Tiếng chim kêu thương khắc khoải

Tiếng chim kêu thương khắc khoải
TPCN - Hồi giữa năm ngoái, khi phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo, nhà thơ Đồng Đức Bốn cho biết ông sẽ in Tuyển tập Đồng Đức Bốn, khoảng hơn ngàn trang, như một tài sản thừa kế
Tiếng chim kêu thương khắc khoải ảnh 1
Nhà thơ Đồng Đức Bốn

“Nhà cửa, xe cộ bố có để lại cho các con, cũng không bằng cái này” - Ông nói trong một cuộc họp gia đình. Khi ấy chắc nhiều người không tin. Và hình như đến tận bây giờ vẫn còn có người chưa tin ông đang ốm thật.

Ốm gì mà đi đâu cũng thông báo oang oang cái mồm mình đang mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Ốm gì mà vẫn nói tục vô tư: “A lô, Xuân Ba đấy à, đang ở đâu đấy, Bốn đây, “Bốn lù” đây, rỗi không, qua chơi...”.

Tôi đã nhiều lần được nghe những câu a lô tương tự như thế. Rồi, ốm gì mà lại chuẩn bị in nghìn trang thơ; người khỏe, nguyên chỉ có chuẩn bị bản thảo thôi cũng gẫy lưng ấy chứ...

Ông vốn từng đại ngôn, lại đang đau ốm, giả thử không có sách thì cũng chẳng ai trách. Đó là tâm trạng của tôi và chắc là của không ít những người biết ông.

Đùng một cái, ông gọi điện thoại: “Sách đã in xong, nhưng tôi yếu lắm rồi. Ông qua nhà nghỉ Hoa Hồng cho tôi tặng sách, được không ?”.

Hôm ấy đã là 27 Tết. Đồng Đức Bốn nằm trên giường, thiêm thiếp, có hai phụ nữ và một cô gái trẻ đang thay nhau đấm bóp cho ông.

Mấy tháng trước da dẻ ông hãy còn hồng hào, có điều do truyền nhiều hóa chất, tóc rụng sạch, đầu trọc lông lốc. Bây giờ tóc đã mọc lại, xanh hơn nhưng nom ông bợt bạt đi nhiều, sinh hoạt đã phải có người dìu.

- Đúng hẹn, hơn nghìn trang nhé! Ông xem Bốn làm việc có ghê không? - Đồng Đức Bốn không giấu vẻ khoái chí, vừa ký tặng vừa chăm chú quan sát thái độ của người nhận.

- Bội phục.

Tiếng chim kêu thương khắc khoải ảnh 2

Tôi đỡ cuốn sách, suýt đánh rơi vì nó nặng một cách bất ngờ. Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc - tác phẩm và dư luận, gáy dầy cỡ gần 10 phân, nặng gần 4 cân, bìa cứng bọc nhung mầu huyết dụ, thơ in trên giấy couché 120.

Phần tác phẩm chiếm hơn 500 trang, có 196 bài lục bát và thơ tự do. Phần dư luận cũng chiếm từng ấy trang, 42 bài của bạn bè viết về ông và thơ ông, trong đó có truyện ngắn Đưa sáo sang sông (được coi là mượn nguyên mẫu Đồng Đức Bốn) của Nguyễn Huy Thiệp.

Kèm theo còn có 36 bài hát phổ thơ Đồng Đức Bốn của các nhạc sĩ tên tuổi như Huy Thục, Thuận Yến, Doãn Nho, Tuấn Phương, Đặng Hữu Phúc...

Theo những người thạo việc in ấn thì với số lượng 1.000 bản in, người làm sách phải chi ra không dưới 150 triệu đồng! Và giá bìa của Chim mỏ vàng... cũng không hề thấp: 450.000đ ! Núi sông dễ đổi, bản tính khó thay. Vẫn là một Đồng Đức Bốn ngang, ngông và ngạo nghễ, dám làm những việc khác thường.

Lục bát của ông thì tôi đã đọc nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem một cách hệ thống những bài thơ tự do của thi sĩ đồng quê. Có những bài thích và chưa thích, nhưng đó là thơ.

Dường như thơ tự do của ông hơi bị thiệt thòi khi đặt bên cạnh thơ lục bát. Nó giống những chiếc đèn pha công suất mạnh, nhưng phải đem ra chiếu sáng giữa trưa nắng chang chang.

Chợt nghe ông húng hắng ho, nhăn mặt, trở mình. Một trong hai phụ nữ nói: “Bố cháu đau lắm, phải dùng tới móc-phin rồi”.

Thì ra đó là con gái lớn của ông. Cô gái trẻ có nước da trắng hồng, nụ cười rất tươi là con út, đứa con mà “nếu có phải ra đi thì tôi còn ân hận vì chưa lo xong việc học hành và chồng con cho nó” như Đồng Đức Bốn có lần thổ lộ. Bên cạnh người bố xanh xao, cô mang vẻ đẹp rực rỡ mùa xuân của con gái đất cảng.

