Tiễn đưa người lính Gạc Ma về đất mẹ

Anh em đồng đội giơ tay chào theo điều lệnh lần cuối tiễn Dũng Gạc Ma. Ảnh: Nguyễn Thành
Anh em đồng đội giơ tay chào theo điều lệnh lần cuối tiễn Dũng Gạc Ma. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Hôm qua (4/3) Dũng Gạc Ma đã được đồng đội, người thân tiễn đưa về với đất mẹ. Dũng nằm bên người con trai xấu số và cạnh đồng đội năm xưa đã chiến đấu và ngã xuống vì Gạc Ma - Trường Sa dù rằng thi thể vẫn còn giữa trùng khơi, làm ấm lòng người đang sống.

Đoàn xe tang nối dài, từ nhà riêng cựu binh Dương Văn Dũng (phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chở theo thân nhân, đồng đội, anh em họ hàng. Trong tiếng bi ai, tôi nghe người thân anh Dũng nói rằng: “Dũng chết trong vinh dự thế này là mãn nguyện lắm rồi”. Sao không “vinh” cho được, khi nghi lễ truy điệu của Dũng lá Quân kỳ Quyết thắng đỏ thắm được phủ kín quan tài giữa niềm xúc động cho người thân và đồng đội. Đó là sự tôn vinh và ghi nhận cao cả nhất mà đến lúc nằm xuống Dũng mới nhận được.

Người thân kể, từ sau ngày được Trung Quốc thả tự do, anh trở về với cuộc sống thường ngày, lập gia đình trong muôn vàn khó khăn. Không vốn liếng, nghề nghiệp Dũng âm thầm làm nghề phụ hồ để nuôi vợ và ba con. Lầm lũi một đời người, Dũng chưa được một phút thảnh thơi. Rồi tai ương liên tiếp ập đến. Con trai duy nhất qua đời sau tai nạn chưa bao lâu thì anh đổ bệnh. Mãi đến cuối năm 2015, anh mới được hưởng chế độ trợ cấp ít ỏi 800.000 đồng/tháng, đó là thiệt thòi không riêng gì cho Dũng mà cho cả 9 đồng đội bị tù đày sống sót trở về. Cũng vì khó khăn và bận mưu sinh nên anh Dũng không có điều kiện sinh hoạt Hội Cựu chiến binh phường. Dù vậy khi hay tin anh qua đời, Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng đã đặc cách phủ quốc kỳ trên linh cữu anh vì những đóng góp và mất mát anh đã gánh chịu trong và sau trận Hải chiến Gạc Ma 29 năm về trước.

Tiễn đưa người lính Gạc Ma về đất mẹ ảnh 1

Anh em đồng đội cựu binh Trường Sa đặt vòng hoa tưởng nhớ đồng đội ngã xuống vì Gạc Ma

Cựu binh Gạc Ma Trần Thiện Phụng (Đông Hà, Quảng Trị) vóc người nhỏ thó, gầy ốm nhất trong số 9 anh em sống sót ngày ấy. Vào sinh ra tử có nhau, năm xưa anh Phụng và Dũng bị bắt và giam cùng buồng nên hai người có quá nhiều kỷ niệm để kể. Đám tang về hết, anh Phụng và đồng đội ráng ở lại để giơ tay chào đồng đội theo điều lệnh lần cuối trong niềm xúc động nghẹn ngào. “Mai này anh em mình chết cũng chỉ mong được như Dũng hôm nay”, anh Phụng xúc động. Anh Nguyễn Văn Tấn - Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa, vỗ vai động viên: “Đồng đội sẽ luôn sát cánh bên anh em mà”.

Anh Phụng chia sẻ rằng: anh em đồng đội Gạc Ma luôn liên lạc và sẻ chia với nhau những khó khăn của cuộc sống. Dù chịu nhiều thiệt thòi, nhưng anh em vẫn luôn động viên nhau rằng: hãy sống như mình đã từng sống những ngày quên mình vì Tổ quốc thân yêu. Anh em tự hứa với lòng mình, đồng đội nằm lại với biển sâu, anh em sống sót phải sống sao cho đàng hoàng tử tế để không hổ thẹn với máu xương đồng đội.

Người bạn tù, cựu binh Lê Văn Đồng (Quảng Bình), bùi ngùi: Dù ở đâu, làm gì cũng sẽ nhớ về nhau. Vì điều đó, cuối năm ngoái, khi hay tin Dũng bị bạo bệnh tất cả anh em đều tựu về  Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để đứng bên nhau tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội chiến đấu với bệnh tật

Sau lễ tang của Dũng Gạc Ma, lần đầu tiên đông đủ anh em đồng đội cựu binh Trường Sa cùng nhau về nghĩa trang thành phố (Hòa Khương, Hòa Vang) - nơi có 7 ngôi mộ gió (mộ không hài cốt) của 7 người lính trong số 64 chiến sĩ đã ngã xuống tại Gạc Ma – Trường Sa ngày 14/3/1988. Đặt vòng hoa, thắp nén nhang cho đồng đội, tất cả anh em cùng ngưỡng vọng đến 64 đồng đội trong niềm xúc động lẫn day dứt. Và càng day dứt hơn khi ngày 14/3 đang đến gần.   Bên mộ đồng đội, anh Phụng nghẹn lòng: “Chỉ mong sao có ngày 64 đồng đội sớm được về với đất mẹ để anh em được nguôi ngoai nỗi lòng”.

Suốt mấy ngày liền lo hậu sự cho Dũng, rồi lo đưa đón anh em ở xa về anh Tấn như gầy hơn. “Dũng an nghỉ bên cha và con trai, cạnh đồng đội là niềm an ủi cho người nằm xuống và cả anh em chúng tôi. Chúng tôi tin rằng, dưới suối vàng Dũng sẽ gặp lại đồng đội, anh em sống cũng cảm thấy mát lòng”, anh Tấn tâm sự. 

Anh Nguyễn Văn Tấn - Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa cho biết: Từ nay đến tháng 3/2018, Ban liên lạc sẽ làm việc với cơ quan ban ngành Đà Nẵng và chính quyền địa phương để sớm lập thêm 2 ngôi mộ còn lại cho đồng đội. “Dù chỉ là mộ gió không hài cốt, nhưng đó là một sự vinh danh, tưởng nhớ xứng đáng và cần thiết cho người đã ngã xuống vì chủ quyền”, anh Tấn xúc động.

MỚI - NÓNG