tâm nhất là ba không dám biểu hiện sự tự hào về tôi.

20 năm sau, tôi đã lớn, đã là người trưởng thành, tôi không còn muốn nhớ đến những tháng ngày ấu thơ khổ đau còn khắc mãi trong tim. Năm 2003, khi nhận giải Diễn viên được yêu thích nhất, tôi được mời về Nha Trang tham dự liên hoan Những danh nhân trẻ thành đạt của thành phố. Ba tôi cười tự hào về cô con gái đã nhiều năm xa cách.

Tôi không ngờ ở cái tuổi gần 70, ba tôi nằm trọn một đêm dài ngoài hiên lạnh chỉ vì đi xem con gái biểu diễn. Tôi vui cười trên sân khấu với hoa, với lòng yêu mến của khán giả, mà không tưởng tượng ba tôi bất hạnh đến thế. Rồi ông trở bệnh, tôi gặng hỏi ba tôi không giải thích vì sao mà đổ bệnh.

Tôi cay đắng nhận bi kịch của ba tôi: Ông đã già, không thể thay đổi được số phận lần thứ hai nên cam chịu tất cả. ngay cả niềm tự hào về những đứa con cũng bị dập tắt trong ông. Tôi cứ mong đó chỉ là một vở hài trên sân khấu sẽ kết thúc sau một đêm. Nhưng bi kịch ấy kéo dài hết cuộc đời ba tôi và trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất trong tôi.

Niềm mơ ước cháy bỏng là ba được hạnh phúc

Năm 2003, tôi đưa ba vào thành phố để tôi có dịp chăm sóc ông sau những ngày dài khủng hoảng tinh thần. Ba ở một thời gian, ba lại lặng lẽ về Nha Trang trong một đêm tôi đi diễn. Tôi khóc trọn một đêm, vừa giận vừa thương ba: Thương con mà “lén” để trong lòng. Tôi thấy mình bất lực trước nỗi buồn của ba mà không biết làm gì để chấm dứt bi kịch gia đình. Ba như người không gia đình, gầy ốm, xanh xao và trở nên khắc khổ, khác hẳn ba tôi ngày nào: cao lớn, khỏe mạnh và hào hoa.

Cách đây mấy tháng, tôi lại đón ba vào ở với tôi, cha con mừng tủi, tôi khóc hết nước mắt vì ba tôi “lén” thăm con. Thời gian đó mẹ đang ở thành phố thăm tôi, chưa bao giờ tôi hạnh phúc thế. Gần 30 tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi mới có cảm giác được sống một cuộc sống ý nghĩa thế: Sau những giờ làm việc mệt mỏi, trở về bên mái ấm gia đình, có mẹ, có ba, có em tôi. Tiếc là ước mơ giản dị thế cũng không ở lại cùng tôi. Mẹ tôi đã tìm đến cửa phật, không màng đến cuộc đời. Bà lặng lẽ trở về Nha Trang để cha con tôi có dịp gần gũi tâm tình sau nhiều năm xa cách. Còn ba, lần thứ hai ông lặng lẽ mua vé tàu về Nha Trang sau một đêm tôi đi diễn. Lần thứ hai trong đời tôi khóc như mưa.

Về Nha Trang, ông gọi cho tôi: “Ba xin lỗi, con đừng lo gì cho ba nữa, ba phải sống cho gia đình ba đã chọn, sướng khổ, buồn vui ba chịu. Tôi lặng lẽ khóc trước câu trả lời của ba như cứa vào tim. Không kìm được lòng mình, tôi gào lên trong điện thoại: “Con không muốn có một người cha nhu nhược như ba, con không cần ba nữa…”.

