Tiền nhân nói nhiều điều mới mẻ về Tây Nguyên

Tiền nhân nói nhiều điều mới mẻ về Tây Nguyên
TP - Ngày 30/5/2006, sau hơn 6 tháng miệt mài khai quật gần chục di chỉ khảo cổ ở lòng hồ thủy điện Plei Krông ( Kon Tum), Viện Khảo cổ học đã có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật.
Tiền nhân nói nhiều điều mới mẻ về Tây Nguyên ảnh 1
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum xem hiện vật khảo cổ Plei Krông

Kết quả khảo cổ gợi mở nhiều vấn đề mới về Tây Nguyên.

Hàng vạn hiện vật từ thời đồ đá đến đồ đồng

Lòng hồ thủy điện Plei Krông nằm dọc theo sông Pô Cô xuôi từ Bắc xuống Nam, thượng nguồn di chỉ Lung Leng. Dọc theo dòng sông này trong đường kính hai chục km, các nhà khảo cổ ở Viện Khảo cổ học đã xác định có đến 20 di chỉ.

Vì chạy đua với mực nước lòng hồ Plei Krông sẽ ngập vào tháng 8 này, 6 tháng qua hàng chục giáo sư, tiến sĩ của Viện Khảo cổ ngày đêm bám hiện trường, huy động chục nghìn lượt bộ đội, nhân dân khai quật 9 di chỉ ở Sa Nhơn, Sa Nghĩa (Sa Thầy), Kroong ( thị xã Kon Tum), Đăk Mút, Đắk Phá, Đăk Păk (Đắc Hà), Thôn Ba, Diên Bình (Đăk Tô)... trên diện tích 8000m2.

Địa tầng khảo cổ học ở Plei Krông đều còn nguyên vẹn. Mỗi di chỉ khảo cổ học ở đây có hai hoặc ba mức văn hóa sớm muộn khác nhau. Lớp văn hóa sớm nhất thuộc về thời tiền sử, thời kỳ đồ đá, đồ đồng.

Cả những vết tích văn hóa muộn thời kỳ đồ gốm, sành sứ, đồ sắt. Kết quả lần khai quật lần này: Nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình. Đã phát hiện 127 bếp, 99 mộ táng, 317 lỗ chân cột (970 đồ đá, 5 đồ đồng, 12 đồ sắt, 68 hiện vật gốm và trên 46.000 mảnh gốm) vết tích lò luyện kim, lò nung gốm và hàng vạn hiện vật như bôn, rìu, hòn mài, chày, mũi nhọn, khuyên tai, vòng tay, hạt chuỗi, mảnh gốm, khuôn đúc đồng, rùi đồng....

Tiền nhân cất lời nói mới

Cuộc khai quật lần này với nhiều phát hiện mới, đó là mối quan hệ giữa các di chỉ trong vùng lòng hồ Plei Krông với văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đông Sơn và cách nhìn nhận về tập tục sản xuất, cư trú của cư dân Tây Nguyên.

Theo tiến sĩ Bùi Văn Liêm mối quan hệ của cư dân tiền sử Plei Krông với cư dân văn hóa Sa Huỳnh có sự giao lưu mật thiết qua đồ gốm hình con tiện; với cư dân Đông Sơn qua kỹ thuật luyện kim và đúc đồng.

Tại di chỉ thôn 3 Diên Bình, đoàn khai quật phát hiện rất nhiều mộ táng bằng gốm, mộ rải đá sỏi, mộ xếp đá cuội trong đó mộ xếp đá cuội có nhiều nét tương đồng với di tích làng Vạc-Nghệ An.

Rõ ràng cư dân cổ Tây Nguyên có sự giao lưu và hội nhập tinh hoa văn hóa đặc sắc trong khu vực rộng lớn, thể hiện tính năng động, cởi mở, sáng tạo của họ.

Việc phát hiện ra khuôn đúc đồng đã làm lung lay quan điểm cho rằng, đồ đồng đặc biệt là những bộ cồng chiêng Tây Nguyên được du nhập từ nơi khác về.

Tiến sĩ Trần Quý Thịnh đã phát hiện  có bếp lửa địa tầng dày 20cm. Nhiều di chỉ địa tầng văn hóa từ thời kỳ đá mới đến sơ kỳ kim khí qua đồ đồng, đồ sắt đã phản ánh tính ổn định địa bàn cư trú của cư dân cổ.

Quan điểm cho rằng tập quán cư trú “du canh du cư” của cư dân Tây Nguyên như cách nghĩ lâu nay của chúng ta liệu còn tiếp tục đứng vững?

Đồ gốm tìm thấy trong các di chỉ Plei Krông là nguồn sử liệu quan trọng cho phép tìm hiểu kỹ thuật chế tác đồ gốm, tính thẩm mỹ mối liên kết cộng đồng của cư dân cổ Tây Nguyên.

Gần 50 quan tài gốm đã bó thạch cao và 46.000 mảnh gốm được di dời  khỏi khu vực lòng hồ sẽ là nguồn sử liệu quý.

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.