'Tiễn mặt trời' có 'vấn đề' và...

'Tiễn mặt trời' có 'vấn đề' và...
TP - Tôi công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tây đúng bốn năm rưỡi (Từ 1/5/1998 đến hết 10/2002). Thời gian không dài nhưng cũng được chứng kiến một vài việc đến giờ nghĩ lại thấy… buồn cười.
'Tiễn mặt trời' có 'vấn đề' và... ảnh 1
Từ trái sang phải – Thái Ngọc Linh, Nguyễn Nhưng (nghệ sỹ nhiếp ảnh), Nhà văn Phượng Vũ, ông Đặng Văn Tu (Giám đốc Sở VHTT Hà Tây) (ảnh Đăng Vinh chụp năm 1996)

Thiết nghĩ, nhân ngày 21/6, Ngày Nhà Báo Việt Nam thì viết lại chuyện “bếp núc” của nghề khả dĩ mang lại cái nhìn đúng đắn về những sự việc xảy ra cách đây gần mười năm.

Khi về Văn phòng Hội VHNT (Trực tiếp biên tập văn xuôi và theo dõi phong trào văn xuôi của tỉnh) được làm việc với ông Yên Giang. Trước đây, cái tên Yên Giang đã thân thuộc với tôi qua những trang viết của ông...

Nếu ai gặp ông Yên Giang lần đầu dễ dàng nhận xét ông là một công chức thuần túy và mẫn cán. Vốn là người dễ gần nên hầu như cuối ngày ông bỏ “bàn giấy” xuống tầng dưới ngồi “bù khú” với anh em trước khi về nhà.

Những lúc ấy ông thực sự là một nghệ sỹ, điều mà ông không thể giấu được khi nói về văn chương. Ông kể với chúng tôi về quãng đời cụ Dực (Nguyễn Khắc Dực) cụ Nghĩa, cụ Trần Lê Văn… trong thời gian được… thuyên chuyển từ Hà Nội về đây công tác. Toàn những chuyện cười ra nước mắt của những quan niệm ấu trĩ về VHNT một thời.

Có lẽ nguyên nhân sâu xa của “tính cẩn thận Yên Giang” phần lớn được rút ra từ hệ quả của “chữ nghĩa” trong các tác phẩm và cuộc đời mà các ông (kể trên) thể hiện trong sáng tác của mình. Một người như thế mà cuối đời công tác lại dính vào những chuyện tưởng như ông không bao giờ phạm phải.

Ông Yên Giang xuất bản một tập thơ. Đây là tập thơ đầu tiên và có lẽ là cuối cùng của ông cho đến bây giờ (hơn mười năm qua không thấy có thêm một tập nào). Khi tập trung bản thảo, Yên Giang đưa cho rất nhiều người đọc.

Nhà thơ Tô Thi Vân (TTV) – Hiện nay là Biên tập viên thơ của tạp chí Tản Viên Sơn - là người ông rất tín nhiệm. Bằng chứng là hai người liên tục trao đổi với nhau từng câu, từng chữ….

Hình như còn băn khoăn, Yên Giang đưa bản thảo cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (NQT) – Hiện là Trưởng ban thơ Tuần báo Văn nghệ - đọc. Trả lại bản thảo, NQT góp ý nên lấy ba chữ “Tiễn mặt trời” làm tên tập thơ chứ không nên để dài quá.

Thế là “Tiễn mặt trời trên hồ Đồng Mô” được cắt bớt theo ý nhà thơ NQT, thật là có lý. Ngày ra mắt tập thơ, bạn thơ văn đều mừng cho Yên Giang.

Hay, dở sau hãy bàn, những người yêu thơ đều yên tâm rằng đây là những dòng tâm sự chân thật và đầy tâm huyết của một người “làm văn nghệ” có nhiều năm tháng gắn bó với thăng trầm của Hội VHNT Hà Tây.

Sách in ra chưa ráo mực, chưa có một bài phê bình nào cho xứng đáng với tập thơ thì nghe nói tập thơ: Có… vấn đề! Những người trẻ tuổi như tôi thì nghĩ đơn giản rằng: Làm gì ra “vấn đề” ở tập “Tiễn mặt trời” nhất là trong thời buổi này – những năm cuối cùng của TK XX, lại là “vấn đề” đối với Yên Giang! Thế mà “có vấn đề” thật.

Thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy đồng chí cán bộ Tuyên giáo tỉnh nhã nhặn chào chúng tôi (ở tầng dưới) rồi xin phép lên trên (tầng hai) làm việc với Yên Giang.