Lần chần mãi, hình như vẫn còn điều gì chưa nói ra được. Tết đến nơi, nhà nào cũng bận. Mấy lần tôi định đứng dậy, ông đều giữ “ngồi thêm với bạn dăm phút nữa”.

Ông chép miệng, than: “Ngày Thơ năm nay, không biết mình còn lên được không?”. Tôi chợt nảy ra một ý, vội hỏi: “Anh có muốn gửi Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc đến Ngày Thơ không? Để trưng bày và nếu ai mua thì bán”.

Đồng Đức Bốn nhổm phắt dậy, mặt tươi hẳn: “Có chứ ! Ông định lấy bao nhiêu cuốn?”. Tôi ước lượng: “To và nặng thế này, chỉ cần mươi quyển là đủ”.

- “Tôi đưa hẳn ông 12 quyển. Bán được bao nhiêu, ông cứ giữ lại mà tiêu. Được bày ở đấy là tôi sướng rồi!”.

Chao ôi, con người này thật lạ lùng! Cứ nói đến thơ và cách vinh danh cho nhà thơ là ông quên hết mọi chuyện. Bệnh tật, tử thần đang rình rập, mặc! Cái sự hồn nhiên đau đớn ấy còn đáng trọng và dễ cảm thông hơn nhiều lần thói háo danh được giấu dưới vỏ đạo đức giả.

Tiền thì dĩ nhiên tôi từ chối không nhận, nhưng sự hiện diện của ông tại Ngày Thơ, giá nào cũng phải làm. Trước khi về, tôi chào ông, buột miệng nói theo thói quen: “Lên Hà Nội nhớ gọi nhau nhé!”.

Ông bỗng sầm mặt xuống, như bị xúc phạm, lắc đầu: “Không. Đừng. Bây giờ thì không hẹn trước cái gì cả”. Đây là lần đầu tiên tôi nghe câu nói bi quan thành thực từ ông, và nó cứ ám ảnh tôi bởi những linh cảm không lành.

Ban tổ chức Ngày Thơ đồng ý dành một góc thơ, nơi bày tâm huyết, tình yêu và đam mê lạ lùng của ông với thơ.

Với tôi, nó còn là một lời trăng trối và gửi gắm của ông tới độc giả. Cái tên người làm thơ thì củ mỉ cù mì thật thà một niềm sắp đặt mà thơ thì lãng đãng phiêu du.

Ý tưởng thơ của Đồng Đức Bốn giống như tiếng chim kêu khuất sau đám sương mù một buổi sớm không rõ ngày nào tháng nào... (Phạm Tiến Duật). Trong Chim mỏ vàng...  bài thơ nào cũng có buồn và mất mát.

Chợ buồn đem bán những vui/Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em... Cái đêm lành lạnh gió mùa/Em trong chăn ấm có đùa với ai... Bên nhau sà sã suốt ngày/Vừa đi nửa bước đã đầy nhớ thương v.v... những câu thơ như thế có thể nhặt ra ở bất cứ bài nào. Bên trong cái vỏ vâm váp, bặm trợn, có một con chim mỏ vàng cất lên những tiếng kêu thương khắc khoải.

BTC nhờ tôi hỏi ông, tự chọn một câu thơ (của ông) mà ông thích nhất để đưa vào làm phông trang trí. 8h tối ngày 11 tháng Giêng, tôi gọi nhiều lần vào điện thoại di động của ông, có chuông, nhưng không ai trả lời.

Gọi vào máy để bàn, vợ ông nhấc. Tôi nói ngắn gọn. Đầu dây đằng kia im lặng một lúc lâu rồi mới nghẹn ngào: “Anh Bốn bây giờ không nói chuyện được nữa rồi. Hồi trưa cứ tưởng là anh ấy đi”. Tôi bàng hoàng, chẳng biết nói thêm gì.

Chiều hôm sau tôi lại gọi điện hỏi thăm, cô con gái út thưa máy. “Bố cháu không nói, nhưng vẫn có thể nghe và cầm bút được. Để cháu hỏi bố cháu xem sao, 30 phút nữa chú gọi lại”. Thế là ông vẫn đợi?

Và đây là 2 câu thơ thích nhất mà Đồng Đức Bốn chọn cho mình trong Ngày Thơ năm nay: “Đừng buông giọt mắt xuống sông/Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm”

Đừng buông giọt mắt... Thế thì ông cũng phải cố lên, đừng đầu hàng số phận nhé!

Hà Nội, 13 tháng Giêng, Bính Tuất

Trả bút cho trời

Chăn trâu đốt lửa xong rồi
Thì ta trả bút cho trời làm hoa.

Người đời không hái được ta
Thì em đừng mộng ta là tình nhân.

Ta đánh bạc với quỷ thần
C
ho người chỉ được sống gần ta thôi.

Này ta bảo cho các người
Ta đến chỉ ở với người không lâu

Muốn ta đốt lửa chăn trâu
Thì tìm trong gió những câu thơ buồn

MỚI - NÓNG