Đỉnh dốc và phía bên kia

Tiếng hát truyền hình hết thời?

Tiếng hát truyền hình hết thời?
TP - Có quá nhiều cuộc thi hát trên truyền hình diễn ra liên tiếp, đan xen, chồng chéo trong khi chất lượng lại nhàn nhạt, thí sinh không mới. Các cuộc thi này đang mất dần thế “thượng phong”.

Điểm qua các cuộc thi hát trên truyền hình gần đây sẽ thấy chóng mặt, thậm chí không nhớ nổi: Sao Mai - Điểm hẹn lần 3 (VTV3), Việt Nam Idol, Tiếng ca học đường, Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2008 (truyền hình TPHCM). Còn Truyền hình Hà Nội có Tiếng hát Mùa thu.

Nhớ lại năm 1997, khi Tiếng hát truyền hình toàn quốc của VTV được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, công chúng hưởng ứng thật nồng nhiệt. Cuộc thi phát hiện những giọng hát như Thanh Thúy, Thanh Sử, Hồng Ngọc…

Và lần thứ 2, năm 1999 tiếp tục tìm ra Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh… Tới 2004, khi phiên bản mới Sao Mai - Điểm hẹn cũng 2 năm/lần xuất hiện, tiếp tục phát hiện Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ… lứa sau là Hà Anh Tuấn, Hoàng Hải, Phương Linh, Anh Khoa…

Vài năm gần đây, truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số bùng nổ, các cuộc thi hát trên truyền hình của Hà Nội và TPHCM càng phát triển, những cuộc thi cùng tiêu chí này dần đẩy tiếng hát trên truyền hình vào thế nhàm chán, không còn gây được chú ý.

Mật độ dày đặc, chồng chéo khiến các trường nghệ thuật và những hạt nhân không chuyên không kịp “bồi đắp” đủ nhu cầu cho các nhà đài. Hệ quả là thí sinh nhiều nhưng vào đến chung kết vẫn những gương mặt ấy, sau chung kết dù có giải hay không vẫn “truân chuyên” con đường tìm chỗ đứng trong lòng công chúng.

Ví dụ gần đây nhất, ở Sao Mai - Điểm hẹn 2008 khán giả gặp lại Ngọc Minh, Hải Yến, Thu Hường của những cuộc thi trước. Trong Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2008 đang diễn ra có Nguyễn Ngọc Ánh vốn là thí sinh Việt Nam Idol 2007. Tùng Lâm thì từng đoạt giải Tiếng ca học đường năm trước, anh trở thành một gương mặt xuất hiện quá nhiều trên HTV thời gian này.

Khi xưa chỉ đêm chung kết mới truyền hình trực tiếp, nay thì gần chục buổi, lê thê hàng tháng đều truyền hình trực tiếp, tập trung vào những ngày cuối tuần, khiến sự nhàm chán càng tăng.

Thèm những cuộc thi chuyên nghiệp

Tiếng hát truyền hình hết thời? ảnh 1
Duy Khoa - Một gương mặt của Sao Mai - Điểm hẹn 2008 Ảnh: Đình Thăng

Khi mà các cuộc thi hát trên truyền hình không mang lại “nhựa sống” cho nhu cầu thưởng thức của công chúng, người trẻ sẽ khao khát một cuộc thi đẳng cấp, còn người có tuổi một chút lại hoài cổ, nhớ về những cuộc thi trước thời thi hát trên truyền hình.

Hẳn người yêu nhạc Thủ đô từ thế hệ đầu 8X trở về trước vẫn còn vương vấn với Giọng hát hay Hà Nội.

Dù chỉ là một cuộc thi cấp thành phố song Giọng hát hay Hà Nội mươi năm trước đã đạt tới đẳng cấp chuyên nghiệp khi liên tiếp phát hiện Mỹ Linh, Tấn Minh, Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh...

Giọng hát hay Hà Nội giờ vẫn còn, tiếc là từ khi Tiếng hát truyền hình xuất hiện đã nhấn chìm danh tiếng của cuộc thi này. Lẽ ra trước thế “thượng phong” của truyền hình thì cuộc thi nên tiếp tục thể hiện đẳng cấp bằng chất lượng nghệ thuật hướng tới sự chuyên nghiệp hóa cao, đằng này lại đi theo hướng quần chúng hóa!

Còn một cuộc thi khác thuộc hàng danh giá, đẳng cấp nhất nhưng đã lỗi hẹn hơn chục năm có dư: Cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc. Còn nhớ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc thi này là sự kiện văn hóa lớn, được quan tâm đặc biệt với những Cẩm Vân của Ngôi sao cô đơn, Hoàng Huệ Quân của Cơn mưa em bất chợt…

Hai năm sau đó, năm 1991 cuộc thi tái ngộ với sự góp mặt của Thanh Lam, Hồng Nhung, Thùy Dung, Ngọc Sơn, Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh… Cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc khi ấy bên cạnh chất lượng giọng ca, còn là sự khẳng định một nền ca nhạc nhẹ với một thế hệ tài năng đã bắt đầu có chỗ đứng thực sự.

Trong cơn bão hòa các cuộc thi tiếng hát truyền hình khiến khán giả nhạt nhẽo đến thờ ơ, bỗng lại thấy thèm một hoạt động tầm cỡ dành cho giới chuyên nghiệp như Cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc.

Biết đâu sự trở lại của nó sẽ góp phần định hướng xu hướng âm nhạc cho công chúng. Mặt khác góp phần tôn vinh những giọng ca tài năng được đào tạo bài bản. Và nên tái ngộ theo định kỳ vài năm/lần để có khoảng cách hợp lý giúp phát hiện ra những hạt nhân mới cho làng ca hát.

MỚI - NÓNG