Một hôm, sau một buổi “làm việc” như thế, ông Yên Giang vẻ mặt đầy hoang mang, bảo tôi: “Huyến ơi, ông quen biết nhiều bạn bè ở ngoài Hà Nội, ông nói hộ với họ viết cho tôi một bài về tập thơ này”. Thì ra những điều Tô Thi Vân tiên nghiệm và cảnh báo Yên Giang khi đọc bản thảo và cách đặt tên tập thơ đã trở thành sự thật?

Có thể Ban tuyên giáo tỉnh không nhận thấy những xì xào về tập thơ rất bất lợi cho phong trào cũng như không khí sáng tác chung của Hội. Song, tôi được nghe rất nhiều.

Nào là: “Tiễn gì không tiễn, lại đi tiễn mặt trời”! Một người như Yên Giang mà lại… “phạm húy” thông thường thế”. Riêng tôi (từ góc nhìn của một nhà văn) lại nghĩ: Mặt trời, mặt trăng cũng như các vì tinh tú ngàn đời nay vẫn là đối tượng sáng tác của các thi sỹ, nghệ sỹ.

Nhà thơ Yên Giang làm một nghi lễ tiễn mặt trời thật là sang trọng, nếu là ngày cạn cũng là lúc đêm về. Ngày có sự huy hoàng, sán lạn thì đêm cũng thăm thẳm sâu, huyền diệu. Một ý tưởng đầy chất thơ!

Tôi mang tập thơ “Tiễn mặt trời” ra Hà Nội nhờ một số nhà phê bình sẵn sàng viết bài “thanh minh” nếu như có chuyện gì với tập thơ của ông Yên Giang.

Nhận lời ông nhưng tôi lại nghĩ: Có thể ông Yên Giang sợ thật, một nỗi sợ mơ hồ mà ông đã sống, từng chứng kiến đã ám ảnh thế hệ ông một thời...

Trên thực tế tập thơ có gì đâu, chỉ là những tình cảm riêng tư với quê hương, đất nước hoàn toàn lành mạnh… Kết quả, không có một “ý kiến” hay một văn bản gì của các nhà quản lý văn hóa về tập thơ này...

***

Trong quãng đời làm biên tập văn xuôi của tôi ở Hà Tây cũng có một kỷ niệm. Tôi nhận của tác giả Khánh Châm - Một hoạ sỹ, Thư ký toà soạn báo Hà Tây một bản thảo truyện ngắn có tên “Cuộc cờ”.

Biết anh quen anh nhưng khi tiếp xúc với bản thảo tôi đọc như tất cả bản thảo tôi đã nhận. Thấy truyện viết được, tôi làm thủ tục biên tập rất kỹ lưỡng rồi chuyển lên cho lãnh đạo Hội.

Mấy hôm sau, tôi gặp nhà thơ Đặng Hiển (ĐH) (lúc ấy đang là Phó chủ tịch Hội), ông bảo: “Tôi cam đoan với ông rằng truyện ngắn này ông Tu không đăng (Ông Đặng Văn Tu lúc này là Giám đốc Sở VHTT kiêm Chủ tịch Hôi VHNT Hà Tây). Không trả lời ông nhưng tôi nghĩ điều đó có quan trọng gì.

Tôi đã từng nộp bản thảo biên tập theo từng số, song có phải cái nào cũng dùng được đâu. Lại nữa, ông Đặng Văn Tu chịu trách nhiệm chung trong tạp chí, việc in cái gì là quyền của ông ấy, âu cũng là việc dĩ  nhiên… Sợ tôi không hiểu, ông ĐH giải thích: Cái truyện này nhiều hàm ý nội bộ!

Sau khi nhận lại bản thảo, tạp chí Tản Viên Sơn in truyện ngắn “Cuộc cờ” bình thường. Nhân có điều kiện tôi hỏi ông Tu, ông nói: “Có vấn đề gì đâu, truyện tốt mà…”.

Thế rồi trên báo “Người Hà Nội” của Hội VHNT Hà Nội có in truyện ngắn “Hậu sinh khả úy” của nhà văn Phượng Vũ (Lúc này nhà văn Phượng Vũ đã nghỉ chế độ vì hết tuổi công chức, thôi chức danh Giám đốc Sở VHTT kiêm Chủ tịch Hội VHNT Hà Tây. Nhà văn Phượng Vũ về Trung ương Liên hiệp các Hội VHNT, với chức danh Tổng biên Tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ).