Tôi khóc trọn một đêm, vì tủi thân, vì thương giận ba nữa. Mấy ngày tôi không đi diễn, lòng nặng trĩu như vừa mất đi cái gì thiêng liêng lắm. Tôi như người lẩn thẩn, suy nghĩ về chuyện gia đình. Tôi gọi về nhà cho má: “Con khổ quá, lòng con tan nát như chính nỗi đau của con khi không có hạnh phúc”. Bên kia đầu dây, má bình thản bảo tôi: “Con hãy trở về xin lỗi ba vì những câu nói của con. Dù ba là ai, kẻ cướp, người ăn mày hay người đàn ông nhu nhược thì đó vẫn là ba con”.

Thêm một lần nữa tôi hiểu má, hiểu về lẽ đời và tình người: má luôn chỉ cho tôi những điều hay lẽ phải, mỗi khi tôi vấp ngã trên đường đời.

“Quyết định của ba, cuộc đời của ba, ba lựa chọn và chấp nhận. Con không được nói với ba như vậy”. Những lời dậy của má thấm thía với tôi, những giận trách ba lại tiêu tan, những vẫn nhức nhối trong tôi. Nếu có một điều ước, ước gì tôi được có ba, một người cha yêu thương tôi trước tất cả mọi người, không giấu diếm. Vì tôi là con của ba tôi, thế thôi.

Tôi tìm thấy đời mình trong vai diễn

Gần đây, chị Hồng Vân đưa tôi kịch bản “Bóng ma”. Đọc qua kịch bản tôi bật khóc và nhận lời ngay. Chị Vân ngạc nhiên: “Làm gì mà cảm với nhân vật dữ vậy”. Tôi nhận vai hai người vợ trong một gia đình: Người vợ đầu tiên có hai đứa con, họ rất hạnh phúc.

Nhưng giống tố nổi lên khi người vợ thú nhận và xin chồng tha thứ quá khứ không trong sáng của mình. Người chồng không những không tha thứ mà còn đuổi đi, cô tìm đến cái chết. Ông chồng kết hôn với người phụ nữ thứ hai, vừa đảm đang vừa giỏi, nhưng vô cùng ác độc.

Bà ta tìm cách hại chết hai đứa con chồng, đêm đêm giả làm bóng ma dọa cho hai đứa trẻ sợ mà chết, mong chiếm được tình yêu thương trọn vẹn của chồng và chiếm đoạt gia tài. Chồng phát hiện lòng dạ độc ác của bà và cầm súng bắn chết vợ. Tôi như tìm được cái phao, có thể đó là một vở diễn mà tôi thích nhất vì kịch bản làm tôi nổi da gà khi nó gợi rất nhiều về miền ký ức xa xôi.

Vẻ hào nhoáng của gia đình tri thức chỉ là bề mặt của dòng sông mà sóng ngầm luôn sôi sục, Nếu có thể, xin một lần giông tố nổi lên để trời quang, mây tạnh, mùa xuân lại về, như cơn mưa rửa trôi ký ức tuổi thơ và nỗi đau trong tôi.

Nhưng thực tại vẫn là nỗi buồn gặm nhấm trái tim tôi. Nhìn những đứa trẻ mồ côi lang thang, tôi chạnh lòng nghĩ đến tuổi thơ côi cút của mình. Tôi chưa lập gia đình, nhưng cuộc sống đã dậy cho tôi hiểu được giá trị của hạnh phúc và những được mất khi hôn nhân tan vỡ. Tôi ân hận vì đã không động viên mẹ tìm một người bạn đời, tuổi già của mẹ sẽ ra sao, khi không có tôi bên cạnh!

Những khó khăn trên đường đời, tôi có thể vượt qua nhưng nỗi đau trong gia đình tôi không biết phải làm sao để có được tình yêu thương ba trọn vẹn. Nhìn cuộc đời của ba mà tôi sợ lấy chồng. Mẹ cho tôi cả cuộc đời nhưng mẹ không thể cho tôi tình thương của ba, bởi không ai có quyền lựa chọn cha của mình. Và tôi vẫn sống cuộc đời nghệ sĩ cười trên sân khấu với khán giả và lặng lẽ với nỗi đau riêng.

MỚI - NÓNG