Tiếng nói từ lòng núi

Tiếng nói từ lòng núi
TP - Năm ngoái, tôi cùng một đồng nghiệp đi thực tế ở hầm dẫn nước một công trình thủy điện tại huyện Bảo Lộc, cũng thuộc Lâm Đồng. Các kỹ sư cho biết địa chất ở vùng Tây Nguyên phức tạp và cần tới những công nghệ làm hầm dẫn tiên tiến. 

Trong hầm dường như luôn có nước nhưng vẫn ngột ngạt. “Nữ công nhân không được phép làm việc trong hầm, nhưng do gia đình cùng làm việc với nhau nên họ vẫn mạo hiểm đi cùng chồng, cùng anh, em” – chuyên gia nói. Đường hầm không lớn như hầm đường bộ, chỉ dùng dẫn nước.

Cuộc đời của người công nhân thi công đường hầm thủy điện thật heo hút. Họ thi công xuyên vách núi hoang vu, xung quanh không làng bản. Tất cả lương thực, thực phẩm phải vận chuyển chừng 30 cây số trên dốc đá cheo leo. Các công nhân nói: “Ngay cả bọn lâm tặc cũng không bao giờ tới được đây”. Không thể gọi điện thoại di động, trừ phi trèo lên những đỉnh đồi. “Làm hầm xong, chúng em lại thu dọn những ngôi nhà lá, tiếp tục đi công trình khác” – họ chia sẻ.

Khi vụ sập hầm xảy ra tại Lâm Đồng, cả nước lắng nghe tiếng 12 công nhân nói vọng ra qua những ống sắt. Nước ngập, thiếu không khí. Có thời điểm, nghe giọng người trao đổi qua lại đã lạc hẳn đi. Người ta tưởng chỉ còn tin vào phép nhiệm màu. Ấy vậy mà khi gia đình được đưa đến để động viên tinh thần cho họ, chính công nhân lại động viên ngược ra ngoài rằng mọi người cứ yên tâm nhé, anh em chúng tôi vẫn an toàn, khỏe mạnh, chỉ rét thôi.

Lần đầu tiên những lời nói của công nhân làm hầm thủy điện được mong ngóng như vậy. Từng lời của họ, qua báo chí truyền đi khắp ba miền. Chính những lời nói lúc rõ lúc mờ, mỗi giọng mỗi miền, đã đem lại niềm vui, sự tin tưởng cho bao người khác. Công binh sáng tạo đào được đường hầm sinh tử, giải cứu 12 người nhanh hơn dự kiến 3 ngày.

Kết quả cuộc giải cứu 12 công nhân bị sập hầm thủy điện tại Lâm Đồng tháng 12/2014 đã chứng minh một chân lý, đó là khi xã hội cùng lắng nghe tiếng nói của người dân lao động thì việc gì khó đến mấy cũng sẽ sớm thành công.

MỚI - NÓNG