Sau khi truyện ngắn này được in ở Hà Nội thì ở Hà Tây rộ lên những lời bàn tán rằng, “Cuộc cờ” là cuộc đấu đá nhau của một số cá nhân trong Sở VHTT. Nghe nói tình cảm của nhà văn Phượng Vũ và ông Đặng Văn Tu không còn nguyên vẹn như trước?

Tôi chưa đọc truyện ngắn “Hậu sinh khả úy” và cũng không có ý định tìm đọc. Bởi, sau khi “Hoa hậu xứ Mường” của nhà văn Phượng Vũ được xuất bản, rồi một loạt tiểu thuyết nữa của ông ra đời nhưng không có cuốn nào vượt được “Hoa hậu xứ Mường”.

Tôi là thế hệ sau, nhưng với tôi từ trong sâu thẳm lòng mình luôn kính trọng Phượng Vũ – một nhà văn đàn anh. Lúc về Văn phòng Hội VHNT Hà Tây thì nhà văn Phượng Vũ đã ra Hà Nội. Năm 1998, tôi có gửi cho tạp chí “Diễn đàn văn nghệ” tuỳ bút “Nỗi niềm đá ong”.

Nhà văn Phượng Vũ cho in ngay, đến tận bây giờ khi nhà văn đã qua đời được gần mười năm, tôi vẫn nhớ lời nhà văn Phượng Vũ nói với ông Đại Minh (Hiện là Phó tổng biên tập t/c Diễn đàn Văn nghệ) về tôi bằng những lời động viên đầy khích lệ.

Một hôm nhân có việc ra Hà Nội, tôi tạt qua t/c Diễn đàn Văn nghệ để chào và cảm ơn nhà văn Phượng Vũ. Lần đầu tiên tiếp xúc, ấn tượng trong tôi về ông là một NHÀ VĂN nhưng cũng đầy bất ngờ khi ông nói với tôi: “Huyến về nói với Hà Tây rằng, tôi còn khoảng mươi cái như “Hậu sinh khả úy”, nếu cứ tiếp tục in những “Cuộc cờ” như vừa rồi”.

Nói xong ông bỏ đi để tôi bàng hoàng như chết đứng trong phòng. Tôi muốn nói với ông rằng, tất cả là do tôi. Tôi hoàn toàn vô tư, tôi có biết chuyện gì đâu. Tôi đưa in cái truyện ngắn đó là vì cuộc đời nói chung đâu chỉ riêng cho Hà Tây.

Tôi “tiểu tốt vô danh” trong con mắt mọi người đã đành, và luôn tự bảo mình đứng ngoài toan tính vụ lợi của người khác. Điều này cũng coi như một quan niệm của tôi về văn chương, về cách sống, nhất là tôi đang cầm bút tập tọng viết lách.

Thông qua truyện ngắn “Cuộc cờ”, tôi coi đó là một lời cảnh báo đầy nhân văn với mỗi cuộc đời nếu không thoát khỏi bi kịch “áo mũ” đầy cám dỗ. Bên cạnh đó còn một điều rất tự ái: Tôi không phải là một người cầm bút nhỏ bé như thế. Nhất định đến một lúc nào đó tôi sẽ nói để nhà văn Phượng Vũ hiểu tôi...

Trong đám tang nhà văn Phượng Vũ, tôi và họạ sỹ Nguyễn Văn Chuốt (Hiện là Thư ký tòa soạn t/c Tản Viên Sơn) là người trực tiếp ghi tên các cơ quan, đoàn thể cũng như bạn bè thân hữu đến viếng. Hơn một trăm năm mươi vòng hoa.

Sở VHTT cùng với Hội VHNT tổ chức tang lễ rất nghiêm trang và trọng thể. Tất cả những công việc bên ngoài cần đến sức lực như khuân hết hoa để lên xe rồi chuyền ra mộ phần nhà văn quá cố là do “quân” của Hội VHNT và Sở VHTT (Chủ yếu là Sở VHTT).

Trong một ngày nóng nực, lòng nhiệt tình của mọi người đến từ hai phía. Một là của những người kính trọng văn tài. Một là của cán bộ công nhân viên Sở VHTT nơi nhà văn đã công tác.

Tất cả đều như muốn nói với nhà văn Phượng Vũ rằng: Tác phẩm và cuộc đời lao động của ông, ông xứng đáng được như thế và chúng tôi đã hành động như thế!

... Hơn mười năm qua đi, ngồi viết lại những dòng này lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động…

MỚI - NÓNG